NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Người tu theo Bồ-tát đạo là tu hành, thâm nhập tánh Không gắn liền với hoạt động Bồ-tát, tức là các ba-la-mật bố thí, giữ giới, kham nhẫn…
Kinh Kim cương nói: “Lại nữa, Tu-bồ đề! Bồ-tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà hành bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như vậy mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao thế? Nếu Bồ-tát không trụ nơi tướng mà bố thí, thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường”.
“Chẳng trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng trụ nơi tướng”: đây là tu hành tánh Không. “Mà hành bố thí”: đây là hành hạnh Bồ-tát. Và như vậy, “phước đức đó chẳng thể nghĩ lường”, vì phước đứcấy lớn bằng tánh Không, bao la, vô lượng.
Các hoạt động của Bồ-tát chẳng rời tánh Không, hay trí huệ soi thấy tánh Không (Trí huệ Bát-nhã ba-la-mật). “Cũng vậy, năm ba-la-mật kia nếu rời Bát-nhã bala-mật thì chẳng được gọi là ba-la-mật. Nếu chẳng rời Bát-nhã ba-la-mật thì năm ba-la-mật kia được gọi là ba-la-mật…
Cũng vậy, năm ba-la-mật được Bát-nhã ba-la-mật thủ hộ, theo Bát-nhã ba-la-mật nhập Nhất thiết chủng trí được gọi là ba-la-mật” (kinh Đại Bát-nhã, phẩm Phương tiện).
Tất cả các ba-la-mật (kinh Đại Bát-nhã nói có một trăm ba-la-mật – phẩm Ca ngợi khắp trăm ba-la-mật), tất cả các hoạt động của Bồ-tát không lìa khỏi Bát-nhã, không rời khỏi tánh Không thì mới thật là ba-la-mật để đến Nhất thiết chủng trí, tức trí Phật.
Hoạt động chủ yếu của Bồ-tát là độ thoát chúng sanh. Nhưng nhờ cái thấy tánh Không, sống trong tánh Không mà sự độ thoát ấy cũng được giải thoát khỏi lưỡng nan người độ và người được độ.
“Vì muốn độ chúng sanh thoát ly sanh tử, nhưng thật thì chúng sanh chẳng sanh chẳng tử, chẳng khởi chẳng thoái. Này Tu-bồ-đề! Vì chúng sanh vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp vô sở hữu. Vì lý do đó mà Bát-nhã ba-la mật ở trong năm ba-la-mật là vi diệu, tối tôn, tối thượng”.
“Bát-nhã ba-la-mật ở trong năm ba-la-mật” nghĩa là Bát-nhã hay tánh Không thấm vào năm ba-la-mật kia, trở thành nội dung của chúng. Bát-nhã hay tánh Không là “đại phương tiện” để làm công việc độ chúng sanh:
“Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật vì độ vô lượng chúng sanh mà phát khởi, vì lợi ích vô số chúng sanh mà phát khởi. Dầu làm sự lợi ích đó mà Bát-nhã ba-la-mật chẳng thọ sắc, chẳng thọ thọ tưởng, hành, thức; cũng chẳng thọ bậc Thanh văn, bậc Bích-chi Phật.
Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là hướng đạo của các đại Bồ-tát, chỉ bày Vô thượng Bồ-đề, có thể làm cho xa rời bậc Thanhv văn, bậc Bích-chi Phật mà an trụ Nhất thiết chủng trí. Vì Bát-nhã ba-la-mật không sanh không diệt, vì các pháp thường trụ vậy (phẩm Đại phương tiện).
Bồ-tát hành Bồ-tát hạnh ở giữa thế gian cùng với chúng sanh để cứu độ họ, Bồ-tát hạnh này y cứ trên nền tảng tánh Không, nhưng Bồ-tát không chứng nhập hoàn toàn tánh Không mà tiếp tục con đường Bồ-tát cho đến khi thành Phật, lợi ích cho tất cả chúng sanh.
“Bấy giờ, đại Bồ-tát phải có tâm niệm như vầy: Các chúng sanh mãi đi trong tướng ngã cho đến tướng tri giả, kiến giả, dính mắc nơi pháp sở đắc, tôi vì dứt các tướng này cho chúng sanh nên lúc được giác ngộ vô thượng, tôi sẽ thuyết pháp. Lúc bấy giờ đại Bồ-tát hành Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát môn mà chẳng chứng thật tế (tánh Không). Vì chẳng chứng nên chẳng sa vào bậc Thanh văn và bậc Bích-chi Phật.
Này Tu-bồ-đề! Do tâm muốn thành tựu thiện căn như vậy nên đại Bồ-tát chẳng giữa đường tác chứng thật tế, chẳng mất tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ định, tứ niệm xứ, cho đến chẳng mất mười tám pháp bất cọng. Khi đó Bồ-tát thành tựu tất cả pháp trợ đạo, cho đến thành tựu giác ngộ vô thượng trọn chẳng hao chẳng giảm. Vì có sức phương tiện nên Bồ-tát này thường tăng thêm phước lành, căn trí thông lợi hơn cả căn trí của A-la-hán và Bích chi Phật” (phẩm Học Không bất chứng).
Bồ-tát đi giữa trí huệ tánh Không và đại bi, không theo hẳn bên nào, không bỏ bên nào, và do đó có cả hai. Đây là phương tiện của Bồ-tát, chẳng ở trong sanh tử mà cũng chẳng ở trong Niết-bàn. Để đi giữa tánh Không và thế giới sắc tướng gồm cả chúng sanh, Bồ tát phải có phương tiện thiện xảo. Phương tiện ấy cũng phát sanh từ tánh Không, nhưng là tánh Không được ứng dụng trong thế giới sắc tướng.
Kinh Duy-ma-cật nói về phương tiện như sau:
“Sao gọi là trói buộc? Sao gọi là giải thoát?Tham đắm vào sự giải thoát khỏi thế gian mà không dùng phương tiện giải thoát là sự trói buộc của Bồ-tát. Dấn thân vào cuộc đời thế gian mà dùng đầy đủ phương tiện giải thoát là sự giải thoát của Bồ-tát. Kinh nghiệm mùi vị thiền định mà không thiện xảo trong phương tiện giải thoát là trói buộc. Kinh nghiệm mùi vị thiền định mà thiện xảo trong phương tiện giải thoát là giải thoát.
Trí huệ không hội nhập với phương tiện giải thoát là trói buộc; trí huệ hội nhập với phương tiện giải thoát là giải thoát. Phương tiện giải thoát không hội nhập với trí huệ là trói buộc; phương tiện giải thoát hội nhập với trí huệ là giải thoát” (phẩm Văn-thù-sư-lợi thăm bệnh).
“Tham đắm vào sự giải thoát khỏi thế gian” thì sẽ chứng Không, Vô tướng, Vô tác ba giải thoát môn, và như vậy sẽ chấm dứt giữa con đường. Đó là “sự trói buộc của Bồ-tát”. Cho nên phải dùng “phương tiện giải thoát”. Phương tiện giải thoát là sống ở thế gian mà vẫn thấy tánh Không của nó. Nói cách khác, phương tiện giải thoát là thấy thế gian là sự biểu lộ của tánh Không, do đó mà hài hoà được thế giới sắc tướng và tánh Không: “Sắc tức là Không, Không tức là sắc” (Bát-nhã Tâm kinh).
Còn “dấn thân vào cuộc đời thế gian mà dùng đầy đủ phương tiện giải thoát là sự giải thoát của Bồ-tát”.“Đầy đủ các phương tiện giải thoát” là các pháp của Bồ-tát: phát Bồ-đề tâm, bổn nguyện độ chúng sanh, cúng dường, hồi hướng… tất cả đều nằm trên nền tảng tánh Không.
“Kinh nghiệm mùi vị thiền định mà không thiện xảo trong phương tiện giải thoát là trói buộc”. Cứ một mực thiền định thì sẽ chứng Không, Vô tướng, Vô tác mà lìa bỏ thế gian chúng sanh, cho nên có thiện xảo trong phương tiện là Bồ-tát sống trong hậu thiền định nhiều hơn là trong ngồi thiền, nghĩa là sống trong cuộc đời thế gian mà vẫn không lìa khỏi tánh Không.
Đoạn tiếp theo, kinh giảng thêm:
“Sao gọi là trí huệ không có phương tiện thì trói buộc? Trí huệ không hội nhập với phương tiện, chỉ tập trung vào Không, Vô tướng, Vô nguyện, được thúc đẩy bởi lòng bi ái kiến, không tập trung vào sự trau giồi các tướng tốt, sự trang nghiêm cõi Phật và sự thành tựu cho chúng sanh. Đó là sự trói buộc của trí huệ không có phương tiện.
Sao gọi là trí huệ có phương tiện thì giải thoát? Trí huệ hội nhập với phương tiện được thúc đẩy bởi động cơ là đại bi và như vậy tập trung vào sự trau giồi các tướng tốt, sự trang nghiêm cõi Phật và sự thành tựu cho chúng sanh mà vẫn luôn luôn ở trong Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đó là sự giải thoát của trí huệ có phương tiện”.
Phương tiện là cái nối kết được trí huệ tánh Không và đại bi, trên thì đồng với tâm hay Pháp thân của chư Phật, dưới thì hoá độ chúng sanh. Với phương tiện thì hai cái có vẻ nghịch nhau, tánh Không và đại bi được kết hợp thành một; tướng và vô tướng, niệm và vô niệm, sanh và vô sanh… được kết hợp thành một.
“Sao gọi là phương tiện không có trí huệ thì trói buộc? Phương tiện không hội nhập với trí huệ mà trồng các cội công đức nhưng không hồi hướng chúng cho giác ngộ trong khi vẫn ở trong các phiền não tham dục, sân hận, tà kiến… Đó là sự trói buộc của phương tiện không có trí huệ. Sao gọi là phương tiện có trí huệ thì giải thoát?”.
Phương tiện hội nhập với trí huệ mà hồi hướng các cội công đức cho giác ngộ trong khi lìa các phiền não tham dục, sân hận, tà kiến… Đó là sự giải thoát của phương tiện có trí huệ”.
Phương tiện không có trí huệ là phương tiện không nối kết được với tánh Không vô ngã vô pháp nên không thoát được tham, sân, si. Lại nữa, phương tiện ấy không có hồi hướng, chỉ là cho tôi và của tôi, nên phương tiện ấy là trói buộc.
Tóm lại, phương tiện là cái nối kết được những cái tưởng chừng như đối nghịch: công đức và trí huệ, tánh Không và đại bi, sắc và Không, Không và sắc, tướng và tánh, tự giải thoát và cứu độ chúng sanh… Bồ-tát làm được như vậy thì tất cả thế gian đều là phương tiện để tự giác giác tha, như trong phẩm Phương tiện kinh Duy-ma-cật nói về phương tiện của ngài: “Trưởng giả Duy-ma-cật dùng vô lượngphương tiện như vậy mà làm lợi lạc cho chúng sanh”
—–*—–
Nguồn: Nguyễn Thế Đăng, Văn Hóa Phật Giáo số 299 ngày 15-6-2018