ĐỌC SÁCH: THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

SƯU TẦM

Tác giả: EUGEN HERRIGEL
Biên dịch: Nguyễn Tường Bách.
NXB Trẻ, In Lần I Năm 2001 – NXB Thời Đại, In Lần II Năm 2013

Eugen Herrigel là một giáo sư ngành triết học, tại Heidelberg. Năm 1924 đến năm 1929 ông được mời giảng dạy tại Đại học Hoàng gia Sendia ở Nhật Bản. Chính tại đất nước này nơi có những “vị Thiền sư với những kinh nghiệm đáng khâm phục trong việc hướng dẫn tâm linh”(trang 25), Eugen Herrigel đã bỏ ra sáu năm để theo đuổi môn nghệ thuật bắn cung với một vị thầy để tìm hiểu thêm về Thiền. Quyển sách “Thiền trong nghệ thuật bắn cung” được dịch ra 13 thứ tiếng, bản dịch Việt ngữ này dựa trên bản in lần thứ 38 của nguyên bản tiếng Đức. Eugen Herrigel đã kể lại quá trình ông học cùng vị thầy của mình và làm thế nào ông có thể vượt qua được “bức tường” suy luận mà một nhà triết học hay gặp phải để đến được với “trực giác bát nhã – trực giác này làm công việc tóm gọn tức khắc cái toàn thể và cái riêng lẽ của vạn sự” (trang 10). Điều quan trọng quyển sách đã chứng minh được “ Thiền và thuật bắn cung hay các nghệ thuật khác như kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo…có mối liên hệ với nhau vì Thiền không bao giờ quay lưng với cuộc sống hàng ngày” (trang 10-11) mà Thiền sư D. T. Suzuki đã nhắc đến trong lời giới thiệu về quyển sách.

Eugen Herrigel đã bắt đầu câu chuyện của mình khi giải thích cho chúng ta hiểu thêm về nghệ thuật bắn cung Nhật Bản và Thiền tông Phật giáo. “Nghệ thuật bắn cung không đơn thuần là một kỹ xảo thể thao mà người ta có thể luyện tập, mà là một khả năng bắt nguồn từ công phu trau dồi tâm linh, với mục đích là bắn trúng trên phương diện tâm thức: Cơ bản là người xạ thủ nhắm bắn chính mình và rất có thể đạt được kết quả là bắn trúng chính mình.”(trang 14). Và theo như lời của các đạo sư bắn cung của mọi thời đại, cánh cửa “đại pháp của môn bắn cung chỉ mở cho những ai có một trái tim thanh tịnh, vắng bóng những mưu toan nhỏ nhặt” (trang 15). Còn Thiền tông Nhật Bản hay gọi là Zen “trong đó sự suy luận không có vai trò, mà lại là một sự chứng thực trực tiếp về cái nguồn gốc của mọi sự mà tư duy không nắm bắt được… nhờ phương pháp tĩnh lặng nội tâm mà chúng dẫn đến nguồn gốc sâu xa nhất của tâm thức, đến một cái vô thủy vô chung không thể gọi tên… hơn thế nữa: ta cùng đồng nhất với nó.” (trang 16- 17).

Vậy đâu là mối tương quan giữa Thiền và nghệ thuật bắn cung? Câu trả lời được Eugen Herrigel khéo léo truyền tải đến chúng ta qua những khó khăn trong lúc đầu ông làm quen, luyện tập hằng ngày, với môn bắn cung và “sau đó là chỗ Thiền là hơi thở của mình” (trang 22).

Eugen Herrigel đến Nhật Bản và chưa làm quen bao nhiêu với môi trường mới thì ông đã chọn cho mình môn nghệ thuật bắn cung để đến gần hơn với Thiền “Nghệ thuật bắn cung xem ra thích hợp hơn vì… tôi có nhiều kinh nghiệm bắn súng.”(trang 25) Nhờ giáo sư luật Sozo Komachiya – một đồng nghiệp của ông trong trường đại học mà Eugen Herrigel đã được một đại sư nổi tiếng Kenzo Awa nhận làm học trò. Con đường đi đến cánh cửa “đại pháp” của Eugen Herrigel chính thức bắt đầu.

Trong buổi học đầu tiên Eugen Herrigel đã được vị thầy giới thiệu về chiếc cung Nhật Bản “ vật liệu để chế tạo nó, tre và sức căng phi thường của nó…hình dạng quý phái sang trọng của chiếc cung dài gần hai mét. Đó là lúc chiếc cung đã được căng bức sẵn sàng được sử dụng… khi dây đã kéo tới mức mà cung cho phép thì cây cung tự đồng hóa chính mình trong cái ‘toàn thể’” (trang 27). Rồi sau đó vị thầy chỉ cho Eugen Herrigel cách kéo dây và giương cung. “Khi kéo dây ông không được lấy hết sức mạnh của thân người mình mà phải học làm sao chỉ để cho hai bàn tay làm việc,…Chỉ khi ông làm được như vậy…hành động giương cung và bắn tên mới trở thành tâm linh.” (trang 28). Một tuần trôi qua nhưng Eugen Herrigel vẫn “không thể giương cung…vì ông thở không đúng. Sau khi hít vào, ông hãy nén hơi thở xuống dưới, làm sao cho thành bụng ông căng lên và giữ yên như thế một lúc. Sau đó ông thở ra càng chậm, càng đều càng tốt, sau khi nghỉ một chút, hít nhanh khí vào lại – hít thở như thế đều đều… ông sẽ khám phá nguồn gốc của mọi sức mạnh tâm linh…nguồn suối này sẽ tuôn chảy phong phú hơn, càng dễ thẩm thấu vào các cơ của ông hơn nếu ông để chúng thư dãn.” (trang 29 -30) đó là cách hướng dẫn hơi thở của vị đạo sư với Eugen Herrigel và ông đã “buông rơi mình trong hơi thở, đến nỗi có lúc có cảm giác, không tự mình thở mà là mình được thở.” (trang 31). Nhờ phép vận dụng hơi thở mà Eugen Herrigel “đã có thể căng cánh cung cứng của thầy một cách thư dãn.” (trang 32).

“Sau một năm biết giương cung một cách tâm linh – tức là không có chút dụng công cố gắng” (trang 35) Eugen Herrigel bước sang một giai đoạn mới “hết sức khó khăn và đồng thời cũng là cấp bậc mới của nghệ thuật bắn cung” (trang 36) đó là buông tên. “ Cánh tay phải trước khi buông tên co lại, sau đó thì bung ra, nhưng lại duỗi ra một cách nhẹ nhàng. Sự giật lui không tránh khỏi được đón lại một cách mền dẻo hài hòa” (trang 37). Và “hàng tuần, hàng tháng trôi qua của sự luyện tập vô hiệu quả” (trang 38). Khi ngồi uống trà Eugen Herrigel được vị thầy của mình chỉ dạy “Ông hãy giữ dây cung như một đứa trẻ giữ ngón tay của người lớn…Nó giữ chặt ngón tay đến nỗi ta phải ngạc nhiên…Vì đứa trẻ không nghĩ ngợi gì cả… Và nghệ thuật chân chính là phi mục đích, là vô sở cầu!…Vì đầu trên của cánh cung chọc thủng bầu trời, đầu dưới cánh cung treo trái đất bằng một sợi chỉ mảnh. Khi buông tên mà cung bị giật mạnh quá thì sợi chỉ có thể đứt. Đối với những kẻ tham cầu, những kẻ thích bạo lực thì khoảng giữa đứt hẳn, con người nằm vô phương cứu chữa giữa trời và đất.” (trang 39 – 41). Việc xả bỏ cái tôi để quên đi những mục đích, mưu cầu có phải chăng là sự liên kết giữa Thiền và nghệ thuật bắn cung mà vị thầy muốn chỉ dẫn cho Eugen Herrigel. Nhưng Eugen Herrigel vẫn chưa nhận ra đều đó “ tôi nhiều lần âm thầm ganh tỵ với các đệ tử khác của thầy tôi, họ tự nhiên để thầy nắm tay đưa theo các động tác như những đứa trẻ con…mà không có chút trì chống nội tâm.” (trang 43). Và đến một lúc Eugen Herrigel biết rằng “nhờ xả bỏ khỏi tất cả mọi thứ ràng buộc, nhờ bỏ quên cái ngã một cách cơ bản: mà tâm linh trở lại với chính mình, nằm trong cái đại dụng của nguồn cội không tên của chính mình…Với thời gian, người ta trở nên tỉnh giác trong hơi thở… chính là cái mà vị đạo sư gọi là tâm linh…sự tỉnh giác tâm linh và được gọi là chánh niệm…Sức mạnh trọn vẹn của tâm thức tỉnh giác này, tâm thức vắng bóng mọi mưu cầu, cái đã xả bỏ mọi ràng buộc sẽ thể hiện trong mọi nghệ thuật” (trang 45-47).

Eugen Herrigel đã cho chúng ta thấy sự tương giao giữa thiền và các môn nghệ thuật khác. “Một họa sư ngồi trước học trò. Ông xem xét cọ vẽ… mài mực, đặt lại cho ngay ngắn cuộn giấy vẽ…Và sau một lúc an trú trong thiền định sâu lắng, trong đó ông hầu như hoàn toàn xa cách ngoại cảnh, rồi với những nét nhanh gọn, chính xác, ông đã để lại một bức tranh thành hình, nó không thể và cũng không cần sửa chữa. Một vị thầy dạy cắm hoa bắt đầu buổi học bằng cách cẩn thận mở dây buộc bó hoa và chu đáo quấn lại rồi để qua một bên. Sau đó ông lựa từng cành hoa…rồi lấy những cành đẹp nhất, chú tâm cắt xén, uốn nắn, cho chúng một hình dạng phù hợp…cuối cùng cắm chúng trong một cái bình… Hình ảnh của tác phẩm hoa đạo cho ta thấy dường như vị thầy đã đoán ra được thiên nhiên thầm nói những gì với hoa lá…Những động tác của họ được thực hành một cách sâu lắng và tĩnh lặng, họ quên hẳn bản thân mình…từ lúc chuẩn bị cho đến hoàn thành, quá trình này diễn ra như một thể thống nhất” (trang 53).
Có phải nghệ thuật Thiền là sự biểu lộ của cái tâm “vô niệm, vô tướng, vô trụ” theo tông chỉ của Lục Tổ Huệ Năng?

Eugen Herrigel đã đi sâu hơn vào con đường dẫn đến cánh cửa “đại pháp” khi ông hiểu rằng “mọi tạo tác chân chính trong tâm vô ngã đích thực, trong đó người tạo tác chỉ cần tỉnh giác ‘về chính mình’ là đủ…và nhờ thế mà ta mở tâm đến cái rộng và cái sâu, với ‘mắt biết nhìn, tai biết nghe’… Sự chuyển động nội tại ở tâm này được thầy giúp trò bằng phương pháp ẩn mật nhất, sâu kín nhất…phép chuyển hóa trực tiếp nhất của tâm thức… ‘Như dùng đèn thắp một đèn khác’- lấy tâm truyền tâm, cho tâm được sáng lên…và thầy ân cần nhắn nhủ trò phải đi xa hơn bản thân mình, phải ‘leo được lên vai của thầy’.” (trang 55-58).

Mặc dù trong ba năm kiên trì học tập Eugen Herrigel đã có một bước tiến lớn trong môn nghệ thuật bắn cung nhưng ông vẫn không thể nào tiến xa hơn nữa vì “một người mà quan tâm đến những điều triết lý thì càng khó lĩnh hội môn bắn cung… Chỉ vì ông không thực sự bỏ quên chính mình.” (trang 59- 60). Bước sang năm thứ tư “tôi phải tập lại từ đầu, như tất cả những gì đã học là vô ích cả. Nhưng sự an trú vô sở cầu trước sau vẫn không thành.”(trang 63). Và nhiều tuần trôi qua Eugen Herrigel gần như mất đi sự kiên nhẫn với môn nghệ thuật bắn cung mà mình đã chọn “ bây giờ lòng tôi đã nguội lạnh về những điều mà mấy năm qua tôi khổ công luyện tập” (trang 64). Nhưng vào một ngày, một mũi tên “như tuyết rơi từ cành tre” (trang 60) xuất hiện, nó cho Eugen Herrigel biết những gì ông kiên trì, nhẫn nhục trong những năm qua là xứng đáng “Ngay vừa rồi, ‘ nó’ bắn…tôi không thể ngăn cản niềm vui dâng tràn ào ạt” (trang 64).

Sau những tháng, năm luyện tập Eugen Herrigel đã đi đến chặng đường cuối để đến được với cánh cửa “đại pháp” – là bắn tên về phía đích. “Chỗ giữ tên khỏi bay xa là một đĩa tròn bằng rơm bện nằm trên một giá gỗ, cách người bắn gấp đôi chiều dài mũi tên. Bấy giờ đích bắn được đặt cách khoảng 60m, nằm trên một đụn cát cao, phía dưới xòe rộng, ba mặt xung quanh có ba vách che lại, bên trên là mái ngói cong.” (trang 67). Quan trọng hơn hết vị đạo sư đã chỉ cho Eugen Herrigel biết “Đại pháp của thuật bắn cung… Pháp này chỉ biết một cái đích, đích này không thể nhắm tới bằng kỹ năng… nếu dùng ngôn từ để gọi, là Phật… Sự thành tựu cũng có nhiều mức độ và khi người ta đạt tới mức cao nhất thì cái đích bên ngoài mới không còn bắn hụt.” (trang 69- 70). Vị thầy dạy vô tâm mà bắn thông qua thí dụ, rồi nói “ Xạ thủ bắn trúng cái đĩa mà không hề nhắm ở bên ngoài. Thôi, tôi không giải thích được hay hơn cho ông.” (trang 71)

Nhưng rồi với tâm tư vốn ưa suy nghĩa của một triết gia cho rằng chuyện bắn cung như thế là vô vị. “Có một sự phản kháng cứ lớn dần… nên tôi hỏi thầy: Phải chăng sau hàng chục năm luyện tập mà thầy, tuy không muốn nhắm đích nhưng lại có bước đi chắc chắn của một kẻ mộng du, giương cung, buông tên, bắn trúng đích, và đơn giản là phải trúng?” (Trang 71).Để trả lời cho Eugen Herrigel vị đạo sư đã đưa ông đến phòng tập “Chỗ này tối đến nỗi tôi không thấy cả những hình dạng lờ mờ…Vị thầy ‘ nhảy múa’ cử hành lễ nghi…Mũi tên của ông bắn đi từ nơi đứng sáng choang…Khi bật đèn ở đích, tôi khám phá với sự hoảng sợ, mũi thứ nhất trúng tâm điểm còn mũi thứ hai chẻ mũi thứ nhất, chẻ thân của nó toác rộng ra rồi cũng cắm vào tâm điểm… Và vị thầy đã nói với Eugen Herrigel: Phát thứ nhất cũng không có gì ghê gớm…nhưng mũi thứ hai…kẻ bắn không phải là ‘tôi’. ‘Nó’ đã buông tên và đã bắn trúng. Chúng ta hãy cúi mình trước cái đích như trước Phật!”(trang 72). Hai mũi tên của vị thầy không chỉ bắn trúng đích. Mà còn bắn trúng chính Eugen Herrigel, làm tiêu tan mọi suy tư, thắc mắc của ông “về những mũi tên sẽ bay đi đâu.” (Trang 72). Rồi đến một ngày khi Eugen Herrigel buông tên thì vị thầy gọi lớn “ Nó đó! Ông cúi đầu đi – đó là một phát tên chân chính…không nên vui sướng về những phát hay. Hãy từ bỏ chuyện lui tới giữa cái thích và ghét…Và trong những tuần này, những tháng này, tôi đã trải qua giai đoạn học tập gian khổ nhất của đời mình.” (trang 73 – 74).

Trường học bắn cung và vị đạo sư đã giúp cho Eugen Herrigel quên đi cái bản ngã, “cái chút thôi thúc cuối cùng bảo tôi phải quan tâm đến mình, đến khả năng khi này khi khác của mình…Để ông có thể hiểu sâu sắc hơn và trả lời cho câu hỏi ‘nó’ buông tên, ‘nó’ bắn trúng đích là như thế nào? – ‘Nó’ là cái tâm linh trong con mắt vật chất và là cái vật chất trong con mắt tâm linh…con không thể tách rời chúng ra được nữa…Vì khi con chỉ cần cầm cây cung và nhả tên thì tất cả đều sáng sủa rõ ràng và vô cùng đơn giản…sợi dây cung đã xuyên thấu người ông.” (trang 74 -75).

Eugen Herrigel đã dành một năm cho việc học cách giương cung và năm năm để luyện tập buông tên và bắn trúng đích và giờ đây ông phải trải qua một cuộc sát hạch “không phải chỗ để ông trình bày khả năng của mình, mà còn cao hơn nữa, sức mạnh tâm linh của ông sẽ được đánh giá.” (trang 77). Ngày thi hạch đến với tình trạng “tỉnh giác định thần… chúng tôi thi đậu với mức độ mà vị thầy khỏi phải cười nhẹ…Chúng tôi nhận được văn bằng ngay tại chỗ…” (trang 78). Eugen Herrigel đã kiên trì, cố gắng để theo đuổi môn nghệ thuật bắn cung và giờ đây ông ngày càng hiểu hơn về Thiền qua những hình ảnh bí ẩn , ẩn dụ sâu xa mà vị thầy đưa ra “ Ai mà có thể bắn được với sừng thỏ và lông rùa, tức là không có cung (sừng) chẳng có tên (lông) mà bắn trúng được tâm điểm, thì người đó mới thành tựu trong nghĩa cao nhất, người đó là đạo sư của nghệ thuật phi nghệ thuật, bản thân người đó chính là nghệ nhân phi nghệ nhân và như thế sẽ đồng thời là đạo sư và chẳng phải đạo sư trong chính một con người. Tại ngưỡng này thì thuật bắn cung trở thành sự vận động phi vận động, vũ điệu phi vũ điệu, lúc ấy người ta đạt đến Thiền” (trang 78 – 79).

Quyển sách “Thiền trong nghệ thuật bắn cung” của Eugen Herrigel đã cho chúng ta những bài học về lòng kiên trì, sự nhẫn nhục của người học trò khi theo đuổi một môn nghệ thuật tâm linh hay nói khác hơn là một mục tiêu tâm linh của cuộc đời mình. Và sự thành tựu của người học trò cũng chính là sự thành tựu của vị đạo sư khi hướng dẫn họ đi đúng theo con đường để đến với mục đích cuối cùng. Điều quan trọng để đến gần với cánh cửa “đại pháp”, trong các môn nghệ thuật tâm linh là chúng ta hãy quên đi tự ngã vì “nghệ thuật chân chính là phi mục đích, là vô sở cầu!” (trang 40). Như lời Thiền sư D. T. Suzuki đã nhắc đến trong lời giới thiệu về quyển sách “Con người là một sinh vật biết suy nghĩ nhưng tác phẩm lớn nhất của nó sẽ được thành tựu khi nó không tính toán, không suy nghĩ. ‘Sự ngây thơ’ phải được đạt lại sau nhiều năm tập luyện trong nghệ thuật biết quên chính mình.” (trang 11)

VIÊN TỪ

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. DIỄN VĂN LÃNH GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG, NĂM 1968
  2. NGHỆ THUẬT
  3. THIỀN VÀ VĂN HÓA NHẬT BẢN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG