QUY ƯỚC VÀ GIẢI THOÁT

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH


Chúng ta đặt ra những quy ước,
nhưng chúng ta không nên bị chúng đánh lừa,
bởi vì chìm đắm trong những thứ này sẽ dẫn tới khổ đau.
Những ai có thể vượt lên những quy ước, sẽ vượt lên sự khổ đau.

Để tâm có thể nghỉ ngơi, để tìm thấy sự bình an, chúng ta nên quán chiếu quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta – như là vấn đề sanh, lão, bệnh, tử chẳng hạn.——-⚜️⚜️⚜️——-

Sự việc trên thế gian chỉ là những quy ước do con người tạo ra. Chúng ta đặt ra chúng, rồi chúng ta dính mắc vào đó, dính mắc vào những quan niệm và ý kiến của chính mình – và không muốn buông bỏ. Sự dính mắc này không bao giờ chấm dứt, nó luân chuyển, trôi chảy mãi. Nó không có điểm dừng. Nếu chúng ta biết cái thực tại quy ước, chúng ta sẽ biết sự giải thoát. Nếu chúng ta biết rõ sự giải thoát chúng ta biết rõ cái thực tại quy ước. Đây gọi là ngộ Đạo. Đây là điểm dừng lại, điểm hoàn tất.

Tôi quan sát những người phương Tây khi họ ngồi thiền với nhau. Sau khi xả thiền, đứng dậy, đàn ông và đàn bà đôi lúc sờ đầu nhau! Khi nhìn thấy vậy, tôi nghĩ, “Nếu chúng ta mắc vào quy ước, phiền não sẽ phát sinh ngay tại đây”. Chúng ta có thể buông bỏ các quy ước, buông bỏ quan điểm của mình, chúng ta bình an.

Đôi lúc, vài đại tá, đại tướng, hay những người có chức vị quan trọng đến gặp tôi, và nói, “Xin ngài sờ đầu tôi”. Nếu họ nói như vậy, thì không có vấn đề gì với việc sờ đầu của họ. Họ thích được sờ đầu. Nhưng nếu đương không mà bạn vỗ vào đầu họ giữa công chúng, thì nó là một việc khác! Đó là vì có sự dính mắc. Cho nên tôi cảm thấy xả bỏ chính thật là đường dẫn đến sự bình an. Sờ đầu là một hành vi trái với tục lệ ở đây, nhưng sự thật thì không có gì quan trọng cả. Khi người ta chấp thuận, điều đó không hề gì, giống như việc một cái bắp cải hay một củ khoai.

Chấp nhận, xả bỏ – đây là con đường thanh lẹ. Nơi nào bạn dính mắc vào, nơi đó có sự tồn tại và sinh khởi. Hiểm họa phát sinh ngay tại đây. Đức Phật nói về các quy ước và về phương pháp tháo gỡ chúng để đạt đến sự giải thoát.

Đây là sự tự do, không dính mắc vào các quy ước. Tất cả mọi việc trên thế gian đều đã được quy ước. Chúng ta đặt ra những quy ước, nhưng chúng ta không nên bị chúng đánh lừa, bởi vì chìm đắm trong những thứ này sẽ dẫn tới khổ đau. Người nào có thể vượt lên những quy ước, vượt lên trên sự khổ đau.

Tuy nhiên, chúng là tính chất của thế giới này. Lấy thí dụ ông Boonmah, chẳng hạn. Ông từng là một thường dân, nhưng bây giờ ông được bổ nhiệm làm thị trưởng. Nó chỉ là một quy ước, nhưng nó là một quy ước mà chúng ta phải tôn trọng. Nó là một phần của thế giới loài người. Nếu bạn nghĩ, “Ồ chúng tôi là bạn mà. Lúc trước, chúng tôi cùng làm việc trong một tiệm may,” và rồi bạn đến vỗ vào đầu ông giữa công chúng, ông ấy sẽ nổi giận. Hành động đó không đúng, ông ta chắc chắn sẽ tức lắm. Cho nên, chúng ta nên tuân theo quy ước, sống trong thế gian là như thế. Biết lúc, biết nơi, và biết người.

Tại sao đi ngược lại quy ước là sai? Nó sai là do con người. Bạn nên khôn khéo, và biết sự quy ước và biết sự giải thoát. Biết thời điểm nào là cho thứ nào. Nếu chúng ta biết cách sử dụng những quy ước và luật lệ, chúng ta là người khôn. Nếu chúng ta ứng xử ở một thực tại có mức nhận thức cao hơn vào một thời điểm không thích hợp, đây là sai! Sai chỗ nào? Sai đối với những phiền não của con người. Ai cũng có phiền não. Trong tình huống này, chúng ta cư xử theo cách này, trong tình huống kia, chúng ta phải cư xử theo cách kia. Chúng ta biết phải làm gì, bởi vì chúng ta tuân theo sự quy ước. Vấn đề chỉ phát sinh khi con người dính mắc vào chúng. Nếu chúng ta cho rằng một thứ gì đó là thế nào, thì nó là vậy. Đó là bởi vì chúng ta cho nó là vậy. Nhưng nếu bạn xem xét kỹ, những thứ này không thật sự tồn tại.

Chúng ta, những người xuất gia, đã từng sống tại gia. Chúng ta tuân theo những quy ước của “người tại gia” và bây giờ, chúng ta tuân theo những quy ước của “người xuất gia”. Chúng ta những nhà sư qua sự quy ước, không phải là những nhà sư qua sự giải thoát. Một người xuất gia không có nghĩa là họ đã dứt sạch phiền não. Nếu chúng ta nắm một mớ cát và đồng ý gọi nó là muối, điều này có khiến cho nó trở thành muối không? Nó chỉ là muối trên danh tánh, không phải trên thực tế. Bạn không thể nấu ăn với nó. Nó chỉ có giá trị trong phạm vi của sự đồng ý đó, bởi vì ở đó chỉ có cát, chứ không thật sự có muối.

Ngay cả cái từ “giải thoát” này tự nó cũng chỉ là một quy ước, nhưng nó nói về các vượt lên trên sự quy ước. Một khi đã tự do, một khi đã giải thoát, chúng ta sẽ gọi nó là “sự giải thoát” theo quy ước. Nếu không có những quy ước, chúng ta không thể đối thoại, cho nên quy ước có chỗ dụng của nó.

Thí dụ, con người có tên khác nhau, nhưng họ đều là con người. Nếu chúng ta không có tên và chúng ta muốn gọi một người bạn đang đứng trong một đám đông, chúng ta phải là lên, “Ê con người! con người!” Điều này chẳng giúp được gì cả. Bạn không thể chỉ ra ai là người bạn muốn gọi, bởi vì họ đều là “người” cả. Nhưng nếu bạn gọi, “Ê John!” thì John sẽ đến. Danh tánh thỏa mãn nhu cầu này. Xuyên qua chúng, chúng ta có thể đối thoại chúng là cơ sở cho sự tương tác trong xã hội loài người.

Cho nên bạn nên biết cả hai: sự quy ước và sự giải thoát. Quy ước cần thiết, nhưng trên thực tế thì không có gì ở đó cả. Chúng chỉ là những nguyên tố, do nhân duyên mà sanh ra, phụ thuộc vào nhân duyên, tồn tại một thời gian, và rồi tự động tan biến. Không ai có thể chống lại hay điều khiển được tất cả những điều này. Nhưng không có quy ước, chúng ta sẽ không có gì để nói, không có tên, không có sự tu hành, không có việc làm. Luật lệ và quy ước được thiết lập để cho chúng ta một ngôn ngữ, để tiện việc trao đổi, và chỉ vậy thôi.

Lấy ví dụ về tiền bạc. Vào thời xưa, không có đồng xu hay giấy bạc. Người ta chỉ trao đổi với hàng hóa, nhưng những thứ này khó giữ lâu, cho nên họ chế ra tiền. Có lẽ trong tương lai, một vị vua sẽ ra lệnh bãi bỏ tiền giấy. Thay vào đó, chúng ta dùng sáp thực vật, nấu tan rồi nắng thành những cục sáp, gọi đó là tiền và sử dụng nó khắp nơi trong nước. Cũng có thể chúng ta sẽ quyết định dùng phân gà làm tiền – không có gì khác có thể là tiền, chỉ phân gà thôi! Rồi người ta sẽ đánh nhau và giết nhau chỉ vì phân gà!

Đây là các thực tại quy ước. Nhưng để một người bình thường có thể hiểu sự giải thoát là gì không phải dễ. Tiền bạc, nhà cửa, gia đình, con cái và thân quyến chỉ là những quy ước mà chúng ta đặt ra, nhưng dưới ánh sáng của Đạo, chúng thực sự không thuộc về chúng ta. Có thể khi nghe nói thế, chúng ta không được vui, nhưng thực tế là vậy đó. Những thứ này chỉ có giá trị qua sự quy ước. Nếu chúng ta quy định là nó không có giá trị, nó sẽ không có giá trị. Nếu chúng ta quy định là nó có giá trị, nó sẽ có giá trị. Sự việc là như thế đó. Chúng ta mang sự quy ước vào trong thế giới để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Ngay cả thân thể này cũng không thật sự là của chúng ta. Chúng ta chỉ cho rằng nó là thế. Nó thật sự chỉ là một sự giả định từ phía chúng ta. Bạn không thể tìm thấy nó trong một tự ngã có thực chất. Ở đó, chỉ có những nguyên tố sinh ra, tồn tại một thời gian, và rồi hủy diệt. Nó không có thực chất, nhưng chúng ta có thể sử dụng nó. Nó giống như một ly nước. Sớm muộn rồi cái ly cũng sẽ vỡ, nhưng trong khi nó còn ở đó, bạn nên sử dụng nó và chăm sóc nó kỹ càng. Nó là một công cụ cho bạn dùng. Nếu nó vỡ, bạn sẽ phiền, cho nên dầu biết rằng nó phải vỡ thôi, bạn vẫn nên cố hết sức gìn giữ nó.

Quy ước và giải thoát tương quan với nhau như thế. Dầu bạn có sử dụng các thực tại quy ước, đừng đặt niềm tin vào nơi đó như thể nó là thật. Nếu bạn dính mắc vào nó, đau khổ sẽ phát sinh. Lấy thí dụ về sự đúng và sai. Có người thấy điều sai là đúng, điều đúng là sai, nhưng cuối cùng thì ai là người thật sự biết điều gì đúng, điều gì sai? Chúng ta không biết. Con người thiết lập những quy ước khác nhau về sự đúng và sai, nhưng Đức Phật lấy sự khổ làm nguyên tắc. Về chân lý, chúng ta không thật sự biết, nhưng dựa vào sự thực tiễn và hữu ích qua hành động mà chúng ta nói rằng điều đúng là không làm hại chính mình và người khác. Quy ước như thế này có mục đích khẳng định và có thể thỏa mãn nhu cầu của chúng ta.

Nói cho cùng, thì sự quy ước và sự giải thoát cũng đều là Pháp. Cái này cao hơn cái kia, nhưng chúng đi chung với nhau. Chúng ta không cách nào có thể bảo đảm một thứ gì đó là như thế này hay là như thế kia, cho nên Đức Phật bảo chúng ta cứ để nó ở đó. Chỉ biết là chúng không chắc chắn. Dầu bạn có thích hay không thích đến bao nhiêu, bạn cũng nên biết chúng là không chắc chắn.

Bất kể là lúc nào hay ở đâu, sự tu hành hoàn tất tại một nơi không có gì cả. Đây là nơi chỉ có sự giao phó, sự rỗng không, sự trút gánh nặng xuống. Đây là dứt điểm. Không còn sự tranh cãi như trong câu đố: Cái gì đến trước, con gà hay cái trứng? Không thể giải đáp được; thiên nhiên chỉ là vậy.

Tất cả những thứ này, những thứ chúng ta vừa nói, đều chỉ là những quy ước. Chúng ta tạo ra chúng. Nếu bạn biết những thứ này với trí huệ, bạn sẽ biết sự vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Đây là cái nhìn dẫn tới sự giác ngộ.

Huấn luyện và giảng dạy những người có trình độ hiểu biết khác nhau là một việc rất khó khăn. Họ có định kiến của họ. Bạn bảo họ một điều gì đó, họ không tin bạn. Bạn nói với họ sự thật nhưng họ nói là nó không phải thật. “Tôi mới đúng, bạn sai rồi…” Những chuyện như vậy không biết đến khi nào mới chấm dứt.

Nếu bạn không xả bỏ, bạn sẽ đau khổ: Bốn người đàn ông đi vào rừng. Họ nghe tiếng gà gáy, và một trong bốn người này bâng khuâng, “Đó là tiếng gà trống hay gà mái vậy?” Ba người nói rằng đó là gà mái, nhưng người thứ tư không đồng ý. “Gà mái làm sao có thể gáy như thế được? anh ta hỏi. Ba người kia trả lời, “Thì nó cũng có miệng vậy!” Họ cứ tranh cãi mãi và giận dỗi nhau, nhưng sự thật thì mọi người đều sai. Dầu bạn nói là “gà mái” hay “gà trống,” đó chỉ là cái tên thôi. Chúng ta đặt ra những quy ước này, nói rằng gà trống là như thế này, gà mái là thế kia, gà trống kêu kiểu này, gà mái kêu kiểu kia… và chúng ta bị kẹt trong thế gian như thế đó! Hãy nhớ điều này! Chỉ cần bạn biết rằng trên thực tế, không có thứ gì thật sự là gà trống và gà mái, thì vấn đề sẽ kết thúc!

Đức Phật bảo chúng ta đừng dính mắc. Làm sao để thực tập không dính mắc? Bằng cách từ bỏ sự dính mắc. Nhưng sự không dính mắc này rất khó hiểu. Chúng ta cần có trí huệ sắc bén để khảo sát và thấu suốt điều này, để thật sự đạt đến sự không dính mắc.

Thật ra, người ta vui hay buồn, mãn nguyện hay không mãn nguyện, không phụ thuộc vào việc họ sở hữu nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào trí huệ. Chỉ xuyên qua trí huệ, xuyên qua sự nhìn thấy chân lý của sự việc, họ mới có thể vượt lên mọi khổ đau.

Cho nên Đức Phật khuyên chúng ta khảo sát, quán chiếu. Trong sự quán chiếu, chúng ta chỉ cố hiểu những vấn đề này một cách đúng đắn. Đây là sự tu hành của chúng ta. Sinh, lão, bệnh, tử là những hiện tượng tự nhiên và thông thường nhất. Đức Phật bảo chúng ta quán chiếu những thứ này, nhưng một số người vẫn không hiểu. “Có gì ở đó đâu mà quán chiếu?” họ nói. Họ sinh ra, nhưng họ không biết sự sinh; họ sẽ chết, nhưng họ không biết sự chết.

Những ai khảo sát những thứ này liên tục sẽ nhìn thấy bản chất của chúng. Khi đã nhìn thấy điều này, họ sẽ dần dần tháo gỡ những vấn đề của mình. Dầu họ vẫn còn dính mắc nhưng nếu họ có trí huệ và nhận thấy rằng sinh, lão, bệnh, tử là bản chất tự nhiên, họ sẽ bớt đau khổ. Chúng ta tu học Phật pháp cũng chỉ vì điều này – để dứt khổ.

Phật pháp cơ bản không nói nhiều đến thế. Chỉ có tiến trình sinh và diệt của sự khổ, và điều này Đức Phật gọi là chân lý. Sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, và chết là khổ. Người ta không nhìn thấy chân lý này. Nếu chúng ta biết chân lý, chúng ta biết sự khổ.

Những cuộc tranh cãi, sự kiêu hãnh về những ý kiến cá nhân này, không có kết thúc. Để tâm có thể nghỉ ngơi, để tìm thấy sự bình an, chúng ta nên quán chiếu quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta – như là vấn đề sanh, lão, bệnh, tử chẳng hạn. Chúng ta làm sao có thể tránh bị quấy rầy bởi những thứ này? Ngay bây giờ, chúng ta có thể không lo lắng lắm, nhưng chúng ta vẫn nên tiếp tục khảo sát cho đến khi chúng ta biết sự thật về chúng. Và rồi tất cả sự khổ đau của chúng ta sẽ giảm thiểu, bởi vì chúng ta sẽ không còn dính mắc nữa.

 


Trích “Suối Nguồn Tâm Linh”
Tác giả: Ajahn Chah
Dịch giả: Minh Vi
NXB: Lao Động

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIN VÀO CHÂN NGÃ
  2. ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT
  3. CHÂN LÝ CỦA NIỀM VUI

Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  2. HÃY XẢ BỎ TẤT CẢ
  3. DÒNG NƯỚC TĨNH ĐANG CHẢY, DÒNG NƯỚC CHẢY ĐANG TĨNH

Bài viết mới

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  3. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG