DILGO KHYENTSE RINPOCHE
Trích: Viên Ngọc Như Ý; Việt dịch: Liên Hoa; NXB Thiện Tri Thức, 2004
NƠI CHỐN NHƯ MỘT CÕI PHẬT
Trong bất kỳ thực hành quán tưởng nào chúng ta cần nghĩ tưởng rằng mọi sự đã toàn thiện từ vô thủy, và điều ta quán tưởng không là một sản phẩm của trí năng mà là sự thực vốn có tự ban sơ. Điều này có nghĩa là chúng ta nhận thức sự toàn thiện tự nhiên của môi trường là một cõi Phật và chúng sinh ở trong đó là các hiện thể linh thánh, các Dāka và Dākinī. Với lòng sùng mộ mãnh liệt, chúng ta nhận thức vị Thầy của ta không phân cách với Guru Padmasambhava. Nếu chúng ta duy trì lòng sùng mộ thường xuyên, thì chắc chắn là Guru Rinpoche sẽ luôn luôn kề cận ta, như cái bóng của ta. Để nâng đỡ và làm sống động lòng sùng mộ như thế, chúng ta trì tụng các câu kệ của pháp Guru yoga này.
Câu kệ đầu tiên bắt đầu với “Emaho”, một biểu lộ của sự ngạc nhiên, và tiếp tục với các từ: “Cõi Phật vô hạn tự xuất hiện, hiện diện tự nhiên, hoàn toàn thanh tịnh…”. Cõi Phật này ám chỉ Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche, Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ, Sangdopalri, nơi các hiện thể giải thoát tự nhiên khỏi các cảm xúc độc hại, có khuynh hướng tự nhiên thực hành Pháp, và là nơi người ta có thể đối diện với Guru Rinpoche. Đây là nơi được gọi là một “Cõi Phật thuần tịnh”. Đối nghịch với cõi này, chúng ta có chốn phàm tình này nơi chúng sinh đầy tràn các độc mạnh mẽ, như sự tham muốn, kiêu ngạo, ganh tỵ, và keo kiệt, nơi họ không hành xử phù hợp với Pháp, và là nơi họ hoàn toàn phóng tâm bởi các mục đích bị giới hạn vào đời này. Đây là nơi được gọi là một “cõi bất tịnh”.
Nếu chúng ta quán tưởng nơi chốn quanh ta như một cõi bất tịnh, thì nó sẽ không giúp ích cho ta. Nhưng nếu ta quán tưởng nó là một cõi Phật thuần tịnh, thì nó sẽ trở nên như thế; hay, chính xác hơn, chúng ta sẽ đến chỗ chứng ngộ được sự thanh tịnh tự nhiên của nó. Như vậy, chúng ta nên quán tưởng nơi chốn như một cõi Phật tự xuất hiện bao gồm toàn thể thực tại được hiển lộ. Trong pháp Guru yoga hiện giờ đây, Cõi Phật được sắp đặt toàn hảo này là Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ, Sangdopalri, Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche.
Cõi Phật như thế không được làm bằng đất đá bình thường, mà bởi các châu ngọc quý báu. Nó có các cây như ý cũng như một hồ chứa nước như chất cam lồ có tám phẩm tính và đem lại sự bất tử. Ngay cả các thú vật hoang dã sống ở đó cũng xử sự hài hòa với Pháp, và tất cả những âm thanh tự nhiên của nước, gió, lửa, và rừng rậm vang dội như những thần chú. Bầu trời tràn ngập vô lượng cầu vồng và các Vidyādhara, Dāka, và Dākinī, nhiều như những hạt bụi dưới ánh sáng mặt trời. Thiên nhạc, những bài ca kim cương, và các giai điệu du dương của các thần chú vang dội, đem lại sự an lạc không thể diễn tả cho tâm thức. Các sinh thể không bị phân chia thành những người mà ta coi như bạn hữu và những người mà ta xem như kẻ thù, mà tất cả đều có bản tánh và hình tướng của các Dāka và Dākinī. Tất cả đều là những bằng hữu trên con đường, xử sự phù hợp với Pháp. Trong Cõi Phật này chúng ta nhận thức các sinh thể tự do đối với các độc hại của sự ganh tỵ, kiêu ngạo, và gây hấn, và không phán đoán một vài người là siêu việt và những người khác là thấp kém, chúng ta phát khởi một lòng từ ái và khoan hòa đồng nhất với tất cả.
Nếu chúng ta giữ trong tâm cõi Phật được quán tưởng này, thì phương cách chúng ta nhận thức về các sự vật sẽ từ từ thay đổi. Chúng ta sẽ nhận thức mọi sự là thanh tịnh và sẽ có thể nhìn thấy Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ ở mọi nơi. Ví dụ như nếu ta nhìn các bích họa miêu tả cuộc đời Đức Phật trên tường ở một điện thờ, lòng sùng mộ của ta tăng trưởng. Còn nếu các bức tường chỉ được để một màu trắng trơn, chúng sẽ không gây hứng khởi gì. Để duy trì sự quán tưởng một nơi chốn như một Cõi Cực Lạc, chúng ta cũng làm như vậy.
Tóm lại, chúng ta nên nhận thức mọi hình tướng ta nhìn thấy là sự hiển lộ của thân Guru Rinpoche, mọi âm thanh ta nghe là thần chú, lời nói (ngữ) của Guru Rinpoche, và bất kỳ tư tưởng hay hồi ức nào xuất hiện trong tâm ta là sự phô diễn của tâm trí tuệ toàn thiện của Guru Rinpoche. Chúng ta đừng cho rằng việc này là một sự tạo tác trong tâm thức, mà phải nghĩ rằng các sự việc đã tự nhiên như vậy từ vô thủy. Trạng thái thuần tịnh này là một cái gì hiện hữu tự nhiên, nhưng chúng ta không tỉnh giác về nó. Nhờ sự thực hành pháp Guru yoga chúng ta sẽ dần dần đi tới chỗ nhận ra bản tánh thực sự của các hiện tượng. Vì vậy mục đích của thiền định là để giải tan nhận thức sai lầm của ta về các sự vật và thay vào đó, chứng ngộ được sự thanh tịnh sẵn có của mọi hiện tượng.
CHÍNH CHÚNG TA LÀ VAJRAYOGINĪ
Tương tự như vậy, chúng ta phải quán tưởng chính mình là một bậc phi thường nào đó, ở đây là Vajrayoginī, bà mẹ, hay căn nguyên của tất cả chư Phật. Ngài có một mặt, hai tay, và hai chân. Ngài có màu đỏ chói, rực rỡ và trong suốt, không được cấu tạo bằng các yếu tố vật chất thô nặng như máu thịt và xương mà thay vào đó trong sáng như thể được làm nên bởi ánh sáng. Mọi chi tiết của sắc tướng ngài cho tới các vật trang sức và màu trắng, màu đen của mắt ngài đều được nhận thức tinh tế và chính xác. Ngài có ba mắt, chúng đăm đăm nhìn lên trời hướng về Guru Rinpoche với lòng sùng mộ to lớn và tràn đầy niềm vui được gặp gỡ bậc Đao Sư. Đôi môi ngài hé mở, để lộ những chiếc răng, vì vậy tăng thêm một chút hung nộ cho sự biểu lộ an bình của ngài. Ngài đăm đăm nhìn Guru Rinpoche với sự nhất tâm, giống như một người nam và một người nữ nhìn nhau thật trìu mến. Ngài đứng trong một tư thế nhảy múa với chân phải hơi uốn cong, gót chân phải dở lên khỏi mặt đất như thể sẵn sàng bước tới, và chân trái ở trên mặt đất. Ngài đứng trên một bông sen, một mặt trời, một mặt trăng, và một tử thi. Tay phải ngài cầm một lưỡi dao uốn cong, hướng thẳng lên trời, tượng trưng cho sự cắt đứt bản ngã cùng ba độc là tham, sân và si. Tay trái ngài cầm một cái tách bằng sọ người đựng đầy amrita, chất cam lồ bất tử. Trong khuỷu tay trái ngài còn có khatvānga hay cái chĩa ba, tượng trưng cho một sắc tướng ẩn mật của Guru Rinpoche. Ngài tô điểm bằng tám món trang sức bằng xương có dát ngọc: vương miện, hoa tai, ba loại chuỗi hạt, vòng tai, vòng kiềng và chuông, tượng trưng cho sự chuyển hóa tám thức thành trí tuệ. Ngài cũng đeo năm khăn choàng lụa tượng trưng cho năm trí tuệ. Trong sắc tướng, ngài là Vajrayoginī, nhưng trong bản chất ngài là Yeshe Tsogyal.
Sự quán tưởng chính chúng ta là Yeshe Tso-gyal thì đặc biệt quan trọng và sâu sắc. Bà là phối ngẫu của Guru Rinpoche vừa là đệ tử chính của bậc Đạo Sư. Ngài có một lòng từ ái sâu xa và vô cùng ân cần đối với bà, cũng như tin tưởng rằng năng lực của bà có thể thấu suốt và thực hành các giáo lý của ngài. Vì vậy, nếu chúng ta quán tưởng chính mình là Yeshe Tsogyal, với Guru Rinpoche ở trên đỉnh đầu, thì một cách tự nhiên lòng sùng mộ của chúng ta sẽ được phát triển mạnh mẽ và dòng ân phước sẽ còn chảy vào chúng ta nhanh hơn nữa.
Thực sự thì Yeshe Tsogyal là ai? Bà không bao giờ nuôi dưỡng bất kỳ tà kiến hay nghi ngờ nào về Guru Rinpoche ngay cả trong chốc lát và luôn luôn nhận thức ngài là vị Phật trong thân tướng con người. Do bởi lòng sùng mộ toàn hảo và không lay chuyển của bà, bà là một pháp khí toàn hảo cho tất cả các giáo huấn quý báu của Guru Rinpoche. Vì thế bà đã có thể thực hành không lầm lỗi và đạt được sự chứng ngộ toàn triệt. Một cách tối hậu, không có sự dị biệt nhỏ bé nhất nào giữa sự chứng ngộ của bà và sự chứng ngộ của Guru Rinpoche.
Việc quán tưởng chính chúng ta là Yeshe Tsogyal thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp qua đó chúng ta có thể thọ nhận, như Yeshe Tsogyal, tất cả các sự ban phước và giáo lý của Guru Rin-poche, và nó sẽ khiến cho ta có thể thực hành giáo lý và đạt được Giác ngộ. Bà được coi như mẹ của tất cả chư Phật và giống như bất kỳ gia đình nào nơi con cái có lòng thương mến lớn lao đối với bà mẹ của họ, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng tất cả chư Phật có lòng từ ái và thương yêu vĩ đại đối với chúng ta.
GURU RINPOCHE Ở TRÊN ĐẦU CHÚNG TA
Trên đỉnh đầu ta, ở trên một hoa sen một trăm ngàn cánh, là hai đĩa mặt trời và mặt trăng. Đĩa mặt trời biểu tượng cho các phương tiện thiện xảo của lòng bi, trong khi đĩa mặt trăng tượng trưng trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Cả hai đĩa đều tròn đầy và bằng phẳng, một cái hơi nổi trên cái kia, và cả hai hơi lềnh bềnh trên bông sen. Ngồi trên những vật này là Đạo sư của chúng ta trong thân tướng của Guru Rinpoche, ở nơi ngài mọi đối tượng quy y là một. Ở phương diện bên ngoài, ngài là sự hợp nhất của Tam Bảo: Phật, Pháp và Sangha (Tăng đoàn). Trong phương diện bên trong, ngài là sự hợp nhất của ba gốc: Lama (Đạo Sư), Yidam (Bổn Tôn), và Dākinī. Trong phương diện bí mật, ngài là sự hợp nhất của ba thân: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân Trong bản chất, ngài là vị bổn sư tốt lành của chúng ta, là người trong đời hiện tại đang ban cho ta tất cả các giáo huấn.
Trong hình tướng, ngài là Đấng Sinh nơi Hồ Nước, Guru Liên Hoa Sanh, là sự hợp nhất và tinh túy của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai, hiển lộ ở đây trong hình thức Hóa Thân. Thân ngài có bản tánh không thể bị hủy diệt của một vajra, hay kim cương. Để biểu thị việc đạt được sự bất tử, ngài có vẻ mặt của một em bé tám tuổi sáng ngời nét tươi trẻ. Nước da ngài trắng, hơi nhuốm đỏ, bừng bừng sức mạnh.
Ngài mặc chín cái áo choàng, tượng trưng sự thông suốt chín yāna (thừa) của ngài. Chúng gồm có một quần trắng dưới một áo choàng xanh và ba y tu viện. Ngoài cùng ngài mặc một áo choàng không tay thêu kim tuyến. Ba y tu viện biểu thị việc ngài thông suốt các giáo lý Tiểu thừa; quần xanh biểu thị ngài thông suốt các giáo lý Đại thừa, con đường của các Bồ Tát; và áo choàng kim tuyến biểu thị việc ngài thông suốt các giáo lý bí mật của Kim Cương thừa, Mantra thừa bí mật.
Ngài có một đầu, hai tay và hai chân. Mắt ngài mở rộng, chăm chú nhìn thẳng lên bầu trời, biểu thị rằng ngài luôn luôn tỉnh giác trạng thái tuyệt đối. Mặc dù miệng ngài hơi mỉm cười, có một nét hơi cau mày hay nếp nhăn trên trán giữa cặp lông mày; vì thế nơi ngài kết hợp cả hai vẻ an bình lẫn phẫn nộ. Ngài an tọa trong tư thế gọi là “sự thoải mái vương giả,” chân phải hơi duỗi và chân trái kéo lên thành một thế ngồi. Giống như không một ai bất tuân mệnh lệnh của một vị vua, không một ai trong ba cõi sinh tử bất tuân mệnh lệnh của Guru Rinpoche, vị vua của trí tuệ tuyệt đối.
Tay phải ngài cầm một chày vàng có năm ngạnh, ở đây tượng trưng cho kết quả của mọi phẩm tính của nhập môn thứ nhất trong bốn nhập môn (quán đảnh), tức nhập môn bình chứa. Trong nhiều hiển lộ của ngài, Guru Rinpoche cầm chày vàng này trong cử chỉ ngón trỏ ở ngang trung tâm tim của ngài. Tuy nhiên, ở đây, trong thời đại suy hoại này khi các lực lượng tối ám của sự tiêu cực giương cao lá cờ chiến thắng, Guru Rinpoche giơ cái chày-chinh-phục-tất-cả của ngài hướng lên bầu trời. Cử chỉ đặc biệt này, hay mudrā (ấn) được tìm thấy ở nơi khác trong Longchen Nyingthig, trong sādhana gọi là Rigdzin Düpa, và được biết đến như Nangsi Zilnưn, hay “Hình tướng và Hiện Hữu Chinh phục”.
Bàn tay trái ngài còn đang bắt ấn buông xả, cầm một tách sọ người đầy chất cam lồ với mọi phẩm tính và tính chất toàn hảo. Tách sọ người này tượng trưng kết quả của nhập môn thứ hai hay nhập môn bí mật. Bình bất tử đặt trên tách sọ người biểu thị rằng Guru Rinpoche đã đạt tới cấp độ Vidyādhara của sự bất tử, hay “bậc trì giữ sự thông suốt về sự bất tử”. Bình đựng được trang trí ở đỉnh bằng các nhánh cây như ý.
Mặc dù Guru Rinpoche có thể được biểu trưng bằng cách đội nhiều loại mũ hay vương miện khác nhau, trong trường hợp này ngài đội một vương miện hoa sen năm cánh. Năm cánh này tượng trưng Ngũ Bộ Phật, và bởi Guru Rinpoche là một Hóa Thân của vị Phật thuộc padma (Liên Hoa) bộ là Đức Phật A Di Đà, nên vương miện có hình dạng một hoa sen. Vương miện hoa sen cũng biểu thị rằng, như một hoa sen mọc lên tự do và không bị ô nhiễm bùn lầy ở dưới, Guru Rinpoche hiển lộ một cách kỳ diệu, không bị ô nhiễm bởi tiến trình ngăn che của một sự sinh ra bình thường. Trên đỉnh nón là một mặt trời và một mặt trăng, tượng trưng phương tiện và trí tuệ, nón được gắn một lông chim kên kên trắng tượng trưng cho sự chứng ngộ thị kiến tối hậu, Đại Viên Mãn.
Trong khủy tay trái ngài có khatvānga, hay cái chĩa ba, tượng trưng cho kết quả của nhập môn thứ ba hay nhập môn trí tuệ. Khatvānga cũng là một hình thức ẩn mật của Dākinī Yeshe Tsogyal và Mandāravā, các phối ngẫu chính của Guru Rinpoche, bản thân các ngài tượng trưng cho đại lạc và tánh Không. Ba ngạnh tượng trưng cho bản tánh trống không của mọi hình tướng, sự biểu lộ của nó là quang minh thuần tịnh, và lòng bi mẫn, nó bao trùm tất cả. Từ mỗi ngạnh mắc ba vòng khoen tượng trưng cho chín thừa. Dưới các ngạnh, từ trên đỉnh là một sọ người khô, một cái đầu thối rữa, và một cái đầu vừa bị cắt đứt, tượng trưng ba thời và ba thân. Dưới những thứ này là một bình trường thọ, một đôi chày kép (chéo nhau), và một damaru, hay cái trống sọ người, trang hoàng bằng các khăn choàng lụa, và năm màu của chúng tượng trưng năm trí tuệ.
Guru Rinpoche ngồi trong không gian tràn ngập tia ánh sáng cầu vồng hòa trộn vào nhau và những chòm sao lấm tấm và có những vòng tròn năm màu. Vô vàn tia sáng chảy từ thân ngài đến khắp mười phương. Từ dòng chảy ánh sáng này ngài có thể hóa thân tùy theo ước muốn của ngài thành tất cả các cõi Phật ở mười phương, cũng như tất cả chư Phật, Bồ Tát và tất cả các Bổn Tôn của ba cội gốc (Lama, Yidam, Dākinī). Tất cả những điều này là các hóa thân của trái tim trí tuệ của ngài. Ngài có thể thâu hồi chúng trở lại thân mình trong cùng cách thức, bằng cách đó cho thấy rằng tất cả các cõi Phật và chư Phật, Bồ Tát và Bổn Tôn là một với ngài.
Có ba cách chính để quán tưởng Guru Rinpoche. Cách thứ nhất là quán tưởng độc nhất Guru Rinpoche như “một viên ngọc hiện thân tất cả”, cách thứ hai là quán tưởng Guru Rinpoche cùng tất cả các bậc Thầy quý báu sắp hàng thành từng bậc vị này dưới vị kia, từ Đức Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền) xuống tới chính Guru Rinpoche. Ở đây chúng ta sẽ quán tưởng theo phương pháp thứ ba, gọi là “tập hội vĩ đại.” Trong phương pháp này chúng ta quán tưởng Guru Rinpoche ở trung tâm một tập hội đông như mây các Guru và Bổn Tôn và được tập hội tất cả các đệ tử thân thiết của ngài vây quanh. Các đệ tử này thực sự là các Hóa Thân của thân, ngữ, tâm, các phẩm tính, và các hành động của ngài, và vì mỗi một trong các phương diện này được phân chia thêm nữa theo năm phạm trù giống nhau, trong tất cả đều có hai mươi lăm đệ tử thân thiết. Các ngài gồm có Vairocana, Namkhe Niging-po, Vua Trisong Detsen, Khandro Yeshe Tsogyal, Nanam Dorje Dudjom, và v.v… Cũng ở trên vương miện của các bậc vĩ đại xung quanh Guru Rinpoche là tám vị Vidyādhara của Ấn Độ, những bậc nắm giữ tám sự truyền thọ. Các ngài gồm có Manjusrīmitra, bậc nắm giữ sự truyền thọ về phương diện thân của Bổn Tôn, Đức Văn Thù hung nộ; Nāgārjuna, bậc nắm giữ sự truyền thọ về phương diện ngữ, Hayagrīva; và Hūmchenkāra, bậc nắm giữ phương diện tâm, Yangdak Heruka.
Các thành viên khác của tập hội rộng lớn là tám mươi tư thành tựu giả của Ấn Độ và tất cả các hiền giả và yogi thành tựu của các trường phái và dòng truyền thừa khác nhau đã nở rộ ở Tây Tạng như Nyingma, Sakya, Kagyu, Shangpa Kagyu, Jor-druk, Urgyen, Nyengyu, Zhi-che, Kadam, và Geluk. Như vậy các ngài tạo thành một đoàn tùy tùng rộng lớn quanh Guru Rinpoche, bao gồm tất cả những vị mà chúng ta có lòng sùng mộ. Chúng ta thiền định rằng tất cả các bậc Thầy vĩ đại này an trụ trên đầu ta, đồng thời nghĩ tưởng rằng trong những đời quá khứ của ta, chúng ta đã từng thọ nhận giáo huấn từ mỗi vị trong các ngài. Bằng cách này chúng ta nên phát khởi lòng biết ơn lớn lao và lòng sùng mộ vĩ đại, nghĩ tưởng rằng bản thân ta giống như Shưnnu Lobsang, “Bậc trẻ tuổi thông tuệ”, người đã phục vụ hơn một trăm năm mươi vị thầy để đạt tới giác ngộ.
Xung quanh các ngài, chúng ta quán tưởng tất cả các Yidam của bốn phần của tantra, các Dākinī và các vị bảo hộ của các dòng truyền thừa tantra cha và mẹ, chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, và các Phật Độc Giác. Giống như các đỉnh núi cao ngất được những đám mây lớn bao quanh, cũng thế Guru Rinpoche được vây quanh bởi tất cả các bậc này.
Để sửa đổi lại nhận thức bất tịnh thông thường của ta về các hiện tượng, ta đừng quán tưởng các ngài với những thân thể vật chất thô nặng gồm máu thịt, và xương, mà đúng hơn như những thân ánh sáng – rất rõ ràng và trong suốt, với một hình tướng sống động như cầu vồng. Các ngài xuất hiện rõ ràng, nhưng không có thực chất, giống như ánh trăng trong nước. Đồng thời, ta đừng cảm thấy rằng các ngài là những biểu hiện trơ cứng, vô hồn của ánh sáng cầu vồng, nhưng nên nghĩ tưởng các ngài hoàn toàn tràn đầy trí tuệ, từ ái, và năng lực để làm lợi lạc chúng sinh.
Mặc dù chúng ta quán tưởng Guru Rinpoche là nhân vật chính được một đoàn tùy tùng vô hạn vây quanh, trong thực tế không có sự phân biệt hay phân cách giữa các ngài: tất cả các Bổn Tôn và chư vị trong sự quán tưởng đều là các Hóa Thân của chính Guru Rinpoche. Vì các vị là sự hiển lộ của tâm ngài và như thế đồng nhất với ngài tự bản chất, nên trí tuệ và lòng từ bi của các vị ngang bằng với trí tuệ và từ bi của ngài.
Có nói rằng nhờ lòng khát khao và nhiệt thành mãnh liệt, bất kỳ điều gì cũng có thể được thành tựu. Tương tự như vậy, nếu chúng ta nghĩ tưởng không chút nghi ngờ rằng Guru Rinpoche thực sự hiện diện trên đầu ta, thì các sự ban phước của ngài sẽ đổ tràn xuống ta không hề gián đoạn. Chúng ta đừng nghĩ rằng có lẽ ngài ở đó, ngài có thể ở đó vào một lúc nào trong tương lai, hoặc cho rằng Guru Rinpoche được quán tưởng trên đầu chúng ta thì không gì khác hơn là một tạo tác của tâm thức hay một sự thay thế hơi thấp kém hơn Guru Rinpoche thực sự đang an trụ ở Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ xa xôi. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng rằng ngài đang hiện diện với tất cả trí tuệ và từ bi của ngài, và ta nên nghĩ rằng chỉ vì các che chướng của ta mà ta không thể sẵn sàng nhận ra ngài. Hơn nữa, đừng nghĩ rằng Guru Rinpoche an trụ ở một nơi quá xa không biết tới chúng ta hay tới những lời khẩn cầu của ta với ngài, hay nghĩ tưởng rằng vì chăm sóc quá nhiều chúng sinh có lẽ ngài không thể lưu tâm tới ta hay tưởng nhớ tới ta. Guru Rinpoche có trí tuệ, lòng từ ái, và năng lực viên mãn. Chúng ta phải nhận thức rằng ngay cả một sự cầu nguyện với Guru Rinpoche, sự trì tụng duy nhất một thần chú Vajra Guru kêu gọi ngài, hay ngay cả một bàn tay giơ lên ở khoảng trái tim ta trong một cử chỉ sùng mộ đối với ngài hay chỉ đơn giản nhớ tới ngài với đức tin trong sáng, cũng sẽ được ngài nhận biết, vì ngài hoàn toàn thấu suốt lòng sùng mộ của ta. Có câu nói rằng: “Đức Phật ở trước mặt bất cứ ai có lòng tin ở ngài”.
Cho dù trong cùng một lúc, vô lượng chúng sinh đang cầu nguyện với ngài, ngài sẽ biết thật chính xác mỗi chúng sinh đang cầu nguyện thế nào, biết rõ ai đang đau khổ và biết rõ ai đang hạnh phúc. Ngài sẽ biết mỗi chúng sinh đang ở cấp độ nào, và ngài sẽ biết mỗi lời cầu nguyện của mỗi chúng sinh và nó có xuất phát từ sâu thẳm trái tim của họ không. Ngài sẽ thấu biết mọi điều này với sự trong sáng lớn lao, với vẻ sống động của một hình ảnh trong một tấm gương. Chính Guru Rinpoche đã nói: “Ta đứng trước cửa nhà tất cả những ai có lòng sùng mộ.” Ngài sẽ luôn luôn đi cùng chúng ta, thật gần gũi như cái bóng của ta. Nếu có lòng sùng mộ thì chúng ta được hứa hẹn rằng tất cả chư Phật ba thời sẽ ở lại với chúng ta.
Đây là lời hứa của Guru Rinpoche, đấng là Hóa Thân của thân, ngữ, và tâm của tất cả chư Phật, được đặc biệt hiển lộ để đáp ứng những nhu cầu của chúng sinh trong thời đại suy hoại này. Các sự cầu nguyện và lòng từ bi của ngài có hiệu quả to lớn trong việc làm giảm bớt nỗi khổ do các bệnh dịch, nạn đói và chiến tranh vây bủa một thời đại như thế. Hiện nay, khi tất cả chúng sinh bị phiền não bởi các độc hại to lớn, khi không gì còn tồn tại ngoại trừ các cặn bã của những phẩm tính tốt đẹp của những thời quá khứ, và khi các ảnh hưởng xấu của những người phá vỡ lời nguyện tôn giáo lan tràn, chúng ta phải đặc biệt cầu nguyện Guru Rinpoche để ngài sẽ khuất phục mọi thế lực xấu và làm an dịu mọi nỗi đau khổ.
Chúng ta cũng phải có đức tin kiên cố rằng vị Thầy của riêng ta – là người chúng ta có thể diện kiến trong đời này và từ ngài ta có thể trực tiếp nghe các giáo huấn cốt tủy – thì đồng nhất với Guru Rinpoche. Như thế, việc cầu nguyện bổn sư của ta sẽ đem lại cho chúng ta những sự ban phước còn nhanh chóng hơn nữa. Khi mưa đổ xuống trên mái nhà, ống máng thâu thập toàn bộ nước. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu nguyện với vị Thầy của riêng ta như không thể phân cách với Guru Rinpoche, thì chúng ta sẽ có thể thu thập mọi sự ban phước.
Guru Rinpoche, là hiện thân của tất cả chư Phật ba thời, biểu hiện nhiều phương diện. Bất kỳ phương diện nào của ngài cũng là đối tượng cho sự khẩn cầu của ta, những nguyện ước của chúng ta sẽ được đáp ứng. Trong bài cầu nguyện có tên là “Sự Đáp Ứng Tự Nhiên Mọi Ước Nguyện”, nếu chúng ta bị bệnh tật tấn công hay nếu đời ta bị nguy hiểm, chúng ta khẩn cầu Guru Rinpoche trong phương diện ngài là Amitāyus, Đức Phật Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta nghèo khổ và bị tước đoạt mọi sự, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện ngài là Bổn Tôn của sự Thịnh vượng. Nếu chúng ta bị môi trường tự nhiên đe dọa, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện ngài là Đạo sư của các Nguyên tố (Đại). Nếu bị dã thú hoặc những kẻ hung hăng tấn công, chúng ta khẩn cầu ngài như vị Anh Hùng Không thể chiến bại. Nếu bị phiền não bởi bệnh tật, chúng ta khẩn cầu ngài như Đức Phật Dược Sư ở Urgyen. Nếu cái chết bất ngờ tấn công chúng ta mà không báo trước, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện là Đức Phật A Di Đà, “Phật Vô Lượng Quang.” Nếu chúng ta bị dày vò bởi nỗi sợ hãi trong bardo, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện là Đấng Thấu Suốt Ba Thời. Bản tính của Guru Rinpoche là sự hợp nhất của tất cả chư Phật làm có thể có được mạng lưới mênh mông của các hiển lộ này. Cuối cùng, nếu chúng ta cầu nguyện với Guru Rinpoche như một bản chất của tất cả chư Phật, thì chúng ta sẽ đạt được sự thành tựu tối thượng trong việc chứng ngộ bản tánh – trí tuệ nội tại của chính chúng ta. Hãy cầu nguyện trong cách thế này với sự tập trung nhất tâm và toàn bộ niềm tin, và không chút nghi ngờ về việc những khẩn cầu sẽ được đáp ứng. Đây là lý do vì sao trong lời cầu nguyện này Guru Rinpoche nói đến mười ba lần “Hãy cầu nguyện với tâm thức trọn hảo thoát khỏi mọi nghi ngờ”.
SỰ CẦU THỈNH BỔN TÔN TRÍ TUỆ
Bước kế tiếp trong sādhana là sự cầu thỉnh Guru Rinpoche đến từ cõi Phật của ngài và ban phước cho chúng ta. Tại sao ta cần phải cầu thỉnh ngài một khi ta tin tưởng rằng ngài thật sự hiện diện trên đầu ta? Là những người sơ học, chúng ta không hoàn toàn thoát khỏi ý nghĩ Guru Rinpoche vẫn an trụ ở thật xa nơi cõi Phật Cực Lạc của ngài là Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ. Để giải tan nghi ngờ này, chúng ta cầu thỉnh ngài đến từ cõi Phật của ngài. Khi tin tưởng rằng ngài thưcï sự đến và tan hòa thành Guru Rinpoche mà chúng ta quán tưởng đang an trụ trên đỉnh đầu ta, sự quán tưởng của ta được ban cho thật nhiều năng lực giống như một bức tượng đựng đầy xá lợi hay một thân thể vô tri được ban cho một tâm thức. Rồi chúng ta nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche thực sự an trú trong ta, trong hình dáng lẫn trong bản chất, và qua đức tin này lòng sùng mộ và nhiệt thành của ta sẽ tăng trưởng thật lớn lao.
Để phát triển và duy trì lòng sùng mộ của ta và để cầu thỉnh Guru Rinpoche, chúng ta dùng bài cầu nguyện gồm bảy giòng được biết với tên “Bảy Câu Kệ Kim Cương.” Có nhiều bài cầu nguyện với những độ dài khác nhau để khẩn cầu Guru Rinpoche, từ “Bài Cầu Nguyện Bảy Chương” rộng lớn tới bài cầu nguyện dài vừa là “Tẩy trừ Mọi Chướng Ngại Dọc theo Con Đường,” và bài cầu nguyện “Sự Đáp ứng Tự nhiên Mọi Ước Nguyện.” Tuy nhiên, bài cầu nguyện cô đọng và tinh túy nhất là “Bảy Câu Kệ Kim Cương,” cũng được gọi là “Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng.”
Đây là một bài cầu nguyện có năng lực rộng lớn. Chẳng hạn, Guru Rinpoche, vì lòng đại bi đã quyết định hiển lộ trong thế giới chúng ta, xuất hiện từ trái tim Đức Phật A Di Đà trong hình thức một chữ HRĪH đỏ, nó ở giữa vô số tia sáng, đi xuống và đến an trụ trên một hoa sen đỏ nở giữa Hồ Dhanakosa ở tây bắc xứ Oddiyāna. Sau đó, trong giây lát, chữ HRĪH biến thành một bé trai tám tuổi – tức Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh. Ngài làm mọi điều này một cách đặc trưng để đáp lại sự trì tụng nhiệt thành “Bảy Câu Kệ Kim Cương” nhờ nó các Dāka và Dākinī khẩn nài ngài xuất hiện trong thế giới này.
Ở một lúc khác, trong thời gian Guru Rin-poche đang ở Ấn Độ, xứ sở của Đấng Cao Quý, một cuộc tranh luận lớn đã được tổ chức giữa Phật tử và những pháp sư tīrthika là những người có trụ xứ ở Dorje Den, (Phạn: Vajrāsara, “Ngai Kim Cương” ở Ấn Độ, ngày nay là Bodhgayā, Bồ Đề Đạo Tràng). Khi cuộc thảo luận được tiến hành, dường như các Phật tử sắp thua cuộc. Một đêm, nhiều người trong họ có một giấc mơ linh kiến trong đó một Dākinī trong hình tướng của một bà lão xuất hiện và tiên đoán họ sắp thất bại. Bà chỉ dạy rằng hy vọng duy nhất để họ chiến thắng là chấp nhận sự trợ giúp của người anh bà, là người khi đó đang tiến hành các thực hành du già ở một trong những nghĩa địa lớn ở Ấn Độ. Tên ngài là Dorje Thưtrengtsal, “Sức Mạnh Kim Cương của Vòng Đầu Lâu”. Bà nói rằng nếu họ tha thiết khẩn cầu ngài, thì chắc chắn ngài sẽ đến và đánh bại các học giả dị giáo. Các học giả Phật tử lo sợ ngài Dorje Thưtrengtsal không thể kịp thời giải cứu cho cuộc thảo luận vì quãng đường quá xa; họ cho rằng chỉ có phép lạ mới có thể đưa ngài đến đúng lúc. Vị Dākinī trấn an họ, giảng rằng đối với Guru Rin-poche thời gian và không gian không tạo nên chướng ngại. Bà thúc dục các học giả thực hiện một cuộc cúng dường vĩ đại trên nóc điện thờ của họ và thỉnh cầu Guru Rinpoche qua sự cầu khẩn nhiệt thành của “Bảy Câu Kệ Kim Cương.” Bà bảo đảm rằng nếu họ tiến hành theo cách đó thì Guru Rinpoche sẽ đến.
Ngày hôm sau, khám phá rằng nhiều người trong số họ có giấc mơ tương tự, họ tuân theo những chỉ dạy của vị Dākinī. Giống như bà đã cam đoan, Guru Rinpoche xuất hiện trên bầu trời và sau đó ngồi xuống giữa họ như vị học giả thủ lãnh, sẵn sàng thảo luận với các vị thầy dị giáo. Trong suốt cuộc thảo luận, ngài phá tan các lý chứng của họ, sử dụng cả sự thông suốt Kinh điển lẫn trí tuệ của ngài. Trong sự tuyệt vọng, các tīrthika phải dùng tới các yêu thuật của họ để lăng nhục các học giả Phật tử. Khi ấy Guru Rinpoche đi tới mộ địa Rừng Lạnh, nơi Dākinī Đầu-Sư Tử Senge Dongma xuất hiện trước mặt ngài và bảo ngài hãy thiền định về bà và tụng đọc thần chú của bà trong bảy ngày, sau đó Guru Rinpoche đánh sấm và chớp xuống các nhà dị giáo, hoàn toàn điều phục họ. Sau việc này các nhà dị giáo đi theo Phật đạo.
“Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng” mang lại các sự ban phước rất to lớn. Trong tất cả các terma, hay các kho tàng tâm linh được khám phá lại, đã được tìm thấy trong quá khứ hay thời gian gần đây mà Guru Rinpoche để lại, không có một terma nào không tìm thấy “Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng” trong đó. Như Guru Rinpoche đã nói: “Khi một đệ tử khẩn cầu ta với lòng sùng mộ và bài ca khao khát “Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng”, từ Sangdopalri ta sẽ đến lập tức, như một bà mẹ không thể cưỡng lại lời kêu cầu của đứa con của bà”.
Bài cầu nguyện bắt đầu với chữ HŪNG, là chủng tự của trí tuệ-cốt lõi của tất cả chư Phật. Nó tiếp tục rằng “Urgyen yul gyi nup chang tsam,” nghĩa là: “Ở biên giới tây bắc xứ Oddiyāna.” Trong xứ này có bốn cái hồ, mỗi cái ở một trong bốn hướng. Chính trong cái hồ nằm ở hướng tây bắc có tên là Dhanakosa mà Guru Rinpoche đã hiển lộ trong thế giới này. Trong Phạn ngữ, dhana có nghĩa là “sự giàu có,” và kosa nghĩa là “kho tàng.”
Giòng thứ hai, “Pema gesar dong po la,” có nghĩa là “Trên nhụy của một bông sen nở.” Trong hồ Dhanakosa có vô số bông sen năm màu. Vì Guru Rinpoche thuộc về ngữ hay Liên Hoa bộ, là bộ của Đức Phật A Di Đà, hoa sen của ngài màu đỏ, ngài hiển lộ ở giữa hồ trên nhụy của một bông sen đỏ.
Giòng thứ ba, “Yam tsen chok kyi ngo drup nye,” có nghĩa là “Đấng kỳ diệu đã đạt được sự thành tựu tối cao.” Guru Rinpoche không sinh ra do các nhân duyên hay từ các mầm mống của một mẹ và cha mà, như chúng ta đã nói, bỗng nhiên xuất hiện từ giữa một bông sen đỏ trong hình thức của chủng tự HRĪH, như một biểu lộ của Giác tánh thuần tịnh từ trái tim Đức Phật A Di Đà. Sau đó chữ HRĪH tan ra thành ánh sáng, chuyển hóa thành hình dạng của một đứa bé tám tuổi luôn luôn tươi trẻ với vẻ mặt rạng ngời và ba mươi hai tướng chính cùng tám mươi tướng phụ của một vị Phật. Như vậy ngài xuất hiện trong thế giới chúng ta giữa các cầu vồng, một trận mưa hoa được thập phương chư Phật rải xuống, âm nhạc cõi trời và các bài ca tán tụng du dương được hát lên bởi vô số Dāka và Dākinī tràn ngập bầu trời.
Giòng thứ tư, “Pema Jungne shey su drak,” có nghĩa là “Lừng danh là Đấng Sinh-từ-Hoa-Sen Liên Hoa Sanh.” Guru Rinpoche, đối tượng quy y tối thượng và không lầm lạc, đã lừng danh khắp vô vàn cõi Phật là Đấng Đạo Sư Sinh từ Hoa Sen.
Giòng thứ năm, “Khor du khandro mang po kor,” có nghĩa là “Được một đoàn tùy tùng gồm nhiều Dākinī vây quanh.” Bất cứ nơi nào Guru Rinpoche hiển lộ, ngài mở bày và giảng giải các giáo lý Mật thừa hay Kim Cương thừa. Vì các Dākinī là những người nghe và trì giữ các giáo lý này, Guru Rinpoche luôn luôn được một tập hội Dākinī vây quanh.
Trong giòng thứ sáu, “Kye kyi jesu da drup kyi,” chúng ta cầu nguyện: “Noi gương ngài, bản thân con sẽ trở nên thành tựu.” Hiện nay, do vô minh của chúng ta, ta đang lang thang không nơi nương tựa trong những mê lầm và đau khổ của sinh tử luân hồi; cách thế duy nhất để ra khỏi tình huống này là thọ nhận các giáo huấn sâu xa của Mật thừa và đưa chúng ta vào sự thực hành. Vì thế, để quét sạch vô minh của ta, chúng ta cầu thỉnh và khẩn nài Guru Rinpoche đến ban cho ta những sự ban phước, các lễ quán đảnh, và các giáo huấn chúng ta cần khiến ta có thể đi theo ngài trên con đường và thành tựu sự chứng ngộ tối cao như ngài đã thực hiện. Bị nghiệp và thế lực của các cảm xúc tiêu cực ngăn che và bị nhận chìm trong vô minh, giờ đây chúng ta đang đắm chìm trong đại dương đau khổ. Nếu chúng ta không nương tựa vào một hiện thể phi thường như Guru Rinpoche là đấng bản thân đã giải thoát khỏi đại dương đau khổ này, thì ta không có cách nào thoát khỏi sự khốn cùng và vô minh này.
Giòng thứ bảy là “Chin gyi lop chir shek su sol,” hay “Xin đến và ban phước cho con.” Khi nào, nhờ những khẩn cầu của ta, Guru Rinpoche đến và ban cho ta những sự ban phước của thân, ngữ và tâm ngài, thì chúng ta có khả năng thành tựu sự chứng ngộ. Như việc mạ vàng một pho tượng làm cho nó còn đẹp đẽ và quý báu hơn, cũng thế, thân, ngữ và tâm của riêng ta, khi đã được thân, ngữ, và tâm của Guru Rinpoche ban phước, sẽ có khả năng tốt đẹp hơn để đạt được sự thành tựu tối cao.
Bài cầu nguyện kết thúc với thần chú: “Guru pema siddhi hung”. Guru là một từ Phạn ngữ có nghĩa đen là “nặng”. Nó được dịch sang tiếng Tây Tạng là lama, nghĩa đen là “không thể vượt hơn được”. “Nặng” chỉ ra rằng Guru thì nặng trĩu các phẩm tính tốt đẹp và việc người nào đó vi phạm các giáo huấn của ngài sẽ đem lại những hậu quả nặng nề. Guru Rinpoche là tinh túy, sự hợp nhất toàn thiện của tất cả trí tuệ, lòng từ ái, và các năng lực của chư Phật trong ba thời. Vì thế, bởi ngài có đầy đủ vô số các phẩm tính giác ngộ nên chúng ta gọi ngài là “Guru”, nặng. Từ padma trong tiếng Sanskrit (cũng được dùng trong tiếng Tây Tạng và phát âm là pema) có nghĩa là “hoa sen”. Nó ám chỉ danh hiệu của Đức Liên Hoa Sanh. Là một Hóa Thân của trái tim Đức Phật A Di Đà, Guru Rinpoche thuộc Liên Hoa bộ hay ngữ bộ của chư Phật và chính ngài là một Vidyādhara hay người trì giữ Giác tánh của Phật bộ này; cũng thế, ngài được sinh ra từ tâm lõi của một bông sen. Tiếng Phạn siddhi hay tiếng Tây Tạng ngưdrup có thể được hiểu trong tiếng Anh là “sự thành tựu đích thực”. HŪNG là chủng tự của tâm tất cả chư Phật, và bởi tất cả chư Phật hiện thân trong ngài nên một cách đặc biệt, nó là chủng tự của Guru Rin-poche. Vì thế, khi kết thúc bài cầu nguyện, chúng ta nói “SIDDHI HŪNG”, ta khẩn cầu ngài ban cho ta mọi sự thành tựu, cả thông thường lẫn siêu việt.
Nếu chúng ta lập đi lập lại việc trì tụng bài nguyện này với lòng sùng mộ sâu xa, thì không nghi ngờ gì, ta sẽ nhận lãnh các sự ban phước. Chúng ta cần phát triển đức tin không thể lay chuyển rằng, để đáp lại sự khẩn cầu và mời thỉnh của ta, Guru Rinpoche sẽ thực sự đến với ta từ Cõi Cực Lạc ở Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ.
Sau khi quán tưởng bản thân ta là Vajra-yoginī, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng vị Vajra-yoginī khác, giống như chúng ta, lại gần chúng ta từ trên bầu trời. Trên đầu bà, giống như trên đầu chúng ta là Guru Rinpoche, được vây quanh bởi tám vị Vidyādhara của Ấn Độ, hai mươi lăm đệ tử thân thiết của ngài, và một đoàn tùy tùng đông như mây các Dāka, Dākinī, Lama, Bổn Tôn, các Hộ Pháp, và v.v… Vajrayoginī, Guru Rinpoche, và những vị khác đáp xuống chúng ta, và hòa vào chúng ta: Vajrayoginī hòa tan vào Vajrayoginī, Guru Rinpoche vào Guru Rinpoche, và đoàn tùy tùng rộng lớn vào đoàn tùy tùng rộng lớn. Ngước nhìn ngài với lòng sùng mộ trọn vẹn, chúng ta nên tin tưởng không chút nghi ngờ rằng chính Guru Rinpoche ở trên đầu chúng ta, và ngài sẽ ban những ân phước của ngài trên chúng ta.
Vì thế, khi đã quán tưởng một Đức Guru Rinpoche ở trên đầu chúng ta, ta cầu thỉnh Guru Rinpoche khác đến và hòa tan thành vị đầu tiên: Guru Rinpoche đầu tiên này được gọi là samaya-sattva và Guru Rinpoche đến với ta từ cõi Phật của ngài được gọi là jnānasattva. Khi jnānasattva tan thành samayasattva, như thể sữa được đổ vào nước; cả hai hòa lẫn vào nhau mật thiết đến độ không thể phân biệt được chúng, và nước trở nên tốt lành và còn thơm ngon hơn trước. Tương tự như thế, khi chúng ta cầu thỉnh Guru Rinpoche tan lẫn thành Đức Guru Rinpoche ta đã quán tưởng trên đầu, ta nên nghĩ tưởng rằng sự ban phước, lòng bi, và trí tuệ của ngài còn hiện diện mãnh liệt và bao la hơn nữa.