PEMA CHÖDRÖN
Trích: Khi Mọi Thứ Sụp Đổ, Lời Khuyên Chân Thành Trong Những Thời Điểm Khó Khăn; Nguyên tác: When Things Fall Apart; Người dịch: Quảng Diệu; NXB Hà Nội; Công ty Sách Thái Hà, 2023
Chỉ trong một không gian mở, không phán xét thì chúng ta mới nhận diện được những cảm giác của chính mình. Chỉ trong một không gian mở nơi chúng ta không bị bó buộc trong phiên bản của chính mình về thực tại thì chúng ta mới thấy, nghe và cảm nhận người khác là ai, cho phép bản thân hiện diện cùng họ và giao tiếp với họ một cách đúng mực.
Khi nói về từ bi, chúng ta thường hàm ý làm việc với những người kém may mắn hơn. Vì bản thân có nhiều cơ hội, nền tảng giáo dục và sức khỏe tốt hơn chúng ta cảm thấy nên có lòng từ bi hướng đến những người nghèo khó đang thiếu những thứ đó. Tuy nhiên, khi thực hành những giáo lý về cách thức tỉnh lòng bi mẫn và nỗ lực giúp đỡ người khác, chúng ta có thể dần nhận ra hành động xuất phát từ lòng bi mẫn bao hàm cả làm việc với bản thân mình ở mức độ tương đương như làm việc với người khác. Hành động xuất phát từ lòng bi mẫn là một phương pháp thực hành, một trong những phương pháp thực hành vượt trội nhất. Không có gi vượt trội hơn việc kết nối với những người xung quanh. Không có gì vượt trội hơn việc giao tiếp với người khác – giao tiếp bằng lòng bi mẫn.
Thấu hiểu người khác bằng lòng từ bi là một thách thức. Thật sự giao tiếp bằng trái tim và thật sự có mặt ở đó cùng người khác – con cái, vợ chồng, cha mẹ, khách hàng, bệnh nhân, hay một phụ nữ vô gia cư nào đó trên đường phố – nghĩa là không khép mình với họ, nghĩa là, đầu tiên, không khép mình với chính mình. Điều đó cho phép chúng ta cảm nhận những gì mà chúng ta đang cảm nhận mà không đẩy nó đi. Nó có nghĩa là chấp nhận tất cả những khía cạnh của bản thân, thậm chí những phần mà chúng ta không thích. Để làm được điều này đòi hỏi ta phải không thành kiến – không kiến chấp, điều mà trong Phật giáo đôi khi gọi là tánh không – không cứng nhắc hay bám chấp vào bất cứ điều gì. Chỉ trong một không gian mở, không phán xét thì chúng ta mới nhận diện được những cảm giác của chính mình. Chỉ trong một không gian mở nơi chúng ta không bị bó buộc trong phiên bản của chính mình về thực tại thì chúng ta mới thấy, nghe và cảm nhận người khác là ai, cho phép bản thân hiện diện cùng họ và giao tiếp với họ một cách đúng mực.
Gần đây tôi có nói chuyện với một người đàn ông lớn tuổi sống lang thang đã bốn năm nay. Chẳng ai màng ngó lấy ông. Chẳng ai nói chuyện với ông. Có thể có vài người đến và cho ông ta ít tiền, nhưng chẳng một ai nhìn thẳng vào ông và hỏi thăm ông thế nào. Cái cảm giác ông không tồn tại trong mắt người khác, cái cảm giác lẻ loi và cô độc, rất nặng nề. Ông đã gợi cho tôi nhớ điều cốt lõi của lời nói từ bi và hành động từ bi là có mặt ngay ở đó vì người khác, không lùi lại trong kinh hoàng, sợ hãi hay giận dữ.
Trở nên từ bi là việc làm khá khó. Tắt cả chúng ta đều ở trong các mối quan hệ với ai đó trong cuộc sống của mình, nhưng đặc biệt nếu là những người muốn giúp đỡ người khác – những người mắc ung thư, hay AIDS, phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng, thú vật bị hành hạ, bất cứ ai bị tổn thương – chúng ta sẽ sớm nhận ra người mà chúng ta ra tay giúp đỡ có thể khơi gợi những vấn đề chưa được giải quyết trong chính bản thân mình. Mặc dù chúng ta muốn giúp đỡ, và có thể cũng đã thật sự giúp ích trong vài ngày, hay một hai tháng, sớm muộn gì cũng có ai đó vượt qua những giới hạn chúng ta đặt ra và khiến ta không khỏi phiền lòng. Chúng ta cảm thấy ghét, hoặc sợ hãi, hoặc không thể chịu đựng được những con người đó. Điều này luôn đúng, nếu bạn thật lòng muốn mang lại lợi ích cho người khác. Sớm muộn gì, tất cả những mâu thuẫn không thể giải quyết được trong mình sẽ nổi lên; chúng ta sẽ phải đối diện với chính mình.
Roshi Bernard Glassman là một vị thiền sư đang thực hiện một dự án cho người vô gia cư ở Yonkers, New York. Lần cuối tôi được nghe ông trò chuyện, ông đã nói vài điều khiến tôi phải ngẫm nghĩ: Ông tâm sự thật ra ông làm công việc này không hẳn chỉ để giúp đỡ người khác; ông làm vì cảm thấy khi đi sâu vào phần xã hội mà ông chối bỏ cũng chính là làm việc với những phần trong chính bản thân mình mà ông đã chối bỏ.
Mặc dù đây là suy nghĩ rất bình thường trong Phật giáo, sống theo nó là một điều rất khó. Thậm chí nghe thôi cũng đã khó, rằng thứ chúng ta chối bỏ ngoài kia chính là thứ ta chối bỏ trong chính bản thân mình, và thứ mà ta chối bỏ trong chính bản thân mình lại chính là thứ mà ta chối bỏ ngoài kia. Thế nhưng, điều đó, nói một cách ngắn gọn, lại chính là sự thật. Nếu chúng ta cảm thấy mình hết cách và từ bỏ hy vọng với bản thân, chúng ta cũng sẽ thấy những người khác khó chữa, và không còn hy vọng. Điều mà chúng ta ghét ở chính mình, chúng ta cũng sẽ ghét ở người khác. Cho đến khi nào chúng ta có thể từ bi với chính mình, chúng ta cũng sẽ từ bi với người khác. Phát triển lòng bi mẫn bắt đầu và kết thúc từ việc phát triển lòng bi mẫn trước những phần không mong muốn trong chính bản thân mình, tất cả những điểm không hoàn hảo mà chính chúng ta thậm chí không muốn nhìn vào. Từ bi không phải là một kiểu dự án phát triển bản thân hay lý tưởng mà chúng ta hướng tới.
Có một khẩu hiệu trong các giáo lý Đại thừa nói rằng: “Hãy nhận hết trách nhiệm về mình”, cốt lõi của khẩu hiệu này là: “Khi cảm thấy quá đau đớn, đó chẳng qua chỉ là bởi tôi giữ quá chặt.” Nó không bảo chúng ta hãy tự vả vào mình. Cũng chẳng phải khuyến khích chúng ta tử vì đạo. Điều mà nó ám chỉ là đau khổ đến từ việc bám quá chặt và muốn mọi thứ phải theo ý mình, một trong những lối thoát chính mà chúng ta sử dụng khi cảm thấy không thoải mái hay khi chúng ta nhận ra mình đang trong tình huống không mong đợi hoặc ở nơi không mong muốn, và đó chính là thứ mà chúng ta cần đổ lỗi.
Chúng ta quen với việc dựng lên rào cản gọi là đổ lỗi ngăn trở chúng ta giao tiếp chân thành với người khác, và chúng ta củng cố nó bằng những quan điểm của mình về việc ai đúng ai sai. Chúng ta làm vậy với những người gần gũi nhất với chúng ta, với hệ thống chính trị, với tất cả những điều mà chúng ta không thích trong mối tương quan giữa chúng ta với xã hội. Đổ lỗi cho người khác là một công cụ hoàn hảo, lâu đời và phổ biến mà chúng ta quen sử dụng để cảm thấy tốt hơn. Đổ lỗi là một cách để bảo vệ trái tim mình, cố gắng để bảo vệ một thứ mềm yếu, không được che chắn và mong manh nhạy cảm trong chính chúng ta. Thay vì sở hữu nỗi đau, chúng ta giành giật để tìm cho mình một nơi dễ chịu.
Khẩu hiệu này là một gợi ý hữu ích và thú vị mà chúng ta có thể bắt đầu để thay đổi khuôn mẫu thói quen đã ăn sâu là luôn cố giữ mọi thứ theo ý mình. Cách để bắt đầu là, trước tiên, khi chúng ta cảm thấy xu hướng đổ lỗi, thử cảm nhận cái cảm giác giữ chặt mọi thứ theo ý mình như thế nào. Chúng ta cảm giác như thế nào khi đổ lỗi? Khi chối bỏ? Khi cảm thấy thù ghét? Khi ra sức bảo vệ chính nghĩa?
Trong mỗi chúng ta vốn đầy lòng nhân từ và rất nhiều tình thương. Chạm đến những phần nhạy cảm đó là bước đầu tiên. Đó là ý nghĩa của từ bi. Khi chúng ta ngừng đổ lỗi đủ lâu để cho chính mình một cơ hội cảm nhận điểm nhạy cảm đó trong chúng ta, nó giống như thể chúng ta chạm tới một vết thương lớn nằm ngay bên dưới lớp vỏ bảo vệ của sự đổ lỗi.
Những cụm từ trong Phật giáo như từ bi hay tính không không mang nhiều ý nghĩa cho đến khi nào chúng ta bắt đầu phát triển khả năng vốn có của mình là chỉ hiện diện ở đó cùng nỗi đau với một trái tim rộng mở và sẵn sàng không chọn ngay một điểm đáp cho mình. Chẳng hạn như, nếu cảm giác chúng ta đang trải qua là phẫn nộ, chúng ta thường nghĩ là chỉ có duy nhất hai cách để liên hệ với nó. Một là đổ lỗi cho người khác, đổ hết tất cả cho người khác; nhường hết lỗi lầm cho người khác lãnh. Hai là cảm thấy tội lỗi về cơn phẫn nộ của mình và đổ lỗi cho chính mình.
Đổ lỗi là một cách để chúng ta khẳng định mình. Chúng ta không những chỉ trỏ khi cái gì đó “sai”, mà thậm chí còn muốn làm cho nó “đúng”. Trong bất cứ mối quan hệ nào mà chúng ta dính dáng vào, dù đó là hôn nhân, làm cha làm mẹ, công việc, cộng đồng tôn giáo, hay bất cứ gì khác, nhiều khi chúng ta còn muốn khiến nó “đúng hơn”, vì bản thân thấy hơi lo lắng. Có thể việc nào đó không theo tiêu chuẩn của mình, do đó chúng ta bào chữa và bào chữa và cố gắng khiến nó cực kỳ đúng. Chúng ta biện hộ với mọi người rằng chồng, vợ, hay con cái mình, hay nhóm ủng hộ mình đang làm việc chống đối xã hội vì một lý do tâm linh chính đáng. Hay chúng ta trót đặt lòng tin một vài niềm tin giáo điều nào đó và chúng ta một mực bảo vệ nó, một lần nữa để khẳng định mình. Chúng ta có cảm giác phải khiến mọi thứ đúng theo tiêu chuẩn của mình. Khi một tình huống khiến chúng ta không thể chịu đựng thêm nữa, nó đã vượt quá giới hạn, chúng ta sẽ chứng minh đó là điều không bợp lý vì bản thân nghĩ đó là lựa chọn duy nhất của mình. Chuyện phải là đúng hoặc là sai.
Chúng ta bắt đầu với chính mình. Chúng ta vốn ấn định mình đúng hoặc sai, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, và mỗi năm trôi qua trong cuộc đời. Chúng ta cảm giác mình phải đúng thì mới có thể cảm thấy tốt đẹp. Chúng ta không muốn mình sai vì sợ cảm thấy tồi tệ. Thế nhưng, chúng ta có thể từ bi hơn trước tất cả những đúng sai của bản thân mình. Khi chúng ta cảm thấy đúng, chúng ta có thể nhìn vào nó. Cảm thấy đúng có thể mang lại cảm giác tốt đẹp; cứ cho là chúng ta hoàn toàn chắc mình đúng như thế nào và tất cả mọi người đồng tình với chúng ta ra sao. Nhưng giả như một người nào đó không đồng tình với ta? Thì điều gì xảy ra? Chúng ta có giận dữ và hằn học không? Nếu chúng ta quan sát những thời điểm giận dữ hay hằn học, chúng ta có thể thấy đó chính là nơi những cuộc chiến bắt đầu. Đây là nguồn gốc cho những cuộc bạo loạn: Cảm giác chúng ta phải đúng, cảm thấy bị bỏ rơi, và cần phải tranh đấu bảo vệ lẽ phải khi ai đó phản đối mình. Ngược lại khi chúng ta cảm thấy mình sai, bị thuyết phục rằng mình sai, cảm thấy chắc thực rằng mình sai, chúng ta cũng có thể quan sát nó.
Toàn bộ những xử trí đúng sai khiến chúng ta thu nhỏ thế giới của mình lại. Mong muốn các tình huống và các mối quan hệ phải cố định, vĩnh viễn và nắm bắt được làm che mất cốt lõi của vấn đề là thật ra mọi thứ không có một nền tảng vững chắc, không có gì cố định.
Thay vì áp đặt người khác hoặc đúng hoặc sai, hay đóng khung mình trong khuôn khổ đúng sai, vẫn còn con đường trung đạo, một con đường đầy sức mạnh. Chúng ta có thể coi nó như việc ngồi trên lưỡi dao, không rơi sang phải cũng không rơi sang trái. Trung đạo mang ý không bám quá chặt vào phiên bản của chính mình. Nó mang ý giữ trái tim và tâm mình rộng mở đủ lâu để chơi đùa cùng ý nghĩ rằng khi chúng ta cố thuyết phục chuyện là sai, chúng ta làm điều đó với mong muốn giữ lấy quan điểm hay sự an toàn. Cũng y vậy, khi chúng ta cố thuyết phục chuyện là đúng, chúng ta đang cố gắng giữ lấy quan điểm hay sự an toàn. Trái tim và tâm chúng ta liệu có thể đủ lớn để chỉ treo mình lửng lơ ở trong cái không gian đó nơi chúng ta hoàn toàn không chắc chắn ai đúng và ai sai? Liệu chúng ta có thể bước vào một căn phòng cùng người khác mà không có lịch trình công việc, không biết phải nói gì? Liệu chúng ta có thể nhìn, nghe, và cảm nhận về người khác như đúng con người họ? Đây là phương pháp thực hành rất lợi hại, vì chúng ta sẽ thấy mình liên tục chạy quanh cố gắng để cảm thấy an toàn trở lại – để khiến chính chúng ta hoặc họ hoặc đúng hoặc sai. Thế nhưng giao tiếp chân thực chỉ có thể xảy ra trong không gian rộng mở đó.
Dù đó là chính chúng ta, những người thân yêu, sếp, con cái, hay tình hình chính trị, nó đòi hỏi chúng ta phải liều lĩnh hơn và thực tế hơn để không đẩy ai ra khỏi trái tim mình và không biến bất cứ ai thành kẻ thù. Nếu chúng ta bắt đầu sống giống vậy, chúng ta sẽ phát hiện chúng ta thật sự không còn có thể gán cho bất cứ thứ gì hoặc đúng hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn, vì mọi thứ khó nắm bắt và bỡn cợt hơn nhiều. Tất cả mọi thứ đều mơ hồ; tất cả mọi thứ đều luôn chuyển dời và thay đổi, và có bao nhiêu người liên quan thì có bấy nhiêu cách nhìn khác nhau trên bất cứ một tình huống nào. Cố gắng tìm kiếm những điều tuyệt đối sai hay tuyệt đối đúng chỉ là một trò đùa mà chúng ta tạo ra cho mình để cảm thấy an toàn và dễ chịu.
Điều này dẫn đến một vấn đề lớn hơn ẩn sâu bên dưới dành cho tất cả chúng ta: Vậy thì làm sao chúng ta có thể thay đổi được bất cứ điều gì? Và làm sao để thế giới này bớt đi thay vì nhiều hận thù hơn? Chúng ta có thể đặt vấn đề một cách khác mang tính cá nhân hơn: Làm sao tôi có thể học cách giao tiếp với một người đã tổn thương tôi, hay tổn thương người khác? Làm cách nào tôi có thể nói chuyện với người khác để thực sự mang lại những chuyển biến tích cực? Làm sao để việc giao tiếp tạo được không khí cởi mở hơn và để cả hai đều chạm vào được phần trí tuệ cơ bản mà tất cả chúng ta đều sẵn có? Trong tình huống dễ xảy ra xung đột, làm sao để trò chuyện mà không khiến đôi bên trở nên tức giận và khó chịu hơn? Làm sao để giao tiếp bằng trái tim và giúp vấn đề được giải tỏa? Làm sao để giao tiếp khiến những thứ trông băng giá, bế tắc và khó chịu triền miên trở nên mềm mỏng hơn, và một kiểu cảm thông chia sẻ có thể diễn ra?
Câu trả lời về cách giao tiếp bắt đầu từ việc sẵn sàng cảm nhận những gì chúng ta đang trải qua. Sẵn sàng có một mối quan hệ cảm thông với những khía cạnh khiến chúng ta cảm giác mình không xứng đáng để tồn tại trên thế giới này. Nếu chúng ta sẵn sàng sử dụng phương pháp thiền định để luyện tập chánh niệm không chỉ với những cảm giác dễ chịu, mà còn để quan sát những cảm giác đau đớn trông như thế nào, nếu thậm chí chúng ta thiết tha giữ mình tỉnh giác và đón nhận tất cả những cảm giác của mình, để nhận diện và chấp nhận chúng một cách tốt nhất có thể trong mỗi khoảnh khắc, thì thay đổi tích cực sẽ bắt đầu diễn ra.
Hành động bi mẫn, ở cạnh người khác, có thể hành động và nói chuyện theo đúng nghĩa giao tiếp, bắt đầu từ việc quan sát bản thân khi chúng ta chuẩn bị quy gán chính mình hoặc sai hoặc đúng. Ngay thời điểm đó, chúng ta chỉ cần dừng lại suy ngẫm, rằng thật ra có một lựa chọn khác rộng lớn hơn không rơi vào hai thái cực, một nơi nhạy cảm và bấp bênh hơn mà chúng ta có thể đặt mình vào. Đó là vị trí mà nếu có thể chạm tới, nó sẽ huấn luyện ta trong suốt cuộc đời mình, giúp ta cởi mở hơn trước bất cứ gì chúng ta cảm nhận, cởi mở hơn thay vì thu mình lại. Chúng ta nhận ra khi bắt đầu dấn thân vào phương pháp thực hành này, khi chúng ta bắt đầu cảm thấy hoan hỉ với những khía cạnh của bản thân mà trước đây cảm thấy mình không thể, điều gì đó đang chuyển biến trong ta. Sẽ có những thay đổi vĩnh viễn xảy ra trong bản thân mình. Những khuôn mẫu thói quen trở nên yếu ớt đi, và chúng ta bắt đầu nhìn vào những gương mặt, lắng nghe giọng nói của những người mà chúng ta đang trò chuyện.
Nếu chúng ta bắt đầu chạm đến bất cứ cảm giác nào chúng ta đang trải qua với sự tử tế, những lớp vỏ bảo vệ của chúng ta sẽ dần tan chảy, và chúng ta sẽ thấy những khía cạnh cuộc sống trở nên dễ chịu. Khi chúng ta học cách từ bi với chính mình, vòng tròn từ bi với những thứ và những người chúng ta tiếp xúc – trở nên rộng hơn.