ALEXANDRE JOLLIEN
CHRISTOPHE ANDRE
MATTHIEU RICARD
Trích: Bàn Về Cách Sống – Đối Thoại Giữa Triết Gia, Bác Sĩ và Nhà Sư; Việt dịch: Thiên Nga; NXB Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018
ALEXANDRE: Thông thường, tôi chỉ chóng mặt khi thấy mấy chiếc tàu lượn tinh thần. Bao nhiêu lần lên cao xuống thấp, mọi thay đổi đột ngột của nó làm hao mòn và cuối cùng làm ta như bị vắt sạch nước, trống lốc, bị đày biệt khỏi xứ thanh thản. Tôi ngủ dậy mà trái tim phơi phới, rồi một e-mail, gần như vô hại, là đủ làm tiêu tùng buổi sáng. Chẩn đoán đã rõ, sáng sủa: bất ổn cảm xúc. Không phải vô cớ mà tôi miệt mài tọa thiền. Nếu không có thuốc giải, từ lâu tôi đã tuyên bố bỏ cuộc và đầu hàng luôn rồi. Tin vui là trạng thái náo động thật sự này không phải không có thuốc chữa. Bất mãn, cả nó cũng có thể hết. Từ đó, một câu hỏi đặt ra rất cấp bách, trước khi nhúm tóc còn lại của tôi cháy rụi: làm sao để không còn là đồ chơi của hoàn cảnh, con rối của cảm xúc? Nói tắt lại là, làm sao dám có một chút tự do? Ở đây, tìm thấy thăng bằng không dễ!
MỘT CẤP BÁCH KHÔNG HẤP TẤP
ALEXANDRE: Trước hết, vấn đề là không làm lớn chuyện những rắc rối của ta, trừ khi để làm ta nản chí, trong khi làm tối đa để rút ra càng nhanh càng tốt! Vừa lúc thức dậy tôi có thể cố gắng tập luyện: nhận diện những đám mây ngăn tôi vui vẻ và yêu thương mà không đòi hỏi gì đáp lại. Không hấp tấp, tôi có thể đâm thủng vách ngăn cách tôi với bình yên này. Làm thế nào? Ngay khi thấy, như Epictetus, tôi là một “nô lệ trên đường giải phóng” và đi thẳng đến những ý định trốn thoát. Nhưng thế công không dẫn đến đâu. Nếu tôi huênh hoang về kết quả, dứt khoát tôi sẽ nguy, tuyệt vọng. Mỗi bước đều đáng kể. Và không cần cử chỉ khác thường nào khi mà một nỗ lực nho nhỏ điều chỉnh đúng có thể kéo chúng ta ra khỏi tình cảnh khốn khổ.
Thiền tông đưa ra một tập luyện rất đơn giản, thiền hành. Việc thiền đi này dạy ta chú tâm hoàn toàn vào mỗi bước chân, không chạy. Khi tâm trí tôi muốn nổ tung, tôi quay lại với thực hành làm tôi cắm rễ ngay lập tức trong cái hiện nay lúc này. Trên đường, tôi nhớ lời của một thầy: “Muốn đi nhanh hơn, phải chậm lại.”
Thật là một tự do kỳ lạ khi sống như thể ta có hết cả thời gian trên đời, và dẹp bỏ cả cái hấp tấp cũng như lười biếng. Từ khi sống ở Seoul, tôi đã quyết định là không bao giờ chạy về nhà. Vừa thấy cái cầu thang và thang máy trong tòa nhà, tôi ngừng lại tức thì mọi hấp tấp, tôi tập thiền hành.
Thật ra, vấn đề là thay đổi lối sống. Buồn bã, giận dữ và sợ hãi lúc đó là các dấu hiệu xui ta từ bỏ cái cai trị của bản ngã, chuồn đi. Và vì thay đổi làm ta sợ, ta hãy nhớ chẩn đoán của Đức Phật: nếu ta níu giữ các trạng thái tinh thần, ta tất sẽ khổ. Từ đó mà có phương thuốc tuyệt diệu: vô chấp.
MATTHIEU: Mong muốn mãnh liệt thoát khổ không có nghĩa là cần đốt cháy giai đoạn. Chỉ cần tỏ ra kiên trì. Cậu nói về chậm lại. Còn về cái liên quan đến ý nghĩ của ta, lời nói và hành động vô ích của ta, chậm lại là tốt, nhưng bỏ chúng đi thì còn tốt hơn nữa. Trái lại, một khi ta đã ở trên con tàu tốt được gió thuận đẩy tới một cái đích đáng bỏ công, tại sao phải giảm tốc? Nếu quả có một phương tiện để làm tiêu tan khổ, ta đi thôi, đừng lề mề. Cái vô ích là giậm chân sốt ruột, không suy xét mà dấn thân vào phương hướng xấu hay chưa gì đã kiệt sức vì nỗ lực thái quá. Nói cách khác, không nên nhầm lẫn chuyên cần, được định nghĩa là niềm vui trong dạng nỗ lực, với sự hấp tấp, nôn nóng hay thất thường. Người ta kể câu chuyện một môn sinh hỏi thiền sư: “Con phải mất bao lâu mới đạt satori (giác ngộ)?” Thầy đáp: “Ba mươi năm.” Môn sinh vẫn khăng khăng: “Vậy nếu con gấp lắm thì sao?” Thầy đáp: “Nếu vậy thì năm mươi năm.”
Thái độ của chúng ta cần nằm trung dung giữa tinh tấn và phóng dật thái quá. Đức Phật có một đệ tử chơi vina, một nhạc cụ dây gần với đàn sitar. Đệ tử này một hôm phân trần với Đức Phật rằng mình có rất nhiều cái xấu phải quán tưởng:
– Khi thì con rất cố gắng để định, rồi con căng thẳng quá. Khi thì con cố thư giãn, nhưng con lại buông lung quá và rơi vào hôn trầm. Con phải làm sao?
Đức Phật đáp: – Con so dây đàn cách nào để có được âm thanh hay nhất?
– Dây đàn cần phải không quá căng cũng không quá chùng.
– Với thiền con cũng như vậy: con cần tìm thấy một cân bằng đúng giữa tinh tấn và phóng dật.
Ta cần có một ý thức sáng tỏ về mục đích, đó là thoát khỏi vô minh và độc tố tinh thần, để cho thực hành của minh phương hướng đúng. Nếu không thì nó giống như bịt mắt bắn mũi tên vào một cái bia mà ta không biết kích thước hay vị trí. Nhưng không cần phải ám ảnh đến độ trở thành, theo kiểu nào đó, chướng ngại cho thành tựu của ta.
THOÁT KHỎI CÁI PHÁ HOẠI ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA TA HAY LÀ HỒ SƠ MK
ALEXANDRE: Thỉnh thoảng, tôi mấp mé đầu hàng. Làm sao không bỏ cuộc trước bao nhiêu là chướng ngại và sức ì: thói quen, dục vọng và cái khuynh hướng ngoan cố lặp lại lỗi lầm? Lý tưởng của Bồ Tát làm tôi phấn chấn lên. Cái thách thức vượt quá sức tôi này, không phải bản ngã cần nhận lời nó, mà cả con người tôi.
Tôi học cách thoát khỏi chuyên chế của sau này để tiến lên từng bước một. Khi cuộc đời trở nên không chịu nổi, ta thấy muốn bám víu vào tương lai: “Sau này, mình sẽ đỡ hơn.” Nhưng cái nguy chạy trốn thực tại để chờ luôn hoành hành. Người đã chiến đấu như vậy rồi có dám bỏ vũ khí mà vui sống không? Các thầy thuốc tâm thần và những người quán tưởng cần quan tâm đến câu hỏi đáng gờm này… Tại sao trên núi cao ta không biết thưởng thức cảnh vật mà chưa gì đã trông tới đỉnh kế tiếp? Để sống tận cùng mỗi giai đoạn, ta phải tránh kiệt sức. Để tránh cơn cuồng kỳ lạ này, như thể tôi định nắm bắt lại thời gian đã mất, chữa mọi vết thương quá khứ, tôi bắt đầu sống trong hiện tại và có hành động từng ngày một.
MATTHIEU: Đúng vậy. Tôi nói theo đường trực tiếp, nhưng phần còn lại là chuyện phương pháp. Một lần nữa, ngài Tịch Thiên đã nói rằng không có nhiệm vụ lớn khó khăn nào mà không thể chia nhỏ thành những nhiệm vụ dễ dàng.
ALEXANDRE: Tôi đến gặp một bác sĩ về dạ dày ruột, và sau khi khám kỹ lưỡng cho tôi, anh ta cam đoan rằng tôi không sao cả. Rồi anh ta cho tôi một lời khuyên quý báu: “Từ đây cậu có một hồ sơ MK, nghĩa là mặc kệ. Mỗi lần một nỗi lo sợ khuấy đảo cậu, bỏ nó ngay lập tức vào hồ sơ.” Bác sĩ này, thật hoàn hảo, không những làm tất cả những gì có thể về mặt y khoa để dò ra một chứng bệnh mà còn xua hết mọi nỗi lo sợ. Không tầm thường hóa nỗi sợ của tôi, cũng không gợi lên quá nhiều ý niệm nhà kho rắc rối tâm thể, anh ta thực sự giúp tôi. Tại sao không làm theo lời khuyên của anh ta và cũng tạo cho mình một hồ sơ MK để quẳng vào đó mọi phiền nhiễu vô ích? Bài tập là thực hành ở thời hiện tại và theo ngôi thứ nhất: cưỡng bức áp đặt nó cho người hay lo thì không hiệu quả và rất tàn bạo. Tập kiên nhẫn cũng là từng bước phát triển sự tin tưởng ở đời sống. Trên con đường này, những thiện hữu sẽ đỡ đần cho ta khi ta chệch choạng.
MATTHIEU: Về những ý nghĩ quấy nhiễu ta liên miên, cậu đã mô tả rõ theo cách hình ảnh làm sao thoát dần sức chi phối của chúng trong khi để chúng trôi qua một lần, mười lần, cho đến một lúc ý nghĩ không đặt ra vấn đề nữa. Lúc đó ý nghĩ nhỏ nhất ban đầu ám ảnh cậu thì cũng như đốm lửa rơi trên đụn cỏ khô, cuối cùng cái này sẽ như tia lửa phun lên trời và tắt đi.
Phương pháp này nằm ở tâm của cả những thực hành cho phép chúng ta làm chủ ý nghĩ và cảm xúc, cũng như chinh phục sự tự do bên trong. Như ta đã thấy nhiều lần, có vô số phương pháp để có được tự do này. Ví dụ, ta có thể vất bỏ những ý nghĩ làm ta rối bời trong khi kêu gọi những ý nghĩ hay tình cảm đối lập hoàn toàn: nhân từ đối lập với thù hận, nhẫn nhục đối lập với cáu tiết. Trong tâm trí ta không thể cùng lúc có một ý nghĩ yêu thương và một ý nghĩ hận thù. Nhưng “cho qua” là một phương pháp vi diệu hơn và mạnh mẽ hơn. Bởi vì, ta nhanh chóng nhận ra rằng ngăn ý nghĩ nổi lên là một việc thất bại từ trước. Chúng sinh khởi theo mọi cách. Chặn chúng để làm gì khi chúng đã ở đó rồi? Vấn đề thực sự là biết làm gì với nó. Ta để nó lan man và sinh sôi cho đến khi tâm trí ta ngập lụt những ý nghĩ, hay ta cứ để nó đi qua mà không cho nó cơ hội để sinh sôi? Trong trường hợp thứ hai, ta so sánh chúng với chim bay qua trời không để lại dấu vết, hay những hình vẽ trên nước lần lượt tự tan biến. Đó là cái ta gọi “giải thoát khỏi ý nghĩ khi chúng vừa sinh khởi”.
Cái “cho qua” này là một trong những phương pháp hay nhất, không chỉ để khéo léo điều khiển những ý nghĩ làm ta tán loạn, mà còn làm suy yếu dần các khuynh hướng của ta trong việc để cho ý nghĩ xâm chiếm. Chẳng hạn nếu ta mặc sức giận, không chỉ ta dưới quyền nó mà ta còn ngày càng có khuynh hướng lại nổi giận. Nếu trái lại ta học cách để mặc cơn giận đó, không xem nặng gì nó cả, nó sẽ tự tiêu tan. Do vậy, trước mắt ta tránh nằm trong tầm ảnh hưởng của nó, còn về lâu dài, ta tích cóp những thành công nho nhỏ mà cuối cùng sẽ làm tiêu tan ngay cả khuynh hướng giận dữ của ta. Sẽ đến một ngày hận thù và các độc tâm khác không làm loạn trong óc ta nữa. Chúng không nằm trong tâm cảnh của ta nữa.