TRONG QUÁN ĐẢNH, NHÌN NHẬN ĐẠO SƯ MẬT TÔNG LÀ MỘT VỊ PHẬT

SƯU TẦM

Trích: Thầy Minh Triết Trò Trí Huệ; Việt dịch: Nguyễn Quyết Thắng; NXB. Từ Điển Bách Khoa; 2013

 

Nhìn nhận đạo sư mật tông là một vị Phật không chỉ mang lại sự gia trì lớn nhất cho thực chứng tịnh quang tâm, nó còn là cốt tủy cho quá trình quán đảnh trong vô thượng mật điển. Cả bốn tông phái Tây Tạng đều đồng thuận ở điểm này, mặc dù mỗi tông phái giải thích cơ chế một cách khác nhau. Chúng ta hãy mô tả ngắn gọn những giải thích khác nhau ấy. Hiểu được việc nhìn nhận đạo sư mật tông như vị Phật theo nhiều cách hợp lý có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

Các truyền thống Sakya, Nyingma và Kagyu giải thích quá trình quán đảnh nghĩa là các đệ tử nhận được những trải nghiệm có ý thức về nhiều khía cạnh khác nhau của Phật tính. Quán đảnh đầu tiên trong bốn quán đảnh vô thượng mật điển liên quan đến khía cạnh thân của Phật tính, quán đảnh thứ hai liên quan đến khẩu; quán đảnh thứ ba liên quan đến ý; và quán đảnh thứ tư liên quan đến tổng hợp ba năng lực nói trên.

Từ quan điểm của cấp độ con đường, cũng nhấn mạnh tương tự vào các biểu hiện bất tịnh và tịnh của các đạo sư mật tông, các đệ tử trong khi quán đảnh cần nhìn nhận thân khẩu ý của đạo sư mật tông như hai cấp độ lượng tử hợp lý. Chúng biểu hiện và tồn tại vừa như các năng lực của người bình thường, vừa như các năng lực giác ngộ của chư Phật. Đệ tử cần nhận ra rằng những cấp độ này xuất hiện và tồn tại không tách rời khỏi nhau do Phật tính của vị đạo sư mật tông – đặc biệt do tịnh quang tâm của vị đạo sư mật tông đóng vai trò nền tảng của mọi thứ xuất hiện.

Chúng ta đều có tịnh quang tâm như là một khía cạnh của Phật tính. Theo giải thích của tông Sakya, tịnh quang tâm chứa những “chủng tử nền tảng” cho thân, khẩu, và ý giác ngộ của một vị Phật. Nếu hiểu rằng đạo sư mật tông thực sự có thân khẩu ý giác ngộ từ một góc nhìn hợp lý, hiểu biết ấy sẽ tăng cường và làm mạnh mẽ hơn những chủng tử nền tảng của ba năng lực giác ngộ này trong tịnh quang tâm của chính chúng ta. Sự hiểu biết ấy dẫn đến điều này bằng cách gieo những “chủng tử tạo duyên” Trong tịnh quang tâm để chúng ta thực chứng những chủng tử nền tảng. Thông qua quá trình, hiểu biết có ý thức của chúng ta trong một nghi lễ khai tâm sẽ làm cho các chủng tử nền tảng trở nên chín muồi thành thân khẩu ý thành tựu của Phật.

Từ quan điểm của cấp độ thành tựu, các đệ tử trong nghi lễ quán đảnh cần nhìn nhận rằng mọi phẩm chất giác ngộ của thân khẩu ý là đã đầy đủ trong “ý mật” của đạo sư mật tông – tức là trong tịnh quang tâm của họ. Tông Nyingma giải thích rằng việc các phẩm chất Phật vốn là đã đầy đủ trong tịnh quang tâm của chúng ta sẽ tạo ra “quán đảnh nền tảng”. Nhìn nhận rằng những phẩm chất này là đã đầy đủ trong đạo sư mật tông sẽ bổ sung trong nền tảng này một “quán đảnh tạo duyên” Giúp cho những phẩm chất này chín muồi. Mặc dù các phẩm chất Phật là không thể tách rời với tịnh quang tâm, giống như các tia nắng mặt trời là không tách rời khỏi mặt trời, nhưng những vết mờ thoáng qua vẫn ngăn che sự hoạt dụng của chúng. Quán đảnh tạo duyên sẽ tiếp năng lượng cho quá trình tịnh hóa để cho những phẩm chất này chín muồi, qua đó tỏa sáng và hoạt dụng mà không còn bị che mờ.

Các dòng truyền thừa của tông Kagyu cũng phải thích từ một quan điểm của cấp độ thành tựu. Dòng truyền thừa Drigung Kagyu với hành trì Ngũ bộ đại thủ ấn chẳng hạn, giải thích rằng trong nghi lễ quán đảnh, các đệ tử cần nhìn nhận rằng ngũ uẩn, tứ đại v.v… của đạo sư mật tông là vẫn duy trì từ thuở nguyên sơ trong bản chất của Phật nam và Phật nữ. Để một thứ gì đó duy trì trong bản chất của một thứ khác có nghĩa là nó cần tồn tại và dụng theo cùng cách. Ví dụ, ngũ uẩn của thân và ý tạo nên từng khoảnh khắc trong trải nghiệm bình thường của chúng ta, trong khi năm kiểu tỉnh thức sâu sắc (ngũ trí), tượng trưng bởi Ngũ trí Như Lai, lại tạo nên từng khoảnh khắc của trải nghiệm của một vị Phật. Ngũ trí Như Lai đại diện cho những khía cạnh khác nhau của Phật tính. Cả ngũ uẫn và ngũ trí tồn tại như là những khía cạnh của “sự tỉnh thức sâu sắc, bất nhị, hiển thị đồng thời” – nói cách khác, như là những khía cạnh của tịnh quang tâm. Cả ngũ uẫn và ngũ trí đều hoạt dụng giống nhau để tạo ra trải nghiệm. Nhìn nhận thân khẩu ý của đạo sư mật tông như là đạo tràng của Ngũ trí Như Lai sẽ gieo các chủng tử và cho ta khả năng thực chứng bản chất tương tự trong chính chúng ta.

NHÌN NHẬN MỘT ĐẠO SƯ MẬT TÔNG LÀ MỘT VỊ PHẬT TRONG QUÁN ĐẢNH CỦA TÔNG GELUG

Kể cả nếu giải thích rằng một đạo sư mật tông là một vị Phật từ quan điểm của cấp độ con đường hay cấp độ thành tựu, thì ở cấp độ cơ sở, vị thầy không phải theo nghĩa đen là một vị Phật toàn năng. Do vậy, bởi điều này và những cấp bậc logic khác, nên các vị geshey của tông Gulug khuyên nên tránh bàn cãi về chủ đề vị thầy tâm linh là một vị Phật. Thay vào đó, tông Gelug giải thích ý nghĩa của việc ngũ uẩn của một đạo sư mật tông chính là Ngũ trí Như Lai từ quan điểm của cấp độ cơ sở để hướng tới giác ngộ.

Aku sherab – gyáto chỉ rõ quan điểm này trong tác phẩm Một Nhắc Nhở Để Không Quên Những Quán Tưởng Được Mật Điển Guhyasamaja. Ngũ uẩn trong mỗi trải nghiệm là các chất liệu chuyển hóa, và ngũ trí là những điều kiện hoạt động đồng thời để thành tựu Ngũ trí Như Lai. Cũng giống như hạt mầm chuyển hóa thành chồi thông qua các hành động tưới nước và nhận ánh nắng mặt trời xảy ra đồng thời với sự hiện diện của hạt mầm, ngũ uẩn chuyển hóa thành Ngũ trí Như Lai thông qua năm kiểu tỉnh thức sâu sắc (ngũ trí) hoạt động đồng thời với ngũ uẩn. Trong quán đảnh vô thượng mật điển, các đệ tử cần nhìn nhận ngũ uẩn của đạo sư mật tông như là Ngũ trí Như Lai theo nghĩa là các đạo sư đã chuyển hóa ngũ uẩn thành Ngũ trí Như Lai bằng cách bồi đắp năm kiểu tỉnh thức sâu sắc (ngũ trí). Cách này gia hộ cho đệ tử làm được điều tương tự.

Trong truyền thống Gelug, quá trình quán đảnh xoay quanh việc đệ tử nhận được một trải nghiệm có ý thức về một hiểu biết đầy phúc lạc về tính không tại mỗi quán đảnh trong bốn quán đảnh vô thượng mật điển. Ở mỗi giai đoạn, trải nghiệm có ý thức sẽ gieo hạt giống để có được hiểu biết đầy phúc lạc về tính không thông qua tịnh quang tâm.Hiểu biết này tương tự như thực chứng Phật tính của mình ở cấp độ sâu xa nhất, như được giải thích trong các tông phái Tây Tạng khác. Tuy nhiên, trải nghiệm một cách có ý thức về một mức độ hiểu biết đầy phúc lạc về tính không trong một lễ quán đảnh của tông Gelug không có liên quan trực tiếp với việc nhìn nhận đạo sư mật tông là một vị Phật khi đang diễn ra các thủ tục quán đảnh.

Trong tác phẩm Con Đường Giác Ngộ, Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười Bốn giải thích rằng, trong bối cảnh của tông Gelug, mặc dù các đệ tử cần nhìn nhận đạo sư mật tông là một vị Phật trong cả bốn quán đảnh vô thượng mật điển, thì trong ba quán đảnh đầu tiên, việc vị đạo sư ban quán đảnh là một vị Phật là một hiện tượng có thể được diễn giải. Chỉ trong quán đảnh thứ tư, việc đạo sư mật tông là một vị Phật mới là một thực tế chắc chắn. Như đã giải thích trước đây, các hiện tượng bất liễu nghĩa thì không hiện hữu theo cách chúng biểu hiện, mà chúng dẫn đến một hiện tượng liễu nghĩa, là hiện tượng tồn tại theo cách chúng biểu hiện. Trong ba quán đảnh vô thượng mật điển đầu tiên, vị đạo sư mật tông biểu hiện là một vị Phật, nhưng không nhất thiết tồn tại như một bị Phật. Tuy vậy, việc nhìn nhận vị đạo sư như một vị Phật trong các bước này dẫn đệ tử đến chỗ nhìn nhận trong quán đảnh thứ tư rằng đạo sư mật tông không chỉ biểu hiện là một vị Phật, mà còn chắc chắn là một vị Phật.

Quán đảnh vô thượng mật điển thứ nhất sẽ gieo các chủng tử cho thực chứng giai đoạn thiền hữu vi (tạo tác); quán đảnh thứ hai cho việc thực chứng thân huyễn – thân được tạo thành bởi những khí lực vi tế nhất. Quán đảnh thứ ba gieo các chủng tử cho việc thực chứng tịnh quang tâm; và quán đảnh thứ tư cho việc thưc chứng hai sự thật đồng thời – trong bối cảnh này, tịnh quang tâm và những thị hiện báo thân của nó. Một người chưa giác ngộ có thể thực chứng giai đoạn hữu vi, thân huyễn, và tịnh quang tâm. Tuy vậy, chỉ có một vị Phật mới có thể thực chứng hai sự thật đồng thời. Do vậy, từ quan điểm của cấp độ cơ sở như các giải thích cảu truyền thống Gelug, chúng sinh chưa giác ngộ chỉ có thể ban ba quán đảnh đầu tiên dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ.

Chỉ có một vị Phật mới có thể mô tả cảm nhận đồng thời về hai sự thật từ kinh nghiệm cá nhân của vị ấy, và do vậy mới có thể ban quán đảnh thứ tư bằng quyền năng của lời nói. Do đó, để nhận được quán đảnh thứ tư, đệ tử cần nhìn nhận rằng đạo sư mật tông của họ chắc chắn là một vị Phật.

QUÁN ĐẢNH TẠO DUYÊN, QUÁN ĐẢNH MỞ ĐƯỜNG VÀ QUÁN ĐẢNH THÀNH TỰU

Tông Gelug đưa thêm những giải thích về việc nhìn nhận đạo sư mật tông là một vị Phật trong bối cảnh nhận quán đảnh vô thượng mật điển. Trong tác phẩm Đại Luận Về Trình Tự Tu Tập Của Con Đường Mật Chú, Tông Khách Ba bàn về ba giai đoạn quán đảnh: quán đảnh tạo duyên sau đó sẽ chín muồi(nhân), quán đảnh mở đường để giải thoát (đạo), và quán đảnh thành tựu của giải thoát (quả). Đạt Lai Lạt Ma Thứ Bảy giải thích ba quán đảnh này trong Sự Khai Ngộ Làm SángTỏ Ý Nghĩa Thực Tế Của Quán Đảnh. Đạo sư mật tông bên ngoài, thông qua việc làm theo một nghi lễ, sẽ ban quán đảnh tạo duyên để sau đó chín muồi. Sự gia trì và kinh nghiệm có ý thức mà đệ tử nhận được sẽ gieo chủng tử để nó chín muồi thành những thành tựu chứng tính không phi khái niệm, sự thức chứng của họ cho phép giải thoát theo từng giai đoạn khỏi những che mờ thoáng qua. Do đó, vị đạo sư bên trong ban quán đảnh mở đường để giải thoát. Với việc hoàn tất con đường tu tập, thành tựu giác ngộ của đệ tử sẽ ban quán đảnh thành tựu của việc giải thoát hoàn toàn khỏi những che mờ.

Quán đảnh tạo duyên từ một đạo sư bên ngoài dẫn đến quán đảnh mở đường của vị đạo sư bên trong, đến lượt nó dẫn đến quán đảnh thành tựu của tâm thức giác ngộ của một vị Phật. Do vậy, việc nhìn nhận đạo sư mật tông bên ngoài như một vị Phật sẽ dẫn đến cấp độ chắc chắn của quán đảnh thành tựu. Vị đạo sư ban quán đảnh thành tựu thực tế là một vị Phật theo mọi khía cạnh: vị đạo sư ban quán đảnh ở cấp độ chắc chắn ấy chính là vị Phật mà đệ tử sẽ trở thành.

Ảnh: Alexander Berzin (sinh 1944) là một học giả, dịch giả và giảng viên Phật giáo Tây Tạng chủ yếu về đề tài truyền thống Tây Tạng. Ông nhận bằng cử nhân năm 1965 tại Khoa Nghiên cứu Đông phương học, Đại học Rutgers liên kết với Đại học Princeton, nhận bằng Thạc sĩ năm 1967, bằng Tiến sĩ năm 1972 của Khoa Ngôn ngữ học Viễn đông (Hoa ngữ) và Khoa Nghiên cứu Ấn Độ và Phạn ngữ, Đại học Harvard.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. DALAI LAMA – CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH
  2. BỒ TÁT DI LẶC DẠY THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ VỀ BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN
  2. NỮ GIÁO SƯ ĐÓNG GÓP 1 TỶ USD ĐỂ SINH VIÊN Y KHOA ĐƯỢC HỌC MIỄN PHÍ
  3. CHỈ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG MỚI GIẢI ĐƯỢC OÁN THÙ

Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG