SÁNG TỎ VÀ THUẦN KHIẾT

DAININ KATAGIRI

Trích: “Trở Về Yên Lặng”; Việt dịch: Thái An; Nhà Xuất Bản Hồng Đức- 2014.

Đức tin trong Phật giáo làm tâm trở nên sáng tỏ và thuần khiết. Nó là quá trình liên tục nhìn vào chân lý dưới mọi hoàn cảnh. Nếu liên tục nhìn vào chân lý, chúng ta trở nên rất rộng lượng, rất khoan dung với thế gian. Đức tin còn bao hàm hiểu, tu tập và thực chứng. Thực chứng là mục tiêu cuối cùng của tu tập Phật giáo; nó có nghĩa là không để lại dấu vết của toạ thiền. Thực chứng thật sự là đại định, sự hợp nhất hoàn hảo. Không có “tôi”, không có “toạ thiền”. Nó không là gì ngoài sự vận động và tọa thiền. Thực chứng ấy tương ứng với việc làm tâm sáng tỏ và thuần khiết. Khi trở thành một với tọa thiền, không để lại dấu vết “tôi” hay tọa thiền, làm sao chúng ta có thể nghĩ tới những thứ như “tôi là một người xấu hay một người tốt”, làm sao chúng ta có thể nói tọa thiền tốt hay tọa thiền dở? Chúng ta chẳng thể nói gì. Mọi ý tưởng trôi tuột đi ngay giữa thực chứng, đại định. Đây chính là “làm tâm sáng tỏ và thuần khiết”. Đây là sự tu tập rốt ráo, toàn diện.

Sáng tỏ nghĩa là nhìn vào sự vĩnh hằng mà không có cảm giác huyền bí. Bằng kiến thức sinh học, vật lý học, thần học, “Phật học”, thiên văn học và mọi ngành khoa học, chúng ta có thể hiểu rất rõ bản chất tối hậu của sự tồn tại. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghiên cứu bản chất rốt ráo của nước. Chúng ta biết nước có bao nhiêu phân tử, những loại phân tử nào liên kết với nhau. Chúng ta phân tích những phân tử này, cho chúng những cái tên nhất định, chẳng hạn A, B, C, D. rồi cố gắng hiểu tại sao chúng giao tiếp với nhau. Nên theo kiến thức khoa học, A liên kết với C và D, nhưng không bao giờ liên kết với B. Chúng ta hệ thống hoá nó, nghĩ rằng mình hiểu rõ. Nhưng thực tại hoàn toàn đảo ngược. Mọi thứ có vẻ rõ ràng, tuy vậy đôi lúc phân tử A lại liên kết với phân tử B, một điều rất phi logic. Khi ấy, thực tại về đời sống của nước hoàn toàn bị đảo ngược và chúng ta không biết tại sao A lại liên kết với B. Theo hiểu biết thông thường, A không nên liên kết với B. Cuối cùng, chúng ta phải biết một thứ gì đó hơn cả thế giới loài người mà mình hiểu dựa vào kiến thức. Phật giáo chấp nhận tình huống phi logic này của nước như một điều sáng tỏ. Nên dù với các nhà khoa học nó có vẻ huyền bí, với Phật giáo nó lại không huyền bí, mà rất rõ ràng. Sự sáng tỏ nghĩa là chấp nhận cả điều rõ ràng và điều không rõ ràng trong thế gian. Mọi thứ là rõ ràng. Khi bạn thực hành như vậy thì không có gì huyền bí về nước, vì nó là sự vận động của các phân tử, chức năng của các phân tử. Thực tại là như vậy.

Cuộc sống của chúng ta diễn tiến logic và phi logic. Chúng ta không biết tại sao, nhưng nó đã xảy ra. Huyền bí, nhưng rất rõ ràng; có một lý do nào đó cho lựa chọn ấy. Chúng ta không biết tại sao vì bản chất nguyên sơ của cuộc sống đang hoạt động rất nhanh, ở siêu tốc độ.

Bản chất nguyên sơ của cuộc sống là như vậy. Điều chúng ta phải làm chỉ là tu tập hàng ngày, hoạt dụng hàng ngày. Đó là tất cả những gì chúng ta phải làm, rồi điều gì đó xảy ra. Không phải do ngẫu nhiên, nó rất rõ ràng, nhưng cảm nhận lý trí của chúng ta không tới được. Tất cả những gì phải làm là để bông hoa của sức sống bừng nở không ngừng. Đây là điều được gọi là huyền nhiệm trong Phật giáo. Chúng ta không biết nó là gì, nhưng sự huyền nhiệm này chấp nhận rằng mọi thứ là rõ ràng.

Chẳng hạn, ở Nhật Bản có một bức tượng Bồ tát Di Lặc rất đẹp. Trước khi Phật giáo tới Nhật Bản, xã hội Nhật Bản dựa trên Thần đạo, và cuộc sống rất đơn giản, nhưng khi Phật giáo đến Nhật Bản, nó mang theo nhiều thông tin hơn về đời sống con người. Đó là lúc bức tượng bồ tát này được tạo ra. Nó là bước ngoặt, khi người Nhật mở to đôi mắt để nhìn thế giới con người, biết cuộc sống con người với sự sáng tỏ. Có nhiều cảm xúc trong bức tượng bồ tát này. Gương mặt của tượng luôn nhìn vào thứ gì đó rõ ràng; ánh nhìn rất sắc bén, nhưng cũng có một cảm giác cô độc.

Sự cô độc phát sinh từ huyền nhiệm, từ chỗ không biết làm thế nào mọi sự vật có thể hoạt dụng. Bản chất của tồn tại là sự vận động. Chúng ta không thể lấy từ đó ra thứ gì để bám víu vào. Nó khiến chúng ta tư lự và cảm thấy có chút không hài lòng. Chúng ta không thể an trụ ở đó.

Sự cô độc này dựa trên nhận thức nguyên sơ về sự tồn tại của loài người. Cô đơn thì hơi khác, nó là sự nhận biết thế giới loài người thông qua trải nghiệm. Nhưng sự cô độc biến chúng ta thành một giọt nước trong sự bao la của đại dương. Đồng thời, cô độc lại ‘không phải cô độc, vì giọt nước ấy tràn ra mọi nơi trong sự bao la của đại dương. Nên nếu hiểu sự cô độc đích thực, chúng ta có thể thoát khỏi nó. Thực chứng sự cô độc là không để lại dấu vết cô độc. Đôi lúc điều này được diễn tả như một nụ cười – nụ cười của một bồ tát nhìn vào chân lý và đồng thời cảm nhận sự cô độc. Khi ấy, sự cô độc vươn tới tận nguồn gốc của nó và trở nên lắng dịu. Cuộc sống riêng hàng ngày của chúng ta là một giọt nước liên tục rơi vào sự bao la của đại dương. Nếu thấu hiểu trọn vẹn sự tư lự hay đau khổ, chúng ta có thể mỉm cười. Đây là nụ cười của bồ tát. Không phải là cố gắng cười. Chỉ là cười, như nụ cười của một em bé. Nụ cười của một em bé hoàn toàn tự nhiên nên nó là một nụ cười đẹp. Nhưng nụ cười của chúng ta có phần rắc rối vì được tạo ra từ sự toan tính. Một nụ đích thực sẽ tự nhiên khởi lên từ chiều sâu tâm thức. Đó là sự sáng tỏ.

Sự thuần khiết có nghĩa là “chính là sự tu tập”. Nói cách khác, không có khoảng cách nào giữa bạn và tọa thiền, giữa bạn và tôi, bạn và cây cối, bạn và một bài thơ, bạn và cây đàn piano, bạn và người khác. Đây là sự thuần khiết hoàn hảo. Đây là bản chất của chúng ta: tự nhiên chúng ta trở thành một. Nhưng kiến thức và nhận thức theo kinh nghiệm của con người vẫn rất hạn hẹp. Đó là lý do tại sao chúng ta phải liên tục nhìn vào sự sáng tỏ của đời sống. Việc nhìn vào sự sáng tỏ sẽ làm đời sống của chúng ta mỗi ngày một sâu sắc thêm. Khi đó, nhân cách của chúng ta cũng được đào sâu, và chúng ta thực sự hiểu nhau. Nếu đầu tiên cố hiểu tọa thiền về mặt lý trí rồi mới thực hành thì quá muộn. Đời sống của chúng ta không đủ dài, chúng ta sẽ chết trước khi hiểu. Dù hiểu tọa thiền hay không, chúng ta vẫn có thể chấp nhận nó như sự sáng tỏ, rồi cứ vậy thực hành. Đây được gọi là thuần khiết. Khi đó, đức tin sẽ làm tâm sáng tỏ và thuần khiết. Đây là thực chứng, hay không để lại dấu vết của hợp nhất. Chỉ là sự hoạt dụng. Đây là sự hoàn hảo, và hoàn hảo là trọn vẹn.

Nếu muốn hiểu về núi, chúng ta nên tìm hiểu về mặt lý trí, cũng như tìm hiểu về mây, và nên kiểm tra điều kiện thể chất, tinh thần của bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta nên tìm hiểu khía cạnh phi logic của núi. Nếu chấp nhận khía cạnh phi logic của núi thông qua hiểu biết lý trí, khi leo núi, chúng ta có thể giới hạn rắc rối đến mức tối thiểu. Còn nếu chỉ dựa vào hiểu biết lý trí, sẽ dễ phạm sai lầm vì núi có một khía cạnh phi logic, chỉ biểu lộ cho chúng ta thấy nếu leo lên nó. Các khía cạnh logic và phi logic của đời sống giao tiếp với nhau và với chúng ta, thế rồi điều gì đó xảy ra. Chúng ta đổ đầy cuộc sống của mình như một người leo núi, rồi chúng ta biết đời sống của núi, đời sống của cây, đời sống của mây, đời sống của bầu trời, và các khía cạnh cảm xúc, tâm hồn của mình. Đây được gọi là sự hoàn hảo.

Cuối cùng, về mặt thực hành, hãy leo núi. Chỉ có vậy. Hãy leo núi, khi ấy không có khoảng cách giữa núi và chúng ta. Núi là cuộc sống của chúng ta, nên chúng ta có thể từ núi tìm hiểu cuộc sống của mình. Không có chủ thể hay người leo núi, và không có đối tượng hay ngọn núi. Chỉ có sự leo núi. Ảo tưởng trôi tuột đi, tự rơi đi. Đây được gọi là sự hoàn hảo. Thực hành như vậy làm tâm sáng tỏ và thuần khiết.

Đức tin Phật giáo bao gồm hiểu, tu tập và thực chứng. Nó không phải là một niềm tin; nó không phải là thứ gì đó có vẻ thật, được ai đó khác nói tới. Đạo Nguyên thiền sư khuyến cáo chúng ta không hoàn toàn tin các thông điệp của chư Phật hay của chư tổ như thế chúng là chân lý. Ngay Đức Phật cũng có thể phạm sai lầm. Điều này không có nghĩa là bạn nên kiêu ngạo và sáng tạo ra lời Phật dạy như bạn muốn. Chúng ta nên chấp nhận giáo huấn của chư Phật và chư tổ, nhưng vẫn giữ mắt mình mở lớn. Điều này rất quan trọng, vì chúng ta dễ rơi vào cái bẫy huyền nhiệm – có rất nhiều điều chúng ta không thể biết. Nhưng nếu hoàn toàn chấp nhận thứ gì mình không biết, nó trở nên rõ ràng với chúng ta: Đây là tu tập của chúng ta: đức tin nghĩa là làm tâm sáng tỏ và thuần khiết.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  2. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT NHƯ LÀ THIỀN ĐỊNH
  3. THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ BẤT NHỊ GIỮA TA VÀ NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY
  2. TRANH BÁNH GẠO
  3. HOÀ BÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH