GARAB DORJE
Trích: Những Chữ Vàng - Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng; Garab Dorje với bình giảng của Dza Patrul Rinpoche; NXB Thiện Tri Thức;
Trong Dzogchen, chúng ta nói đến ba hay bốn cách thức giải thoát:
- gcer-grol, “giải thoát qua chú ý thuần túy”
- shar-grol, “giải thoát ngay khi nó sanh khởi”
- rang-grol, “tự-giải thoát”
- ye-grol, “giải thoát bổn nguyên”.
Trong bản văn, một số thí dụ được nêu ra để minh họa ý nghĩa của những cách thức giải thoát. Gcer-grol, nó là giải thoát nhờ nhận biết những tư tưởng, thì giống như gặp một người chúng ta đã từng gặp. Shar-grol, tư tưởng tự giải thoát chính chúng sau khi sanh khởi, thì giống như một con rắn đang cuộn tự mở thân ra. Nhưng rang-grol, ở đó những tư tưởng khởi sanh thành sự giải thoát tự nhiên và tức thời của chúng, thì giống như một kẻ trộm vào một căn nhà trống và thấy không có gì để lấy. Như thế, không có hại hoặc ích gì đối với trạng thái tham thiền nơi sự khởi sanh và giải thoát của tư tưởng. Ba cách thức giải thoát đều liên quan đến tiến trình giải thoát những tư tưởng, trong khi giải thoát bổn nguyên nhằm đến chính Rigpa, nó chưa từng có cách thế nào khác ngoài sự hoàn toàn giải thoát từ vô thủy.
Trong phương pháp gcer-grol này, “giải thoát qua chú ý thuần túy” có một hoạt động tâm thức tối thiểu. Chúng ta xoay sự chú ý về tư tưởng ngay khi nó sanh ra và nhận biết nó là một tư tưởng. Điều này giống như thấy người trên đường phố đông đảo như một người lạ, và rồi thình lình nhận ra người ấy là người quen cũ. Dù việc này hầu như là một tiến trình tự động, nhưng vẫn có một khoảng hở thời gian giữa mặt này là sự khởi sanh của tư tưởng, nhận thức sự hiện diện của nó và nhận biết nó là một tư tưởng và mặt kia là sự tan biến trở lại của nó. Đối với người mới học, sự thực hành này là thích hợp, nhưng về sau nó sẽ trở nên một khiếm khuyết nếu nó không được vượt lên.
Ở giai đoạn kế tiếp, tư tưởng tan rã ngay khi nó sanh khởi. Patrul Rinpoche minh họa tiến trình này bằng thí dụ vẽ hình trên mặt nước. Hình vẽ tan rã ngay khi nó được vẽ lên. Sự vẽ và sự tan biến là đồng thời. Thế nên ở đây sự sanh khởi và giải thoát là đồng thời. Không có khoảng cách hay sự không liên tục giữa tự-sanh khởi và tự-giải thoát của những tư tưởng. Như vậy, tiến trình này khác với giải thoát qua chú ý thuần túy và được biết là shar-grol, “giải thoát ngay khi nó sanh khởi”. Vẫn còn một sự phân biệt nhỏ nào đó giữa hai thì khởi sanh và giải thoát. Tuy nhiên, trong sự thực hành shar-grol này, hoàn toàn không có cố gắng nào để đè nén sự sanh khởi của tư tưởng. Không có năng lượng đầu tư vào nỗ lực đó, thế nên tiến trình giải thoát này là tự phát, tự động và không nỗ lực (rtsol med). Trong khi với thực hành gcer-grol, còn có nỗ lực tối thiểu của chú ý thuần túy, ở đây chẳng có nỗ lực nào như vậy. Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, nó lập tức được mang bởi chính xung lượng của nó vào trạng thái tự nhiên và được giải thoát. Như thế, những tư tưởng sanh khởi được tịnh hóa (nghĩa là được giải thoát) nhờ chính tiềm năng của Pháp thân. Chúng đi vào giải thoát một cách không cố gắng nhờ chính năng lực và xung lượng của sự sanh khởi của chúng. Bởi thế, bản văn nêu lên hình ảnh con rắn tự mở chính nó. Khi một tư tưởng sanh khởi mang theo một sự biến đổi mạnh mẽ về năng lực, như một tư tưởng tham hay sân, bấy giờ tánh Giác Rigpa có mặt nơi sự giải thoát của tư tưởng đó sẽ được thấy biết mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn. Như thế, phiền não trở thành người bạn và người giúp đỡ của Rigpa, thay vì là kẻ thù và người chống đối của nó. Theo cách này, mọi tư tưởng phóng dật sanh khởi như những biểu lộ của năng lực vốn sẵn đủ của bản tánh trực tiếp thấu suốt của chính Rigpa. Chúng ta tiếp tục trong trạng thái này mà không lấy bỏ bất cứ cái gì. Nhưng chúng ta tiếp tục nắm giữ sự nhận biết Pháp thân về mặt giải thoát, và bởi thế vẫn còn một nhị nguyên vi tế nào đó ở đây.
Với giai đoạn thứ ba, thậm chí sự phân biệt giữa sanh khởi và giải thoát (hay tan biến) cũng được vượt khỏi. Như thế, hình ảnh tác giả kể ra, một kẻ trộm vào một căn nhà trống rỗng và thấy không có gì để trộm. Khi tư tưởng khởi sanh, chúng tức khắc được giải thoát và không cách nào vượt khỏi trạng thái của Pháp thân. Nói thế nghĩa là, ngay sự sanh khởi của chúng chính là sự giải thoát của chúng, và như thế không còn bất kỳ sự phân biệt nào giữa hai thời kỳ hay hai khoảnh khắc này. Giải thoát là hoàn toàn tự động, tự phát không cố gắng và tức khắc, tiến trình này gọi là tự-giải thoát. Những tư tưởng giải thoát chính ngay khi chúng sanh khởi; chính sự khởi sanh của chúng là tiến trình giải thoát của chúng. Đây là phương pháp đích thực của Dzogchen, và mọi cái khác chỉ là sự chuẩn bị.
Sanh Tử và Niết Bàn
Như thế chúng ta không phải bị trói buộc trong sanh tử bởi những xúc tình tiêu cực của chúng ta, bị giam cầm trong tiến trình chu kỳ của những tư tưởng và phiền não không ngừng sanh khởi. Trong hệ thống Kinh, sanh tử (khor-ba, chu kỳ, hiện hữu theo chu kỳ) được định nghĩa một cách quy ước như là chu kỳ của hoạt động, cả về tâm thức lẫn thân xác, trong khi Niết bàn (myang das, vượt khỏi phiền muộn) được định nghĩa như là tĩnh lặng hay an bình tối hậu. Bởi thế, chúng ta có những từ Tây Tạng đồng nghĩa, srid-pa, “trở thành” để chỉ sanh tử và zhi-ba, “an bình, tĩnh lặng” để chỉ Niết bàn. Sanh tử biểu thị hiện hữu bị quy định, bị điều kiện hóa (Skt. samskrta-dharma), trạng thái bị quy định của tâm thức hay tiến trình tư tưởng, nơi đó những hiện tượng tâm thức được chuyển thành thức bởi những nguyên nhân trước đó, như một phần của một chuỗi xích nhân quả hay duyên sanh. Sanh tử đúng ra là chuyển động của tư tưởng, trong khi Niết bàn của những vị A La Hán là một trạng thái tĩnh lặng tối hậu, trong đó chuyển động của những tư tưởng và xúc tình không sanh khởi nữa. Nhưng Đại thừa không xem Niết bàn này của những vị A La Hán là mục đích tối hậu, hay thậm chí là hiện hữu không điều kiện (Skt. asamskrta-dharma). Theo giáo lý Đại thừa, vị A La Hán còn bị những che chướng rất tinh vi ảnh hưởng, và do vậy, sau khi trạng thái Niết bàn của vị ấy chấm dứt, vị ấy phải hiện hữu một lần nữa trong những thế giới cao hơn của Sắc giới. Và sau đó, để đạt đến giải thoát chân thật khỏi sanh tử, người ta phải thực hành sự nghiệp của Bồ tát. Chỉ lúc bấy giờ người ta mới có thể thành tựu mục đích tối hậu là Phật quả. Tuy nhiên, người ta không cần sanh trở lại làm người sau khi đạt được địa vị một A La Hán, một vị thánh hoàn hảo đã chiến thắng phiền não.
Nhưng Dzogchen hiểu những vấn đề này theo một cách khác. Đối với Dzogchen giải thoát nghĩa là giải thoát khỏi cả hai sanh tử và Niết bàn. Mục đích trong Dzogchen là được giải thoát hoặc trong đời hiện tại, hoặc ngay sau cái chết của thân xác trong trạng thái Trung Ấm, hơn là có một cái gì để đạt được trong thế giới cõi trời tương lai. Trong hệ thống Tantra, sanh tử và Niết bàn được quan niệm như hai thực tại song song hoặc thay thế lẫn nhau, một cái của cái nhìn thấy nghiệp báo bất tịnh có ra sáu cõi tái sanh của những chúng sanh mê mờ bình thường và một cái của cái nhìn thấy thanh tịnh những bổn tôn và mạn đà la của những chúng sanh giác ngộ. Cái nhìn thấy đầu là kết quả của vô minh và những che chướng của chúng sanh bình thường, trong khi cái sau là kết quả của trí huệ của những bậc giác ngộ. Nhưng trong Dzogchen, hai thực tại tách biệt này, sanh tử và Niết bàn cùng một trạng thái và cùng một thời điểm không chút nghi ngờ. Thế giới bên ngoài là một mạn đà la và tất cả chúng sanh là những bổn tôn, nhưng mọi sự thấy đúng như chúng đã là trước kia, không cần có một tiến trình quán tưởng hay chuyển hóa đi trước để đem lại sự chuyển đổi tri giác này. Núi là núi, và mỗi ngọn núi là núi Tu Di. Giác ngộ không phải là sự đi lên ở đâu khác, một trốn thoát khỏi trái đất đến một thiên đường cõi trời ở trên cao, đây là một thí dụ chung cho con đường tâm linh trong những truyền thống huyền bí khắp thế giới. Hơn thế, giác ngộ là cái gì xảy ra ở đây và bây giờ. Trong ánh sáng Dzogchen, những tư tưởng phóng dật siêu vượt khỏi những giới hạn bẩm sinh của chúng và phát hiện như là trí huệ. Đây là sự tự phát hiện của cái đã bị che dấu trước đó. Cái được tìm thấy vào lúc cuối cùng là cái đã hiện hữu từ lúc ban đầu; Alpha và Omega, cái đầu tiên và cái cuối cùng, đồng thời hiện diện. Đây là sự tự-phát hiện của trí huệ: có nhất thể nhưng đa thù vẫn không bị hư hại. Cả hai được bao gồm trong trí huệ hay hiểu biết bổn nguyên.
Giáo Lý Đặc Biệt của Dzogchen
Phương pháp này, trong đó những tư tưởng được tịnh hóa bởi sự tự-giải thoát không để lại dấu vết nào, là giáo lý đặc biệt của Đại Toàn Thiện tự nhiên, và không tìm thấy ở đâu khác trong những Kinh và những Tantra. Nó là điểm thiết yếu của vấn đề, nhờ đó những tư tưởng hư vọng (vọng niệm) được tịnh hóa đến độ chúng biểu lộ như là chính trí huệ nguyên sơ, là tánh giác bổn nguyên (ye-shes). Nhờ phương pháp này, những phiền não của chúng ta có thể được chuyển hóa từ những trói buộc cột chặt chúng ta vào những bánh xe của sanh tử thành những phương tiện nguyên tuyền nhất của giải thoát, và những năng lượng mà chúng giải phóng có thể được dùng cho mục đích này. Qua sự giải thoát của mọi tư tưởng, tích cực hay tiêu cực, chúng ta tự do với những giới hạn của sanh tử lẫn Niết bàn. Chúng ta chứng ngộ được sự tự do vốn sẵn có của chúng ta, sự giải thoát bổn nguyên của chúng ta, hay ye-grol, cái chúng ta đã sở hữu từ xưa nay trước khi rơi vào những lệch lạc và giới hạn của hiện hữu ngột ngạt sanh tử. Đây là một tự do chúng ta chưa từng mất; chúng ta chỉ bỏ quên nó và bây giờ chưa nhận thức nó. Chúng ta đã bỏ quên thật tánh của chúng ta, quên đi chúng ta thật sự là gì. Nhưng giờ đây chúng ta trở lại cái trọn vẹn bổn nguyên xưa nay hay toàn thể tánh của chúng ta từ hiện trạng túng quẫn mọi bề của chúng ta, cái hoàn cảnh xa lạ ngoại lai trong đó chúng ta thấy mình bị lưu đày và bị bắt ép chịu đựng thời gian và điều kiện. Giờ đây chúng ta đi vào giai đoạn không có gì còn lại để làm, thoát khỏi sự cần thiết phải cố gắng đấu tranh để hoàn thành một cái gì đó, tuy nhiên chúng ta tự do để làm mọi sự.
Nếu chúng ta thực hành tốt đẹp theo cách này – diệu tu – chúng ta sẽ chứng ngộ một cách tự nhiên mọi con đường và mọi giai đoạn (địa), đó là năm con đường và mười địa, mà theo hệ thống Kinh là những cột mốc đánh dấu con đường Bồ tát. Nhưng trong khi theo hệ thống Kinh, hành giả phải cần vô số đời trải qua ba a tăng kỳ kiếp để thành tựu Phật quả, thì hành giả Dzogchen có thể hoàn thành điều đó trong nội một đời qua sự chứng ngộ tánh Giác Rigpa. Như thế, Dzogchen nói đến chỉ độc nhất một địa (sa gcig-pa). Hành giả Đại Toàn Thiện giống như con chim Kim Xí Điểu vĩ đại hình thành trọn vẹn, thậm chí đầy đủ cả đôi cánh ở trong trứng. Khi vỏ trứng bể, Kim Xí Điểu vọt ra, trọn vẹn và hoàn toàn phát triển; nó có thể tức thời bay đến bất cứ đâu trong vũ trụ. Một thí dụ khác, người ta như một sư tử con ra khỏi bụng mẹ; tiếng gầm của nó hàng phục mọi con thú trong rừng.
Nếu không có sự tự tin này vào tự-giải thoát, mà tự phụ rằng cái thấy hiểu của chúng ta thì cao trổi, thiền định của chúng ta thì sâu xa, chúng ta sẽ không có phương pháp để giải tiêu những phiền não khi chúng sanh khởi. Chúng ta sẽ không hơn những người khoác lác và đạo đức giả, lừa đối chính mình và người khác, như những Guru giả mạo làm. Không thiếu gì những người hướng dẫn lầm lạc như vậy trong thế giới này. Đó không phải là con đường chân thật và chỉ có thể đưa người lập ra con đường ấy vào một Địa Ngục Kim Cương tự tạo. Như một con rắn trong một ống rỗng, chỉ có thể đi lên đến tự do hay rớt xuống sa đọa; không có chọn lựa nào khác. Đây là đường lối cho hành giả Dzogchen.
Nhưng nếu chúng ta thực sự hiểu điểm thiết yếu tự giải thoát của những tư tưởng, y cứ vào những giáo huấn của đạo sư, bấy giờ chúng ta không cần tìm ở đâu khác một cái thấy hiểu cao hơn. Có được điểm thiết yếu này, chúng ta không thể làm gì khác hơn là giải thoát dòng thức của chúng ta khỏi tất cả sự ràng buộc với suy nghĩ phân biệt nhị nguyên. Đến một hòn đảo đầy vàng, chúng ta không tìm gì những hòn đá tầm thường. Đây là ý nghĩa của tuyên bố thứ ba của Garab Dorje.