THIỀN ĐỊNH ĐỂ TĂNG TRƯỞNG CÁ NHÂN VÀ THÚC ĐẨY TINH THẦN

EDWARD HOFFMAN – WILLIAM C. COMPTON

Trích: Tâm Lý Học Tích Cực; 1980Books dịch; NXB Lao Động.

Đối với hoạt động này, chúng tôi muốn bạn thử bước vào một trạng thái ý thức khác, được gọi là thiền định. Những nghiên cứu về thiền cho thấy hoạt động thiền có thể giúp tăng trưởng nhiều phẩm chất liên quan đến sự phát triển nhân cách tối ưu, như tính chân thực, trí tuệ, tự khẳng định mình và tự tôn bản ngã. Trên thực tế, những nhà lý luận nhân cách hàng đầu như Erich Fromm đặc biệt khuyên bạn nên thiền như một thói quen để có thể thúc đẩy sự phát triển nhân cách tích cực. Dưới đây là những hướng dẫn về thiền của chúng tôi. Hãy cố gắng thiền 20 phút mỗi ngày, và thiên ít nhất năm lần trong tuần tới.

Chúc bạn may mắn!

Thiền có thể được phân thành hai loại: thiền tập trung và thiền tuệ. Chúng ta sẽ sử dụng thiền chánh niệm như một ví dụ về thiền tuệ. Trong thiền tập trung, bạn chọn một đối tượng làm tâm điểm chú ý (ví dụ: một cây nến, một biểu tượng, một câu hỏi, hơi thở của bạn, một từ…) và bạn cố gắng duy trì tập trung chú ý liên tục vào đối tượng đó. Đối tượng được chú ý và sự chú ý của bạn không thay đổi. Trong thiền chánh niệm, bạn tập trung chú ý vào việc trải nghiệm từng khoảnh khắc xuất hiện và biến mất trong ý thức. Sự chú ý của bạn vẫn không đổi, nhưng trọng tâm sự chú ý của bạn thay đổi theo dòng chảy của những trải nghiệm tức thời của bạn.

Để bắt đầu thiền, hãy tìm một nơi tương đối yên tĩnh trong 20 phút tiếp theo. Ngồi trên ghế hoặc trên đệm và giữ thẳng lưng (nếu bạn ngồi thõng xuống, bạn sẽ khó thở đúng). Tiếp theo, đặt hai tay lên gối, tập trung tầm nhìn trong khoảng 0,6 mét đến 1 mét phía trước mặt bạn và nhắm hờ mắt (một số người nhắm mắt hoàn toàn). Bây giờ, tập trung sự chú ý vào hơi thở của bạn trong một hoặc hai phút để tập trung vào chính mình. Bạn không phải điều chỉnh hơi thở, chỉ cần quan sát nó.

Với thiền tập trung, những người thiền thường bắt đầu bằng việc đếm hơi thở của họ từ 1 đến 10 và sau đó lặp lại một lần nữa. Nếu bạn lỡ nhịp đếm, chỉ cần nhận ra điều đó và quay lại đếm từ 1 đến 10. Sau khoảng hai hoặc ba phút, hãy tập trung vào đối tượng thiền của bạn (ví dụ: một ngọn nến, một hình – một từ hoặc tiếp tục tập trung sự chú ý vào hơi thở của bạn). Mỗi khi bạn bị mất tập trung bởi những ý nghĩ, chỉ cần nhẹ nhàng tập trung trở lại.

Thiền không phải là một cuộc thi. Hãy chấp nhận rằng sự phân tâm là không thể tránh khỏi, đồng thời kiên trì quay về sự tập trung ban đầu của bạn.

Nếu bạn muốn, bạn có thể tham gia vào các buổi “cầu nguyện tập trung”. Những hướng dẫn mà Đức cha Thomas Keating đưa ra cho việc cầu nguyện tập trung gần giống hệt với những chỉ dẫn về thiền. Sự khác biệt chính là Đức cha Keating hướng đến việc “hãy vào cõi tĩnh lặng để gặp Thiên Chúa”. Nếu bạn thử cầu nguyện tập trung, hãy làm theo hướng dẫn về sự tập trung khi thiền và với mỗi hơi thở, hãy tự lặp lại một từ nào đó, như hòa bình, tình yêu, hoặc Thiên Chúa.

Nếu bạn đang thực hiện thiền chánh niệm, hãy chú ý đến hơi thở của bạn, nhưng không cần phải đếm. Mỗi khi bạn bị mất tập trung vào hơi thở, chỉ cần cố gắng lờ đi những cản trở (ví dụ, lờ đi ý nghĩ, việc đau lưng, sự chán nản) và cho phép chúng mất dần đi khi bạn từ từ chú ý trở lại với hơi thở của mình, sau đó tập trung vào những trải nghiệm thay đổi ở thời điểm này. Bí quyết thực sự lúc này là tập trung, đồng thời vẫn để cho những suy nghĩ và cảm xúc lướt qua nhận thức của bạn. Bạn cần tìm sự cân bằng phù hợp giữa việc tập trung sự chú ý và việc nhận thức các trải nghiệm. Thiền chánh niệm có thể khó khăn hơn bạn nghĩ. Tuy nhiên, những khó khăn này không có nghĩa là bạn đang làm sai. Bạn chỉ cần nhận biết những suy nghĩ gây mất tập trung, cảm xúc thay đổi và các cảm giác khác, và hướng sự chú ý của bạn trở lại với những trải nghiệm tại thời điểm hiện tại.

Trong nhật ký, hãy viết về những gì đã xảy ra. Bạn đã học được điều gì? Bạn đã mở rộng được tiềm năng của mình chưa, cho dù chỉ rất ít? Ít ỏi cũng không sao hết. Không phải ai cũng thích hoạt động thiền, và như vậy cũng không sao cả. Chỉ cần viết về những gì đã xảy ra và nhận xét về trải nghiệm của bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN TẬP VỀ THƯƠNG YÊU
  2. ĐỌC SÁCH: THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

Bài viết khác của tác giả

  1. CẢM XÚC TIÊU CỰC VÀ HẠNH PHÚC
  2. THA THỨ

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI