TÍNH SÁNG TẠO TRONG CÔNG VIỆC ( CÔNG VIỆC – TÌNH – TIỀN)

CHOGYAM TRUNGPA

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche và Chögyam Trungpa Rinpoche

Người sáng lập của Shambhala là Đức Chögyam Trungpa Rinpoche (1939-1987). Đức Trungpa Rinpoche là hậu duệ thứ 11 trong dòng Trungpa tulku, Ngài là Đạo sư quan trọng của dòng truyền thống Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Nổi tiếng với sự nhấn mạnh vào thực hành thiền định, dòng truyền thừa Kagyu là một trong bốn dòng truyền thừa chính của Phật giáo Tây Tạng. Ngoài việc là một Đạo sư quan trọng trong dòng truyền thừa Kagyu, Đức Chögyam Trungpa Rinpoche cũng đã được đạo tạo trong truyền thống Nyingma, là dòng ra đời sớm nhất trong Phật giáo Tây Tạng, và ngoài ra Ngài còn là một Đạo sư Rimé hay là phong trào “bất bộ phái” trong Phật giáo Tây Tạng. Phong trào Rimé nghĩa là không có biên giới, trong tinh thần tôn trọng, hài hòa, và không chia rẽ bộ phái, khao khát mang lại lời dạy có giá trị của các trường khác nhau. Trong suốt cuộc đời của Ngài, Đức Trungpa Rinpoche tìm cách mang lại những giáo lý đã thọ nhận được đến với nhiều chúng sinh nhất có thể.

 Sau khi hoàn thành quá trình tu học nghiêm ngặt tại tu viện. Đức Trungpa Rinpoche đã được tôn vinh như là người đứng đầu tu viện Surmang ở miền đông Tây Tạng. 

Giáo lý và sự hướng dẫn thực hành mà Đức Chögyam Trungpa Rinpoche mang tới, vào những năm 1970 ở Mỹ đã làm cho nhiều người được lợi lạc, Ngài đã đi liên tục trong gần một thập kỷ ở khắp Bắc Mỹ, xuất bản sáu cuốn sách, và thành lập ba trung tâm thiền định và một trường Đại học nghiên cứu (Đại học Naropa). Ngài trở nên nổi tiếng với khả năng độc đáo khi trình bày bản chất của giáo lý Phật giáo trong một hình thức dễ hiểu cho những người Tây phương.

——-*——-

Một khi kết nối được với môi trường sáng tạo của công việc, phần còn lại của quá trình trở nên ít phải tranh đấu hơn. Tính sáng tạo là chìa khóa để làm việc. Một cách khá là kỳ lạ, nó dường như cũng chính là chìa khóa cho tình dục, điều mà chúng ta sẽ thảo luận sau. Cả hai đều là một quá trình của sự thông tin liên lạc đối lặp để gắn bó hoàn toàn với những vật thể vật chất hoặc con người được xem như vật thể. Một khi bạn đã hiểu được triết lý cơ bản của công việc mà chúng ta đã thảo luận trước đây, bằng cách nào đó công việc sẽ trở nên rất đơn giản. Đó không phải là một vấn đề về sự đối phó mà là một quá trình liên tục của sự trao đổi cởi mở.

Khi nền tảng công việc được đặt hoàn toàn trên hoài bão và khát vọng, như thể có một mục tiêu mà bạn muốn phá hủy, hoặc bạn muốn xây dựng một điều gì đó lớn lao cùng với hoài bão của mình. Tham vọng có thể sẽ mang kết quả ngược lại. Nếu toàn bộ sự tiếp cận của bạn là dựa trên tham vọng, bạn có thể sẽ mất đi sự kết nối với ý nghĩa thật sự của công việc.

Rất nhiều người cho rằng công việc là một điều tiêu cực, đặc biệt là nếu họ có một công việc không mấy hứng thú, những công việc nhàm chán ngày này qua ngày khác mà họ không có một cam kết cá nhân hoặc mối liên hệ nào. Vấn đề là không phải tất cả mọi người đều có thể làm nghệ sĩ.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thảo luận ở chương trước, ngay cả những công việc tầm tường, không hứng thú cũng có thể được tiếp cận từ góc độ hài hước và gắn kết. Sẽ là một vấn đề lớn khi người ta không thể liên kết với tất cả các thể loại công việc cùng với một ý thức giao tiếp. Nếu như bạn thật sự giao tiếp, nếu như bạn có thể nhìn thấy quá trình sáng tạo trong một tình huống không sáng tạo một cách hiển nhiên, bạn sẽ liên tục được truyền cảm hứng. Theo cách đó, mọi người đều có thể trở thành những nghệ sĩ tài năng và nhận thức hoàn toàn về tiềm năng của chính mình. Những người mà không phải là nghệ sĩ cũng có thể sử dụng những hình mẫu sáng tạo trong công việc. Chúng ta phải xem xét tất cả các thể loại tình huống công việc. Cũng như giáo lý đạo Phật không phải chỉ nhắm đến xã hội tri thức. Giáo lý ấy dành cho bất cứ ai, tất cả mọi người. Dĩ nhiên, không thể đạt được bất cứ thứ gì hoàn toàn chỉ bởi chúng ta nói về nó. Chúng ta phải áp dụng giáo lý; phải thật sự làm điều đó.

Bạn có thể biểu hiện rằng mình làm việc theo cung cách nghệ thuật ở bất kỳ công việc nào. Điều này đúng miễn sao bạn không cảm thấy bị xúc phạm khi phải làm một công việc ít sáng tạo, miễn sao bạn không phẫn nộ vì điều đó.

Tôi đang đề cập thẳng vào điều gì đó sáng tạo hơn là đi vào sự vô nghĩa của công việc. Sự việc thật sự không tồi tệ như thế, mặc dù có thể chúng ta sẽ nghĩ như vậy. Sự việc có thể tồi tệ, chúng có thể là hình ảnh thu nhỏ của sự tồi tệ, bi đát, nhưng những gì mà chúng ta đang cố gắng chỉ ra ở đây là luôn có một bàn đạp trong công việc, ở bất kỳ công việc nào.

Vậy thì đó luôn luôn là một công việc sáng tạo. Vấn đề dường như lớn lao hơn khi chúng ta nói về một công việc máy móc và lặp đi lặp lại, nơi mà bạn không nhìn thấy con người, nơi mà chỉ hoàn toàn là một vấn đề của những nút bấm hoặc đối mặt với sự lặp đi lặp lại của những vật thể băng ngang qua của một dây chuyền lắp rắp. Thậm chí khi đó, vẫn sẽ có một phương cách sáng tạo để liên kết. Chúng ta có thể khám phá sáng tạo ngay cả trong một tình huống như thế. Chúng ta sẽ không hoàn toàn bế tắt và từ bỏ mọi hy vọng. Chúng ta có thể nhìn thẳng vào tình thế và tìm ra cách nào đó để cộng tác với nó.

Thái độ của bạn đối với công việc rất quan trọng. Nếu cảm thấy mình hoàn toàn bị vướng mắc vào công việc, bạn đã thất bại trong việc nhìn thấy được khí cạch thú vị của nó. Những người không cảm thấy chán nản, không bị vướng vào công việc lặp đi lặp lại, những người không mong muốn bám trụ với công việc sẽ không cảm thấy như mình bị mắc bẫy. Họ cảm thấy có thể rời đi bất cứ lúc nào; mọi thứ chỉ là một phương sách nhất thời. Cho nên, tâm trí họ cởi mở, và họ có thể nhìn thấy công việc của mình là một công việc sáng tạo. Thái độ của bạn có thể suy sụp khi cảm thấy sợ hãi vì bị vướng mắc vào một điều gì đó, còn ngược lại là khi bạn cảm nhận rằng khoảnh khắc hiện tại mang đến sự tự do cho mình. Một lần nữa, đó là câu hỏi của tương lai và quá khứ. Nếu bạn nhìn thấy tương lai như một nơi bít bùng tăm tối, sẽ không có chỗ nào dành cho sự truyền cảm hứng cả. Nếu bạn nhận thức rằng tương lai đang rộng mở, luôn có cơ hội cho sự truyền cảm hứng. Đó là một vấn đề về quan niệm, từ cách nhìn nhận sự vật.

Bạn có thể cảm thấy hứng thú khi trải qua phần đời còn lại của mình để làm một công việc đơn giản. Bạn hoàn toàn sống trong sự giản dị. Bạn có thể cảm thấy cực kỳ bổ ích và an toàn không phải đi đến một lãnh địa mới và tìm kiếm bất kỳ công việc mới nào nữa. Mặt khác, nếu bạn muốn khám phá những vùng đất mới và chưa có đủ hứng thú, bạn có thể cảm thấy như đang bị vướng mắc. Thái độ của chúng ta tùy thuộc vào cách nhìn nhận sự vật.

Điều tương tự xảy ra ở các tu viện. Các tu sĩ cảm thấy phần còn lại của cuộc đời họ được cam kết để thực hiện những việc đều đều không thay đổi, thức dậy vào buổi sáng và thực hiện những nghi lễ tôn giáo, tụng kinh và thiền định, và sau đó đi ngủ vào một giờ nhất định. Bởi vì cảm thấy toàn bộ cuộc đời mình đều dựa trên khuôn mẫu đó, họ có thểt cảm thấy như bị mắc bẫy. Cùng lúc, họ có thể cảm thấy hứng thú. Dĩ nhiên, về nguyên tắc, họ có thể cảm nhận rằng mình đang làm những điều thuộc về tôn giáo, những điều siêu phàm. Nhưng trong thực tế điều đó không có ý nghĩa cho lắm. Công việc thể chất thực sự thường xuyên lặp đi lặp lại. Cuộc đời thường trôi qua rất đều đặn; bạn làm những việc y như nhau, lặp đi lặp lại, thường xuyên hết lần này đến lần khác. Có thể một số người sẽ thấy điều đó làm họ thỏa mãn hoặc thậm chí là thú vị, bởi vì cuộc đời đơn giản quá. Toàn bộ dòng chảy của cuộc sống hằng ngày rất trơn tru. Người ta hiểu rõ giá trị của điều đó. Tuy nhiên, giả sử như một lối sống không thiên về hoạt động tôn giáo mà thiên về điều gì đó được thiết lập như một công việc đều đặn và tầm thường. Họ sẽ xem như toàn bộ cơ cấu là không khả thi, chỉ là một sự gánh vác nặng nề. Vì thế dường như thái độ của chúng ta là rất quan trọng đối với cách mà chúng ta trải nghiệm một môi trường công việc.

Chogyam Trungpa and Lady Diana seated at the Kalapa Court, Boulder in the early 1980s.

Tôi không nói rằng khi tìm kiếm một vị trí công việc chúng ta cứ phải trầm ngâm về bản chất của cuộc đời. Thay vào đó, cách thức làm việc như thế nào ở bất cứ tình huống nào đều có thể khai phá những tiềm năng con người? Cách bạn tiếp cận với công việc sẽ tạo ra nhiều tiềm năng hơn cho bạn để bạn đặt những nỗ lực và cảm xúc của mình vào công việc và trở nên sáng tạo. Công việc không còn mang tính trầm mặc với sự lặp đi lặp lại hoặc đơn giản. Có một không gian rất rộng lớn trong môi trường công việc để tạo nguồn cảm hứng và giao tiếp đó là thiền định trong hành động.

Sự sáng tạo trong công việc đến từ tâm trí của bạn. Ý tưởng công việc sáng tạo chính là khi trí có có thể kết nối với sự hứng thú trong bất cứ tình huống nào. Luôn có những điều rõ ràng xảy ra trong một tình huống, điều mà có thể dẫn đưa đến những khả năng khác nhau. Việc tâm trí kết nối với tiềm năng có thể được coi là sự tưởng tượng, nhưng đó không phải là tưởng tượng mơ mộng; mà là tưởng tượng thực tế. Từ đó thấy được rằng mỗi bước đi đều chứa đựng những khả năng tiến xa hơn nữa bất kể tiến trình của bạn là gì. Điều đó bao hàm sự đóng góp của bạn vào toàn bộ môi trường xung quanh công việc. Luôn có chỗ để học hỏi, luôn có nơi để phát triển.

Khi bạn không cảm thấy sáng tạo hoặc khả thi trong một vị thế và bạn gặp những điều tiêu cực đang xảy ra, có thể toàn bộ công việc cũng bắt đầu trở nên tiêu cực. Điều này đúng không chỉ với các tình huống công việc mà còn trong bất cứ tình huống nào. Bạn gặp một hoàn cảnh mà dường như có thể bắt đầu một cách lý tưởng, và bạn quen dần với điều đó. Tuy nhiên, đến một giai đoạn nhất định, bạn phát hiện ra dấu vết lờ mờ của sự hỗn loạn. Dấu vết đó không còn mờ nhạt nữa; nó đã tăng lên, và bạn sớm nhận ra rằng bạn muốn bước ra khỏi không gian ấy. Điều đó xảy ra trong tất cả mọi hoàn cảnh sống, nhưng nó có thể được lưu ý một cách đặc biệt khi bạn đã gắn kết chặt chẽ với việc thực nghiệm tâm linh. Đó là bởi vì bạn kỳ vọng thực nghiệm tâm linh sẽ mang đến lợi ích cho cái tôi của bạn, một điều gì đó an toàn. Thông thường, khi bạn nhận ra rằng nó không mang đến sự an toàn như mong đợi, công việc trở nên hết sức đáng buồn. Bạn cảm thấy một cảm giác hoài nghi, một sự mất mát tính độc lập và an toàn. Những tình huống như thế không thể xác định cách ứng phó dễ dàng.

Để làm việc với những công việc như thế, bạn cần phải kiên nhẫn một cách khôn ngoan. Bạn cần hiểu được rằng tình thế đang nói lên điều gì đó. Nó nói rằng bạn đã lơ là nó trong một thời gian dài, và cuối cùng nó cũng bắt đầu lên tiếng. Nếu như bạn cố gắng lập chiến lược ứng phó trong tình thế đó, bằng cách nói với chính mình rằng sự tiêu cực là điều đáng giá, bạn đã xoay chuyển nó vào một trạng thái mà bạn xem như những điều tiêu cực đến với bạn là tích cực, và nó mất đi phẩm tính thực của chính nó.

Trên thực tế, bất kể nói với chính mình như thế nào, bạn cũng không thật sự tin rằng sự tiêu cực là có lợi. Bạn không thật sự bị thuyết phục, bởi vì sự việc thật khó chấp nhận, bạn muốn vạch chiến lược để chế ngự sự hỗn loạn, nhưng trong thực tế, bạn không thể kiểm soát được sự hỗn loạn bằng bất cứ cách nào. Nếu bạn cố gắng chế ngự nó, rồi thì bạn sẽ càng gặp cảnh hỗn loạn hơn do cố gắng khống chế nó. Đó là sự tác động rất thường gặp.

Sự tự tin không đến từ sự không chế. Nếu bạn có một quan điểm về sự tự tin, quan điểm đó phải liên tục được duy trì. Kiểu tự tin như thế đang đi theo một hướng lệch lạc. Nếu nó được xây dựng trên nền tảng sai trái, tự khắc nó sẽ bị yếu kém.

Sự hỗn loạn thật là một dấu hiệu rằng có một nguồn năng lực hoặc thế lực mạnh mẽ nào đó trong hoàn cảnh. Nếu cố gắng sửa đổi một cách mù quáng nguồn năng lực đó, bạn sẽ gặp phiền phức với chuẩn mực về năng lực. Một mặt nào đó, bạn trở nên tự giác. Bạn không thể thấy được khả năng tiềm tàng thật sự xuất hiện ở nơi nào trong công việc. Lựa chọn thứ hai là đồng hành cùng với năng lực tiềm tàng. Điều này có nghĩa là, theo một cách nào đó, không đả động gì đến nó, như thể nó là một thế lực độc lập. Khi song hành cùng với những gì đang diễn ra, bạn có thể khám phá được năng lực thật sự trong công việc và có thể liên kết được với các tình huống một cách hoàn toàn, một cách chân thật, một cách đầy đủ.

Để chấp nhận hoặc khước từ điều gì đó trong trải nghiệm của bạn bạn phải nhìn thấy được toàn diện sự việc để có thể bắt đầu; nếu không bạn sẽ không biết đâu là điều đúng đắn để làm. Sự chấp nhận có thể là một lựa chọn khôn khéo, bạn sẽ nhận ra được giá trị của việc không lựa chọn, tồn tại như một yếu tố của hoàn cảnh. Điều đó cũng giống như việc mua hàng. Trước khi bạn mua thứ gì đó, tốt nhất là phải biết chất lượng của món hàng ấy, giá trị của nó, và mọi thứ về nó một cách đầy đủ. Nếu thất bại trong việc tìm hiểu thông tin, bạn sẽ không thể là một người mua hoặc người bán giỏi.

Nếu bạn chấp nhận điều gì đó một cách mù quáng, bạn có thể làm tổn thương chính mình hoặc có thể quá đam mê, điều sẽ mang đến đau khổ cho tương lai. Mặc khác, mù quáng khước từ sự việc thường dựa trên sự công kích hoặc nỗi sợ hãi. Trước khi thực hiện bất kỳ sự lựa chọn nào, bạn nên thử xem xét khía cạnh không lựa chọn của sự việc, luôn tồn tại trong bất kỳ tình huống nào. Bạn phải cảm nhận nó. Bạn phải liên kết với sự vật theo đúng bản chất của chúng, và sau đó bạn có thể khước từ hoặc chấp nhận. Trong cơ cấu tổng thể của trải nghiệm để hiểu được sự việc theo đúng cách của chúng, bạn thật sự bao hàm toàn bộ những khả năng khước từ và chấp nhận hoàn cảnh.

Để làm rõ, bạn phải học cách nhìn nhận tình huống, trước khi thực hiện những quyết định. Trước hết, bạn cảm nhận tình thế và mở lòng ra với nó mà không dự tính là sẽ khước từ hay chấp nhận, bạn đối phó một cách trực diện với toàn bộ sự việc. Nếu như bạn có thể làm theo cách đó một cách trọn vẹn, sự khước từ, sẽ trở nên một tiến trình tự nhiên, và sự chấp nhận, cũng trở thành một quá trình tự nhiên. Bạn giao tiếp với tình huống một cách trọn vẹn, không với một sự phán xét nào cả. Giao tiếp một cách thấu đáo sẽ truyền cảm hứng cho việc phán xét, bởi chính nó. Bạn có thể nghĩ rằng người khác sẽ không thể tiên đoán, nhưng người khác cũng không thể phản ứng lại bạn theo một cách không thể tiên đoán. Nếu thật sự gặp tình huống đó, bạn sẽ thấy được phản ứng ấy diễn ra như thế nào và vì sao.

Ý chính mà tôi muốn thông qua ở đây, về việc liên kết với công việc, đó là bất kể công việc mà bạn đang có là gì, bất kể hoàn cảnh mà bạn chịu ảnh hưởng ra sao, rất cần thiết để xem xét toàn bộ sự việc một tâm trí cởi mở, không phụ thuộc định kiến. Trước đây, chúng ta đã nói về việc những khái niệm siêu việt. Điều đó ứng dụng vào sự nhìn nhận về việc liên kết với công việc. Bạn có tất cả các thể loại của sự lựa chọn, và bạn rất có thể đã có một bản phác thảo trong đầu về cuộc sống mà mình muốn. Đó là một nguồn gốc của định kiến. Bạn có thể nói rằng, “Tôi không được sinh ra để làm những loại công việc như thế này”. Điều đó không phải chỉ là một vấn đề về sĩ diện mà là vấn đề bản ngã.

Kiểu phản ứng như thế thường thấy trong cuộc sống tu viện ở Tây Tạng. Nếu một tu sĩ trong tu viện quá chú trọng đến bản thân, người trụ trì có thể sẽ bảo anh ta làm công việc bưng trà hoặc kiếm củi cho đến khi anh ta sửa đổi tính sĩ diện hoặc vượt qua được nó. Điều này sẽ hữu hiệu bởi đó là một thông lệ tôn giáo cho phép anh ta nhận ra lỗi lầm. Làm người bưng trà hoặc kiếm củi là những công việc khó chấp nhận với thói sĩ diện. Dĩ nhiên, ở Tây Tạng còn tồn tại tâm thức xã hội về tôn ti trật tự. Tây Tạng cũng giống như Nhật Bản về khía cạnh đó. Cả hai quốc gia này đều có một tấm mặt nạ về khuôn phép xã hội dầy hơn nhiều so với ở phương Tây. Người ta muốn thuộc về một vị trí nào đó trong nấc thang xã hội. Dĩ nhiên có những liệu pháp chữa trị và đôi khi những liệu pháp này nằm ngoài mục đích vượt qua định kiến, bởi vì có một trò chơi có liên quan, trò chơi “càng làm người khiêm tốn, càng được tôn trọng”. Đây là một phiên bản đảo ngược của vấn đề.

Bất cứ khi nào có một trò chơi như thế kết nối với công việc, toàn bộ những sự tiếp cận đều dựa trên khái niệm, và khả năng liên kết với hoàn cảnh công việc một cách cởi mở và trực tiếp của bạn đang bị xói mòn. Trong trường hợp bạn cảm thấy công việc vượt quá năng lực của mình, hoặc nhiều khả năng hơn, thấp kém so với bạn, bạn cảm thấy phẫn uất bực bội hoặc không hứng thú với nó. Kết quả là bạn tự động chứng minh rằng công việc không phù hợp với mình bằng cách không hoàn thành nhiệm vụ, bằng cách không làm một người lao động tốt. Thực tế là bạn sẽ có lợi nhiều hơn đối với loại công việc đó.

Một quan niệm khác về sự tiếp cận công việc là kiểu người tham vọng, người có dự định làm điều gì đó để đạt được danh tiếng, nhưng lại thiếu cam kết đối với sự rèn luyện có liên quan. Anh ta mong muốn làm một công việc cụ thể nào đó, mà không biết rằng nó thật sự như thế nào. Anh ta có thể có những kỳ vọng cực kỳ lãng mạn, sau đó nhận thấy rằng công việc thật sự không lãng mạn chút nào; và thấy thất vọng. Có lẽ anh ta muốn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, và anh ta thích ý tưởng đó bởi vì thấy những tấm ảnh tuyệt đẹp của những nghệ sĩ khác. Tuy nhiên, anh ta không bao giờ nhận ra rằng người ta đã phải trải qua sự rèn luyện trí óc nhiều như thế nào để trở thành nghệ sĩ, và kết thúc bằng cách thực hiện công việc một cách tồi tệ bởi vì anh ta không thật sự muốn trải qua sự rèn luyện một chút nào.

Học tất cả và vẫn duy trì phẩm giá của mình như một vị quân vương – không phải bằng sự tự tôn mà bằng cách làm gương cho người khác.

Có rất nhiều ví dụ về những người nhảy hết từ công việc này đến công việc khác bởi vì những khái niệm mà họ mang trong đầu về việc họ muốn làm gì. Khi họ chạm trán với hoàn cảnh thật sự, họ không thể gắn kết với nó; họ không thể làm việc một cách kiên nhẫn và khám phá toàn bộ hoàn cảnh. Họ không thể làm việc một cách cần cù chịu khó trước những thử thách. Kết quả là, thay vì chứng tỏ mình, họ lại bác bỏ chính họ; họ tự làm bẽ mặt mình và trước những người khác. Họ từ bỏ công việc mà họ liều lĩnh muốn làm, và có thể họ đi vòng quanh các công việc khác nhau, bị ám ảnh bởi những điều lý thú và lạ lùng nằm ngoài tầm với của họ. Lối sống này có thể là một biểu hiện tính chất rộng mở của cuộc sống, nhưng không có chiều sâu.

Nếu bạn là người như vậy, ở một giai đoạn nhất định, vỡ mộng, bạn phải quay trở về điểm bắt đầu và làm điều gì đó có tính cách xây dựng. Có lẽ bạn sẽ lên kế hoạch viết một quyển sách về những chuyến hành trình của mình, nhưng bạn không bao giờ quan sát những gì đã xảy ra. Bạn có thể viết được hai hoặc ba chương cho quyển sách, nhưng sau đó bạn thôi không viết nữa, bạn không thể gắn kết với một công việc và thực hiện nó một cách kiên nhẫn, khám phá trọn vẹn các lĩnh vực và thông qua tiến trình một cách chịu khó để đạt được điều gì đó. Một lần nữa, bạn lại quay trở về với điểm ban đầu. “Mình có nên quay lại không, điều gì bất ổn đã xảy ra? Còn những điều lý thú nào mà mình có thể tìm thấy?” Lạ thay, nhiều người như thế tìm công việc giảng dạy chính những giấc mộng tan vỡ của mình cho người khác, bởi vì đó là công việc dễ dàng nhất, theo một cách nào đó. Theo lối sống ấy, bạn không phải tạo ra một hình mẫu hoặc một sản phẩm cho công việc của mình. Bạn có thể chỉ nói và nói, và bạn nhận thấy rằng du lịch trong mơ cũng cực kỳ có ích.

Công việc thường có liên quan tới việc sản xuất ra một sản phẩm sau cùng, bất kể sản phẩm đó là thứ do bạn làm ra, một bằng cấp mà bạn nhận được, hoặc một dự án mà bạn hoàn thành. Bạn có lẽ sẽ nói rằng sự định hướng này có vẻ đi ngược lại triết lý Phật giáo, nhưng đó không phải là sự thật. Sự thật về việc công việc cho ra một sản phẩm rất khác so với những vấn đề xác định mục tiêu, điều mà chúng ta đã thảo luận trước đây. Tôi đã đề cập rất nhiều lần rằng đừng nên bắt đầu một điều gì đó, nhưng một khi đã bắt đầu, bạn phải hoàn tất nó một cách đúng đắn. Trong một tình thế công việc, phải bắt đầu một việc gì đó, bạn nên theo đuổi nó cho đến thành tựu sau cùng. Người ta có rất nhiều lời biện hộ cho việc vì sao không làm điều đó, đặc biệt là những người muốn “khám phá chính mình”. Họ có thể nói rằng hoàn cảnh không cho họ cơ hội để tự khám phá mình hoặc nơi mà họ làm việc có những điều tồi tệ. Họ làm mọi cách để biện hộ mà chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Vấn đề là những người đó đã trở nên quá khôn khéo. Sự lười biếng của họ trở nên rất tích cực và khôn khéo. Kiểu lười biếng của họ không phải là kiểu buồn ngủ mà rất sắc sảo và rõ ràng đối với khả năng tìm lời biện minh. Nó trở thành người phát ngôn cho cái tôi.

Những người theo đường lối tâm linh đặc biệt gặp nguy hiểm nếu không thể kiên trì trong hoàn cảnh công việc. Họ có thể đặc biệt tài giỏi trong việc tìm lời biện minh cho thái độ lười biếng không làm việc và rất khôn ngoan trong việc phát triển thói quen này. Khoảnh khắc mà họ không muốn làm gì cả, một lời trích dẫn thích hợp có tính tâm linh sẽ xuất hiện trong đầu họ.

Vấn đề cơ bản cho những trường hợp này là người ta có một khái niệm nào đó về một công việc hoặc dự án, và khi những thứ này không trùng khớp với khái niệm, họ không muốn tiếp tục thực hiện nó nữa. Như tôi đã nói, họ thường nhận thấy rằng công việc quá kém cỏi so với năng lực của mình.

Bậc thầy vĩ đại, Padmasambhava (Liên Hoa Sinh), đã làm tất cả các thể loại công việc khác nhau. Ông từng được phong chức là một nhà sư, nhưng khi đi nhiều nơi, ông đã học được về thơ ca, về toán học, và học nhiều nghề thủ công khác. Truyền thống Ấn Độ về việc rèn luyện một vị vua cũng đã cho ông những bài học trong nhiều loại hình công việc, chẳng hạn như các hoạt động thể chất. Những quân vương tương lai cũng học các công việc của người dân trong chương trình giáo dục của họ. Tất cả những điều này là những phần của sự giáo dục dành cho những nhà lãnh đạo tinh thần. Học tất cả và vẫn duy trì phẩm giá của mình như một vị quân vương – không phải bằng sự tự tôn mà bằng cách làm gương cho người khác.

Ngày nay, nhiều người nói rằng họ không thể làm một công việc nào đó bởi vì họ chưa qua khóa đào tạo về công việc đó. Rất nhiều điều trong cuộc sống không cần phải được dạy bằng những khóa học. Bạn không cần một bằng cấp để thực hiện công việc. Bạn chỉ cần tham gia vào nó và thực hiện nó. Bạn có thể gặt hái được kết quả tương tự như những người đã được nhận bằng cấp cao cho một công việc nào đó. Có rất nhiều nơi mà sự thông minh của con người bị mài mòn bởi cung cách học tập hệ thống. Họ đọc sách về việc làm sao để tạo ra lửa, làm sao để vá đôi giày, làm sao để đi bộ đường dài – tất cả những loại sự việc như thế. Tuy nhiên, bước vào một công việc mà trước kia bạn chưa làm bao giờ có thể sẽ là một kinh nghiệm bị đánh thức khi bạn phải sử dụng trí thông minh bẩm sinh để cảm nhận đời sống. Bạn dùng tâm trí để liên kết các sự vật với nhau. Chỉ áp dụng và thực hiện, bạn sẽ nhận thấy rằng tiến trình công việc đang cởi mở và được khai sáng. Một cách cơ bản, chúng ta có khả năng trong bất cứ công việc gì.

Bạn có thể nói rằng một người nào đó sẽ không thể là một chiến binh giỏi bởi vì anh ta không đủ táo bạo hoặc một người nào khác không thể làm người gác cửa đáng tin cậy vì anh ta không có được sự tập trung cần thiết. Nếu bạn nhìn nhận sự việc từ góc độ đó, những sự lựa chọn trở nên hạn chế. Giả sử rằng người gác cửa tệ hại có thể là một người thật sự tỉnh táo nếu như hoàn cảnh công việc đòi hỏi điều đó. Anh ta có thể đảm nhận công việc gác cửa một cách tốt đẹp. Nhiều người nghĩ rằng những người dai sức và mạnh mẽ nhất sẽ luôn vượt lên trước, những người chậm chạp hơn sẽ đi sau. Tuy nhiên, khi thời cơ đến, những người chậm chạp còn nhanh hơn những người mạnh mẽ. Đó là vấn đề làm sao để làm thức tỉnh vào một thời điểm nhất định.

Nếu có đủ những điều lý thú được đánh thức trong một con người để giao tiếp một cách cởi mở với hoàn cảnh, tôi chắc rằng người ấy sẽ có thể hoàn thành công việc thật sự tốt đẹp. Chúng ta không nên có lối suy nghĩ phân biệt quá nhiều. Con người luôn có một nguồn năng lực tiềm tàng. Mọi người đều có một trí thông minh cơ bản có thể làm chúng ta phải ngạc nhiên. Nếu một người có thể đạt đến mức độ vượt qua rào cản quan niệm để mở ra sự giao tiếp thông minh, công việc của họ sẽ trở nên cởi mở và sáng tạo. Khả năng ấy luôn ở đó. Có những phẩm chất mạnh mẽ ẩn giấu bên trong chúng ta, luôn luôn như vậy.

Dịch giả: Thành Khang – Diễm Quỳnh
NXB: Lao Động, Năm 2013

Bình luận

[…] 1970, Chogyam Trungpa  được mời qua Hoa Kỳ. Từ đó làm nhà ở Boulder, Colorado, và đi dạy khắp […]


Bài viết liên quan

  1. CÁI BÂY GIỜ
  2. TỰ HOÀN THIỆN
  3. SÁNG TẠO

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY
  2. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  3. CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ