CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư; Thiên Nga dịch; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

MATTHIEU: Tôi nhớ là đã gặp, ở Canada, một nhóm thanh niên vừa ra trường. Suốt sáu tháng họ đã gặp các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và điền các bản câu hỏi, người ta chỉ cho họ đi hướng này hướng kia. Nhưng làm sao mà định hướng đời mình bằng những bản câu hỏi và nghe theo lời khuyên của những người hầu như không biết gì về ta? Tôi nói với họ: “Tại sao các anh chị không ngồi xuống bên bờ hồ một lát, chỉ một mình hay với ai đó mà anh chị rất yêu quý? Đừng điền các bản câu hỏi nữa, hãy đóng máy tính lại, tự hỏi cái mà anh chị thật lòng muốn làm trong đời, và đề cho câu trả lời tự lộ ra từ trong sâu thẳm con người mình”.

Hành trình lâu dài hay những gian truân của nó không phải là một trở ngại. Khi ta du hành trên Himalaya, mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi thì thời tiết tốt, khi thì thời tiết xấu. Cảnh vật có thể đẹp tuyệt trần, nhưng ta cũng có thể phải dừng chân vì một hẻm núi hay lội bì bõm trong một rừng già sình lầy giữa lòng thung lũng nhiệt đới. Thế nhưng. mỗi bước sẽ đưa ta đến gần nơi ta muốn đến hơn, và điều đó khích lệ ta. Nhân đây, định nghĩa về nhẫn nhục, một trong sáu “đại hạnh” của đạo Phật, hay paramita, mà cậu nghiên cứu ở Hàn Quốc, Alexandre ạ, là “hoan hỉ khi đem lại lợi lạc”. “Lợi lạc” ở đây không phải là một việc tốt đơn giản, mà là cái gì đó truyền cảm hứng cho ta sâu sắc, nó là niềm hoan hỉ dưới dạng nỗ lực. Dẫu hành trình đôi khi cam go, niềm hăng hái vẫn còn nếu ta tiến tới nơi mà ta thật lòng muốn đến. Trái lại, nếu ta đi lạc và thấy mình không còn vạch mốc, ta sẽ nản chí. Thêm vào cái mệt mỏi còn có nỗi lo và cảm giác bất lực. Ta không còn muốn bước nữa mà chỉ muốn ngồi xuống, lả đi và tuyệt vọng. Bởi thế cho nên phương hướng ta đặt ra cho mình trong đời đóng một vai trò rất quan trọng.

Các nhà tâm lý học về hạnh phúc, như Daniel Gilbert, nói rằng tự nỗ lực đã đem lại sự mãn nguyện, đến được đích rồi thì ta sẽ khá thất vọng. Khi nói chuyện với anh ta, tôi mạo muội nói: “Chẳng hạn nếu tôi muốn một chiếc Maserati, tôi sẽ rất hào hứng, và nếu nghĩ kỹ thì tôi thấy mình cũng hạnh phúc trong khi phải lao tâm khổ tứ đủ cách đề kiếm tiền. Nhưng tậu được chiếc xe rồi thì tôi sẽ sợ người ta va quẹt hay lấy trộm và vậy là, cuối cùng, chuyện này không đem lại cho tôi niềm hạnh phúc tôi mong đợi”. Nói vậy có nghĩa là, chừng nào còn lẫn lộn về điều thật sự đem lại hạnh phúc thì ta sẽ thấy thất vọng khi đạt được mục tiêu. Nhưng nếu mục tiêu cũng đáng bỏ công, chẳng hạn nếu tôi muốn trau dồi sự sáng suốt và lòng nhân ái, cả con đường lẫn đích đến đều sẽ khiến tôi hài lòng. Rắc rối là ở chỗ chúng ta thường dối mình khi chạy theo những mục tiêu hão huyền, như giàu có, tiếng tăm, vẻ đẹp bên ngoài – bao nhiêu ảo ảnh không thật sự giúp gì cho sự phát triển của ta.

ALEXANDRE: Liên tục đi tới, không bị trói buộc vào một mục tiêu, rất khó. Tôi phải luôn tự hỏi cuộc sống kêu gọi tôi tới cái gì, ngay lúc này đây. Khi tôi băng qua những vùng nhiễu động, câu hỏi này khuyên tôi có hành động, mà không thúc hối tôi, Nó dẫn dắt tôi tới cái cụ thể khi tôi lạc trong sương mù trí óc. Trong Phúc Âm, Jesus nói rằng “con người không có chỗ mà gối đầu”. Tương tự như vậy, trong tu hành Phật giáo, người tu không được trụ ở đâu cả. Ngay khi có chấp trước là khổ xuất hiện. Theo một nghĩa nào đó, những chế nhạo và thử thách có thể giải phóng ta khi chúng đến đuổi ta ra và ngăn ta ở lại trong một cảm xúc hay một hình ảnh. Trên tàu điện ngầm, thiên hạ cười rúc rích khi tôi đi ngang qua, tôi tận dụng cơ hội đó đề nhắc mình rằng tôi không chỉ là cái bề ngoài, rằng sâu thẳm con người tôi thì nằm ngoài mọi cái nhìn.

Tôi thích cái ý thiên chức hơn là cái ý đích đến, nó nhắc tôi rằng không phải tôi là người quyết định cuối cùng. Ta hãy gọi đó là ý muốn của Chúa Trời hay tiếng gọi của cuộc đời hay cả ngàn cách khác, và ta chỉ cần ghi nhận rằng cái tôi nhỏ bé không phải là thuyền trưởng. Có một thực tại sâu xa hơn nhiều đang cầm lái. Điều này, trái lại, không cản trở việc dấn thân hay hành động. Ta không rơi vào thuyết định mệnh cũng không xua đuổi đích đến, ta luôn tiến lên. Giáo huấn của Thiền tông về điểm này rất rõ ràng: hãy làm mọi chuyện thật hoàn hảo và thản nhiên với kết quả.

MATTHIEU: Đích đến mà tôi nói là cái khơi nguồn cho tôi, nó không phải cái ám ảnh tôi và tôi không dồn mọi tham luyến vào đó. Gọi nó là một đường hướng hay một nguyên vọng thì thỏa đáng hơn, và nó không chịu những giới hạn. Trong đạo Phật, ta dè chừng mọi chấp trước, kể cả chấp trước một mục đích cao cả, vì sự chấp trước này tạo ra hiệu quả trái với cái ta tìm kiếm. Ta có thể khao khát được giải thoát khỏi những nguyên nhân gây khổ, khỏi ích kỷ, vô minh, đố kỵ, ngã mạn, nhưng dụng đích không phải là tính điểm, mà là xác định xem ta muốn hướng tới cái gì, và nó có đáng hay chăng.

ALEXANDRE: Tôi rất thích sự phân định giữa cái tôi xã hội, nghĩa là tập hợp những vai trò mà ta đóng hằng ngày, và cái tận cùng, cái sâu kín của ta, thứ vượt ra ngoài mọi nhãn hiện và không thể định nghĩa. Toàn bộ sự tu hành suy cho cùng là đều vào ngụ trong đó, thay vì chết rục trong cái tôi phiến diện cứ thay đổi và chịu khổ. Sự phân biệt này an ủi tôi rất nhiều. Nó khai thông một con đường đặc biệt, xóa sạch những nhãn dán, và có thể bắt đầu bằng những câu hỏi rất đơn giản: Thật ra thì mình là ai? Những chọn lựa nền tảng trong đời mình là gì? Những ảnh hưởng nào đã tạo nên mình cho đến hôm nay? Tôi thấy ngạc nhiên về cách chúng ta bù đắp cho những thiếu sót của mình, chúng ta bắt chước người khác đề xây dựng bản thân. Trong cuốn Đạo đức học, Spinoza khuyên chúng ta hãy nhận ra mọi nguyên nhân thúc đẩy chúng ta hành động hay phản ứng. Tự do sinh ra từ việc nhận thức được điều này trong từng khoảnh khắc.

MATTHIEU: Vấn đề hoài nghi cũng quan trọng. Vài năm trước, tôi dịch cuốn tự truyện bằng tiếng Tây Tạng của Shabkar, một hành giả sống cách đây cũng hơn hai thế kỷ. Tình cờ là trong thời gian đó người ta cũng đang xuất bản tiểu sử của nữ thánh Térèse thành Lisieux. Tờ Le Monde đã đăng một bài về hai tác phẩm này. Đại để thì họ nói rằng cuộc đời của Shabkar không thú vị lắm vì con đường của đại hành giả Tây Tạng này vô cùng quen thuộc. Ngài đi từ Vô minh đến Giác ngộ như thể ngài dạo chơi trong rừng. Hẳn là ngài cũng phải chịu đựng những thử thách thể xác, nhưng không có những “đêm đen của tâm hồn”, những hoài nghi vò xé, trong khi đó ở thánh Térèse thành Lisieux, có những lúc ngài một lòng tin tưởng, thế rồi, lúc sau lại chỉ là khoảng hư vô, Chúa Trời dường như đã biến đâu mất.

Khi xem xét sự khác biệt giữa hai hành trình, tôi thấy dường như là, đối với các tín đồ Cơ Đốc, mối tương thông với Chúa Trời quan trọng hơn hết thảy, vì họ từ bỏ mọi mối bận tâm trần tục. Cho nên tất cả đều phụ thuộc vào sự hiệp thông mãnh liệt giữa họ với Chúa Trời, cũng như sự tồn tại của Chúa Trời. Thế nhưng sự tồn tại này là một bí ẩn, muôn đời không thể tiếp cận. Ý niệm bí ẩn này thật tuyệt vời. Như thể có một ngọn núi hùng vĩ đời đời ẩn sau những đám mây nhưng truyền cảm hứng cho toàn bộ sự tồn tại chúng ta. Có những lúc ta tin tưởng sâu sắc rằng nó ở đó, ta tương thông với nó, rồi lại có những lúc lòng ta đầy hồ nghi. Do vậy mà có những cảm giác nhiệt thành, lớn lao, thần bí, theo sau lại là những đêm đen mịt mùng.

Trong đạo Phật, giác ngộ là một mục đích được định nghĩa rõ ràng, nó nằm trước mặt tôi, có chút giống như đỉnh Everest đối với kẻ muốn leo lên. Tôi không băn khoăn về sự tồn tại của thứ hùng vĩ trước mắt tôi, mà tôi tự hỏi mình có đủ sức đề lên đến đỉnh hay chăng, và tôi ra bãi biển không tốt hơn sao. Nhưng khi nghĩ kỹ thì tôi thấy rõ rằng mình khát khao leo lên ngọn núi này vì tôi biết rằng thật sự cần thoát khỏi vô minh, hận thù, đố kỵ, ngã mạn, tham lam, vậy là tôi không đắn đo nữa. Tu tập theo đạo Phật tất nhiên không được miễn những chướng ngại. Ta có thể lạc khi thiền, tưởng lầm là mình đã đạt đến những trạng thái chứng ngộ cao siêu, trở nên thối chí, rồi vào cái nhị nguyên hy vọng và sợ hãi. Nhưng rõ ràng những trở ngại này không nguy kịch bằng sự luân phiên giữa đức tin và ngờ vực như mẹ Teresa đã tả trong Tự truyện.

ALEXANDRE: Tôi đến Hàn Quốc còn là để tìm hiểu sâu hơn nữa cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Con đường không hề thư thả, dẫu rằng nó khuyên tôi có thái độ vô chấp và không tuyệt đối hóa. Nhiều lúc, các Phật tử nhẹ nhàng răn dạy tôi. “Sao anh lại tin có một Chúa Trời có nhân cách? Cái ý niệm Đấng Sáng Tạo này thật đúng là nhảm nhí”. Và khi tôi quay sang một vài tín đồ Cơ Đốc thì tình hình cũng không khá hơn họ trách tôi là đi tìm ở nơi khác: “Sao anh lại theo Thiền tông khi mà trong Phúc Âm đã nói Jesus là con đường, là lẽ thật, là sự sống?”. Nhưng may sao, có cả ngàn ví dụ về sự giao hảo. Gần đây tôi đến một thánh lễ có một nhà sư Thiền tông tham dự. Và tôi thấy thấy, như một đứa trẻ, lắng nghe lời mục sư với sự sẵn lòng vô cùng. Khi thấy đọc thánh vịnh, tôi nhận ra rằng chính trong thực hành mà chúng ta hòa hợp. Thật phi thường khi một nhà sư đã truyền cho tôi, chỉ bằng sự hiện diện, cái mong muốn mạnh mẽ được chuyên tâm hơn nữa cho một đời cầu nguyện. Thật ra, thầy tránh xa các lý thuyết, suy biện: thầy sống giữa tâm của đời sống nội tâm. Không phủ nhận những khác biệt về tầm vóc tồn tại giữa đạo Phật và đạo Cơ Đốc, tôi thấy vui vì có những cây cầu nhỏ và kinh nghiệm ta có thể sẽ chia. Không có gì tệ hại hơn là chiến tranh giữa các tôn giáo, mà suy cho cùng là kết quả của tính giáo điều và rất ít tính đạo.

Theo dòng cuộc đối thoại này, tôi nhận thấy ý niệm ân sủng, nghĩa là một tặng vật, một sự phù hộ cho không, là điều cốt lõi trong đức tin Cơ Đốc. Và chính điều này làm tôi ngoảnh mặt một chút những khi tôi không ổn. Đề phó mặc, tin tưởng trong khi quanh ta mọi thứ đều lung lay thì cần có sự táo bạo ghê gớm vượt quá sức tôi giữa lúc đau đớn giày vò. Khi đàm đạo với Matthieu, tôi dân dần hiểu rằng đạo Phật đem lại một con đường, một phương pháp để đạt tới giác ngộ, để leo lên ngọn Everest cực lạc. Và những ai muốn theo dấu chân Đức Phật được khuyến khích cầm lấy gậy hành hương, chuyển tâm, thực hành Bát Chánh Đạo để khởi sự cuộc leo núi này. Nói chung, như Matthieu đã nói, ngọn Everest ở đó và chúng ta chỉ việc leo lên thôi, dẫu rằng lộ trình vô vàn gian truân.

Khi đọc Phúc Âm, tôi tìm thấy một sự khổ tu sáng rạng dẫn đến việc xem nhẹ bản thân và phó thác hoàn toàn cho thiên ý. Nói chung, để lên đến đỉnh Evercst, vấn đề là phải phó thác cho Chúa Trời, trông cậy ở ngài hơn là ở sức mình. Tôi vẫn đùa với Matthieu là trong Cơ Đốc giáo, ta chỉ cần đi thang máy tâm linh lên hợp nhất với Chúa Trời. Nhưng cần có can đảm ghê gớm đề tin tưởng, đề bước vào thang máy và từ bỏ toàn bộ sự duy ý chí.

Điều quan trọng là tiến bước trên đường, không tuyệt đối hóa nó mà cũng không chê bai những con đường khác. Khi tiếp xúc với các tôn giáo khác, ta dễ sa vào chuyện so sánh. Về phần mình, tôi sống nhờ đạo Phật mà tôi tin là khuyến khích tôi ngày càng trở nên Cơ Đốc hơn, gần gũi với Chúa Ki Tô hơn và thực hành Phúc Âm mỗi ngày. Trí huệ của Đức Phật còn giúp gột sạch những thành kiến, những hình ảnh tôi phóng chiếu lên Chúa Trời. Thấy Eckhart cũng nói đến sự khổ tu này khi cầu nguyện với Chúa Trời: “Hỡi Chúa Trời, xin hãy giải thoát cho con khỏi Chúa Trời”. Biết bao lần tôi đã biến tôn giáo thành thứ công cụ đề tìm thấy ở đó một kiểu an ủi, một chỗ dựa, hơn là một nguồn thúc đẩy hay một động lực. Khi nghe chuyện Chúa Jesus đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền, tôi hiểu rằng có nguy cơ rất lớn là ta sẽ biến tôn giáo thành công cụ, biến nó thành chỗ mặc cả mà anh ta mua bình yên bằng đồ cúng tế.

Nếu Đức Phật dỗ dành tôi thì Chúa Ki Tô an ủi tôi bằng lòng nhân ái của ngài. Với tôi, việc tin ở Chúa Trời và theo bước Ki Tô bao hàm trước hết một đức tin, một nghệ thuật sống, một kỷ luật nội tâm, một sự khổ tu. Nhưng buộc phải ghi nhận rằng ngày nay Chúa Jesus không được coi trọng bằng Đức Phật. Có hôm, khi tôi chia sẻ một câu của đức Đạt-lai Lạt-ma trên Facecbook, tôi nhận được cả núi Like, nhưng khi tôi đăng một video giáo hoàng Francis từ trên xe bước xuống để ôm hôn một người tàn tật bên đường, post của tôi hầu như không được ai đề ý. Tôi chỉ nhận được các bình luận nhắc đến lịch sử nhức nhối của giáo hội: những cuộc thập tự chinh, tòa di giáo, vô số trường hợp ấu dâm. Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại giữa các tôn giáo đòi hỏi một điều kiện tiên quyết: phải sa thải mọi ý đồ biện giải, thực sự quan tâm nhiều hơn đến người khác và ra khỏi cái logic “tôi đúng vậy thì anh sai”.

Đức Phật nuôi dưỡng tôi trong đời sống hằng ngày, cũng như Chúa Ki Tô. Vậy thì tại sao tôi phải chọn lựa? Cũng giống như tôi có hai đứa con, hai người bạn, hay hai người cha, và người ta yêu cầu tôi từ người hay người kia. Chúng ta cần tránh thuyết tương đối của kẻ thực hiện chuyến du lịch tâm linh và nấu một kiểu lẩu nào đó với tất thảy mọi tôn giáo. Nói ngắn gọn thì tôi vui mừng vì các Phật tử giúp tôi đến gần Chúa Ki Tô. Đây là một niềm hy vọng tuyệt vời khi mà xu hướng tự nhiên khiến ta cứ chú tâm vào những nhãn dán.

MATTHIEU: Chúng ta đã đề cập đến thiên hướng, mong muốn, phương hướng, sự thích đáng. Vấn đề là, như tôi đã nói, biết những thứ này có một ý nghĩa nào đó với mỗi người hay không. Chẳng hạn, nếu người ta đề nghị tôi một việc làm mà tôi tuyệt đối không hứng thú, điều này vẫn có ý nghĩa nếu tôi cần nó để nuôi con. Sự giàu sang, quyền lực và tiếng tăm là nguồn cảm hứng với những người này nhưng lại không có gì lý thú đối với những người khác. Diogenes đã nói với Alexander Đại đế rằng: “Tôi vĩ đại hơn ngài, thưa ngài, vì tôi coi khinh nhiều thứ hơn những gì ngài chinh phục được”. Trong ý phương hướng, sự tương đẳng, còn có cái ý tìm thấy một ý nghĩa cho từng khoảnh khắc trôi qua, từng nỗ lực ta có. Thiếu ý nghĩa, đời tôi có nguy cơ trôi đi như một cuốn phim nhàm chán. Như Pierre Rabhi đã nói, đầu tiên ta ngồi trong hộp đến trường, rồi ta đến hộp đêm giải trí, rồi ta được một cái hộp tuyển dụng để gây dựng sự nghiệp, và cuối cùng là ta nằm trong một cái hộp, một cỗ quan tài.

Đối với người quán tưởng, ý nghĩa không phải là làm sinh lãi tài khoản trong nhà băng, mà là, sau nhiều năm nỗ lực tinh tấn, có thể giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si hay loạn động, những xung đột nội tâm, tán loạn.

ALEXANDRE: Theo anh thì thế nào là một người quán tưởng?

MATTHIEU: Người quán tưởng, ít nhất trong nghĩa Phật giáo, là người hiểu rằng tâm mình có thể là người bạn thân nhất, nhưng cũng có thể là kẻ thù nguy hiểm nhất, và do vậy anh ta cần chuyển hóa nó bằng thiền định. Anh ta quán tưởng bản chất nền tảng của tâm, và thực hành này có mục đích là làm thay đổi nhận thức của anh ta về người khác, về chính anh ta và thế giới. Và khi anh thay đổi nhận thức của mình về thế giới, theo một cách nào đó, anh cũng thay đối thế giới.

Thường thường, người ta bằng lòng khi tìm thấy những giải pháp nho nhỏ cho từng ngày, trong khi người quán tưởng mà tôi nói tìm cách thay đổi toàn triệt cách anh ta cảm nghiệm thế giới. Anh ta học cách để không sa vào bẫy của những thứ hành hạ và nô dịch anh ta, mà thoát khỏi nó. Anh ta đỡ yếu thế hơn, do vậy mà rảnh tay hơn nữa cho kẻ khác.

Anh ta còn tập làm quen với thành phần nền tảng của tâm, ý thức đầu tiên, luôn có mặt đằng sau biến động của ý, và ngay cả khi ý nghĩ vắng mặt, ý thức đó vẫn sáng rõ trong ngần không bao giờ biến tính bởi những cái mà tâm trí dựng nên.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  2. MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG – SỐNG THIỀN 365 NGÀY
  3. SỨC MẠNH CỦA CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  2. ĐI TÌM BẢN NGÃ
  3. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG