NHỮNG THỰC HÀNH GIÚP ĐẠT SỰ TẬP TRUNG

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Để Sống Đời Sống Có Ý Nghĩa; Nguyên tác: How to Practice The Way to A Meaningful Life; Việt dịch: Nguyên Hảo; NXB. Về Nguồn

Chánh Niệm và Nội Quán

Sức mạnh phía sau làm tăng trưởng việc tham thiền là chánh niệm, là khả năng trụ vào một đối tượng, giữ không để bị lo ra. Bạn thực tập chánh niệm bằng cách đặt tâm thức trở lại vào đối tượng tham thiền mỗi khi nó dao động, điều sẽ xảy ra thường xuyên. Khi đã thuần thục trong việc giữ chánh niệm vào đối tượng, bạn cần sử dụng nội quán. Như luận Hướng Dẫn Về Bồ Tát Hạnh của Shantideva nói, chức năng đặc biệt của nội quán là luân lưu khảo sát những hoạt động của mình, về thể xác hay tinh thần. Trong tiến trình phát triển an trú, chức năng của nội quán là xác định tâm thức đã hay sắp bước vào tình trạng bị ảnh hưởng của náo động hay lu mờ. Khi mới bắt đầu, những giai đoạn lu mờ và náo động xảy ra mạnh, nhưng với sự cố gắng, những trạng thái này sẽ yếu dần và ít xảy ra hơn, và thời gian giữ tâm thức trụ vào đối tượng kéo dài. Dần dần, ngay cả sự lu mờ và náo động vi tế cũng không còn sức mạnh và biến mất. Cuối cùng, khả năng của tâm thức trụ hoàn toàn vào đối tượng, không bị cản trở do những trạng thái náo động và lu mờ, mạnh lên.

Khi trong chánh niệm và nội quán bạn có thể giữ vững sự liên tục trong việc duy trì đối tượng thiền quán, lúc đó bạn có thể đạt được thiền quán tập trung trong vòng sáu tháng. Khởi sự bạn phải cố gắng đặt tâm thức vào đối tượng thiền quán với một nỗ lực lớn; sau đó dần dần bạn sẽ giữ được đối tượng không cần nhiều nỗ lực; rồi bạn sẽ giữ được sự liên tục mà không cần nỗ lực; và cuối cùng trụ vào đối tượng một cách tự nhiên, không cần một cố gắng nào để loại trừ sự náo động và lu mờ. Nếu có thể trụ trên đối tượng trong vòng bốn giờ đồng hồ một cách sinh động và liên tục, bạn đã đạt đến sự ổn cố chắc chắn. Những trạng thái không thoải mái của thể xác và tinh thần đều không còn và một niềm phúc lạc về thể xác và tinh thần được đạt đến. Ở thời điểm này, bạn đạt được sự an trú.

Những Tính Chất Của Sự An Trú

Để có được sự an trú, tâm phải có sự ổn cố để trụ vào một đối tượng, nhưng chỉ việc này thôi chưa đủ. Tâm cũng phải rõ ràng, nhưng cả việc này cũng chưa đủ. Sự rõ ràng cần phải mạnh mẽ, tỉnh giác, và sắc bén; tâm không thể có một tí xíu nào sự hôn trầm.

Những sự điều chỉnh để làm cho tâm có thể an trú không phải dễ thực hiện. Ở Dharamsala, Ấn Độ, một trong số những người Tây Tạng thực hành tham thiền nói với tôi rằng việc thực hành thiền định nhất tâm khó khăn hơn bị cầm tù trong trại giam của Trung Hoa! Bởi vì nó khó khăn, quan trọng là phải chuẩn bị một cách cẩn thận, thực hành từng bước một. Đừng nên tự ép quá mức, nhất là ở bước đầu, có thể làm cho hành giả bị bối rối và ngay cả có thể bị khủng hoảng tinh thần. Mục tiêu ở đây là thực tập mỗi ngày, chọn một đối tượng tham thiền, và tập trung vào đó, cố gắng đạt đến và duy trì sự ổn cố, rõ ràng và mạnh.

Quán Tâm

Sự an trú cũng có thể đạt đến bằng việc tham thiền hàng ngày về tâm. Một trong những ưu điểm của việc quán sát tâm là làm mạnh khả năng thể hiện tâm ánh sáng tinh ròng như khi đang chết. Trước tiên nhận ra bản chất nền tảng sáng láng và hiểu biết của tâm, không bị tư tưởng làm ô nhiễm, và rồi tập trung vào đó. Đây là một trong nhiều mức độ của vô niệm (tôi sẽ trình bày việc thiền quán về bản chất tối hậu của tâm ở chương 10).

Để chuẩn bị cho việc quán tâm bạn cần vượt qua những trở ngại về tinh thần bằng cách tích lũy phước đức như phát triển tâm từ bi như đã được trình bày ở trước. Bước kế tiếp là làm quen với tính chất của tâm. Thời gian thích hợp nhất cho việc tham thiền này là vào sáng sớm, ngay sau khi thức dậy, nhưng trước khi tất cả các tính năng của bạn hoạt động. Mắt chưa mở. Hãy nhìn đến hay vào trong vô thức. Đây là một cơ hội tốt để thể nghiệm trạng thái ánh sáng tính ròng của tâm. Đừng để cho tâm nghĩ đến những gì đã xảy ra trong quá khứ, cũng đừng để nó theo đuổi những sự việc có thể đến trong tương lai; thay vì vậy, hãy giữ tâm sinh động, không một chướng ngại, như chính bản chất của nó. Trong khoảng cách giữa những ý tưởng cũ và mới, khám phá tính chất tự nhiên, không sanh, sáng láng và hiểu biết của tâm không bị tư tưởng ảnh hưởng. Khi thực hành điều này, bạn sẽ hiểu rằng tâm giống như một tấm kính, phản chiếu tất cả mọi đối tượng, mọi ý niệm, và rằng tâm có một tính chất trong sáng và hiểu biết thuần túy, kinh nghiệm thuần túy.

Sau khi nhận thấy tính chất của tâm là trong sáng và hiểu biết, hãy an trụ trong đó. Dùng khả năng chánh niệm và nội quán duy trì trạng thái này. Nếu một tư tưởng khởi lên, chỉ nhìn vào bản chất của nó, và nó sẽ yếu dần và tự tan biến. Đôi khi, với sự cố gắng, hành giả có thể ngăn cản không cho tư tưởng thành hình hoàn toàn. Tuy nhiên thông thường, khi đạt được trạng thái thấy bản chất căn bản không ô nhiễm, không sinh khởi của tâm, các tư tưởng (niệm) sẽ tan biến khi mới vừa thành hình, và ngay cả khi chúng hiện ra, chúng cũng không có sức mạnh. Nhận thức rằng, giống như những lượn sóng của đại dương được tạo nên từ nước, các tư tưởng cũng được tạo nên từ bản chất sáng láng và hiểu biết của tâm. Và qua sự thực hành hằng ngày, các tư tưởng sẽ yếu đi và biến mất không cần cố gắng.

Sự thực tập tham thiền này sẽ làm cho tâm thức trở nên sắc bén và tăng khả năng của trí nhớ, những năng lực chắc chắn có lợi cho những việc bên ngoài sự tu tập như kinh doanh, kỹ thuật, xây dựng một gia đình, hoặc làm một thầy giáo, bác sĩ, hay luật sư. Sự thực tập này cũng giúp kiểm soát lòng nóng giận trong đời sống hàng ngày.

Khi bị kích thích, bạn có thể tập trung vào bản chất của sự tức giận và từ đó làm giảm sức mạnh của nó.

Một lợi ích khác của sự thực tập này là mối liên quan mật thiết giữa thân và tâm. Khi còn trẻ và cơ thể còn tốt, tâm của bạn còn mạnh. Nếu bắt đầu thực tập sẽ có sự lợi ích đặc biệt là đến khi lớn tuổi tâm của bạn vẫn giữ được sự tươi trẻ và tích cực dù thể xác đã thay đổi. Sau cùng, khối óc của con người là một gia tài vô cùng quý giá, và thật là đáng thương khi để cho nó yếu đi với sự xao lãng, từ bỏ những năng lực của nó theo tuổi tác cho đến khi, giống như loài thú, công việc duy nhất của nó chỉ là chăm sóc cơ thể. Đối với các hành giả, thực tập việc này từ sớm, và nhất là tập trung vào tâm, là sự chuẩn bị quan trọng cho ngày cuối cùng, khi tâm của bạn phải được giữ trong sáng sắc bén để áp dụng những kỹ thuật trong những giai đoạn của tiến trình chết hoặc ít ra ảnh hưởng được vào sự tái sinh trong kiếp tới. Sự trì độn của tâm trong thời điểm quan trọng này có thể rất nguy hiểm. Một bảo đảm thật sự cho một cuộc tái sanh tốt đẹp là có thể điều khiến tâm thức trong các giai đoạn của tiến trình chết.

Trạng thái tâm của bạn ngay trước khi tái sanh có ảnh hưởng quyết định đến tính chất của đời sống kế tiếp. Bạn có thể đã tạo nhiều phước đức, nhưng nếu để chúng trong một tâm thức trì độn, bạn sẽ làm nguy hại đến hình thức tái sinh trong kiếp tới. Mặt khác, ngay cả khi bạn có những hành động đáng tiếc trong khi còn sống, khi đến ngày cuối cùng, nếu bạn chuẩn bị và quyết định sử dụng cơ hội này một cách tối đa, chắc chắn sự tái sinh sẽ được tốt đẹp. Vì vậy, hãy cố gắng luyện tập để tâm luôn luôn tươi mát, tỉnh táo và bén nhạy.

Bạn có thể đã tạo nhiều phước đức, nhưng nếu để chúng trong một tâm thức trì độn, bạn sẽ làm nguy hại đến hình thức tái sinh trong kiếp tới.

NHỮNG KỸ THUẬT KHÁC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TÂM TĨNH LẶNG

Trong những tình cảnh khó khăn người ta dễ nổi giận. Phật Giáo đưa ra nhiều kỹ thuật để làm giảm sự dồn nén và tìm thấy sự an tĩnh trong những tình cảnh khó khăn mà chúng ta đối diện hàng ngày. Những kỹ thuật này khác nhau tùy theo tình huống và con người. Đặc biệt hữu hiệu khi sử dụng năng lực thiền quán phân tích nhắm đến những vấn đề một cách trực tiếp, thay vì cố gắng triệt tiêu chúng. Đây là một số ví dụ về kỹ thuật này:

Khi đối diện với sự phiền hà, làm bất cứ việc gì để vượt qua nó, nhưng nếu không thể vượt qua, hãy quán chiếu rằng sự phiền hà này có nguyên nhân từ hành động của bạn trong đời này hoặc đời trước. Hiểu rằng sự khổ đến từ nghiệp sẽ đem lại một sự bình an nào đó vì nó cho thấy rằng cuộc đời không bất công. Vả lại, lo âu và đau khổ dường như là vô nghĩa.

Khởi sự mọi vấn đề có vẻ như trơ lì và khó chữa cho đến khi bạn khảo sát bản chất thật sự của nó. Để thực hiện việc này, hãy cố gắng tìm hiểu phạm vi của khổ trong cuộc sống của bản thân. Tâm và thân bình thường có một bản chất đau khổ, giống như tính chất của lửa là nóng và đốt cháy. Giống như chúng ta biết cách đối trị với lửa, chúng ta có thể học cách đối trị với khổ đau trong đời sống của chúng ta.

Quan sát sự phiền hà trong một khung cảnh rộng lớn hơn. Nếu bị người nào buộc tội, thay vì chửi mắng, hãy nghĩ rằng sự buộc tội đó sẽ làm giảm sự tự yêu thương bản thân của minh và từ đó làm tăng khả năng lo lắng cho người khác. Coi những hoàn cảnh xấu như những năng lực giúp cho sự phát triển tâm linh của mình. Kỹ thuật này khó thực hiện nhưng rất mạnh mẽ khi thành công.

Khi khởi lòng ganh tỵ hoặc muốn làm tổn hại một kẻ thù, thay vì chỉ nghĩ đến những tính xấu của người đó, hãy nghĩ đến những thuộc tính của người đó. Hầu hết con người là một hòa trộn của những tính tốt và xấu – khó mà tìm ra người nào xấu về mọi phương diện.

Tư duy tính rỗng không về hiện hữu bản hữu – là sự tham thiền phân tích sâu xa nhất và là điều tôi sẽ trình bày trong ba chương tiếp theo.

Hoặc bạn có thể dùng phương pháp chỉ để đạt được sự nghỉ ngơi tạm thời:

Nếu không thể dừng lại sự lo âu về việc gì đó trong quá khứ hay điều có thể xảy ra trong tương lai, hãy tập trung vào hơi thở ra và vào. Hoặc tụng câu thần chú: Om Mani Padme Hum. Bởi vì tâm không thể tập trung vào hai sự việc cùng một lúc, hai phương pháp thiền này đều làm cho những lo âu mất dần.

???

Đối với tôi, dường như tất cả các tôn giáo đều có thể áp dụng những kỹ thuật tham thiền Phật Giáo – tập trung nhất tâm có thể được áp dụng trong nhiều hoàn cảnh. Trên mọi nẻo đường trần thế chúng ta đều có thể có ích lợi từ việc tập trung tâm và tăng trưởng trí nhớ.

???

TÓM TẮT NHỮNG TU TẬP HÀNG NGÀY

  1. Chọn một đối tượng tham thiền, và để tâm tập trung vào đó, cố gắng đạt được và duy trì sự an định, rõ ràng và có cường độ. Tránh trạng thái lu mờ và náo động.
  2. Trong lúc đó, nhận diện tính chất nền tảng của tâm, không bị làm ô nhiễm bởi các niệm tưởng, trong trạng thái chân thật của nó – một tính chất sáng láng, hiểu biết thuần túy của tâm. Với chánh niệm và quán chiếu, duy trì trạng thái đó. Nếu một niệm tưởng khởi lên, chỉ nhìn vào bản chất thật của niệm tưởng đó; việc này sẽ làm cho sức mạnh của nó giảm đi và nó tự tan biến.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CỐT TỦY CỦA THIỀN QUÁN: QUÁN CHIẾU TÂM
  2. QUÁN SÁT NỘI TÂM
  3. TÂM TĨNH LẶNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ