SỰ SỐNG LẠI

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Chúa Jésus; NXB Thiện Tri Thức.

Cha Laurence : Khi nản lòng, những phương tiện chủ yếu nào giúp chúng tôi kiên định ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Cần thường xuyên suy nghĩ và cân nhắc cái được, cái mất về việc thiền định hay không thiền định. Một mặt phải đo lường lợi ích, giá trị và hiệu quả của việc thiền định, và mặt khác những hậu quả tiêu cực của việc gạt bỏ thiền định. Khi so sánh thường xuyên hai khía cạnh ấy, người ta có thể duy trì được lòng nhiệt thành. Hành tinh của chúng ta có hơn năm tỷ con người ; đại thể có thể chia làm ba hạng người : những người là tín đồ và hành đạo tâm linh ; những người không chỉ vô tín mà còn chống tôn giáo ; và sau cùng những người không hành đạo cũng không đặc biệt phản đối tôn giáo. Họ ở trong một tình trạng lãnh đạm. Tuy nhiên cả ba loại người đó về cơ bản giống nhau : tất cả đều được thúc đẩy bởi bản năng và ước muốn tự nhiên được hạnh phúc và chiến thắng đau khổ.

Nếu người hành đạo hay tín đồ muốn so sánh mình với người khác thì không nên so sánh với những người thuộc nhóm thứ ba, mà phải so sánh mình với một đại diện của nhóm thứ hai gồm những người chống tôn giáo, không những họ còn nghĩ rằng tôn giáo vô ích và sai lầm. Các bạn hãy đối chiếu cuộc đời mình với cuộc đời của họ để xem cuộc đời nào chứng thực sự hài lòng và hạnh phúc lớn nhất. Dĩ nhiên, qua một số khía cạnh, những người làm bất cứ việc gì để đạt đến cứu cánh của họ có thể tạo ra ấn tượng họ rất thành công. Nhưng về lâu dài, phải phán đoán sự thành công của một phong cách sống bằng chất lượng cuộc sống mà một cá nhân biểu hiện và sự bình an nội tâm của người đó. Loại người thứ nhất cũng mong tìm được hạnh phúc và phương pháp của họ là tôn giáo. Ở đây, chúng ta gặp được những người hành đạo thuần thành chứ không phải những người chỉ thích nói mình tin và hành đạo mà đạo không có chút gì quan trọng trong đời họ. Nếu chúng ta so sánh hai loại người vừa kể, chúng ta phải thừa nhận không chút mơ hồ rằng cuộc đời người hành đạo chân thật biểu lộ nhiều hạnh phúc, thư thái và bình an hơn. Và cả trong xã hội nói chung, tôi tin chắc rằng người ta cũng sẽ dành cho loại người sau nhiều sự tôn kính và tín nhiệm hơn.

Khi xem xét sự việc dưới góc độ ấy, các bạn sẽ thấy hội nhập tôn giáo và một hình thức tâm linh nào đó vào cuộc đời của các bạn là một việc làm hữu ích. Các bạn hãy so sánh mình với người khác để củng cố niềm xác tín. Cũng là một điều tốt khi thỉnh thoảng đối chiếu các kinh nghiệm của mình với kinh sách. Bằng cách ấy, từ từ và từng bước một, các bạn sẽ thấy giá trị sâu sắc của cuộc sống tâm linh. Xác tín các bạn càng lớn, các bạn cảm thấy lòng nhiệt thành và sức mạnh càng cao để tiến lên phía trước.

Điều đó phải được coi là quan trọng, nhưng khổ nỗi trong thế giới thực tại, chúng ta quan sát thấy điều ngược lại. Nếu các bạn mong ước mạnh mẽ có được điều gì, nỗ lực của các bạn đương nhiên sẽ phải lớn hơn. Chúng ta hãy lấy ví dụ các nhà chính trị, quyết tâm phải được đắc cử : người ta thường có cảm tưởng họ hy sinh gần như tất cả để đạt được mục đích. Họ bắt đầu chiến dịch tranh cử, dừng lại ở tất cả địa phương. Trong suốt chiến dịch, họ già đi thấy rõ ! Thế đấy, họ cống hiến tất cả năng lực của họ. Người ta cũng thấy một sự quyết tâm như thế nơi một số nhà doanh nghiệp mà mục tiêu duy nhất của họ là kiếm được nhiều tiền và thu được nhiều lợi nhuận. Họ yêu thích tiền cuồng nhiệt đến nỗi họ sẽ hy sinh tất cả để đạt được mục đích ấy. Đối với người hành đạo tâm linh cũng phải như thế nhưng dường như người ta chưa thấy những người hành động tâm linh nhiệt tâm trong nỗ lực của mình được như vậy ! Điều tôi muốn nói là nếu các bạn càng thấy rõ mục đích mình khao khát, các bạn càng phải dấn thân mạnh mẽ để đạt mục đích và trên con đường đạo, các bạn phải có động lực mạnh mẽ hơn.

Từ lúc khởi đầu, phải tuyệt đối hiểu rằng sự phát triển tâm linh không dễ dàng chút nào ; nó cần có thời gian. Nếu lúc đầu, người ta hy vọng một sự thay đổi triệt để quá nhanh thì đó là dấu hiệu của một sự thất bại không thể  tránh khỏi ! Về tinh thần, phải chấp nhận sự tiến bộ cần có thời gian.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. DALAI LAMA NÓI VỀ GIÁO DỤC
  2. DALAI LAMA – CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM