NGÀI ĐÃ TỪ BỎ HẾT SỰ HƯỞNG THỤ?

DESMOND TUTU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019

Hầu hết các tôn giáo đều có niềm tin vững chắc rằng chúng ta không thể tìm được hạnh phúc dài lâu dựa vào các giác quan. Vì dẫu rằng các giác quan có thể đem đến cho chúng ta sự vui thích tạm thời, nhưng nó chỉ thoáng qua, rất phù du và không phải là gốc rễ của sự mãn nguyện lâu bền. Nhà Phật có lời dạy rằng: việc cố gắng tìm kiếm hạnh phúc thông qua sự thỏa mãn cảm giác thì chẳng khác nào việc cố gắng làm dịu cơn khát bằng cách uống nước muối. Nhưng mối quan hệ giữa niềm hỷ lạc với niềm vui thú, và giữa những gì mà Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi là hạnh phúc về thân với hạnh phúc về tâm thì chính xác là gì?

Desmond TuTu – Ngài Tổng Giám Mục Nam Phi (trái) và Tenzin Gyatso – Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

“Kính thưa Đức Pháp Vương, nhiều người cho rằng với tư cách là một tu sĩ, Ngài đã từ bỏ niềm vui thú và hưởng thụ.”

“Và tình dục,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm, mặc dù đó không chính xác là điều tôi đang nhắm đến.

Sao cơ?” – Tổng Giám Mục nói.

Tình dục, tình dục,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma lặp lại.

Ngài vừa nói vậy thật sao?” – Ngài Tổng Giám Mục hỏi lại đầy ngờ vực.

“Ôi, ôi,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa cười, nhận ra sự ngạc nhiên của Ngài Tổng Giám Mục. Rồi Ngài với tay qua để trấn an ông, khiến Ngài Tổng Giám Mục bật cười lên đầy thích thú.

“Thế thì ngoài chuyện tình dục,” – Tôi nói, cố gắng quay trở lại vấn đề – “Ngài đã từ bỏ niềm vui và sự hưởng thụ phải không? Nhưng khi ngồi bên cạnh Ngài trong bữa ăn trưa, con thấy Ngài giống như đang thực sự tận hưởng những món ăn tuyệt vời. Vậy thái độ của Ngài trong việc hưởng thụ những thú vui của cuộc sống là gì?”.

“Tôi rất thích đồ ăn. Nếu không có đồ ăn thì cơ thể của tôi không thể tồn tại. Ngài cũng vậy,” – Ngài nói rồi quay sang phía Đức Tổng Giám Mục, – “không thể chỉ nghĩ về Thiên Chúa, Thiên Chúa, Thiên Chúa mà tồn tại được. Tôi cũng không thể chỉ nghĩ đến từ bi, từ bi, từ bi. Vì từ bi sẽ không thể đổ đầy cái dạ dày của tôi được. Nhưng, Ngài thấy đấy, trong mỗi bữa ăn chúng ta phải phát triển khả năng sử dụng những thực phẩm đó mà không có sự dính mắc”.

“Sao cơ?” – Đức Tổng Giám Mục hỏi lại, không hiểu thuật ngữ sự dính mắc của Phật giáo mà Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa sử dụng. Và có lẽ Ngài cũng không hiểu làm thế nào mà một người có thể không dính mắc khi ăn.

“Đừng ăn uống với lòng tham,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. – “Ăn uống chỉ vì sự sống của cơ thể này. Người ta phải suy nghĩ về giá trị sâu hơn của việc nuôi dưỡng cơ thể”.

Trong một bữa ăn, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho tôi xem bát cơm gạo Tây Tạng và bánh pudding sữa chua của Ngài rồi nói: “Đây là món ăn đặc trưng của tu sĩ Tây Tạng, tôi rất thích món này”. Ngài ăn trong niềm vui sướng. Có một điều gì đó khiến tâm hồn tôi nhẹ nhõm, nhờ nhận thức được rằng sự thiêng liêng thần thánh không đòi hỏi phải từ bỏ những niềm vui đơn giản của cuộc sống, như một bữa ăn ngon và đặc biệt là bánh pudding.

Tôi khá chắc rằng Ngài đã được tiếp thêm một lượng lớn niềm hoan hỷ nhờ vào việc ăn món tráng miệng đó. Rõ ràng Ngài đã trải nghiệm được sự vui thích qua những giác quan của mình. Tôi chợt băn khoăn về ranh giới giữa sự thưởng thức với lòng tham lam, vấn đề nằm ở số lượng thực phẩm hay nó phụ thuộc thái độ đối với từng miếng ăn? Jinpa đã chia sẻ với tôi một bài nguyện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng thường được tụng đọc trước mỗi bữa ăn: “Xem thực phẩm này là thuốc, tôi sẽ thưởng thức nó mà lòng không tham lam hay tức giận, không vì thói háu ăn hay kiêu ngạo, không vì vỗ béo thân này, mà chỉ để nuôi dưỡng cơ thể này”. Có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn nói rằng việc ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể không bắt người ta phải chối bỏ niềm vui thích và sự hài lòng trong trải nghiệm.

“Vậy bây giờ đến câu hỏi của Ngài.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. – “Khi chúng ta nói về kinh nghiệm hạnh phúc, chúng ta cần biết rằng có hai loại khác nhau. Trước tiên là việc thưởng thức khoái lạc qua các giác quan của chúng ta. Ở đây tôi đã đưa ra ví dụ về tình dục, chính là một trong những kinh nghiệm như vậy. Nhưng chúng ta còn có thể trải nghiệm hạnh phúc ờ mức độ sâu sắc hơn từ trong tâm của mình, chẳng hạn như thông qua tình yêu, lòng từ bi và lòng quảng đại. Điểm đặc trưng cho hạnh phúc ở mức độ sâu sắc này là cảm giác trọn vẹn mà bạn được trải nghiệm. Trong khi niềm vui thú đến từ các giác quan chỉ ngắn ngủi, thì niềm hỷ lạc ở mức độ sâu sắc hơn như vậy mới lâu bền. Đó là hỷ lạc đích thực.

Một tín đồ phát triển mức độ hỷ lạc sâu sắc này qua đức tin nơi Thiên Chúa sẽ nhận lại được sức mạnh nội tâm, sự bình an nội tâm. Còn đối với một người không có đức tin hay một người vô thần, chúng ta phải phát triển mức độ hỷ lạc sâu sắc này thông qua việc luyện tâm. Vì loại hỷ lạc hay hạnh phúc ấy là đến từ trong tâm. Sau đó thì những khoái lạc về giác quan sẽ dần trở nên ít quan trọng hơn.

Trong vài năm gần đây, tôi đã thảo luận với các nhà khoa học về sự khác biệt giữa mức độ cảm giác của khoái lạc và đau đớn về thể xác, so với mức độ sâu sắc hơn của hạnh phúc và đau khổ về tinh thần. Bây giờ nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống thiên về vật chất ngày nay, người ta dường như chủ yếu chỉ quan tâm đến những trải nghiệm về cảm giác. Đó là lý do tại sao sự thỏa mãn của họ lại rất hạn chế và ngắn ngủi, bởi vì kinh nghiệm về hạnh phúc của họ quá phụ thuộc vào kích thích từ bên ngoài. Ví dụ, trong lúc nghe nhạc họ cảm thấy hạnh phúc.” – Ngài nghiêng đầu sang bên với một nụ cười như thể đang thưởng thức âm nhạc. – “Khi có điều gì đó tốt đẹp xảy ra, họ hạnh phúc. Khi có thức ăn ngon, họ hạnh phúc. Nhưng khi những điều đó kết thúc thì họ cảm thấy buồn chán, bồn chồn và bất hạnh. Tất nhiên những điều này không phải mới xuất hiện. Ngay cả trong thời Đức Phật, người ta cũng bị rơi vào cái bẫy của những ý nghĩ rằng trải nghiệm bằng cảm giác sẽ đem đến hạnh phúc cho mình.

Vì vậy, khi niềm hỷ lạc phát sinh từ tâm của bạn chứ không phải chỉ trên mặt cảm giác, thì bạn có thể duy trì một trạng thái mãn nguyện sâu sắc trong một khoảng thời gian dài hơn, thậm chí trong suốt cả hai mươi tư giờ đồng hồ.

Cho nên tôi luôn luôn nói với mọi người, bạn phải chú ý nhiều hơn đến mức độ tinh thần của niềm hỷ lạc và hạnh phúc. Không chỉ là những khoái lạc thân thể mà còn cả sự mãn nguyện ở trong tâm. Đây là niềm hỷ lạc chân thực. Khi bạn đã có được hỷ lạc và hạnh phúc ở trong tâm, thì nỗi đau trên thân thể không còn quan trọng lắm. Nhưng nếu không có được hỷ lạc và hạnh phúc ở phương diện tinh thần, ví dụ bạn quá lo lắng, có quá nhiều sợ hãi, thì ngay cả những tiện nghi và khoái lạc thân thể cũng sẽ không thể làm nguôi ngoai sự bất an phiền não trong tâm của bạn được”.

“Nhiều độc giả của chúng ta,” – Tôi nói, – “sẽ hiểu được khoái lạc thân thể là gì, hay phương diện vật lý của niềm hỷ lạc và hạnh phúc là như thế nào. Họ biết một bữa ăn ngon hoặc một ca khúc tuyệt vời tạo cho họ cảm giác ra sao. Nhưng hạnh phúc tự tâm hay khoái lạc tinh thần mà Ngài đang nói đến là gì, và nó có thể duy trì suốt hai mươi tư giờ đồng hồ được hay không?”.

“Một cảm xúc chân thành của tình yêu và lòng thương mến.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời.

“Ngài có thức dậy mỗi ngày với niềm hỷ lạc này không?” – Tôi hỏi, – “Ngay cả trước khi uống cà phê?”.

“Nếu bạn phát triển một ý thức mạnh mẽ về sự tốt đẹp của mọi chúng sinh hữu tình và đặc biệt là hết thảy nhân loại, điều này sẽ làm cho bạn hạnh phúc vào buổi sáng, ngay cả trước khi uống cà phê.

Đây là giá trị của tâm bi mẫn, của việc có tấm lòng từ bi dành cho người khác. Thậm chí, bạn thấy đấy, chỉ cần mười phút hay ba mươi phút thiền định về lòng từ bi, về sự tử tế đối với người khác, thì bạn sẽ thấy hiệu quả của nó trong suốt cả ngày. Đó là cách để duy trì một nội tâm bình an và vui vẻ.

Ai cũng từng trải nghiệm về những lúc mà chỉ cần bản thân mình có tâm trạng tốt thì dù có rắc rối xảy ra, mình vẫn sẽ cảm thấy ổn. Nhưng khi tâm trạng của bạn đang thực sự tồi tệ, thì dù cho người bạn thân nhất của bạn có đến, bạn vẫn cảm thấy không vui.”

“Ngài có cảm thấy như vậy khi tôi đến không đấy?” – Ngài Tổng Giám Mục trêu đùa.

“Đó chính là lý do tại sao tôi ra sân bay để chờ Ngài – để tôi có thể cảm thấy không vui thêm chút nữa… và rồi gây sự với ngài!”.

Khoa học có một thuật ngữ chỉ bản chất không thể thỏa mãn của việc theo đuổi hạnh phúc riêng: vòng xoáy khoái lạc1, cũng là tên của trường phái tư tưởng Hy Lạp tin rằng khoái lạc là điều tốt đẹp tột cùng. Trong suốt chiều dài lịch sử, chủ nghĩa khoái lạc đã có không ít người ủng hộ. Có thể thấy ngay trên sự ra đời của văn hóa viết. Trong câu chuyện về Gilgamesh2, Siduri – vị nữ thần của sự lên men (nói cách khác chính là rượu) đã khuyên dạy: “Lấp cho đầy bụng mình đi. Ngày và đêm hãy chơi đùa. Hãy để mỗi ngày đều tràn ngập niềm vui. Nhảy múa và chơi nhạc suốt cả ngày đêm… Chỉ có những điều này mới là mối quan tâm của con người”. Ngay cả trong nền văn hóa tinh thần sâu xa của Ấn Độ cổ đại, hay trong nhiều truyền thống xứ Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng có một trường phái đi theo chủ nghĩa khoái lạc được biết đến với cái tên Charvaka. Theo nhiều cách, chủ nghĩa khoái lạc là triết lý mặc định của hầu hết mọi người và chắc chắn đã trở thành quan điểm chi phối hành vi của người tiêu dùng thuộc kiểu văn hóa “shop till you drop3“.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận ra rằng càng trải nghiệm nhiều khoái lạc bất kể loại nào, thì chúng ta càng trở nên trơ lì hơn đối với những tác động của nó và cho rằng sự dễ chịu phải là trạng thái đương nhiên. Ly kem đầu tiên thì siêu ngon, ly thứ hai tạm hài lòng còn ly thứ ba lại gây khó tiêu. Nó giống như một loại chất gây nghiện phải được uống với số lượng ngày càng nhiều thì mới tạo ra được cùng một mức độ thỏa mãn. Nhưng có một điều ở đây đã làm thay đổi cảm nhận của chúng ta về sự an vui một cách mãnh liệt và lâu dài. Đó là những gì mà Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục đã tán thành trong suốt buổi đối thoại đầu tiên này: về mối quan hệ của chúng ta, mà cụ thể là sự biểu lộ tình thương yêu và lòng quảng đại của chúng ta đối với mọi con người xuất hiện trong cuộc đời mình.

Richard Davidson, nhà thần kinh học mà tôi cùng ăn trưa ở San Francisco, cũng đã đồng thời đưa nghiên cứu về thần kinh vào trong một lý thuyết thống nhất về trí não hạnh phúc. Tôi đã thích thú với điều anh ấy nói đến nỗi quên cả những chiếc chả giò Việt Nam, trong khi món ăn này thực sự rất ngon, ít nhất là ở mức độ vật chất.

Davidson giải thích rằng có bốn mạch não4 độc lập ảnh hưởng đến sự an vui lâu dài của chúng ta. Thứ nhất là “khả năng duy trì trạng thái tích cực”. Nó có nghĩa là khả năng duy trì trạng thái tích cực hoặc cảm xúc tích cực sẽ trực tiếp tác động đến khả năng trải nghiệm hạnh phúc của một người. Hai nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại này đã nói rằng cách nhanh nhất để đạt được trạng thái hạnh phúc là bắt đầu bằng tình yêu thương và tâm từ bi.

Mạch thứ hai chịu trách nhiệm về “khả năng phục hồi từ trạng thái tiêu cực của chúng ta”. Điều mà tôi thấy hấp dẫn nhất là các mạch này hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Một người có thể giỏi trong việc duy trì trạng thái tích cực nhưng lại dễ dàng rơi xuống vực thẳm của trạng thái tiêu cực và phải mất thời gian hồi phục hết sức khó khăn. Điều đó đã giải thích được nhiều chuyện xảy ra trong cuộc đời tôi.

Mạch thứ ba, cũng độc lập nhưng cần thiết đối với những mạch khác, đó là “khả năng tập trung tư tưởng và tránh suy nghĩ lan man của chúng ta”. Dĩ nhiên đây là mạch mà thiền định cần có để phát triển. Cho dù là việc tập trung vào hơi thở hay một câu thần chú, hoặc phương pháp thiền phân tích mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hành mỗi sáng, thì đều phải dùng đến khả năng định tâm này làm nền tảng căn bản.

Cuối cùng là mạch thứ tư, đó là “khả năng rộng lượng của chúng ta”. Điều này đã khiến tôi kinh ngạc: rằng chúng ta có hẳn một mạch não, một trong số bốn mạch, dành riêng cho sự rộng lượng. Không có gì khó hiểu rằng bộ não của chúng ta cảm thấy tuyệt vời khi chúng ta giúp đỡ người khác hoặc được người khác giúp đỡ, thậm chí ngay cả khi chúng ta chứng kiến người khác được giúp đỡ. Đây là điều mà Ekman đã mô tả là một chiều hướng của niềm hỷ lạc. Đã có những nghiên cứu rõ ràng và thuyết phục rằng chúng ta như những nhà máy đã được trang bị sẵn sự hợp tác, tâm từ bi và lòng quảng đại.

John Bargh, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học tiềm thức, đã mô tả nó như một trong ba mục tiêu bẩm sinh (và thường không được nhận thức rõ ràng): mục tiêu sinh tồn, mục tiêu mô phỏng và mục tiêu hợp tác. Trong các cuộc thí nghiệm khoa học, những đứa trẻ mười tám tháng tuổi được cho xem những con búp bê ngồi đối diện với nhau. Kết quả là những đứa trẻ này hợp tác hơn so với những đứa trẻ được cho xem những con búp bê ngồi quay mặt đi hướng khác. Loại tiềm thức ban đầu này có thể được khơi dậy hoặc dập tắt đi – Bargh lập luận. Đây là một ví dụ thú vị cho thấy rằng sự hợp tác là một động lực tiến hóa sâu xa đã tồn tại ngay từ quá trình phát triển sớm nhất của chúng ta.

Còn một minh chứng rõ ràng hơn nữa, rằng tiềm thức cũng lập trình chúng ta để hợp tác và thân thiện với những người được chúng ta nhận định là người chăm sóc cho mình, hay những người có thể bảo vệ an toàn cho mình. Ngoài ra, chúng ta sẽ thận trọng hơn đổi với những người khác. Đó là những gốc rễ của thành kiến đã ăn sâu trong tiềm thức. Sự thấu cảm của chúng ta dường như không thể mở rộng ra đối với những người ở ngoài “nhóm phân biệt” của mình. Có lẽ đó là lý do tại sao mà Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma cứ liên tục nhắc nhở rằng tất cả chúng ta thực sự là một nhóm-nhân-loại chung nhất. Tuy nhiên, khả năng và mong ước được hợp tác và rộng lượng với người khác vẫn luôn có sẵn trong các mạch thần kình của chúng ta, và nó có thể được khai thác trên phương diện cá nhân, xã hội, và trên khắp toàn cầu.

Chú thích

1. “Hedonic treadmill” hay còn gọi là “hedonic adaptation” (sự thích nghi với khoái lạc): chỉ một khuynh hướng có thể quan sát được của con người, là cho dù phải trải qua các sự kiện tích cực hay tiêu cực đến thế nào đi chăng nữa thì sau đó chúng ta cũng sẽ rất nhanh chóng quay trở lại với một mức độ hạnh phúc tương đối ổn định. Theo lý thuyết này, khi một người kiếm được nhiều tiền hơn thì kỳ vọng và ham muốn cũng nhanh chóng tăng lên, kết quá là không khi nào họ có được hạnh phúc lâu dài.

2. Thuộc “Sử thi Gilgamesh”.

3. Tạm dịch: “hưởng thụ cho đến khi kiệt sức”, là một thành ngữ Mỹ chỉ việc mua sắm nhiều đến mức cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và không thể bước quanh các cửa hiệu thêm được nữa.

4. Từ gốc tiếng Anh: brain circuit.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG
  2. GIỚI NGUYỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
  3. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH