Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống; J. Krishnamurti; Đinh Hồng Phúc dịch; NXB Hồng Đức; 2019

VỀ TÁC GIẢ

J.Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.  Cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện“, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.

Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.

J.Krishnamurti.jpg

J.Krishnamurti

——-???——-

Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì?

Nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng.

Cuộc sống có ý nghĩa rộng lớn hơn và cao cả hơn tất cả những điều đó, và nền giáo dục phỏng có ích gì nếu như nó chẳng thể giúp ta khám phá ra ý nghĩa ấy?

Con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nền giáo dục phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này – vì nếu không có sự hợp nhất ấy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cuộc xung đột và nỗi bất hạnh. Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó.

Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện; giáo dục là nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn.

Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và ở mọi người, chính là giáo dục.

Giáo dục phải giúp ta tìm thấy những giá trị phổ quát vững bền sao cho ta không còn lệ thuộc vào các công thức vô hồn hay lặp đi lặp lại các khẩu hiệu sáo rỗng; nó phải giúp chúng ta phá vỡ những rào cản trong xã hội và giữa các quốc gia, thay vì làm nổi rõ những cản trở ấy, vì chúng gây ra sự đối kháng trong mối tương quan giữa con người với nhau.

——-???——-

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ TẤT CẢ
  2. CÁI TRÒN ĐẦY
  3. GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  2. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI
  3. TÌNH YÊU LÀ TÍNH THIÊN LIÊNG

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG