CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ

CHOGYAM TRUNGPA

Dilgo Khuyentse Rinpochee và Chogyam Trungpa

Chogyam Trungpa, người sáng lập Tu Tập Shambhala, cũng là người sáng lập và chủ tịch của Viện Naropa, một đại học những đề tài nghiên cứu tự do và sáng tạo. Ông cũng là chủ tịch của Vajradhatu, một hiệp hội gồm hơn một trăm trung tâm thiền định và nghiên cứu Phật giáo ở Mỹ, Canada và châu Âu.

Là một vị nắm giữ dòng phái và một vị thầy thiền định trong phái Kagyu của Phật giáo Tây Tạng, Chogyam Trungpa là tu viện trưởng tối cao của những Tu Viện Surmang ở Tây Tạng, nơi ông cũng đã nhận học vị Khyenpo, tương đương với Tiến sĩ Thần học ở Tây phương. Chogyam Trungpa cũng nghiên cứu và thực hành những bộ môn nghệ thuật truyền thống như thư pháp, thi ca, múa và vẽ thangka.

Năm 1959, ở Ấn Độ, được Đức Dalai Lama chỉ định giữ chức cố vấn tâm linh cho Trường Những Lama Trẻ. Năm 1963, ông đến Anh, nơi đó ông học đại học Oxford, nghiên cứu về triết học, tôn giáo, nghệ thuật và ngôn ngữ. Ông cũng nghiên cứu cắm hoa Nhật Bản và nhận bằng thầy dạy cắm hoa ở trường Sogetsu.

Năm 1970, Chogyam Trungpa  được mời qua Hoa Kỳ. Từ đó làm nhà ở Boulder, Colorado, và đi dạy khắp Bắc Mỹ và châu Âu.

—–*—–

“Thấy vọng tưởng tức là bốn thân
Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không”

Trong châm ngôn “Thấy vọng tưởng tức là bốn thân / Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không,” câu hỏi căn bản là bảo vệ cho ai, bảo vệ cái gì? Mọi loại câu hỏi khác đều bao hàm trong đó, nhưng căn bản chúng ta đang nói về việc có một thấu hiểu hay chứng ngộ cách thế chúng ta tri giác những sự vật như chúng là.

Trong tri giác, trước hết có một cảm thức chờ đợi hay rỗng rang. Nơi đó có sự không chắc chắn như làm sao để tri giác những sự vật, không phải là biết làm sao để khiến cho một tình huống riêng biệt nào đó thành nắm bắt được. Rồi chúng ta có một ý niệm rõ ràng làm sao để tổ chức những sự vật. Thứ ba, chúng ta bắt đầu tạo một tương quan giữa hai cái đó. Và cuối cùng chúng ta có một kinh nghiệm toàn bộ về cái toàn thể. Điều ấy tạo thành bốn trạng thái của tâm thức mà chúng ta đi qua, bốn giai đoạn của tâm thức hay tiến trình tâm thức. Bốn tiến trình này liên hệ với bốn thân: dharmakaya (pháp thân), sambhogakaya (báo thân), nirmanakaya (hóa thân) và svabavikakaya (tự tánh thân).

Bản chất pháp thân của phản ứng của chúng ta với thế giới thì thường thường không chắc chắn, mơ hồ. Những chiến lược chưa được thành hình, kế hoạch hoàn toàn chưa tổ chức – nó chỉ là một cảm thức rỗng rang căn bản. Phương diện hóa thân là giai đoạn thứ hai của tiến trình này. Ở điểm này có một loại sáng tỏ nào đó trong ấy chúng ta có một nắm bắt căn bản về tình huống một cách tổng quát. Và để tạo một nối kết giữa sự bất định hay rỗng rang với sự sáng tỏ, chúng ta cần báo thân, nó là cầu nối qua khoảng trống giữa hai lãnh vực và nối kết chúng với nhau. Thế nên pháp thân và hóa thân được nối kết với nhau nhờ báo thân. Theo truyền thống đặc biệt này, đó là cách hiện thực để nhìn vào những sự vật.

Tự tánh thân là sự thấu hiểu toàn bộ sự vật, kinh nghiệm toàn thể bao quát. Khi chúng ta bắt đầu lóe sáng tâm thức chúng ta để chớp ảnh một đối tượng, khi chúng ta có một nắm bắt về nó, khi chúng ta bắt đầu thấu hiểu một liên hệ nào giữa những thân – cái toàn thể đó gọi là tự tánh thân.

Tự tánh thân là một trạng thái tổng quát của hiện hữu, và trạng thái ấy của tâm thức cũng chứa đựng cái được biết như là siêu vượt khỏi sanh, diệt và trụ. Siêu vượt khỏi sanh nghĩa là tiến trình tư tưởng không xảy ra được. Không có cái gì như là sự sanh của một tâm thức hay sự sanh của một tư tưởng xảy ra trong trạng thái hiện thể ấy của chúng ta cả, chỉ đơn giản là hiện hữu và rỗng rang. Siêu vượt khỏi diệt nghĩa là không có tư tưởng nào thực sự lắng xuống, trừ phi chúng được thay thế hay gối lên bởi một cái khác. Và siêu vượt khỏi trụ nghĩa là những tư tưởng không trụ ở đâu cả, dù cho có một loại cái gì đó tạm thời theo duyên có mặt. Thế nên ý tưởng về tự tánh thân là thấy vượt khỏi sanh diệt và trụ của tiến trình tư tưởng.

Lý do bốn thân – pháp thân, báo thân, hóa thân và tự tánh thân – trở thành một sự bảo vệ vĩ đại là: chúng ta bắt đầu thấu hiểu cách thức tâm thức của chúng ta hoạt động như thế nào, trạng thái của hiện thể chúng ta là gì. Chúng ta thấu hiểu rằng bất cứ cái gì xảy đến trong tâm thức chúng ta luôn luôn thuộc về dòng chảy ấy, hồ sơ lai lịch ấy, bản chất ấy. Đau đớn thình lình, giận dữ thình lình, hiếu chiến thình lình, đam mê thình lình – bất cứ cái khởi lên luôn luôn theo thể thức tương tự, tiến trình tương tự. Mọi sự luôn luôn tương hợp với bốn thân. Dù cho chúng ta có không xem tự tâm của chúng ta là hoàn toàn siêu việt và giác ngộ hay tỉnh thức, thì khuôn mẫu của nó vẫn là khuôn mẫu của bốn thân. Những tư tưởng khởi lên như vậy : bạn không thể trông chừng sự sanh ra của nó, chúng có đó như vậy. Chúng chết đi, chúng như vậy (Vidyadhara búng ngón tay). Chúng không trụ, chúng như vậy (Vidyadhara lại búng ngón tay). Toàn bộ sự việc là một tiến trình tự nhiên.

Nguồn:Con Đường Căn Bản Đến Giác Ngộ, Tác giả: ChogyamTrungpa, NXB Thiện Tri Thức

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI BÂY GIỜ
  2. PHÁP TÁNH
  3. TÂM CHƠN NHƯ

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY
  2. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  3. CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH