CÂY THÀNH CÔNG

PAUL G. STOLTZ

Trích: AQ - Chỉ Số Vượt Khó; Nguyễn Thanh Thủy dịch; NXB. Công thương, 2017.

PAUL G. STOLTZ

Tiến sĩ Paul G. Stoltz là người sáng lập ra khái niệm Chỉ số Vượt khó (AQ) và là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Ông sáng lập ra PEAK Learning năm 1987 và hiện nay đang làm việc với những nhà lãnh đạo cùng các nhà tư tưởng trên khắp thế giới ở rất nhiều tổ chức, từ những công ty mới thành lập, các tổ chức Phi Chính Phủ tới các công ty thuộc bảng xếp hạng Fortune 100. Được mệnh danh là “một trong 100 nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời đại”, tiến sĩ Stoltz là thành viên của nhóm Chuỗi bài giảng dành cho những nhà lãnh đạo xuất sắc của đại học Standford. Ông được bầu chọn là “Nhà tư tưởng thiên niên kỷ” ở Singapore và “Bậc thầy của năm” ở Hồng Kông.
-***-

Một lần, khi leo lên núi đá, tôi đã vô tình nhìn thấy một cây thông trơ trọi, kiêu hãnh nhô ra giữa sỏi đá. Tôi đã bị quyến rũ bởi sức mạnh của cây thông và khả năng chống chọi với cái lạnh thấu xương, những cơn gió thổi không ngớt và ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt ở một nơi như thế này trên núi, nơi không có bất kỳ một cây nào khác có thể sống sót được. Điều gì đã đem lại sức mạnh cho cây thông để nó có thể đứng vững giữa thiên nhiên khắc nghiệt như vậy?

Hầu hết chúng ta đều biết để thành công thì cần có những gì. Giống như cây thông, chúng ta được cung cấp rất nhiều những yếu tố cần thiết để thành công. Thế nhưng, thực tế là, với những cá nhân có AQ tương đối thấp và do đó thiếu khả năng chống chọi với khó khăn, thì khả năng của họ sẽ bị kìm hãm. Mặt khác, những người có AQ đủ cao sẽ giống như cây thông mà phát triển mạnh mẽ trên núi cao. Một mô hình mới, tích hợp được gọi là Cây Thành Công, sẽ làm rõ vai trò nền tảng của AQ trong việc giải phóng tất cả những khía cạnh trong tiềm năng suốt đời của chúng ta, cho dù gió có thổi mạnh đến đâu đi chăng nữa.

Lá cây: cách biểu hiện

Lá cây được gọi là cách biểu hiện, nói đến những gì thuộc về chúng ta mà người khác dễ nhìn thấy nhất. Vì đây là phần dễ thấy nhất nên thường được đánh giá nhiều nhất. Cho dù là để xét thăng chức, kết bạn, hẹn hò, cầu hôn, hay tuyển dụng, thì chúng ta đều không ngừng đánh giá cách biểu hiện và kết quả làm việc của người khác. Tuy nhiên, cách biểu hiện của bạn không mọc ra từ không trung cũng như lá phải mọc ra từ cành.

Cành: Tài năng và khát khao

Cành cây đầu tiên tôi gọi là “Yếu tố lý lịch”. Lý lịch miêu tả kỹ năng, khả năng, kinh nghiệm, kiến thức – tức là những gì bạn biết và có thể làm. Tôi gọi tổ hợp những kiến thức và khả năng này là tài năng. Đa số ngân sách đào tạo được dùng để bồi dưỡng tài năng. Tuy nhiên, nếu bạn đang phỏng vấn các ứng viên cho một vị trí làm việc và anh ta có một bản lý lịch xuất sắc, liệu bạn có tuyển ngay người đó mà bỏ qua kết quả buổi phỏng vấn hay không? Có lẽ là không.

Ứng viên đó sẽ phải thể hiện điều mà tôi gọi là Yếu tố phỏng vấn, hay chính là khát khao. Khát khao cho thấy động cơ, sự nhiệt tình, đam mê, động lực, hoài bão, ngọn lửa trong tim, tia sáng trong ánh mắt mà chúng ta tìm kiếm trong quá trình tuyển dụng. Bạn có thể có mọi tài năng trên thế giới, nhưng nếu không có khát khao, thì mọi thứ sẽ chỉ là vô nghĩa. Bạn sẽ không thể làm tốt bất cứ việc khó khăn nào nếu bạn không thực sự muốn đạt được điều đó.

Bạn cần có cả tài năng và khát khao mới có thể thành công. Tuy nhiên, cũng giống như cành cây, những điều này không mọc ra từ không trung. Vì thế, chúng ta cần tập trung vào thân cây.

Thân cây: Trí thông minh, sức khỏe, tính cách.

Trí thông minh là gì? Đối với nhiều người, nó được đánh đồng với các phương pháp đo lường truyền thống như IQ, GPA hay SAT. Howard Garden, giáo sư tâm lý học của trường đại học Harvard, chính là một trong những nhà nghiên cứu giúp chúng ta mở rộng toàn bộ ý niệm về trí thông minh bằng cách chỉ ra rằng trí thông minh có bảy dạng thức: ngôn ngữ, vận động, không gian, lô – gic toán học, âm nhạc, tương tác cá nhân và nội tâm.

Bạn sở hữu tất cả các dạng thức thông minh này ở nhiều mức độ khác nhau. Một số trội hơn hẳn. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, thì dạng thức thông minh chiếm ưu thế của bạn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp mà bạn theo đuổi, khóa học mà bạn lựa chọn, và sở thích mà bạn quan tâm. Bất kể dạng thức nào là mạnh nhất hay yếu nhất rõ ràng là trí thông minh có tác động đến thành công của bạn. Đó là một yếu tố thân cây.

Sức khỏe thể chất và tinh thần cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thành công của bạn. Bệnh tật có thể khiến bạn không thể tập trung vào chuyến leo núi. Hành trình của bạn sẽ đơn thuần chỉ là một trận chiến để tồn tại hoặc vật lộn mỗi ngày để duy trì sự sống. Ngược lại, nếu khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần thì điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều trong hành trình. Đi lên. Vì thế, sức khỏe cũng là một yếu tố thân cây.

Tính cách, đã được chú ý đến rất nhiều, một phần nhờ vào các tác phẩm của Stephen Covey là Seven Habits of Highly Effective People (Bảy thói quen của người làm việc hiệu quả), Poor Richard’s Almanac (Niên lịch của Richard nghèo khổ), William Bennett Books of Virtues, The Moral Compass (Sách về đức hạnh, chiếc la bàn đạo đức), Laura Schlesinger I Can’t Believe You Did That: The Abdication of Courage, Character, and Compassion (Tôi không thể tin bạn đã làm điều đó: Từ bỏ dũng khí, cá tính, và lòng trắc ẩn) và nhiều người khác nữa. Các tác giả này nhắc chúng ta nhớ lại một số luật lệ cơ bản của nền văn minh nhân loại, giống như mô tả của Aristotle 2400 năm trước và trong kinh Cựu ước và Tân ước. Sự công bằng, công lý, trung thực, khôn ngoan, lòng tốt, dũng cảm và bao dung – tất cả đều vô cùng cần thiết để chúng ta chung sống hòa bình và thành công. Có thể biện luận rằng một xã hội không có đức hạnh thì không còn là xã hội nữa. Do đó, tính cách cũng là yếu tố thân cây.

Rễ cây: Di truyền, cách nuôi dạy và niềm tin

Tất cả những nhân tố mà chúng ta vừa thảo luận đều rất quan trọng đối với thành công của bạn. Tuy nhiên, tất cả sẽ không thể phát triển nếu không có các yếu tố rễ. Hãy xem xét yếu tố di truyền. Mặc dù những đặc điểm di truyền của bạn không nhất thiết sẽ quyết định số phận của bạn, nhưng chắc chắn nó có sức ảnh hưởng nhất định. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng di truyền ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta nhiều hơn là mức chúng ta muốn thừa nhận.

Nghiên cứu nổi tiếng nhất về ảnh hưởng của di truyền đến hành vi chính là nghiên cứu của đại học Minnesota đối với các cặp song sinh, trong đó các nhà nghiên cứu theo dõi hàng trăm cặp song sinh cùng trứng bị tách riêng từ khi mới sinh. Ngay cả khi các cặp song sinh này được nuôi nấng trong những môi trường rất khác nhau, giữa họ vẫn có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc.

Những điểm tương đồng tìm được khi nghiên cứu các cặp song sinh bao gồm: thích đồ ăn giống nhau, lựa chọn sự nghiệp như nhau, cưới vợ/ chồng giống nhau, một số có vợ chồng cùng tên, thích thể loại âm nhạc giống nhau, mặc giống nhau, có sở thích như nhau, dùng cùng một loại nước hoa và trông rất giống nhau. Các nghiên cứu này cho thấy rằng rất nhiều điều chúng ta lựa chọn trên thực tế lại là do ảnh hưởng của di truyền. Những nghiên cứu gần đây hơn đã chỉ ra mối liên hệ giữa di truyền với tâm trạng và mức độ lo lắng.

Yếu tố rễ thứ hai tạo công ăn việc làm cho không ít nhà trị liệu. Gần đây tôi đã có dịp ngồi trò chuyện với một nhóm quản lý an ninh và trang thiết bị:

“Bố mẹ tôi chẳng bao giờ nói cho tôi điều gì về nữ giới trong khi các bạn tôi đều được biết,” một vị quản lý giãi bày khi ngồi ăn trưa: “Vì thế tôi chỉ làm tất cả những gì mà bạn bè cùng giới thường làm”.

“Còn bố tôi coi tôi cứ như một cô công chúa bé con vậy”. Một người khác nói. “Ông chẳng bao giờ để tôi bị dính bẩn hay tỏ ra thô bạo. Và bây giờ thì ngày nào tôi cũng phải trả giá vì điều đó”.

Giống như di truyền, cách bạn được dạy dỗ có thể ảnh hưởng đến trí thông minh, sự hình thành những thói quen lành mạnh, phát triển nhân cách, cũng như kỹ năng, khát khao và phong cách biểu hiện có được từ những điều đó.

Yếu tố rễ thứ ba là niềm tin. Một đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị từ trước đến giờ là họ có niềm tin sâu sắc và vững vàng vào một điều hoặc một người nào đó lớn hơn bản thân họ. Trong cuốn Tiếng gọi cộng đồng, M. Scott Peck coi niềm tin này là yếu tố then chốt đối với sự sống còn của xã hội chúng ta. Dù cho niềm tin đó là gì, thì phần lớn những người rất thành đạt đều có chung yếu tố này.

Herbert Benson của đại học Harvard, một nhà nghiên cứu tiên phong về vai trò của niềm tin đối với sức khỏe, biện luận rằng “Đặc điểm di truyền khiến chúng ta tin có một Đấng quyền năng tối cao trong bản chất của mình”. Theo Benson, cầu nguyện hay ảnh hưởng đến hàm lượng adrenalin và cortincosteroid, hay hooc – môn gây căng thẳng trong cơ thể, khiến cho huyết áp hạ xuống, nhịp tim chậm lại, hơi thở điều hòa hơn, cùng với nhiều lợi ích khác.

Những nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới như Vaclav Havel và Nelson Mandela coi niềm tin là một nhân tố thiết yếu đối với sự tồn tại của xã hội. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng trao đổi cởi mở hơn về yếu tố tinh thần ở tổ chức và văn hóa của mình. Nếu như một vài năm về trước, trong các gian sách về kinh doanh có rất ít sách về yếu tố tâm linh, thì ngày nay chúng lại có rất nhiều. Niềm tin là một nhân tố hấp dẫn và cần thiết đối với hy vọng, hành động, đạo đức, đóng góp, và cách chúng ta đối xử với đồng loại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ KHÁC BIỆT CỦA NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG
  2. HỌC ĐỂ THẤY – TƯ DUY TÍCH CỰC TẠO THÀNH CÔNG
  3. TRỌNG TÂM CỦA NIỀM TIN

Bài viết khác của tác giả

  1. DẪN DẮT ĐỂ TRẺ SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP