DÁM IM LẶNG

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư; Việt dịch:Thiên Nga; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018

MATTHIEU: Trong thiền, khoảnh khắc từ khi các ý nghĩ đi qua ngừng đến khi các ý nghĩ tiếp theo sinh khởi, có một khoảng vắng lặng bên trong, một sự vắng bặt huyên thuyên của trí, cái tươi mới của phút hiện tại. Ta có thể, một cách lý tưởng, để tâm nghỉ ngơi trong trạng thái sáng tỏ bên trong và đơn sơ này. Khi đã thiền đến mức độ tu chứng cao, ta có thể ở lại trong tĩnh lặng này giữa những lúc kẹt xe hay trong cảnh náo nhiệt ở tàu điện ngầm. Nếu không, quan trọng là trước hết tìm các hoàn cảnh thuận lợi để thiền.

ALEXANDRE: Nghỉ ngơi trong cái bình yên bao la này chính là chết cái chết cao quý để hồi sinh sống động hơn, mới mẻ hơn. Một thời gian dài tôi tin rằng chỉ có các thánh nhân hiền triết mới có quyền đó. Nhưng khổ tu có lẽ đơn giản hơn ta tưởng nhiều. Cả trăm lần mỗi ngày, tôi có thể tập chết đi một chút tôi, dẹp qua một chút thế giới của ý. Sự im lặng, như tự tính của tâm, không vấy bẩn. Ta có thể la hét, ném vào nó những lăng mạ xấu xa nhất, sẽ không có gì làm khuấy động nó được. Cũng vậy, trong sâu thẳm, vẫn còn một phần luôn ô nhiễm, mà không đòn số phận nào làm hại được. Mỗi người chúng ta, dù tổn thương thế nào, vẫn có thể dọn đi, bước vào niềm hoan hỷ này.

MATTHIEU: Bản tánh của tâm, mà ta còn gọi là “Phật tánh”, là sự vắng lặng của các cảm xúc làm khổ ta, sự vắng lặng của vọng tâm. Nó giống như khoảng không mà mây có thể che khuất nhưng vẫn không đổi. Hay như vàng bị bùn lấp kín nhưng không bao giờ làm vẩn đục được. Bản tính của tâm là trong sáng và bất biến. Vô minh có thể tạm thời che phủ, nhưng không làm nó biến tính được.

ALEXANDRE: Tôi thích hình ảnh vàng bất biến, hình ảnh bầu trời. Làm sao để ngự trong đó khi mà mọi thứ đều không ổn. Và trước hết, tìm đâu sự táo bạo để bắt đầu kiêng khem lời nói một chút? Khi đến Hàn Quốc, tôi nhanh chóng học được điều này. Khi cuối cùng tôi cũng gặp được sư phụ, thiết tha muốn thổ lộ hết với thầy mọi phiền muộn của mình, thầy đáp: “Alexandre, nói làm con mệt. Hãy giữ im lặng. Đừng cất tiếng trừ khi chuyện quan trọng.” Vậy mà tôi vừa vượt gần 10,000 cây số. Nhưng tôi nhớ bài học: cái tôi tìm cách xuất ra ngoài là cái tôi có thể tìm ra giữa lòng im lặng. Thổ lộ không giải thoát được, cần tìm thấy một an ủi thật sự ở nơi khác. Đúng vậy, các nhà thần bí dạy ta rằng hoàn thành ý muốn của Chúa Trời là đi tới bình yên, dừng làm thứ đồ chơi cho cái dao động phiền nhiễu của cảm xúc, và im lặng sẽ chữa lành. Hãy đi tới trên con đường bằng lòng và dừng mọi bình phẩm, đó có lẽ là cốt lõi của thực hành.

Truyền thống Thiền tông nói đến ba dạng im lặng: thân yên, trí ngừng, nghĩa là tắt hay ít ra cũng cho “đài FM trong óc” tạm nghỉ, và cuối cùng là tâm tịnh, cái bình yên bất biến. Mỗi ngày, có cả ngàn dịp để ta bắt tay vào những chữa trị nho nhỏ để được đắm mình trong tĩnh lặng: trong thang máy, trên giường, trên tàu…

Cầu nguyện, thiền, là bỏ dần dần nói, nghĩ liên miên. Tóm lại, hãy thực hành mỗi ngày để hé lộ cái vấy ô sự tĩnh lặng, cái cản trở ta đạt tới một niềm vui thực sự, tiến tới mà tươi tắn, tự do và đầy tình thương. Đi đến tận cùng sự tĩnh lặng còn là phát hiện trong ta phần tránh được những vết thương và vẫn lành lặn bất chấp những đòn số phận và náo động.

Tất nhiên, im lặng, dám ngậm miệng và không làm gì là thấy hiện ra những bóng ma, những ám ảnh, sợ hãi, ý nghĩ u ám… tất cả những gì chúng ta kìm nén trong sâu thẳm và nó mục ruỗng dưới cái huyên náo hàng ngày. Thực ra, vấn đề là đem lòng yêu sự im lặng và thân thiết với nó. Một buổi an cư có thể nhanh chóng biến thành màn tra tấn nếu ta đến đó vì phận sự, bị cưỡng bức. Một hôm, điện thoại di động của tôi reo lên trong giờ thiền. Thầy tôi cảnh báo: “Alexandre, nếu điện thoại còn kêu nữa, con cứ lẻn ra” Với tôi, đó là nỗi khổ tâm, buông cái thiết bị này ra thì đúng là như bị cắt cụt tay chân. Khi tôi cài điện thoại sang chế độ máy bay, chuyện này thật khủng khiếp, tôi cảm thấy lẻ loi cực kỳ, gần như bị bỏ rơi. Thầy nhận ra ngay cái rối loạn trong tôi: “Alexandre, còn những mối liên hệ khác với những thứ khác, bên trong hơn, sâu sắc hơn.” Đúng vậy, nhận ra cảnh nô lệ đã giải thoát tôi ngay lập tức. Một bước nữa thì ta đã có thể bỏ các thử nghiệm để hoan hỷ trước cuộc đời và yêu thương mà không có những cái thiếu thốn này. Dẫu vậy phần tôi thì, vừa ra khỏi buổi an cư là tôi lại chộp lấy điện thoại di động!

Trên đường, vấn đề là không bao giờ đi chệch cái cốt lõi, để sự bình yên ngập tràn trong lòng mỗi người. Kiêng khem lời nói cũng là thưởng thức niềm vui giao tiếp với người khác, tránh mọi ba hoa. Nói là một hành vi thiêng liêng, lành mạnh. Thật ra, tôi cần thường xuyên học cách lắng nghe, ngậm miệng và không nói quá độ, thái quá.

Vừa tới Seoul, tôi đã muốn thú nhận mọi lỗi lầm với thầy. Tôi cần bắt đầu lại trên những nền tảng mới, can đảm để cho quá khứ ra đi. Tôi nhớ đã ghi ra giấy những thói tật, khuyết điểm, tội lỗi của mình. Bài tập này thật giải thoát, nhưng tôi run rẩy đến nỗi tôi rất sợ đánh giá của thầy. Phản ứng của thầy hợp lẽ, ngắn gọn: “Thầy đọc hết rồi.” Bốn từ này đã cất đi một gánh nặng về cảm giác có lỗi đã kéo lê tôi từ nhiều năm. Tôi nhận ra ở đó một tiếng gọi đến tự do, dấu hiệu của một tình yêu thương bao la. Không lời lẽ dư thừa, không khiển trách, không chỉ trích. Thiền tông mở ra con đường điều độ triệt để. Phúc Âm cũng dạy tôi vất bỏ thói đạo đức giả, những chuyện ngồi lê đôi mách. “Hãy nói ‘Có’ là ‘Có’, ‘Không’ là ‘Không’, ngoài cái đó ra thì mọi thứ khác đều là ác quỷ.” Không phải cần trừ bỏ mọi sắc thái, mà cần gần sự thật hơn, tránh xa cường điệu, gièm pha, chế nhạo.

Vả chăng, tình yêu đích thực tước sạch cái ba hoa, nước bóng, nó sa thải các vai trò. Do ngu dại, lâu nay tôi đánh giá tình yêu theo số câu nói “em yêu anh” mà tôi gặt hái được. Phép tính ngu ngốc và vô ích… Giờ đây tôi cần đi vào tận cùng để thoát khỏi sùng bái và để yêu thương không cần lý do, không màu mè. Con đường của Thiền tông, Phúc Âm dẫn tôi đến đó. Kiên nhẫn vô cùng, để mình phong phú thêm nhờ im lặng, từ đó thấy rằng mọi thứ đều từ nó mà ra và tất cả đều trở về với nó, từng phút một.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÍNH XÁC THÌ NGHE MÀ KHÔNG PHÁN XÉT NGHĨA LÀ SAO?
  2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LẮNG NGHE THẬT SỰ

Bài viết khác của tác giả ALEXANDRE JOLLIEN

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả CHRISTOPHE ANDRE

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ