PATRICK KING
Trích: "Tư Duy Đột Phá - Sức Mạnh Của Tư Duy Khác Thường"
Tác giả: Patrick King
Dịch giả: Vân Khanh
NXB Thế Giới, 2018
Hãy chú trọng hành động khi lập kế hoạch. Khi chia nhỏ tối đa kế hoạch của mình, bạn chỉ cần hai thứ: một kết quả bạn đang nhắm đến và những hành động cụ thể để đạt được nó.
—– ??? —–
Đến lúc này, hẳn bạn đã nhận ra rằng thành công xem trọng hành động hơn tất thảy.
Một số người là những nhà hoạch định, nhưng vì nhiều lí do, tôi vẫn thích mạo hiểm và chọn giải pháp hành động. Lên kế hoạch là một việc làm tích cực, nhưng nó có thể dẫn đến trạng thái tê liệt phân tích và sự cần thiết của chủ nghĩa cầu toàn. Đến cuối cùng, chúng sẽ tạo ra một lí do để mọi việc đều được giữ nguyên như cũ.
Nó quá phức tạp. Bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Bạn bị choáng ngợp, và thế là bạn bỏ cuộc.
Bạn thỉnh thoảng sẽ có cảm giác trên khi viết một cuốn sách. Khi mới bắt đầu viết những bài dài hơn và cuối cùng là viết sách, tôi đã lập dàn ý rất chi tiết. Tôi biết mỗi đoạn văn bao gồm những ý nào, các ý sau đó ra sao và cả cách chứng minh chúng.
Tôi viết rất chậm, rất máy móc và dễ đoán. Tôi có cảm giác dàn ý đã cướp hết sự sáng tạo của mình và thấy rất ngột ngạt khi phải theo sát nó. Chưa kể đến việc tôi sẽ dành vài tuần để lập dàn ý cho những ý tưởng mơ hồ của mình thay vì thêm thắt chi tiết cho chúng.
Còn bây giờ, tôi hiếm khi lập dàn ý. Có thể tôi không biết chính xác hướng phát triển một chương sách hoặc một nguyên tắc, nhưng khi tôi bắt đầu đánh chữ, đâu lại vào đấy. Bản năng và suy nghĩ của tôi sẽ giành quyền kiểm soát ngay lập tức. Chỉ cần thật sự ngồi viết một lúc và chờ cho mọi thứ vào nếp, tôi sẽ nhận ra điều mình muốn nói.
Thông thường, thực hiện những điều cơ bản sẽ khiến bước tiếp theo của bạn trở nên rõ ràng. Điều đó cũng tương tự như phần lớn thời gian, bạn chỉ biết mình sẽ đi đâu sau khi đã bắt đầu hành trình. Đến lúc đó, mọi kế hoạch lập ra đều sẽ biến mất.
Thế nên với tôi, hoạch định thông minh chỉ là một hành động đơn giản bị đánh giá quá cao, dù nó có vai trò thiết yếu trong mọi con đường dẫn đến thành công. Nếu giảm thời gian nghiên cứu lý thuyết và tính toán các yếu tố ngẫu nhiên, đồng thời dứt khoát thực hiện bước đầu tiên, mọi người sẽ phá vỡ sức ì và nỗi sợ những thứ mơ hồ để đạt được các thành tựu nhất định.
Để kiểm soát hai thái cực này một cách tốt nhất thật ra rất đơn giản. Hãy chú trọng hành động khi lập kế hoạch. Khi chia nhỏ tối đa kế hoạch của mình, bạn chỉ cần hai thứ: một kết quả bạn đang nhắm đến và những hành động cụ thể để đạt được nó. Nếu không hình dung rõ ràng hai thành phần này, về căn bản, bạn chỉ đang tùy cơ ứng biến mà thôi. Cách làm đó sẽ không hiệu quả với đa số mọi người trong đa số trường hợp.
Phần đầu tiên không phải một thử thách. Bạn có thể dễ dàng xác định kết quả mà mình mong muốn, nhất là sau khi thử những bài tập ở các chương trước. Một ngôi nhà lớn, những chuyến du lịch liên tục, được thăng chức vượt bậc, một chiếc xe mới. Phần thứ hai mới là điểm khiến đa số mọi người thất bại. Vậy làm cách nào để kế hoạch của bạn chú trọng hành động nhiều hơn?
Tôi sẽ mượn Phương pháp Hoạch định Nhanh (Rapid Planning Method – RPM) của Tony Robbins để giúp bạn thiết lập một con đường rõ ràng và biến mục tiêu của bạn thành hiện thực. Phương pháp này cung cấp một khuôn khổ để bạn bắt đầu giải quyết các mục tiêu hoặc vấn đề của mình. Nó rất đơn giản, nhưng sẽ nhanh chóng hướng bạn đến những hành động rõ ràng và đúng trọng tâm. Phương pháp này gồm ba giai đoạn.
Đầu tiên, hãy xác định chính xác và cụ thể những kết quả mà bạn mong muốn, càng cụ thể càng tốt. Bạn nghĩ thành công trông như thế nào? Hãy cố hình dung một bức tranh hoàn thiện nhất có thể, chi tiết đến những vật bạn sở hữu và nơi bạn đang sinh sống.
Ở giai đoạn thứ hai, hãy xác định mục đích mà những mục tiêu này đạt được và cảm xúc gắn với chúng. Nếu bạn muốn sống trong một biệt thự, điều đó sẽ gợi cho bạn những cảm xúc ra sao? Một người cảm thấy thích thú với loại thành công mà bạn nhắm đến sẽ có suy nghĩ gì? Ngược lại, những mục tiêu nào khiến bạn cảm thấy vững tâm, mãn nguyện, hạnh phúc và thành công?
Cuối cùng, bạn cần làm gì để tiến từ điểm A (điểm hiện tại của bạn) đến điểm B (bất cứ điều gì bạn trình bày ở bước một)? Bạn cần trải qua những bước tí hon nào để đạt được kết quả cuối cùng?
Ví dụ, nếu kế hoạch của bạn là sống trong biệt thự, rõ ràng bạn cần tiền để chi trả cho nó. Hãy lần ngược lại từ đó. Làm cách nào để bạn có được tiền? Bạn cho mình bao nhiêu năm để chuẩn bị khoản tiền đặt cọc? Những lựa chọn nào có thể giúp bạn gom đủ số tiền ấy?
Bạn có cần làm thêm một công việc nữa không? Bạn có cần được thăng chức vài bậc không? Bạn có cần đầu tư không? Bạn có cần bắt đầu kinh doanh phụ trợ không? Bạn có thể hi sinh điều gì cho mục tiêu tổng quát của mình? Quan trọng không kém, bạn cần bỏ qua và từ bỏ hoàn toàn những lựa chọn nào để tập trung vào mục tiêu đó?
Với phương pháp RPM, bạn sẽ bắt đầu từ kết quả cuối cùng và lần ngược trở lại. Bạn sẽ tạo ra những liên kết tích cực và cảm xúc khẩn trương khi hình dung rõ ràng những gì mình muốn đạt được. Đó là một lớp động lực bổ sung mà đa số mọi người không bao giờ tận dụng, và thật trớ trêu, đó lại là lớp mạnh nhất. Đó cũng là lí do chương này gắn với việc chú trọng cảm xúc.
Nếu mục tiêu của bạn là một chiếc xe mới thì đó không chỉ là một chiếc xe mới. Đó là cảm giác vững tâm, an toàn, mãn nguyện và thỏa lòng. Bằng cách thực hiện bài tập này, bạn sẽ hiểu rõ rằng rất nhiều thứ sẽ trở thành động lực của mình. Bạn nhận ra rằng điều mình đang thật sự tìm kiếm có thể không phải một chiếc xe mới, mà là cảm giác vững tâm và thỏa lòng. Do đó, việc biết được mục tiêu cuối cùng và gắn nó với cảm xúc của bạn có ý nghĩa quyết định.
Suy nghĩ về thành công chủ yếu là một quá trình làm việc của bộ não. Phương pháp RMP sẽ căn chỉnh trạng thái cảm xúc phù hợp với trạng thái tinh thần của bạn và cho bạn một lí do thuyết phục đằng sau các mục tiêu của mình.
Nếu bạn đầu tư nhiều cảm xúc đến mức tâm trí bạn sẵn sàng chọn lọc các chi tiết để đưa bạn đến nơi cần đến, cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn, vì tất cả các chi tiết đều đã được giải thích.
Ví dụ, khi bạn muốn giảm cân, phương pháp RPM sẽ được áp dụng như sau. Đầu tiên, bạn sẽ tập trung vào kết quả: bạn muốn giảm một số cân nhất định. Cụ thể hơn, bạn muốn giảm chín kilôgam trong bốn tháng kế tiếp.
Thứ hai, bạn sẽ tự hỏi: “Mục đích ở đây là gì?” Bạn muốn giảm cân để nâng cao cái tôi của mình và hẹn hò nhiều hơn. Bạn muốn trông đẹp hơn khi khỏa thân và cảm thấy đỡ bất an hơn về ngoại hình của mình. Bạn muốn khỏe mạnh hơn. Bạn có nhận ra hiệu quả của bước này không? Bạn sẽ trải qua một trạng thái cảm xúc nhất định và nhận ra những khuyết điểm hiện tại của mình. Bạn cũng sẽ biết được mình hạnh phúc hơn ra sao khi đạt được mục tiêu này.
Đến bước thứ ba, kế hoạch hành động của bạn đã trở nên rõ ràng. Vì bạn đang nỗ lực để vượt qua sự bất an của mình, bạn phải chịu đựng sự căng thẳng cảm xúc khổng lồ. Giờ bạn có thể quyết định ăn thêm rau, bỏ bánh rán, tập luyện hai lần mỗi tuần, đi bộ ba lần mỗi tuần và cắt giảm lượng tinh bột của mình.
Bước cuối cùng là viết tất cả ba bước trên vào giấy và dán nó ở một nơi bạn có thể nhìn thấy mỗi sáng. Làm như vậy, bạn sẽ được nhắc nhở mỗi ngày về vị trí hiện tại của mình và cách để bạn tiến đến một nơi khác.
RPM hoạt động song song với một khuôn khổ thành công khác có tên là những mục tiêu SMART.
Theo phong cách của chương này, SMART tất nhiên là một dãy kí tự viết tắt. SMART bao gồm Specific (Cụ thể), Measurable (Có thể đo lường), Attainable (Có thể đạt được), Relevant (Có liên quan) và Time-bound (Bị giới hạn về thời gian).
? S – Specific (Cụ thể). Thay vì nói, “Tôi muốn giảm cân,” bạn hãy nói càng cụ thể càng tốt. Ví dụ, “Tôi muốn giảm bảy kilôgam và trông đẹp hơn trong chiếc quần jean yêu thích.” Điều này sẽ giúp mục tiêu của bạn trở nên thực tế, vì bạn đã gán cho nó một con số và một lợi ích cụ thể. Với cách làm này, mục tiêu của bạn sẽ không còn là một khái niệm mơ hồ.
? M – Measurable (Có thể đo lường). Bạn phải có phương tiện để xác định liệu mình có đạt được những thành công từng bước hay không. Phương tiện trong ví dụ giảm cân khá đơn giản. Bạn chỉ cần bước lên cân để xem mình có giảm được kilôgam nào hay không. Với các mục tiêu khác, bạn cần một cách thức khách quan để đo lường tiến trình của mình và tiến trình của những người đã tiến xa hơn bạn.
Bạn không thể dựa vào những phán xét chủ quan ở đây, hoặc bạn sẽ mặc định con đường có ít sự kháng cự nhất cho mình.
? A – Attainable (Có thể đạt được). Khi đặt ra các mục tiêu cho mình, bạn phải hiểu rõ rằng chúng sẽ xảy ra vào một lúc nào đó. Một mục tiêu thông minh không phải thứ có thể xảy ra trong tương lai nếu các yếu tố khác xuất hiện. Không, cần đảm bảo khả năng cao rằng nếu kiểm soát được những thứ có thể kiểm soát, bạn có thể đạt được kết quả đã định. Điều đó sẽ khiến bạn có trách nhiệm vì bạn không thể đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Bạn có đạt được mục tiêu của mình hay không, trách nhiệm duy nhất thuộc về bạn.
? R – Relevance (Có liên quan). Điểm này là về sự liên quan của các mục tiêu tổng quát. Giảm được bảy kilôgam có lợi ích gì cho bạn? Nó có gắn với một mục tiêu lớn lao hơn không? Nó có nâng cao lòng tự trọng của bạn không? Nó có cải thiện ngoại hình của bạn không? Bạn cần tìm ra những “móc xích” liên kết mục tiêu của mình với một mục tiêu tổng quát lớn lao hơn, vì điều đó sẽ thúc đẩy bạn và giúp bạn tập trung vào đích đến. Nếu bạn thiếu một mục tiêu tổng quát hoặc một lí do cảm xúc, việc chệch hướng khỏi mục tiêu sẽ vô cùng dễ dàng, vì không có phản ứng dữ dội nào xảy ra trong trường hợp đó.
? T – Time-bound (Bị giới hạn về thời gian). Bạn phải đặt một giới hạn thời gian để đạt được mục tiêu của mình. Một mục tiêu không có giới hạn thời gian chỉ là một ước mơ, hoặc tốt nhất là một ý định. Nếu không đặt giới hạn thời gian cho mục tiêu của mình, bạn sẽ không có sự khẩn trương hoặc lí do để hành động ngay hôm nay, thay vì ngày mai hoặc tuần sau. Đây là điều then chốt để bạn thật sự chạm đến mục tiêu của mình.
Lập kế hoạch là một hành động tốt, nhưng thông thường, trở thành một nhà hoạch định siêu cấp chỉ là lí do bao biện cho việc không hành động mà thôi.