BJ GALLAGHER
Franz Metcalf
Trích: Đưa Đức Phật Vào Nơi Làm Việc; Tác giả: Franz Metcalf & BJ Gallagher; NXB Hồng Đức
Đức Phật tiếp nhận ý kiến phản đối như thế nào?
Khi tiếp nhận lời nói hữu ích mà tôi không chờ đợi,
Nó khuyên bảo tôi điều hay, điều tốt
Tôi đón nhận với lòng biết ơn,
Và mong mỏi được học từ bất kỳ ai.
— Tịch Thiên – Nhập bồ đề hành luận, 5.74
Điều mà chúng ta ghét nhất là lời phê bình hay lời khuyên không đúng chỗ. Lời phê bình hay lời khuyên không đúng chỗ dễ chạm tự ái của chúng ta vì chúng ta chưa sẵn sàng nghe. Chúng ta không muốn ai góp ý và chúng ta bực mình với sự oán hận. Phát xuất từ tâm trạng tiêu cực đó, cơn giận sôi lên. Tất cả điều đó khiến cho sự lãnh hội lời khuyên bất ngờ trở nên vô cùng khó khăn.
Tịch Thiên khẩn khoản khuyên chúng ta dẹp bỏ bản ngã của mình và thừa nhận giá trị của việc lắng nghe lời góp ý của người khác, nhất là khi chúng ta không chờ đợi điều đó. Nếu chúng ta tỏ ra oán giận thì chẳng học hỏi được gì cả. Nếu tỏ ra biết ơn, chúng ta học hỏi được mọi người. Nếu chúng ta thực sự muốn khôn ngoan thì phải xem mọi người như người thầy. Những bài học quan trọng nhất mà chúng ta cần học có thể xuất phát từ những người vô danh. Hãy lắng nghe cẩn thận khi có người nào nhắc nhở ta, có thể đó là lời của Đức Phật.
Làm thế nào để phê bình mang tính xây dựng?
“Bằng cách phê bình, người thấy hy vọng chỉ dẫn. Vậy thôi.””
— Thiền sư su Bankei Yotaku
BANKEI Đã luyện tập nhiều năm để phát triển Phật tâm, và dĩ nhiên ông cũng là một nhà giáo. Ông biết rằng thay đổi mình quả thực khó khăn và giúp người khác thay đổi lại càng khó khăn hơn. Trong quá trình này, đôi khi phê bình là cần thiết và ông dạy cách phê bình. Lời dạy của ông rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Khi phê bình người khác, người thầy muốn chỉ dẫn. Có vậy thôi! Không bao giờ người thầy phê bình để gây chú ý, để phô trương trí tuệ, hoặc nâng cao vị thế của mình. Phê phán chỉ để hướng dẫn. Nếu ta không duy trì được tinh thần hướng dẫn khi phê bình thì tốt hơn hết đừng nên phê bình.
Khi ta bị thôi thúc phê bình, hãy tự hỏi: “Tôi đang chỉ dẫn điều gì? Tôi gạt bỏ các động cơ nào khác, ngoài việc chỉ dẫn?” Dù ta vừa giáo dục người mà ta phê bình hay bất cứ ai cần học hỏi thì cũng là lúc ta nên giáo dục mình và học tập từ hành vi của chính mình. Nếu không thì hãy im lặng, trừ khi có thể thẳng thắn trả lời: “Vâng, phê bình chỉ là để giáo dục”.
Dĩ nhiên, toàn bộ cuộc thảo luận này ngụ ý rằng đối tượng nhận lời phê bình sẽ cởi mở và sẵn sàng đón nhận phê bình. Chớ coi thường điều này! Chớ suy đoán rằng mọi người đều thích thú học hỏi từ lời phê bình và sự hiểu biết của ta. Chớ lên mặt làm thầy với bất cứ ai, huống hồ là chỉ trích. Điều này hết sức đúng với đồng nghiệp. Nếu ta là cấp trên hay người chỉ huy thì vai trò của ta là chỉ dẫn và có thể là phê bình, nếu nhờ phê bình mà họ cải thiện. Nhưng đối với những người khác, trước hết nên hỏi họ “Tôi có vài nhận xét có thể hữu ích cho bạn, bạn có cần không?”. Nếu họ nói cần, ta có thể phê bình họ và góp ý để họ học hỏi. Còn nếu họ nói không, tốt hơn hết hãy quên đi.
Thủ thuật giúp đồng nghiệp thay đổi
Tôi sẽ không chỉ đường bằng ngón tay.
Ngược lại, tôi sẽ trang trọng giang rộng cả hai cánh tay,
Để chỉ con đường phía trước.
Tịch Thiên – Nhập bồ để hành luận, 33,
Tôn trọng là điều quan trọng bậc nhất phải nhớ khi huấn luyện hay dạy bảo người khác. Trên hết, ta phải tôn trọng người học và tôn trọng con đường nghề nghiệp và đời sống tinh thần của họ. Nếu muốn dạy bảo họ, ta phải đáp ứng đúng trình độ của họ. Sau đó, ta mới có thể mời gọi họ đi theo con đường mà ta chỉ dẫn. Đừng bảo họ phải làm thế này thế nọ, mà hãy mời gọi họ làm những gì mà ta đang làm và đang thể hiện. Khi ta nỗ lực truyền đạt kiến thức, người học sẽ muốn học hỏi.
Thông thường, người học có quyền tiếp thu hay không tiếp thu. Người thầy không thể kiểm soát được điều này. Nếu khôn ngoan, chúng ta nên thừa nhận và tôn trọng sự lựa chọn của người học, ngay cả những lựa chọn có vẻ khó chấp nhận. Nếu ta muốn giúp người khác đi theo con đường chính đạo, thì hãy mời gọi họ – đừng chỉ bảo họ. Đôi khi con đường này thật khó khăn và ta nên tôn trọng cả người học lăn việc học. Nếu người học không đáp ứng thì ta vẫn phải làm công việc giảng dạy. Hãy tỏ ra gương mẫu và ta sẽ cảm thấy mãn nguyện trong công việc của mình.