KOSHO UCHIYAMA
Trích: Tâm Trí Mở Lòng Tay; Việt dịch: Văn Nguyễn; NXB. Phương Đông; Công ty CP Sách Thái Hà, 2011
Đôi nét về tác giả
Kosho Uchiyama (1912-1998) là Thiền sư người Nhật. Năm 1937, Ngài tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Triết học phương Tây tại trường Đại học Waseda, được thọ giới vào năm 1941 và trở thành sư trưởng của An Thái Tự (Tokyo) từ năm 1965 đến năm 1975. Uchiyama là tác giả của hơn 20 cuốn sách viết về Phật giáo thiền tông, trong đó có cuốn Tâm trí mở lòng tay. Hiểu biết của Thiền sư về tôn giáo và triết học phương Tây cùng sự tu tập và kiến thức sâu xa của Ngài về Đạo Pháp và Thiền đã mang lại tiếng nói độc đáo cho cuốn sách.
— ??? —
Tôi đã giải thích rằng thực tại đời sống chính là việc sống cho ra đời sống như thể nó là, và rằng ngồi thiền là lề lối thực hành để làm đúng điều đó. Nhưng có cách nào khác để sống ngoài việc sống một cuộc sống như nó là? Dĩ nhiên là không. Dù lối sống của chúng ta ra sao, nó vẫn là thực tại của đời sống, cho nên không có cách sống nào khả dĩ bên ngoài thực tại của đời sống, Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể sống khi đánh mất cái nhìn về thực tại, và vì thế chúng ta khổ đau và khắc khoải về đời sống của chúng ta.
Một ngày kia một phụ nữ trạc tứ tuần đến nói chuyện với tôi. Tâm trí bà vô cùng bất an và bà kể cho tôi nghe chuyện đời mình. Bà yêu thích vẽ tranh và là họa sĩ có tài. Ở tuổi 20, thoạt đầu bà khá thành công. Tranh của bà được trưng bày ở khắp nơi, thường được giải thưởng, và ngay cả giới phê bình cũng ca ngợi bà như một họa sĩ trẻ điêu luyện. Tuy nhiên, sự khởi đầu chói sáng của bà gặp chướng ngại. Ngay khi bà bắt đầu nổi danh, cha mẹ bà bị mất hết sản nghiệp. Nhưng bà vẫn nuôi đam mê về tranh và làm hết sức để phụng dưỡng cha mẹ. Nhiều năm qua đi, cha mẹ bà trở nên già yếu, bà phải mang theo họ đến Tokyo để tiện chăm sóc. Bà miệt mài vẽ nhưng bà không nối danh như mong muốn. Mọi bức tranh bà triển lãm và đặt cả hi vọng vào đó đều không đạt giải thưởng nào. Bà than vãn cho hoàn cảnh không may của mình, bà khóc vì không thể phát triển được tài năng chỉ tại gia đình đã mất hết gia sản.
Tôi hoàn toàn thông cảm với sự bất lực không hoàn thành được mục tiêu của bà nhưng tôi cũng trách cứ bà:
“Bà thật sai lầm khi nghĩ rằng một người tự nhiên phải được thừa hưởng gia sản. Bà đã được học vẽ nhờ sự giàu có của gia đình cho đến quá tuổi 20. Đó là điều bà phải mang ơn. Thế nhưng dù hai mươi mấy năm đã qua, bà vẫn than vãn về sự mất mát trong quá khứ của gia đình. Bà phải nhìn thực tại hiện nay và cất bước với một tự thân hoàn toàn trần trụi, không sở hữu tài sản hay bất cứ thứ gì khác.
Bà còn luôn hoài niệm về những lần tranh của bà đạt giải thưởng và ao ước lại có được những vinh quang đó. Khắc khoải về những việc không diễn ra theo ý mình là bà đang để bị lôi kéo quẩn quanh bởi những ảo tưởng. Bà phải bát đầu với thực tại hiện nay.
Điều căn bản nhất là bà vẽ bởi vì bà thích vẽ, không phải thế sao? Liệu bà có hài lòng với điều đó và với việc có một công việc bán thời gian? Nếu bà có thể sinh sống như thế và vui thích với việc vẽ tranh thì bà có một đời sống giàu có. Đó là điều phải sung sướng dù cho bà có được người ta nhìn nhận hay không.”
“Tôi đã sống đời ngồi thiền trong 30 năm nhưng trong 20 năm đầu tôi hoàn toàn không được mọi người biết đến. Nhưng chính nhờ ngồi thiền, tôi có thể khám phá ra ý nghĩa của đời mình ngay cả trong những hoàn cảnh đó. Trong suốt 10 năm gần đây, những người đồng cảm với tôi đã tới ngồi thiền cùng tôi, nhưng ngay cả bây giờ tôi cũng không có chút ý hướng nào về việc biến sự ngồi thiền thành một hoạt động mưu sinh. Đối với bà, về những bức tranh của bà là đời sống của bà. Lẽ nào việc đó lại chẳng làm nên niềm vui lớn nhất của bà?”. Bà ấy nói bà ấy hoàn toàn hiểu và bước đi với một sinh lực tươi mới.
Chúng ta luôn luôn sống cho ra thực tại đời sống của chính chúng ta, dù cho chúng ta thường đánh mất cái nhìn về thực tại này, bị mắc vào những mộng ảo của quá khứ hoặc trong mối tương giao với kẻ khác. Kết cục chúng ta bị mắc vào những mộng ảo đó khi chúng ta so sánh mình với kẻ khác. Sống như thế, làm sao chúng ta lại không cảm thấy quạnh quẽ và cô đơn, ngập chìm trong sự đố kị với những kẻ quanh ta hoặc bằng một sự đau khổ lớn khác nào chăng?
Một lần tôi đi thăm một vùng quê, từ đằng xa tôi đã nhìn thấy một cánh rừng rậm bên sườn núi và nhận ra mái của một ngôi chùa lớn khuất giữa rừng cây. Tôi hỏi một người dân về ngôi chùa này, ông nói rằng trước đây ngôi chùa vốn lớn hơn nhiều, nhưng nó đã bị cháy rụi và được xây dựng lại với qui mô nhỏ hơn nhiều. Được người nông dân hướng dẫn, tôi leo lên một cầu thang dài bằng đá. Khi leo tới đỉnh núi và nhìn quanh, tôi nhận thấy ngôi chùa chẳng hề nhỏ bé và không có vẻ gì là mới được xây dựng. Tôi bắt đầu thắc mắc về những gì người hướng dẫn vừa nói, và tôi hỏi ông ngôi chùa đúng ra bị cháy khi nào. Ông nói hỏa hoạn xảy ra vào thời đại Kamakura (1185 – 1333). Tôi bật cười bởi giọng nói sầu thảm của ông khiến người ta tưởng rằng ngôi chùa mới bị thiêu rụi gần đây, ắt hẳn trong đời ông. Những người dân làng này đã lưu truyền qua nhiều thế hệ một cảm thức mất mát về một điều đã xảy ra hàng bao trăm năm trước. Sống gần ngôi chùa tuyệt đẹp, đồ sộ này, họ thực sự không thưởng thức nó bởi họ còn mãi than vãn rằng nó không được như trước. Một việc xảy ra 700 năm trước chắc hẳn vẫn còn là một biến cố như vừa xảy ra mới đây đối với nhiều người. Hầu hết các tín ngưỡng khuyến khích tín đồ “nhớ” những sự kiện hay những biến cố đã xảy ra hàng ngàn năm trước như thể chúng mới xảy ra trong đời của họ.
Tất cả những kí ức và huyền thoại này không phải là những trải nghiệm sinh động trong đời hiện tại của chúng ta. Do vậy, nếu chúng ta quá cột buộc mình vào chúng hay mù quáng tin tưởng vào chúng thì chúng ta bị cầm tù bởi chúng.
Chúng ta hẳn sẽ trở nên tinh tấn nếu biết đem những trải nghiệm trong quá khứ vào đời sống của tự thân chúng ta ở nơi đây và lúc này. Thế nhưng, chúng ta cứ để bị mắc kẹt trong những ý nghĩ của mình đến nỗi chúng ta tưởng rằng chỉ những ý nghĩ đó mới có thực và trọn vẹn. Chúng ta không nhận ra rằng điều quan trọng là cần phải sống cho ra thực tại đời sống. Đó là chực chất của sự thực hành tu tập tâm linh chân thực. Ngồi thiền chính là sự thực hành việc sống cho ra thực tại tinh khôi của đời sống.