JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Bạn Làm Gì Với Đời Mình
Người dịch: Lê Tuyên
Nhà Xuất Bản Hồng Đức - 2017
1. So sánh làm phát sinh những lo sợ
Một trong những nhân tố khiến con người chúng ta không cảm thấy an toàn chính là so sánh. Khi bạn bị so sánh với một người nào đó về vẻ bề ngoài, về kiến thức,…, bạn liền có một cảm xúc lo âu, một cảm xúc lo sợ, một cảm xúc không an toàn. Vì vậy, như chúng ta đã thảo luận ở chương trước, các thầy cô giáo cần ngưng ngay việc so sánh học sinh này với học sinh nọ, câu nói ‘Học sinh A không thông minh bằng học sinh B’ sẽ làm thui chột lòng tự tin và gây cảm xúc lo lắng nơi học sinh A.
Bạn sẽ nghiên cứu học hỏi tốt hơn khi bạn được tự do, khi bạn được vui vẻ thoải mái, khi bạn hứng thú. Tất cả các bạn đều biết rằng khi các bạn chơi những trò chơi, khi các bạn ca hát giải trí, khi các bạn có được sức khỏe tốt thì các bạn dễ dàng nghiên cứu học hỏi và tiếp thu hơn. Nhưng một khi nỗi lo sợ của sự so sánh xuất hiện, một khi nỗi lo sợ về xếp loại xuất hiện, một khi nỗi lo sợ về những kỳ kiểm tra xuất hiện, thì các bạn không thể nghiên cứu học hỏi và tiếp thu tốt được như thế nữa…
Các thầy cô giáo chỉ quan tâm đến một điều duy nhất là bạn cần vượt qua những kỳ kiểm tra và lên lớp, và cha mẹ bạn lúc nào cũng chỉ muốn bạn ngày càng tiến lên.
2. Ganh đua
Hỏi: Tôi không muốn đua tranh, nhưng làm sao người ta có thể tồn tại mà không đua tranh trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao như thế này?
Krishnamurti: Xã hội này là xã hội hám lợi; nó tôn sùng sự thành công, và nếu bạn cũng muốn thành công, vậy thì đương nhiên là bạn phải cạnh tranh. Nhưng vấn đề thâm sâu hơn và quan trọng hơn thế nữa. Điều gì ẩn đằng sau những đua tranh đó? Chúng ta được dạy cách đua tranh trong các trường học, không đúng vậy sao? Tình trạng đua tranh trong lớp học được minh họa bằng hình thức chấm điểm, bằng hình thức so sánh những học sinh yếu kém với những học sinh thông minh, bằng việc liên tục giảng giải với học sinh rằng một học sinh nghèo vẫn có thể một ngày nào đó phấn đấu trở thành một Bộ trưởng hoặc giám đốc của một tập đoàn nào đó – chắc các bạn hiểu rõ điều này hơn tôi. Tại sao chúng ta lại nhấn mạnh quá nhiều vào việc ganh đua cạnh tranh như thế? Có gì quan trọng ẩn đằng sau những ganh đua đó? Xét về một mặt nào đó thì ganh đua có nghĩa là kỷ luật, không phải vậy sao? Bạn phải kìm chế, bạn phải hội nhập, bạn phải đặt chân mình lên đường ray, bạn phải giống như tất cả mọi người khác, bạn chỉ được quyền giỏi hơn người khác, bạn không được thất bại, vì vậy bạn tự kỷ luật chính mình để trở nên thành công. Xin hãy lắng nghe kỹ điều này. Nơi nào có sự khuyến khích ganh đua, nơi đó chắc chắn tồn tại quá trình tự kỷ luật tâm hồn theo một kiểu mẫu nào đó nhằm đạt đến thành công. Nếu bạn muốn trở thành một cái gì đó, bạn phải kìm chế, phải tự kỷ luật mình, phải ganh đua với mọi người. Chúng ta đã được nuôi dưỡng dựa trên nền tảng cơ sở là như thế, và chúng ta truyền đạt lại điều này cho thế hệ con cái của mình.
Nếu bạn muốn tìm hiểu chính bản thân mình, liệu bạn có ganh đua cùng mọi người không, liệu bạn có tự so sánh chính mình với mọi người không? Liệu bạn có tự so sánh chính mình với mọi người không? Bạn có hiểu được chính bản thân mình nhờ sự so sánh chính bản thân với mọi người khác không? Bạn có hiểu được điều gì qua việc so sánh, qua việc phán xét không? Bạn có hiểu hết được một bức tranh khi bạn so sánh nó với một bức tranh khác hay bạn chỉ có thể hiểu được bức tranh đó khi tâm hồn bạn hoàn toàn để tâm vào bức tranh đó mà không so sánh nó với bất cứ một bức tranh nào khác?
3. Ganh đua chỉ che giấu nỗi lo sợ thất bại
Bạn khuyến khích một tinh thần ganh đua nơi con trai của mình bởi vì bạn muốn con trai mình thành công ở những gì mà bạn đã thất bại; bạn muốn bù đắp hoàn thiện bản thân mình qua con trai của mình. Chỉ khi bạn không chắc chắn về chính bản thân mình, khi bạn không hiểu về chính bản thân mình, khi trong lòng bạn luôn tồn tại những lo lắng sợ hãi thì bạn mới có những ý nghĩ ganh đua như thế. Hiểu được chính bản thân mình có nghĩa là hiểu được toàn bộ một cuộc đời, và sự tự biết mình là một bước khởi đầu khôn ngoan. Nhưng nếu không tự biết mình, thì sẽ chẳng thể thấu hiểu được bất kỳ một điều gì cả; khi đó chỉ còn lại sự dốt nát.
4. Ganh đua là sự tôn sùng vẻ hào nhoáng bên ngoài
Thế nên, liệu có cần phải ganh đua để tìm hiểu được chính bản thân mình không? Tôi có cần phải ganh đua với bạn để tìm hiểu chính bản thân tôi không? Và tại sao lại có sự tôn sùng thành công như vậy? Những người không sáng tạo – những người không có được bất kỳ một điều gì nơi chính mình – là những người luôn luôn chìa tay ra, hy vọng có được một cái gì đó, hy vọng được trở thành một cái gì đó, và hầu hết mọi chúng ta từ trong sâu thẳm đều là những người nghèo túng, những người có tâm hồn nghèo xơ xác, chúng ta ganh đua để trở nên giàu có ở vẻ bề ngoài. Vẻ bên ngoài, địa vị, quyền lực, sức mạnh, đã làm hoa mắt chúng ta bởi vì đó là những gì chúng ta khao khát muốn có.
5. Chung sức hợp tác
Chung sức hợp tác chỉ xuất hiện khi bạn và tôi không là gì cả, chỉ là những con số không. Bạn hãy tìm hiểu ý nghĩa của nó, bạn hãy suy nghĩ và chiêm nghiệm về điều này. Đừng đặt ra những câu hỏi. Trạng thái hư vô nghĩa là gì? Chúng ta ngụ ý điều gì khi muốn nói như thế? Chúng ta chỉ biết đến một trạng thái luôn hoạt động của ‘cái tôi’, những hoạt động vị kỷ…
Nếu bạn muốn có được sự hợp tác chung sức nơi vợ mình, nơi con cái mình, hoặc nơi hàng xóm láng giềng của mình, vậy thì bạn phải bắt đầu như thế nào đây? Bạn hãy bắt đầu bằng tình yêu thương của mình dành cho những người đó. Dĩ nhiên là như thế!
Tình yêu thương không phải là một cái gì đó của tâm hồn; tình yêu thương cũng không phải là một ý tưởng. Tình yêu thương chỉ xuất hiện khi ‘cái tôi’ của một người biến mất.
Vậy thì, một người thực sự muốn theo đuổi và tìm hiểu sự thật về lòng chung sức hợp tác thì người đó chắc chắn cần phải kết thúc những hành vi vị kỷ của ‘cái tôi’ của mình. Khi bạn và tôi không còn vị kỷ nữa, chúng ta yêu thương nhau; bạn và tôi có tình yêu thương dành cho nhau.
Nếu bạn và tôi yêu thương nhau, tất cả mọi người yêu thương nhau, bạn có nghĩ là những bẩn thỉu dơ dáy của xã hội có thể còn tồn tại được?