ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

CHOGYAM TRUNGPA

Trích: Cười Với Nỗi Sợ Hãi; Việt dịch: Huỳnh Văn Thanh; NXB. Lao động; 2012

Chögyam Trungpa Rinpoche (1939-1987)

Chủ đề của chúng ta là tinh thần chiến sĩ. Bất kỳ ai quan tâm đến việc lắng nghe chân lý, điều mà trong Phật giáo gọi là pháp (dharma); bất kỳ ai quan tâm đến việc tìm hiểu về chính mình; và bất kỳ ai thích thú với việc luyện tập thiền, về cơ bản, đều là một chiến sĩ. Nhiều con đường dẫn đến tâm linh và cuộc đời nói chung đang bị ảnh hưởng bởi sự nhát sợ. Nếu bạn sợ việc hiểu được bản thân mình, bạn có thể sử dụng tâm linh tính hay tôn giáo như một cách nhìn vào bản thân và không thấy chút nào về bản thân mình. Khi người ta tự gây lúng túng, bối rối cho mình, chẳng có gì liên quan đến tâm vô úy cả. Nhưng, nếu sẵn sàng nhìn thẳng vào bản thân, nhằm khám phá cũng như tập luyện sự thức tỉnh ngay lập tức, anh ấy hay chị ấy chính là một chiến sĩ.

Chữ “chiến sĩ” ở đây được dịch từ tiếng Tây Tạng pawo. Pa nghĩa là “lòng can đảm”, còn wo nghĩa là “người can đảm”. Truyền thống chiến sĩ mà chúng ta đang nói đến ở đây là truyền thống của lòng can đảm. Bạn có thể mang ý nghĩ người chiến sĩ là người chiến đấu trên chiến trường. Tinh thần chiến sĩ ở đây có ý nói đến lòng can đảm tự nền tảng và tâm vô úy (thái độ không sợ hãi).

Tinh thần chiến sĩ dựa trên sự khắc phục nhút nhát và cảm giác bị tổn thương của chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy, về cơ bản, bị tổn thương, chúng ta có thể lo sợ rằng ai đó sẽ đắp những miếng băng lên để chữa vết thương cho chúng ta. Hoặc giả, có thể chúng ta đã đắp miếng băng lên rồi, nhưng lại không dám để cho bất kỳ ai lấy chúng ra. Cách tiếp cận của người chiến sĩ là đối diện với mọi hoàn cảnh sợ hãi hay hèn nhát. Mục tiêu chung của tinh thần chiến sĩ là không sợ hãi, nhưng cái nền của tinh thần chiến sĩ lại chính là sự sợ. Để không sợ (vô úy), trước tiên chúng ta phải hiểu sợ là gì.

Sợ là sự căng thẳng thần kinh; sợ là sự lo lắng, bồn chồn; sợ là cảm giác không thỏa đáng hay không thích hợp, một cảm giác rằng có thể chúng ta không thể ứng phó được chút nào với những thách đố thường nhật. Chúng ta cảm thấy cuộc sống thật choáng ngộp. Người ta có thể sử dụng thuốc trấn an hay yoga để đè nén nỗi sợ của mình: họ chỉ đang cố gắng thả trôi giữa dòng đời. Chúng ta có đủ loại mánh lới và công cụ mà chúng ta đang sử dụng, với hy vọng có thể trải nghiệm được tâm vô úy đơn thuần bằng cách lấy tâm thức của chúng ta ra khỏi sự sợ hãi.

Nỗi sợ đến từ đâu? Nó xuất phát từ sự bối rối, hoang mang tự cơ bản do không thể hòa hợp hoặc đồng bộ hóa giữa thân với tâm. Khi tọa thiền, nếu ngồi sai cách trên cái gối đệm, bạn không thể nào hòa hợp giữa tâm trí và thể xác của mình. Bạn không có cảm giác về vị trí hoặc tư thế. Cũng như trong cuộc sống, khi bạn không cảm thấy được an tọa hay ngồi ngay ngắn, thích hợp trong thế giới của mình, bạn không thể liên hệ được với kinh nghiệm của mình hay với phần còn lại của thế giới.

Như vậy, bài toán bắt đầu một cách hết sức đơn giản. Khi thân và tâm không đồng bộ, bạn có cảm giác giống như một nhân vật trong tranh biếm họa của chính mình, gần giống như một chú hề hoặc thằng ngốc nguyên thủy. Trong tình huống đó, rất khó gắn kết được với thế giới.

Đó là một phiên bản giản lược của những gì được mệnh danh là trạng thái tâm lý mặt trời lặn (setting-sun mentality): hoàn toàn mất hút dấu vết hòa hợp cơ bản của con người. Ý tưởng mặt trời lặn chính là mặt trời đã lặn trong thế giới của bạn, và bạn không thể nào ngoi ra khỏi bóng tối. Bạn cảm thấy chỉ có nỗi khốn khổ, bất hạnh, những đám mây, ngục tù, sống trong bùn lầy, nước đọng. Để cân bằng, bạn có thể đi đến một nơi tối tăm như tù ngục để uống say. Nơi đó được gọi là câu lạc bộ. Bạn khiêu vũ giống như một con giả nhân say rượu, quên mất chuối và ngôi nhà của mình trong rừng sâu từ cách đây khá lâu. Chẳng có gì sai trong bản thân của chuyện khiêu vũ, nhưng trong trường hợp này là một hình thức chạy trốn hay tránh né nỗi sợ của bạn. Điều đó rất tồi tệ. Đó là cảnh mặt trời lặn. Đó là một kết cục chết lịm, một kết cục hết sức buồn tẻ.

Trái lại, Đại nhật phương Đông (mặt trời lớn ở phương Đông) là mặt trời đang mọc lên trọn vẹn trong cuộc đời bạn. Nó là mặt trời của sự tỉnh thức, mặt trời của phẩm hạnh làm người. Nó Lớn (vĩ đại) bởi vì nó tiêu biểu cho sự nâng cao và những phẩm chất của sự hiền hòa cũng như cởi mở. Bạn có cảm giác phấn chấn về tư thế hay chỗ đứng trong thế giới của mình, mà chúng ta gọi là tình trạng có được cái đầu và đôi vai tốt đẹp. Nó ở phương Đông bởi vì bạn đang có nụ cười trên gương mặt của mình. Phương Đông là khái niệm chỉ bình minh. Khi bạn thoạt tiên nhìn ra ngoài trời vào buổi sáng, bạn nhìn thấy ánh sáng đến từ phía Đông, ngay cả trước lúc mặt trời mọc. Do đó, phương Đông chính là nụ cười bạn có khi bạn thức dậy. Mặt trời sắp mọc. Không khí mát mẻ đang đến cùng với bình minh.

Ở đây, Mặt trời là một mặt trời đã hiện ra trọn vẹn, mặt trời mà bạn nhìn thấy trên bầu trời vào khoảng 10 giờ sáng. Nó là sự đối nghịch với hình ảnh con giả nhân say xỉn đang nhảy múa lúc giữa đêm dưới ánh sáng lờ mờ của những bóng đèn điện. Sự tương phản thật đáng kinh ngạc, thật quá sức phi thường! Tầm nhìn của Đại nhật phương Đông có tính chất gây phấn chấn và tỉnh thức, tươi mát và chính xác.

Chúng ta có thể đi sâu vào chi tiết hơn nữa về sau, trước hết chúng ta nên bàn luận về tri thức cơ bản liên quan đến sự sợ và tâm vô úy. Một trong những chướng ngại chính yếu đối với tâm vô úy chính là những cấu trúc thói quen đang cho phép chúng ta lừa dối bản thân mình. Thông thường, chúng ta không cho phép bản thân trải nghiệm chính mình một cách trọn vẹn. Điều đó có ý nói, chúng ta sợ đối diện với chính mình. Sự trải nghiệm phần cốt lõi thâm sâu nhất trong hiện hữu của mình gây bối rối và lúng túng cho rất nhiều người. Nhiều người cố gắng tìm kiếm con đường tâm linh không phải để họ đối diện với chính mình, mà để họ có thể thoát khỏi chính mình. Thật ra, đó là điều không thể. Chúng ta không thể làm được điều đó. Chúng ta phải thành thật với chính mình. Chúng ta phải hiểu được cái ruột, cái bụng thật, những phần gây phiền phức nhất của mình. Chúng ta phải thấy được điều đó. Đó là nền tảng của tinh thần chiến sĩ, và là cơ sở cho việc chinh phục nỗi sợ. Chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi của chính mình; nhìn vào nó, nghiên cứu nó, làm việc chung với nó, và tập luyện ngồi thiền cùng với nó.

Chúng ta cũng phải từ bỏ khái niệm đấng cứu rỗi thiêng liêng chẳng liên quan đến những gì thuộc về tôn giáo của chúng ta, một khái niệm vốn chỉ là ý tưởng rằng có ai đó hay điều gì đó sẽ cứu giúp cho chúng ta, khiến chúng ta không phải trải qua bất kỳ đau đớn hay khổ não nào. Thật ra, việc từ bỏ loại hy vọng sai lầm đó lại chính là bước đầu tiên. Chúng ta phải bằng lòng với chính mình. Chúng ta phải trở thành những con người thật. Chẳng có con đường nào để đánh vòng qua cánh rừng cây bụi đó để mong chờ điều tốt đẹp nhất. Nếu bạn thật sự quan tâm đến việc dụng công cho bản thân mình, bạn không thể sống cuộc sống kép như vậy, bằng cách áp dụng những ý tưởng, kỹ thuật và khái niệm thuộc đủ mọi loại, đơn giản chỉ để thoát ra khỏi bản thân mình. Đó là những gì chúng tôi gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh: hy vọng có thể có một giấc ngủ ngon, dưới những chất gây mê, và lúc thức dậy, mọi chuyện sẽ được giải quyết, mọi thứ sẽ được hàn gắn… Trong quy tắc ứng xử tâm linh chân chính, bạn không thể làm như vậy được. Bạn có thể thuyết phục bản thân mình rằng có một giáo quy nào đó sẽ cho phép bạn nhảy thẳng ngay vào trạng thái hạnh phúc tâm linh. Bạn có thể thuyết phục bản thân mình thế giới này không tồn tại; chỉ có cảnh giới tâm linh tồn tại mà thôi. Nhưng, về sau, điều gì đó lại nảy ngược lên bạn, vì chúng ta không thể lừa được chuẩn tắc cơ bản, được mệnh danh là nghiệp quả, tức quy luật nhân quả. Chúng ta không thể lừa nó.

Chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi của chính mình; nhìn vào nó, nghiên cứu nó, làm việc chung với nó, và tập luyện ngồi thiền cùng với nó.

Chúng ta phải đối diện rất nhiều, phải từ bỏ rất nhiều. Bạn có thể không muốn, nhưng bạn phải làm, nếu muốn từ ái với chính mình. Chung quy là như vậy. Trái lại, nếu bạn muốn gây tổn thương cho bản thân mình bằng cách đắm mình trong chứng loạn thần kinh chức năng của hoàng hôn, đó là công việc của bạn, chứ không phải công việc của ai khác. Không ai có thể cứu bạn thoát ra khỏi được bản thân mình. Cứ làm đi, nhưng bạn tất phải hối hận về sau, hết sức hối hận. Đến lúc đó, có thể bạn đã thu thập quá nhiều điều vô nghĩa, ngớ ngẩn, đến độ sẽ hầu như không thể nào còn tháo gỡ được cảnh ngộ đó. Đó sẽ là một kết thúc hết sức khốn khổ và bất hạnh.

Thông thường, chúng ta rất thích làm tổn thương chính mình. Có vẻ như theo đuổi những kết cấu thói quen thì dễ cảm thấy thoải mái hơn là cứu giúp bản thân mình. Bạn có thể đã được nghe trong nhà trường rằng học hành chăm chỉ sẽ có ích cho bạn. Thân sinh của bạn có thể đã từng nói với bạn rằng ‘hãy ăn tất cả những thức ăn có trong dĩa, bởi điều đó tốt cho bạn. Có rất nhiều người đang đói kém trên thế giới, và bạn may mắn có được bữa ăn này ngay trước mặt. Hãy ăn hết đi’. Có lẽ sự  khuyên bảo như vậy là hữu ích. Vào lúc bạn nghe được những lời này, chúng có thể có vẻ hoàn toàn chẳng có chút khéo léo nào, xét theo tâm trạng của bạn. Nhưng, một sự chính thống và lời lẽ kỷ luật như vậy có thể có một yếu tố chân lý nào đó.

Chúng ta phải quyết định nhìn vào bản thân và trải nghiệm cái tôi của mình một cách thành thật. Một số trong chúng ta tìm thấy bản thân mình trong tình cảnh giảm sút tệ hại nhất và đáng thương nhất. Một số người trong chúng ta có thể đang có những hoàn cảnh tươi sáng và tốt đẹp đang diễn ra. Bất kể trường hợp đó là gì, cho dù sự khám phá của chúng ta mang lại hy vọng hay sợ hãi, chúng ta cũng phải suy xét cái tôi của mình. Chúng ta cần phải tìm thấy, đối diện với cái tôi của mình, và hơn thế nữa, hãy từ bỏ cái riêng tư, cái ức chế của chúng ta.

Việc tôi sử dụng chữ riêng tư ở đây có thể gây ra hiểu lầm về ngữ nghĩa. Vấn đề là khi chúng ta từ bỏ sự riêng tư, đó là thời điểm duy nhất bạn có thể chăm sóc chính mình. Quan điểm thông thường của chúng ta về sự riêng tư thật ra chẳng hề riêng tư. Chúng ta nói, “Tôi cần sự riêng tư của mình”. Nếu bạn kiềm chế bản thân mình bằng sự riêng tư, bạn sẽ thấy mình tự đứng chắn ngay giữa con đường của mình. Chẳng có riêng tư chút nào trong tình huống đó. Sự riêng tư không hiện hữu. Thay vì thế, bạn cảm thấy hoàn toàn bị tấn công dồn dập bởi những cảm xúc và suy nghĩ trong lòng, điều sẽ tước đi của bạn cơ hội chăm sóc và thư giãn bản thân mình một cách trọn vẹn. Một khi bạn bắt đầu từ bỏ sự riêng tư, bạn mở rộng trái tim và toàn thể hiện hữu của mình để đón nhận thế giới, và khi đó bạn tìm được sự riêng tư vĩ đại hơn. Bạn thấy rằng một sự khám phá thật sự bản thân mình đang xảy ra.

Cách duy nhất để thư giãn với chính mình là mở rộng trái tim. Khi đó, bạn có cơ hội nhìn thấy bạn là ai. Kinh nghiệm này cũng giống như việc bung dù. Khi bạn nhảy ra khỏi chiếc máy bay, bạn đang ở đó trong bầu trời bằng tự chính mình. Đôi khi điều đó thật đáng sợ, nhưng mặt khác, khi bạn bước đi bước này, toàn bộ tình huống, toàn bộ cuộc hành trình, trở nên có ý nghĩa. Bạn phải thật sự làm điều đó, và khi ấy bạn sẽ hiểu. Việc từ bỏ sự riêng tư không phải là tiến trình học tập và logic, mà là xảy ra ngay tức thì, bằng cách làm như vậy.

Người ta phải từ bỏ sự đè nén, ức chế, nhưng điều đó không trở thành thói thích phô trương. Bạn vẫn chính thật là mình nếu bạn từ bỏ sự đè nén. Chỉ là từ bỏ sự riêng tư, cảm giác nhút nhát và niềm khao khát muốn có một “chuyến đi” thật cá nhân. Khi bạn từ bỏ điều đó, nó không có nghĩa là bạn phải trở thành kẻ thích phô trương; mà là bạn có thể trở thành một con người thật. Khi bạn bỏ hút thuốc lá, bạn không phải tuyên bố những gì bạn đã làm được. Có thể sẽ chẳng có ai để ý đến. Bạn chỉ là không hút thuốc nữa mà thôi. Có thể thật đáng buồn cho bạn là chẳng ai có thể đánh giá cao đức tính của bạn, nhưng mặt khác, nếu đã vậy thì sao? Khi bạn từ bỏ sự riêng tư của mình, bạn vẫn đứng và đi bằng đôi chân giống như bao người khác. Bạn nhìn vũ trụ bằng đôi mắt, và ừ, nó thật tuyệt. Bạn trở thành con người trang nhã trọn vẹn lần đầu tiên, nhưng bạn không cần phải tuyên bố điều đó.

Thế rồi bạn bắt đầu nhận ra bạn đang có điều gì đó trong chính mình thật thiện hảo, tốt đẹp tự cơ bản. Nó siêu việt lên trên khái niệm tốt và xấu. Một điều gì đó thật đáng giá, bổ ích và lành mạnh đang hiện hữu trong tất cả chúng ta. Lần đầu tiên bạn nhìn thấy Đại nhật phương Đông. Cái thiện nảy sinh từ việc khám phá cảnh tượng này và là cái thiện cơ bản hay nguyên thủy mà bạn có, bạn đã sở hữu nó. Cái thiện như vậy đồng nghĩa với sự can đảm. Nó luôn luôn có đó. Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một màu sắc tươi sáng và đẹp đẽ, bạn đang chứng kiến cái thiện bẩm sinh của chính mình. Bất cứ khi nào bạn nghe một âm thanh ngọt ngào và thú vị, bạn đang nghe cái thiện cơ bản của chính mình. Bất cứ khi nào bạn nếm được cái gì đó ngọt hay chua, bạn đang trải nghiệm cái thiện cơ bản của chính mình. Nếu bạn đang ở trong một căn phòng, và bạn mở cửa, bước chân ra bên ngoài, có một cơn gió mát bất chợt thổi đến. Một kinh nghiệm như vậy có thể chỉ tồn tại trong một giây, nhưng mùi của luồng gió mát đó chính là hương vị của cái thiện cơ bản.

Những điều giống như vậy vẫn luôn xảy đến với bạn, nhưng bạn đã phớt lờ chúng, trong suy nghĩ rằng chúng dung tục và tầm thường, những ngẫu nhiên thuần túy của một thiên nhiên bình thường. Thế nhưng, thật đáng giá để tranh thủ bất kỳ điều gì đang xảy đến với bạn mang bản chất đặc thù của cái thiện. Bạn bắt đầu nhận ra có sự phi bạo lực đang diễn ra xung quanh cuộc đời bạn, và bạn có thể cảm nhận sự tươi mát của việc nhận ra cái thiện, hết lần này đến lần khác.

Nhưng bạn không thể hành động hấp tấp được. Trước tiên chúng ta phải nhìn xét bản thân mình. Nếu bạn dồn toàn bộ trái tim mình vào việc đối diện với bản thân, khi đó bạn tiếp xúc được với cái thiện vô điều kiện này. Trong khi đó, nếu bạn chỉ đặt một nửa vào tình huống này, bạn đang cố gắng mặc cả với tình huống, và sẽ chẳng có nhiều điều xảy ra. Khi bạn thành tâm bằng cảm xúc trọn vẹn nhất, bạn không cần đến óc phán đoán có điều kiện về tốt hay xấu, mà là bạn đang thật sự tốt, chứ không phải đang trở nên tốt.

Nếu bạn đối diện với bản thân mình một cách đúng đắn, trọn vẹn, khi đó chúng ta thấy rằng một điều gì khác đang hiện hữu ở đó, khác với việc đối diện với chính mình. Một điều gì đó đang hiện hữu trong chúng ta, về cơ bản có tính chất tỉnh thức, khác hẳn với tính chất mê ngủ. Chúng ta tìm thấy điều gì đó tự bản chất có tính chất vui vẻ và thật giá trị. Theo quan điểm Phật giáo, đó là việc khám phá ra Phật tính của chúng ta. Trong Phạn ngữ, Phật tính là tathagatagarbha, một từ vốn mang ý nghĩa là tinh hoa của chư vị Như Lai, những vị Phật đã siêu việt, đang hiện hữu trong chúng ta.

Sự thành thực của bạn cho phép bạn nhận ra thiện tính của mình. Bạn đang có Đức Phật trong trái tim mình.

Chúng ta tỉnh thức tự cơ bản. Tự thân chúng ta đã tốt. Nó không chỉ là một tiềm năng. Nó còn hơn cả tiềm năng. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ ngần ngại hết lần này đến lần khác trong việc tin tưởng điều đó. Bạn có thể nghĩ cái thiện này chỉ là một thần tích xa xưa, một cái mẹo khác để làm chúng ta vui. Nhưng không phải! Nó có thật và chính xác. Phật tính đang hiện hữu bên trong chúng ta, và vì thế chúng ta đang ở đây. Phật tính cơ bản của bạn đã mang bạn đến đây.

Cốt lõi của vấn đề, phương pháp có vẻ là cách duy nhất để hiện thực hóa được điều này, chính là ngồi thiền. Thiền là chìa khóa để nhìn thấy chính mình, cũng như nhìn thấy vượt khỏi chính mình. Nhìn thấy chính mình là khía cạnh thứ nhất, đồng thời khám phá tất cả các loại khủng khiếp đang diễn ra trong bạn. Đối diện với các khả năng và những thực tại của điều đó hoàn toàn chẳng có chút gì là sai cả. Nếu bạn bắt đầu làm như vậy, bạn đang là người thành thực. Thế rồi, hơn thế nữa, bạn có một tầm nhìn xa rộng hơn. Sự thành thực của bạn cho phép bạn nhận ra thiện tính của mình. Bạn đang có Đức Phật trong trái tim mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỐI MẶT VÀ LÀM BẠN VỚI CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  2. CÁI BÂY GIỜ
  3. MỘT THOÁNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM