TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH

DESMOND TUTU

Doulas Carlton Abrams

HH. DALAI LAMA XIV

Trích Hỷ Lạc Từ Tâm Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng Giám Mục Desmond Tutu, và Doulas Carlton Abrams Người dịch: Thảo Yukimoon NXB Đà Nẵng, 2019 Ảnh: Nguồn internet

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA – TỔNG GIÁM MỤC DESMOND TUTU – DOULAS CARLTON ABRAMS

🍂📙🍂

“Quá nhiều suy nghĩ vị kỷ là nguồn gốc của đau khổ. Tâm từ bi hướng về người khác là nguồn gốc của hạnh phúc? _ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói điều này ngay từ những ngày đầu tiên.

Bây giờ thì Ngài đang xoa xoa hai bàn tay vào nhau khi thấy rằng chúng tôi bắt đầu trở lại với chủ đề của lòng từ bi: “Trên hành trình này, trong suốt ba nghìn năm qua, các truyền thống tôn giáo khác nhau đã phát triển. Tất cả những truyền thống này đều mang cùng một thông điệp: thông điệp của tình yêu thương. Vì vậy, mục đích của những truyền thống khác nhau này là để thúc đẩy và củng cố giá trị của tình yêu thương, tâm từ bi. Vì vậy, tuy phương thuốc có khác nhau, nhưng cùng một mục đích: để chữa trị nỗi khổ đau, bệnh tật của chúng ta, Như chúng ta cũng đã nói đến điều này, ngay cả các nhà khoa học hiện nay cũng nói rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi?”

Cả Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục đều nhấn mạnh rằng lòng trắc ẩn đối với người khác là theo bản năng và đó là vì chúng ta được lập trình để kết nối và quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên, như Ngài Tổng Giám Mục cũng đã giải thích trước đó: “Việc này cần có thời gian. Chúng ta đang trong quá trình trưởng thành và học hỏi cách làm sao để từ bi, làm thế nào để chăm sóc, làm thế nào để có nhân tính vẹn toàn.” Đức Phật có dạy rằng: “Có phẩm chất nào mà nếu bạn có được nó thì sẽ có tất cả các đức hạnh còn lại? Đó là lòng từ bi”.

Thật đáng dành thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của không từ bi, vì đó là một thuật ngữ thường bị hiểu lầm. Jinpa, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đã lập nên lớp Trưởng dưỡng Tâm từ bi tại Trung tâm nghiên cứu và giáo dục lòng trắc ẩn và lòng vị tha Đại học Y khoa Stanford. Trong cuốn sách tuyệt vời của anh có tên A Feaeless Heart” How the Courage to Be Compassionate Can Transform Our Lives, anh đã giải thích: “Từ bi là cảm giác lo lắng, quan tâm phát sinh khi chúng ta đối diện với nỗi khổ đau của người khác, và cảm thấy thôi thúc muốn nhìn thấy sự đau khổ của họ được giải trừ”. Anh còn nói thêm: “Tâm từ bi là thứ kết nối cảm giác đồng cảm với những hành động tử tế, sự rộng lượng và những biểu hiện khác của khuynh hướng vị tha”. Chữ “từ bi” trong bản Kinh Thánh tiếng Hebrew là rachamim, xuất phát từ chữ gốc là rechem – tử cung. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thường nói rằng chính từ sự nuôi dưỡng người mẹ mà chúng ta học được lòng từ bi. Ngài cũng nói rằng mẹ của Ngài là người thầy đầu tiên dạy cho Ngài về lòng từ bi. Chính từ việc chúng ta được nuôi dưỡng, rồi đến lượt chúng ta nuôi dưỡng con cái của mình, chúng ta khám phá ra bản chất của lòng từ bi. Từ bi là mở rộng bản năng làm mẹ này theo nhiều cách, điều này rất quan trọng đối với sự tồn tại của loài người chúng ta.

Đức Đạt Lai Lạt Ma kể thêm một câu chuyện khác về một chuyến bay đêm từ Nhật Bản đến San Francisco. Ngồi sát bên Ngài là một cặp vợ chồng có hai đứa con: một cậu bé khoảng ba tuổi rất hiếu động và một em bé sơ sinh. Lúc đầu, có vẻ như người cha cũng giúp trông nom những đứa trẻ, anh ta thường đi theo con mình trong khi đứa trẻ cứ chạy qua chạy lại ở các lối đi. Đến nửa đêm, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn sang và thấy rằng người cha đã ngủ say, chỉ còn người mẹ đang cố gắng tự mình chăm sóc hai đứa trẻ mệt mỏi và quấy khóc.

“Tôi đã suy nghĩ về điều đó, và tôi nghĩ mình sẽ không có được sự kiên nhẫn như vậy”. – Lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi lại một chủ đề mà tôi đã thảo luận với khá nhiều bậc cha mẹ và những người đi tìm đạo: Có lẽ phải mất nhiều năm tu hành trong các tu viện mới có thể sánh được với sự tăng trưởng tâm linh của một người sau một đêm thức trắng bên cạnh một đứa trẻ bị bệnh.

Lòng từ bi thực sự là một kỹ năng có thể trau dồi, song song với việc ta mang theo bên mình “hạt giống của lòng từ bi” – như lời Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi sự nuôi dưỡng của người khác dành cho chúng ta. Đó là điều mà chúng ta có thể học tập để phát triển, và sau đó sử dụng để mở rộng vòng tròn quan tâm của chúng ta ra ngoài phạm vi gia đình thân thiết, hướng đến với những người khác nữa. Nó giúp ích cho mỗi người trong việc nhận thức về lòng nhân ái của nhân loại.

“Thưa Ngài Tổng Giám Mục và Đức Pháp Vương, trong suốt một tuần nay, các Ngài đã nói rất nhiều về lòng từ bi, đến nỗi mà con nghĩ rằng chúng ta có lẽ cần phải đổi tên cuốn sách của các Ngài thành The Book of Compassion – Quyển sách về lòng từ bi. Trong phần này, con hy vọng chúng ta có thể khám phá lòng từ bi một cách sâu sắc hơn nữa. Dù tất cả mọi người đều đồng ý rằng từ bi là một mục tiêu xứng đáng, nhưng thật khó để cho nhiều người có thể thấu hiểu hoặc đưa vào thực hành. Từ bi hay lòng thương xót, như chúng ta đã nói, có nghĩa đen là “đồng hành với khổ đau”. Thế thì Ngài sẽ nói gì với những người có quan niệm rằng: “Tôi đã có đủ vấn đề của riêng tôi rồi. Tại sao tôi phải lo lắng về việc trở nên từ bi hơn và nghĩ về những người đang đau khổ khác?”.

“Như chúng ta thảo luận,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu, – “chúng ta là loài động vật có tính xã hội. Ngay cả đối với các vị vua, nữ hoàng hay các nhà lãnh đạo tâm linh, sự sống của họ cũng phụ thuộc vào cộng đồng. Vì vậy, nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc và gặp ít vấn đề hơn, bạn phải phát triển một mối quan tâm chân thành đối với hạnh phúc của người khác. Thế nên khi thấy ai đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn hoặc một hoàn cảnh khốn khổ, thì sau đó tự nhiên bạn sẽ có một cảm giác quan tâm đến sự hạnh phúc an vui của họ. Và nếu như có khả năng giúp đỡ thì bạn hãy giúp đỡ. Nếu không có khả năng để giúp đỡ, bạn cũng có thể cầu nguyện hoặc chúc lành cho họ.

Tương tự chúng ta, các loài vật khác cũng có mối quan tâm lẫn nhau. Tôi nghĩ hôm trước tôi đã nhắc đến việc các nhà khoa học phát triển ra khi có hai con chuột ở cùng nhau, nếu một con bị thương thì sẽ được con kia liếm; và con chuột được liếm sẽ lành lại nhanh hơn nhiều so với con chuột phải sống một mình.

Sự quan tâm đối với người khác như thế là một điều rất quý giá. Con người chúng ta có một bộ não đặc biệt, nhưng bộ não này lại gây ra rất nhiều đau khổ bởi vì nó luôn luôn nghĩ về tôi, tôi, tôi, tôi. Bạn càng nhiều thời gian nghĩ về bản thân thì bạn sẽ càng trải qua nhiều đau khổ. Điều đáng kinh ngạc là khi chúng ta nghĩ đến việc giảm bớt những đau khổ cho người khác thì sự đau khổ của chúng ta cũng giảm đi. Đây là bí mật thực sự của hạnh phúc, là một điều rất thiết thực. Trên thực tế, đó là lẽ thường.

“Vậy con chuột liếm cho con chuột bị thương kia cũng sẽ hưởng được lợi ích chứ ạ?” – Tôi hỏi.

Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma nói bằng tiếng Tây Tạng để nhờ Jinpa dịch lại: “Người ta có thể chỉ ra bằng con chuột đó còn được nhiều lợi ích hơn cả con chuột bị thương, nó cũng có một tâm trạng bình tĩnh hơn”.

Ngài Tổng Giám Mục chỉ cười trước các câu thảo luận này bởi với Ngài điều đó đã rất rõ ràng: lòng nhân ái là điều cốt lõi trong chúng ta. “Một trong những cách để thấy bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người từ bi là hãy nhìn vào thực tế: chúng ta luôn thấy ngưỡng mộ những người từ bi. Bạn biết đấy, hiếm có ai ngưỡng mộ một người đầy lòng hận thù.

Tại sao mọi người lại đến nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng? Phần lớn là vì con người mà Ngài ấy. Một tầm vóc đã được tạo ra bởi sự quan tâm của Ngài đối với những người khác, ngay cả trong nỗi đau khổ của chính Ngài ấy – nỗi đau khổ khi phải sống lưu vong.”

Tuy nhiên, thưa Ngài Tổng Giám Mục, câu hỏi của nhiều người là họ có quá nhiều vấn đề của riêng họ. Họ có thể ngưỡng mộ cả hai Ngài và nói: “Ồ, thật tuyệt vời, họ là những vị thầy vô cùng thánh thiện. Nhưng tôi còn phải nuôi con”, “Tôi còn phải lo công việc của mình” hay là “Tôi không có đủ tiền”. Hoặc họ nói “Nếu tôi từ bi thì người khác sẽ lợi dụng tôi, bởi vì đây là một thế giới mạnh được yếu thua”. Vậy tại sao lòng từ bi có mặt được trong những lợi ích cá nhân của họ, làm sao nó giúp ích được cho những mục tiêu còn lại trong cuộc đời của họ?”

“Vâng, tôi rất hy vọng họ sẽ thử nó một lần, bởi vì rất khó khi chỉ nói ở trên mặt lý thuyết. Đó là một việc mà bạn phải thật sự làm trong đời thực đã. Hãy thử tỏ ra tử tế khi bạn đi bộ trên đường và nói lời chào buổi sáng với những người mà bạn đi ngang qua, hoặc chỉ cần mỉm cười nếu bạn không thích mở lời. Tôi đặt cược cho bạn đến đồng đô la cuối cùng của tôi, rằng trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi thì tính vị kỷ này – một thói vị kỷ xấu xí – sẽ tan đi. Điều này đúng với tất cả. Tại sao nó lại có tác dụng ngay khi bạn thử làm? Bởi chúng ta thực sự được lập trình để quan tâm, chăm sóc cho người khác. Và khi chúng ta đi ngược lại quy luật cơ bản của bản chất trong ta, thì dù muốn hay không, nó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho chính chúng ta.

Khi bạn nói, “Tôi, tôi, tôi, tôi, tôi” thì như Đức Pháp Vương đã chỉ ra, bạn sẽ gặp phải thất bại nặng nề. Nhưng khi bạn nói: “Tôi có thể làm gì giúp đỡ người khác?” ngay cả giữa lúc bạn đang chịu thống khổ sâu sắc, thì sẽ xuất hiện phép màu làm thay đổi những khổ đau của bạn. Khổ đau có thể không hoàn toàn mất đi, nhưng nó trở nên có thể chịu đựng được, tốt hơn nhiều so với lúc mà bạn biết nói “tôi thật đáng thương”, khi mà bạn chỉ biết nghĩ về bản thân mình.

Khi chuông cửa reo lên và bạn ra mở cửa, thì với tư cách là một người Cơ Đốc giáo, tôi sẽ làm dấu thánh cho bất kỳ ai đang ở đó, điều này chỉ để nói rằng họ được ban phước. Họ có thể không cần bất cứ điều gì. Nhưng cũng có thể là họ cần. Và khi có người cần giúp đỡ thì cũng có nghĩa là bạn đang trong quá trình được giúp đỡ để buông bỏ tâm vị kỷ. Như bạn thấy, lòng trắc ẩn là vô cùng cần thiết. Nó giống như oxy vậy.”

“Ngài nói vô cùng chính xác” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. – “Suy nghĩ về tôi, tôi, tôi sẽ tự động mang đến nỗi sợ hãi, cảm giác bất an và nỗi nghi ngờ. Một con người như vậy sẽ không bao giờ là người hạnh phúc được. Và khi cuộc đời của người đó kết thúc, hàng xóm của họ sẽ rất vui bằng một người như thế đã ra đi. Phải không ạ?”

“Ngài nói rất đúng, vâng.” – Đức Tổng Giám Mục nói.

“Nếu bạn chăm sóc người khác, đặc biệt là những người đang cần được chăm sóc, thì khi bạn gặp khó khăn, sẽ có rất nhiều người để giúp đỡ bạn. Rồi đến lúc bạn ra đi, nhiều người sẽ cảm thấy rằng họ đã thực sự mất đi một người rất tuyệt vời trong đời họ. Vì vậy, đó chỉ là lẽ thường tình.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận, chỉ vào trán mình.

“Và tôi còn muốn nói điều này”. – Đức Đạt Lai Lạt Ma thêm vào, Ngài say sưa với chủ đề này và muốn thuyết phục những người hoài nghi. – “Bạn có thể thấy rằng ngay cả với những người có tất cả quyền lực nhưng thiếu đi lòng từ bi, người chỉ nghĩ về việc kiểm soát, thì họ không bao giờ có thể hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng vào ban đêm họ chẳng thể nào có giấc ngủ ngon. Họ luôn có nỗi sợ hãi. Nhiều nhà độc tài mỗi đêm phải ngủ ở một nơi khác nhau. Điều tạo ra nỗi sợ hãi đó không gì khác hơn là cách suy nghĩ của chính họ, tâm thức của chính họ!

Khuôn mặt của Ngài Mahatma Gandhi luôn luôn mỉm cười. Và ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ rằng Nelson Mandela cũng vậy; bởi vì Ngài ấy đi theo con đường bất bạo động, và vì Ngài ấy không bị ám ảnh bởi quyền lực, nên mới có hàng triệu người nhớ đến Ngài. Nếu như một kẻ nào đó trở thành một nhà độc tài, thì sẽ chẳng có ai thương tiếc trước cái chết của họ. Và đó là quan điểm của tôi. Khá đơn giản.”

Tôi thúc giục Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục một cách rất tích cực vì tôi không muốn lòng từ bi chỉ gói gọn ở trong vương quốc cao cả của các vị thánh và các vị lạt ma. Tôi biết các Ngài đang khuyên dạy rằng đó là một trụ cột an vui cho phần còn lại trong số chúng ta, và tôi muốn hiểu tại sao nó lại khó thực hiện trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta đến thế. “Nhưng thưa các Ngài, những người hoài nghi tương tự cũng có thê nói: “Nếu lòng từ bi là bản tính tự nhiên, là gốc rễ đạo đức của tất cả các tôn giáo và trong suốt hàng ngàn năm qua, người ta đã thuyết giảng và giáo dục về lòng từ bi, vậy thì tại sao lại có sự thiếu thốn lòng từ bi đến thế trong thế giới này?”.

“Bản chất thực sự của con người chúng ta đã bị bóp méo,” – Đức Tổng Giám Mục bắt đầu. – “Ý tôi là, chúng ta thực sự là tạo vật phi thường. Trong quan điểm tôn giáo của mình, tôi được tạo ra dưới hình ảnh của Đức Chúa Trời. Tôi là một đại diện của Chúa. Điều đó mới tuyệt vời làm sao. Tôi phải trưởng thành với những đức tính giống như Chúa, đó là chăm lo cho người khác. Tôi biết rằng mỗi lần tôi hành động theo lòng từ bi, thi tôi lại được trải nghiệm một niềm an vui trong chính mình mà tôi không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Và ngay cả những người hoài nghi cũng sẽ phải thừa nhận rằng đó là cách mà chúng ta được thiết lập. Chúng ta được thiết lập bản chất vị tha – vì người khác. Chúng ta sẽ héo hon nếu không có người khác. Đó thực sự là một vinh dự cho chúng ta. Khi bạn nói: “Tôi sẽ chỉ quan tâm đến tôi thôi”, thì thật lạ rằng cái tôi đó sẽ ngày càng co cụm lại và ngày càng nhỏ hơn, nhỏ hơn. Rồi bạn cũng thấy sự mãn nguyện và niềm an vui sao mà càng ngày càng trở nên khó nắm bắt. Sau đó, bạn muốn nắm giữ và thử làm việc này hay việc kia, nhưng cuối cùng bạn cũng không thể tìm được sự hài lòng.”

🍂📙🍂

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả DESMOND TUTU

  1. HỶ LẠC TỪ TÂM – ĐẠI HỶ LẠC
  2. LÒNG GHEN TỴ: SỰ SO SÁNH MANG ĐẾN ĐAU KHỔ
  3. SỢ HÃI, CĂNG THẲNG VÀ LO ÂU: TÔI ĐÃ TỪNG RẤT LO SỢ

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  3. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP