CÓ CHỨNG NGHIỆN CẢM XÚC ĐAU ĐỚN HAY KHÔNG?

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư;Thiên Nga dịch; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018

ALEXANDRE: Trong tâm hồn người có một thứ mà tôi thấy cuốn hút mà cũng sợ hãi, đó là khả năng tự làm hại mình. Cảm giác có lỗi và nghiền ngẫm để làm gì nếu không phải để làm hư hoại đời sống chúng ta? Một người bạn hay lo tâm sự với tôi rằng anh cảm thấy một khoảng trống, nói thẳng ra là một cảm giác thiếu thốn, khi nỗi sợ hãi để anh ta thở một chút. Cái nghiện tàn nhẫn này từ đâu mà ra? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Paul đưa ra một chẩn đoán rất đáng ngạc nhiên: “Tôi không làm điều lành mình muốn, mà lại làm điều dữ mình không muốn.” Có một số thói quen mà dường như không có lập luận hợp lẽ nào đủ mạnh để cãi lại được: đơn giản thôi, tôi thích hạt điều, ăn thì tôi bị lở miệng, thôi thì, tôi ăn cho rồi! Có vô số xung đột bên trong biến nội tâm ta thành bãi chiến trường. Ở đây cũng vậy, bước đầu tiên là bình thản nhìn các trận đánh này mà không muốn điều chỉnh vấn đề ngay lập tức. Cái yếu đuối của ý chí chơi tôi nhiều vố rồi, và tôi cũng lắm khi cười nó. Vì những lý do y học, tôi phải gầy đi. Do vậy tôi nhờ đến một huấn luyện viên và anh ta dứt khoát khuyên tôi chơi thể thao. Anh ta nói thêm rằng điều cốt lõi diễn ra trong bếp và tôi cần thay đổi các thói quen ăn uống. Anh ta còn chưa ra khỏi cửa thì tôi đã chạy tới tủ lạnh để tha hồ chè chén rồi: nếu mọi chuyện đã nguy sẵn rồi, thôi thì cho tới luôn! Sao lại có cái phá hoại gần như tức thì này? Trên mảnh đất hạnh phúc, tôi cũng phát hiện thấy các lực hủy hoại đó. Nó như thể đầu óc tôi bị mắc một chứng bệnh tự miễn dịch để làm hỏng sự toàn vẹn của nó.

MATTHIEU: Chuyện đầu óc bướng bỉnh cứ kéo dài cái làm nó khổ là một trong những khía cạnh của vô minh. Nhà sư Ấn Độ Tịch Thiên có viết:

Muốn thoát ra,

Ta lại ném mình vào bể khổ;

Ta mong cầu hạnh phúc, mà bởi vô minh,

Hủy hoại nó như kẻ thù.

Vấn đề của chúng ta là nghiện các nguyên nhân gây khổ. Cái nghiện này hình thành thế nào? Ban đầu, một cảm giác dễ chịu xui ta cứ tìm thêm cái sinh ra nó. Nhưng vì bản chất của các cảm giác dễ chịu là giảm dần khi ta nếm trải, nó dần dà trung tính và cuối cùng trở thành khó chịu. Thế nhưng, chúng ta tiếp tục ham muốn nó. Khoa học thần kinh chỉ ra rằng các mạng lưới não có liên hệ với lạc thú không phải là các mạng lưới có liên hệ với ham muốn. Điều này dẫn đến chuyện, bằng lặp lại, ta có thể củng cố mạng lưới nối liền với ham muốn đến mức muốn cái đã không còn dễ chịu và thậm chí làm đau khổ. Đó gần như là định nghĩa về nghiện. Ngay cả khi ta không muốn khổ, ta cũng không khỏi lại sa vào những tình huống làm ta khổ.

Còn về chuyện thỉnh thoảng ta thích chọn cái làm ta đau, Eckhart Tolle giải thích hiện tượng này theo cách hình tượng. Khi bản ngã thất bại trong các công cuộc ái kỷ, để tiếp tục tồn tại, nó chuyển sang một kế hoạch B bằng cách xây nên một “thân khổ”, một chiến lược thay thế để củng cố danh tính nó, lần này là theo kiểu làm nạn nhân. Như vậy thì bản ngã có thể tồn tại bằng cách sống nhờ những kêu ca và đả kích. Và ngay cả nếu không ai muốn nghe ta, ta cũng cứ vừa tự kể đi kể lại câu chuyện buồn của mình vừa than thân trách phận. Ta dồn hết mọi thứ cho cái thân khổ này. “Thân khổ là một kẻ nghiện bất hạnh”, Tolle nói. Anh ta sống nhờ những ý nghĩ tiêu cực và bi kịch nội tâm, nhưng chịu đựng kém những ý nghĩ tích cực. Anh ta sống bằng cách thường trực nghiền ngẫm quá khứ và lo lắng tương lai. Anh ta không biết sống trong không khí trong lành của phút giây hiện tại tuyệt không có những thứ bịa đặt của đầu óc.

CHRISTOPHE: Tại sao chúng ta lại đến nước tự làm mình khổ? Câu hỏi này có liên quan đến rất nhiều người. Bản thân tôi cũng có thể làm những chuyện mà tôi biết chúng sẽ làm hại tôi, như làm việc quá nhiều chẳng hạn! Trái lại, tôi không chắc là chúng ta thích khổ. Tôi nghĩ rằng quả thật ta cũng có thể làm mình khổ, lại làm theo cách vô lý, biết rằng mình tự làm khổ mà vẫn tiếp tục. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thích khổ! Một ví dụ: trước kia, trong tâm thần học, một số đồng nghiệp của chúng tôi có khuynh hướng xem nhẹ những phụ nữ bị những kẻ thống dâm đánh đập. Họ lẫn lộn hai điều. Khi một phụ nữ nói: “Tôi yêu anh ta dù anh ta đánh đập tôi”, điều này không có nghĩa là: “Tôi yêu anh ta vì anh ta đánh đập tôi.” Chuyện này có hơi giống vấn đề bạo lực ta gây ra cho bản thân, rất thường xảy ra, vì ta không biết làm sao khác, như một con chó tự gãi điên cuồng và tự làm mình bị thương, nhưng ở nó cảm giác ngứa quá dữ dội.

MATTHIEU: Bồ Tát Long Thọ, triết gia Phật giáo lớn của Ấn Độ thế kỷ II, đã viết rằng khi ngứa mà gãi thì tốt, nhưng sẽ sung sướng hơn nhiều nếu không còn ngứa nữa! Ngài kết luận là, nếu thỏa mãn ham muốn thì tuyệt, nhưng thoát khỏi nó thì còn hay hơn nhiều.

CHRISTOPHE: Đôi khi chúng ta làm những chuyện phi lý và đau đớn chỉ vì buồn chán. Một nghiên cứu gần đây thật ngạc nhiên chỉ ra rằng, khi người ta cho học sinh vào một phòng trong 10 hay 15 phút, và cho chúng chọn hoặc không làm gì cả hoặc tự chịu những sốc điện nho nhỏ, một số lớn (gần 2/3 nam và 1/3 nữ) thích được chích điện hơn! Ta nên nghĩ rằng thế hệ trẻ ngày nay, thường xuyên bám vào màn hình và nhạc, đã mất thói quen ngồi không và quan sát nội tâm, hơn là nghĩ rằng chúng bị thúc đẩy bởi chứng thống dâm!

Với dinh dưỡng cũng tương tự như vậy. Phần lớn thời gian, ta không ăn vì ta đói, mà vì thèm ăn, vì ta thấy đồ ăn hấp dẫn, hoặc vì đã đến giờ ngồi vào bàn. Ta nhầm lẫn thú vui này với thú vui khác: Mình có thấy đói thật không? Hay mình chỉ muốn ngồi vào bàn với bạn bè? Hay là mình muốn ăn chỉ vì như vậy có vẻ hay? Ta đang thiếu ý thức, một sự vắng mặt với chính mình. Do vậy, vấn đề là những đau khổ mà ta bắt mình chịu, hay những sai lầm ta phạm phải khi thỉnh thoảng biết mình làm điều đó, nhưng lúc làm, ta không để tâm lắm đến cái ta thật sự cần. Đúng là luôn chăm chú theo dõi và khó khăn với bản thân thì có vẻ phiền phức hay nhọc nhằn, nhưng nếu ta như vậy một chút xíu, thường xuyên hơn một chút, ta có thể làm giảm rõ rệt những đau khổ gắn liền với các cách xử sự này. Đó là một cái khó kinh điển trong các chứng nghiệm. Dùng ma túy rõ ràng là làm hại mình. Nhưng ta không hề muốn đau khổ: ban đầu, ta tìm thú vui; cuối cùng, ta tìm cách để không chịu đựng trạng thái thiếu nữa.

MATTHIEU: Giải thoát khỏi nghiện là một thách thức thực sự vì ba lý do. Trước hết, nếu chỉ khuyên người bị nghiện ghét đối tượng của mình thì chưa đủ. Thường thì, người nghiện đã chán ghét, nhưng họ không khỏi muốn thêm cái làm họ chán ghét. Tiếp đến, bỏ được một thứ nghiện đòi hỏi nỗ lực ý chí ghê gớm. Thế mà, một trong các tác dụng của nghiện là làm suy yếu hoạt động của những vùng trong não có liên hệ với ý chí. Cuối cùng, để khỏi nghiện, cần tập làm chủ ham muốn bốc đồng gắn liền với chứng nghiện này. Thế mà hóa ra nghiện ức chế hoạt động của hồi hải mã, một vùng trong não cho phép lúc bình thường, biến một luyện tập, dù đó là gì, thành những biến đổi về mặt chức năng và cấu trúc của não – cái ta gọi là khả biến thần kinh. Ba trở ngại này khiến việc cai nghiện đặc biệt khó khăn.

ALEXANDRE: Con đường hạnh phúc đòi hỏi quên đi tất cả những gì đã học. Trong thần bí Cơ Đốc giáo, cũng như trong truyền thống Thiền tông, chúng ta được khuyên nên chết đi, từ bỏ tất cả: những niềm tin, thói quen, ham muốn, ảo tưởng. Thế tại sao không bắt đầu ngay lập tức việc dọn trống bên trong này? Khi đạo Phật nhấn mạnh chánh mạng này, nó cho tôi thấy rằng không thể có được hạnh phúc nếu tôi sống một đời phóng túng, căng thẳng, ích kỷ. Làm sao tôi có thể về với bình yên nếu, từ sáng đến tối, tôi chỉ nghe theo bản ngã? Để từng chút một tháo gỡ mình khỏi đời sống hàng ngày đối nghịch với sự bình yên trong tâm hồn, có lẽ cần tập các đức tính tốt để trở nên đức hạnh. Ở đấy cần một cuộc chuyển hóa. Nếu tôi đợi được tự tin rồi mới có hành động tin tưởng, tôi có nguy cơ không bao giờ tiến bộ… Trái lại, ngay từ bây giờ tôi cần cố gắng có những hành động cụ thể.

May mắn là, trong lĩnh vực này, ta không đơn độc, đôi khi ta chỉ cần thấm nhuần lối sống của những người đi trước ta trên đường. Còn ai hay hơn trong việc cho ta một cái đà mới để nhổ bỏ từng độc tâm một? Trái lại, đức hạnh của ta sẽ lụi tàn khi bầu bạn với những kẻ gièm pha và xấu bụng. Nếu suốt ngày ta mãi lo gieo trồng những hạt giống xấu, chẳng lạ nếu đâu đâu ta cũng thấy bụi rậm và gai…

Thiền là học cách tháo kíp nổ những quả bom trút ào ào trong tâm trí ta và để các kịch bản mà ta tin là chắc chắn tan biến đi. Khi tâm trí dọn trên khay cho ta cái tệ nhất trong những cái tệ, hãy chỉ nhìn, không làm gì cả. Khi cơn bão tinh thần hoành hành, việc kiềm chế phản ứng đôi khi cần một thứ can đảm siêu nhân. Một việc có ích là nhận ra rằng thứ thời tiết thất thường làm lung lay bản ngã của tôi có lẽ lên đến 10 độ Richter cảm xúc nhưng tôi không vì vậy mà gục ngã. Hãy luôn để cho cảm xúc qua đi, nếu ta không nuôi dưỡng nó, nó sẽ tự yếu đi. Việc khổ tu lâu dài này, lặp lại ngàn lần mỗi ngày, chính là để mình trôi dạt giữa sóng để thấy rằng chúng không kéo dài.

Các cha sa mạc có thói quen nhắc rằng, ta càng chú ý đến mình, ta càng khổ. Và cái thách thức chính là ở chỗ nhận lãnh cái nghịch lý này: chăm sóc kỹ bản thân, tôn trọng nhịp điệu riêng, trong khi đó giải thoát mình khỏi cái tôi nhỏ nhít làm ta điên loạn. Nhổ bỏ những cảm xúc tiêu cực thì thuộc về chạy marathon hơn là chạy nước rút, do vậy mà có cái nguy cơ ta kiệt sức dọc đường. Cho nên, hết sức cấp bách, ta hãy bắt đầu loại trừ mọi cái làm ta cồng kềnh. Trong số các cảm xúc đè nặng, sự cự tuyệt và nổi loạn vẫn chưa thôi hoành hành. Câu chuyện của một ni sư Thiền tông đã cho tôi một bài học đáng nể. Cô bị một bệnh ung thư không chữa được và người phụ nữ 40 tuổi này tâm sự với tôi rằng một thời gian dài cô xem bệnh như một đối thủ. Hàng tháng trời, cô dậy để ra trận và đấu với kẻ thù cho đến ngày, nhờ thiền, cô đã bắt đầu xem ung thư như bạn, một sứ giả, một người giải thoát. Không cần phải lãnh một cú to lớn như vậy để bắt đầu sự thay đổi toàn triệt cái nhìn, bắt đầu biến cải. Những phiền nhiễu nho nhỏ chính là những dịp để tiến bộ. Hãy thiền, hãy cố hiểu biết, hãy tiến lên, tất cả những việc này đều tốt. Nhưng đừng bao giờ thiếu một lòng kiên nhẫn vô cùng với những yếu kém của ta: thỉnh thoảng trong thử thách, chúng ta cần chút đình chiến để buông vũ khí.

MATTHIEU: Như tôi đã nói, từ Tây Tạng mà ta dịch là “xả bỏ” thực ra gợi lên sự quyết tâm giải thoát. Đến một lúc nào đó, ta không chịu được chứng nghiện những nguyên nhân gây khổ nữa. Khi một con chim xổ lồng, ta không thể nói là nó từ bỏ cái lồng mà là nó thoát khỏi đó. Cái lồng bằng sắt hay bằng vàng thì cũng vậy thôi. 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG HÒA HỢP VỚI CẢM XÚC CỦA BẠN
  2. XỬ LÝ CẢM GIÁC
  3. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  2. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  3. ĐI TÌM BẢN NGÃ

Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI