CÁC NIỆM TƯỞNG TỰ GIẢI THOÁT CHÚNG H.E GARCHEN RINPOCHE – NGỌN ĐÈN TRÍ TUỆ TỎA KHẮP

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn Đèn Trí Tuệ Tỏa Khắp
Tác giả: H.E. Garchen Rinpoche
Người dịch: Trần Thị Lan Anh
Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức
Ảnh: Internet
???
Nếu vào thời điểm này, niệm tưởng không được tịnh hóa thông qua việc giải thoát chúng thì việc chỉ đơn thuần nhận ra các niệm tưởng không thể kết thúc hành nghiệp mê lầm. Đã chứng ngộ tánh giác nguyên sơ từ trước và tiếp tục ở trong trạng thái này, thì những niệm tưởng lan man sẽ được tịnh hóa không để lại dấu vết gì.

Dấu hiệu cho thấy chúng ta đã thực sự giải thoát một niệm tưởng là nó sẽ hoàn toàn biến mất không để lại dấu vết gì. Mà thậm chí nếu niệm tưởng có sinh khởi thì cũng không tổn hại gì, nó chỉ trở nên có hại khi bạn kết nối với niệm tưởng đó. Thường thì một suy nghĩ dẫn đến suy nghĩ thứ hai rồi dẫn đến suy nghĩ thứ ba – như thế một dây các suy nghĩ nối tiếp cứ tiếp diễn. Chúng ta có xu hướng tạo ra câu chuyện từ những suy nghĩ hay niệm tưởng này.

Các niệm tưởng tiếp tục sinh khởi nhưng việc giải thoát một niệm tưởng sẽ cắt đứt chuỗi niệm tưởng. Nếu bạn không kết nối với niệm tưởng thì đó là dấu hiệu niệm tưởng đã được giải thoát thông qua chánh niệm. Không dấu vết nào còn lại, không còn tàn dư nào của niệm tưởng này, nó đã trở nên hoàn toàn trống không và không còn tồn tại nữa. Bạn nên tự kiểm tra bản thân thường xuyên xem liệu bạn đã cắt đứt được dòng nghiệp mê lầm hay chưa.

Sau khi niệm tưởng đã thực sự được giải thoát, chẳng còn thậm chí là tàn dư nhỏ nhất của nó ở lại. Ví dụ, bạn bọc loại thuốc nặng mùi trong giấy. Khi thuốc được dùng hết thì giấy vẫn có mùi vị tàn dư vẫn đọng lại sau đó. Tương tự như thế, khi bạn tức giận với ai đó, cơn giận phải biến mất không để lại tàn dư gì. Để lại tàn dư có nghĩa là sự tức giận có thể biến mất vào lúc đó nhưng khi bạn gặp lại người này, thì bạn lại nhớ lại về điều đã xảy ra và bạn cảm thấy không thoải mái vì tỳ vết bực bội vẫn tồn tại. Thay vào đó, nếu ban đầu bạn tức giận nhưng sau đó giải thoát những niệm tưởng sân giận thì bạn sẽ không trải nghiệm sự tức giận nữa khi gặp lại người kia.

Bạn có thể dễ dàng xác quyết được rằng, liệu một niệm tưởng đã được giải thoát hay tịnh hóa hoàn toàn hay chưa, thông qua việc nhìn vào chính tâm mình. Hãy quan sát khi bạn giận dữ. Bạn có thể nói với bản thân rằng “ồ không, tôi vừa tức giận”, nhưng nếu bạn chỉ đơn giản không phản ứng lại với cơn giận qua thân và khẩu thì điều đó không có nghĩa là dòng nghiệp mê lầm đã được cắt bỏ. Không để lại dấu vết gì có nghĩ là không còn dấu vết dù là nhỏ nhất của cảm giác tức giận ở lại. Việc chỉ đơn thuần nhận ra cơn giận thì chưa đủ, cơn giận đó cần phải hoàn toàn được quét sạch khỏi tâm.

Tiếp theo là bình giảng bởi ngài Tenpe Nyima:

Hãy nhận biết tánh giác, hãy làm chủ năng lực tự nhiên của nó, hãy để cho nó tự giải thoát.

Điều này muốn nói đến việc nhận ra các cảm xúc tiêu cực và các niệm tưởng thông qua chánh niệm. Không cần thiết phải loại bỏ chúng. Việc chúng xuất hiện cũng không sao nhưng bạn phải nỗ lực để duy trì chánh niệm. Không cần thiết phải nghĩ rằng “ôi lại là suy nghĩ khủng khiếp đó, mình không muốn có suy nghĩ này, nó buộc phải biến mất đi”. Không cần thiết phải bám chấp như thế. Các niệm tưởng sẽ biến mất một cách tự nhiên thông qua sức mạnh của trạng thái chánh niệm vững vàng. Đó chính là tự giải thoát: các niệm tưởng tự giải thoát chúng. Sau đó ngài Tenpe Nyima nói:

Nếu hành giả sơ cơ và những ai chưa đạt được vững chắc không nhận biết được những niệm tưởng theo cách đó thì những niệm tưởng này sẽ trở thành các dòng chảy ngầm của những niệm tưởng. Nếu một người không tu hành thì về lâu dài người ấy sẽ không có khả năng để đối mặt với những tình huống gian nan.

Hành giả sơ cơ là người chưa đạt được sự vững chắc trong thiền định – tức là họ có thực hành thiền định nhưng chưa đạt được vững chắc. Đối với họ, khi niệm tưởng sinh khởi – cho dù là niệm tưởng rất vi tế – họ cần phải nhận biết niệm tưởng ấy ngay lúc nó sinh khởi, và chỉ thông qua duy trì chánh niệm liên tục, hãy quan sát xem niệm tưởng tự chúng biến mất như thế nào. Nếu không nhận ra được những niệm tưởng vi tế theo cách ấy thì chúng sẽ không biến mất, và vì thế sau đó nếu có điều gì gây xúc động mạnh xảy ra thì hành giả sẽ bị đau khổ và sẽ không thể vượt qua được cảm xúc rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên đừng cố loại bỏ các niệm tưởng. Hãy để cho chúng sinh khởi. Đừng sợ hãi những niệm tưởng hay cảm xúc tiêu cực, mà thay vào đó hãy tập loại bỏ chúng thông qua chánh niệm ngay khi chúng vừa sinh khởi. Sau đó ngài Tenpe Nyima nói:

Nếu bạn không để cho những niệm tưởng được tự giải thoát thì chúng sẽ tích tụ những tập khí nghiệp. Đức Longchen Rabjam toàn giác đã nói rằng “vào khoảnh khắc tiếp theo của thức mà vẫn giữ được sự tỉnh giác về khoảnh khắc trước đó, thì vào chính thời điểm ấy bạn nhận ra bản tánh vốn có”. Nếu tiếp tục với suy nghĩ về sinh khởi, ngưng dứt hay về số lượng niệm khởi thì khi ấy thiền định của bạn sẽ trở nên mê lầm do bởi chấp vào khía cạnh ý nghĩa của sự bất nhị.

Khi một cảm xúc tiêu cực sinh khởi trong trạng thái chánh niệm, bạn nhận ra nó nhưng bắt đầu suy nghĩ về nó, thì khi đó bạn đang không thực sự tịnh hóa cảm xúc tiêu cực đó. Như thế là bạn chỉ nhận ra nó – tức là bạn cảm nhận được cảm xúc đó – nhưng điều đó không có nghĩa là nó được tịnh hóa. Bản văn gốc nói rằng:

Vào chính khoảnh khắc bạn nhận biết, bằng việc thấy được bản tánh thật của những niệm tưởng một cách trần trụi nguyên sơ, bạn sẽ nhận ra trí tuệ đã quen thuộc từ trước. Thông qua việc nghỉ ngơi trong trạng thái đó, các niệm tưởng được tịnh hóa mà không để lại dấu vết gì, và đó là điểm cốt tủy. “Những niệm tưởng được giải thoát được nhận biết là Pháp thân”.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ HUỆ, ĐỨC TƯỚNG VÀ VỌNG TƯỞNG CHẤP TRƯỚC CHỈ TRONG MỘT TÂM
  2. TRÍ HUỆ
  3. TRÍ TUỆ XÚC CẢM

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG