GIỚI HẠNH – NHẪN NHỤC

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng; Dịch Việt ngữ: Liên Hoa; NXB Thiện Tri Thức

?Giới hạnh

Giới hạnh là một tâm thái kềm chế không dấn mình vào bất kỳ tình huống hay sự kiện nào tỏ ra có hại cho người khác. Sự toàn thiện của giới hạnh được thành tựu khi bạn phát triển sự xác tín tới cực điểm về việc không làm hại người khác. Ở đây giới hạnh được phân loại nói chung thành mười tiêu đề, đó là, sự kềm chế không làm mười ác hạnh. Giới hạnh giống như một trận mưa mát mẻ dập tắt ngọn lửa tham, sân và si ở trong bạn. Bạn nên thực hành giới hạnh với ý hướng không tham, không sân, và cũng có chánh kiến nữa. Sự tuân giữ giới hạnh thanh tịnh phải bị ảnh hưởng bởi sự sợ hãi những hậu quả sẽ phải đối diện nếu bạn đắm chìm trong những ác hạnh, những hậu quả xấu của chúng đã được giảng rõ. Sự tuân giữ giới hạnh giống như một viên ngọc đẹp thích hợp với mọi người, bất luận chiều cao, trọng lượng, tuổi tác và quốc tịch của họ như thế nào. Các vật trang sức có thể trông đẹp mắt với một người nhưng không đẹp với người khác, trong khi vật trang sức giới hạnh thì đẹp đối với mọi hành giả dù họ có hình dáng thể chất ra sao.

Với sự tuân giữ giới hạnh thanh tịnh bạn sẽ nhận được sự kính trọng tự nhiên trong cộng đồng nhân loại. Dưới ảnh hưởng của giới hạnh bạn sẽ xử sự với con người trong một cách thế đúng đắn và đức hạnh, và bạn sẽ được che chở không bị chìm đắm trong những ác hạnh. Trong Kinh điển có nói rằng ngay cả bụi đất nơi người có giới hạnh trong sạch bước qua cũng là một vật để tôn kính; phẩm tính của giới hạnh thì to lớn như thế. Ý hướng giữ gìn giới hạnh trong sạch của bạn đừng nên bị hạn chế bởi việc tự bảo vệ mình không làm những ác hạnh mà cũng nên là một gương mẫu cho những người khác khiến họ cũng có thể được bảo vệ đối với sự tác hại của những ác hạnh.

?Nhẫn nhục

Nhẫn nhục là một tâm thái chịu đựng khi đối diện với những tác hại do người khác gây ra. Có ba loại nhẫn nhục. Loại đầu tiên là không bị khó chịu bởi những tác hại do người khác gây ra; loại thứ hai là tự nguyện nhận lãnh đau khổ vào mình; và loại thứ ba là có thể chịu đựng những đau khổ có dính líu trong việc thực hành Pháp. Điều hết sức quan trọng là phải quán chiếu về những phẩm tính và lợi lạc to lớn của việc có đức tính nhẫn nhục. Những người không làm bất kỳ thực hành nhẫn nhục nào khi chết sẽ bị xâm chiếm bởi một cảm xúc ân hận mạnh mẽ vì những ác hạnh họ đã phạm trong đời, trong khi những người thực hành nhẫn nhục và chịu đựng những tác hại người khác gây ra sẽ không có bất kỳ ân hận nào khi chết. Cách đối trị hữu hiệu nhất đối với thái độ ruồng bỏ những người khác là thực hành sự nhẫn nhục. Nhẫn nhục cũng che chở các hành giả trước những tác hại do sân hận gây nên. Có nói rằng ngay cả một phút chốc sân hận đối với một vị Bồ Tát có thể tiêu hủy toàn bộ sự thâu thập đức hạnh bạn có được nhờ tích tập hơn một ngàn kiếp. Vì thế sự nhẫn nhục che chở bạn khỏi sự ngã lòng khi bị người khác làm hại, và nó cũng bảo vệ bạn trước những tình huống khi sự sân hận của bạn có thể hủy diệt toàn bộ đức hạnh bạn tích tập được. Nó là món trang sức được những người khác ngưỡng mộ; nó là áo giáp bảo vệ bạn trước sự sân hận của chính bạn và đối với bất kỳ tác hại nào người khác gây nên.

Hậu quả lập tức của việc bạn nổi nóng là bạn mất điềm tĩnh, tâm bạn mất sự tỉnh thức. Những người quanh bạn sẽ không vui vì sự sân hận tạo nên một bầu không khí xấu quanh bạn. Sân hận và oán ghét tiêu hủy năng lực phán đoán của bạn, và thay vì đền đáp lòng tốt của người nào thì bạn kết thúc một cách đáng thương bằng sự trả đũa. Mặc dù bạn có thể vui hưởng những tiện nghi vật chất, nếu tâm bạn tràn đầy sự sân hận và oán ghét mạnh mẽ, thì bạn sẽ không được hưởng ngay cả sự hỉ lạc nhỏ bé nhất vì bạn sẽ bị cảm xúc dày vò liên tục. Nhận thức được điều này, hãy hết sức nỗ lực thực hành nhẫn nhục và cố gắng thoát khỏi sự sân hận.

Khi có người làm hại bạn, đừng nổi giận và trả đũa lại, mà hãy nhận thức rằng người đó không kiểm soát được những cảm xúc của họ. Họ không cố ý làm điều đó nhưng bị ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực. Nguyên nhân chính khiến người ta giận dữ và làm hại bạn là vì họ chịu ảnh hưởng thường xuyên của những mê lầm. Thay vì nóng giận, bạn nên phát triển lòng nhân từ và bi mẫn. Điều hết sức đơn giản là nếu những người ấy kiểm soát được những cảm xúc của họ, thì họ sẽ chẳng làm hại bạn chút nào, bởi vì điều họ tìm kiếm chính là hạnh phúc. Họ sẽ không làm việc để chính họ bị đọa lạc do tích tập ác nghiệp đến từ việc làm hại người khác. Bởi họ không kiểm soát được cảm xúc của mình nên không có lý do gì khiến bạn phải cáu giận.

Bạn nên phân tích xem sự sân hận, oán ghét và ý định làm hại có phải là cái gì thuộc bản chất của con người hay không. Nếu sân hận là bản tánh cốt yếu của con người, như nóng là bản tánh của lửa, thì người ta không thể làm gì để chiến thắng nó, và không có vấn đề trả đũa khi bị làm hại. Trái lại, nếu sân hận không phải là bản tánh cốt yếu của chúng sinh mà chỉ là một phẩm tính ngẫu nhiên, thì cũng lại không có lý do gì phải cáu giận và trả đũa, vì cái thực sự gây nên đau khổ là khí cụ mà người ta dùng, như một cây gậy hay một dùi cui. Chúng ta nên nóng giận những khí cụ này thay vì cáu giận người ấy, nhưng thực ra chúng ta không làm thế. Cũng như chúng ta không cáu giận những vật vô tri như các dùi cui, ta nên cố gắng điềm tĩnh và đừng cáu giận tí nào. Thay vào đó, cố gắng truy tìm nguyên nhân sâu xa của sự tác hại. Bạn sẽ nhận ra là chính những hành nghiệp của riêng bạn, những ác hạnh mà bạn đã mắc phạm trong quá khứ đã khiến người ta làm hại bạn. Vì vậy, nếu bạn sắp cáu giận và trả đũa, bạn nên nhận thức như thế đối với các mê lầm và ác hạnh của riêng bạn. Không có lý do gì bạn phải cáu giận người khác. Chỉ có các mê lầm của chúng ta khiến ta đối mặt với những tình huống và đau khổ như thế.

Nếu tôi cáu giận và đáp trả một vài kinh nghiệm về đau khổ mà tôi không thể chịu đựng, tôi sẽ tích tập những ác hạnh sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trong tương lai. Thay vào đó, tôi nên cảm thấy mang ơn người đã làm hại tôi, vì họ đã cho tôi cơ hội để kiểm tra sự nhẫn nhục của chính tôi. Thay vì cáu giận và trả đũa lại, chúng ta nên cảm ơn người làm hại ta. Khi chúng ta bị đánh đập, sự đau đớn là hậu quả đồng đều của sự xúc phạm và của thân thể riêng ta. Không có thân xác, chúng ta sẽ không kinh nghiệm sự đau khổ về vật lý. Vì thế, nếu chúng ta sắp giận dữ, chúng ta cũng nên sân hận với chính thân thể của ta.

Thực hành nhẫn nhục rất cần thiết để chiến thắng sự oán hận và ganh tỵ trước sự thành công và hạnh phúc của những người khác. Chúng ta nên hoan hỉ rằng thay vì tài sản của chúng ta để làm việc cho tất cả những người khác, một vài người có thể làm việc cho phúc lợi của riêng họ. Khi nhìn sự thành công như vậy, chúng ta nên vui vẻ và sung sướng. Chúng ta phải chiến thắng cảm thức vui mừng mà ta chứng nghiệm khi nhìn thấy sự suy sụp của những kẻ thù hay đối thủ của ta, và không nên cảm thấy phẫn uất hay thất vọng về sự thành công của kẻ thù. Sự phẫn uất của chúng ta không chỉ làm hại người đó mà cũng khiến ta tích tập thêm các ác hạnh, nó sẽ gây nên sự đọa lạc của bản thân ta trong tương lai.

Trong đời sống bình thường, chúng ta thường đau khổ hơn là hạnh phúc. Điều tối quan trọng là có thể nhìn mọi kinh nghiệm về đau khổ này trong bối cảnh đẩy mạnh thêm nữa việc thực hành Pháp của chúng ta. Nếu chúng ta đã phát triển sự nhẫn nhục trong ý thức tự nguyện nhận vào mình những đau khổ, thì mặc dù có thể không đủ sức nhận đau khổ của những người khác về mặt thân xác, chúng ta sẽ không đánh mất khả năng phán đoán của mình. Ngay trong đời sống bình thường, hai người có thể đau khổ vì căn bệnh giống nhau, nhưng bởi những thái độ và cách thức nhìn sự việc của họ khác nhau, một người đau đớn nhiều hơn vì họ không được trang bị thái độ đúng đắn để đối diện với tình huống, trong khi người kia có thể đối mặt với tình huống tốt hơn và có thể tránh được nỗi thống khổ và dày vò tinh thần thêm nữa. Ta nên ghi nhớ rằng nếu tình huống không thể thay đổi được thì không có lý do gì để lo lắng về nó. Nếu tình huống có thể thay đổi thì cũng không có lý do gì để lo lắng; chúng ta chỉ nên làm việc để thay đổi nó.

Nếu không đối diện với đau khổ, chúng ta sẽ không có ước muốn thành tựu sự giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đó là một phương diện tích cực của đau khổ. Không có đau khổ làm thế nào bạn có thể có kinh nghiệm về sự từ bỏ ? Trong phạm vi này, điều quan trọng là quán chiếu về sự kiện là từ vô thủy tới nay, chúng ta đã từng trải qua vòng luân hồi của đau khổ và dày vò liên tục, không bao giờ từ bỏ những động cơ ích kỷ của ta, nỗ lực bám chấp vào cái ta quan trọng của mình, và làm việc cho những mục đích ích kỷ của ta. Bây giờ, chúng ta nên nhận thức tầm quan trọng của việc chuyển hóa thái độ đó và nỗ lực làm việc vì sự lợi lạc của những người khác. Trong tiến trình, nếu phải đối đầu với đau khổ, ta sẽ có khả năng chịu đựng nó mà không mất đi khả năng phán đoán và không thất vọng về những kinh nghiệm như thế. Không có kinh nghiệm nào mà cuối cùng không trở nên dễ dàng nhờ sự thường xuyên quen thuộc. Chịu đựng những đau khổ trong tiến trình của con đường là điều chúng ta có thể trở nên quen thuộc.

Điều hết sức quan trọng là trong quyết định của bạn phải có sự cương quyết, can đảm và khả năng đàn hồi mạnh mẽ. Khi những anh hùng nhìn thấy máu của chính mình trong chận chiến đấu, thay vì ngã lòng và mất can đảm, họ trở nên cương quyết hơn; nó như một thúc đẩy để chiến đấu mãnh liệt hơn. Đó là loại thái độ mà Bồ Tát nên theo khi gặp những tình huống trong đó họ phải chịu đựng những đau khổ. Chúng ta nên chịu đựng đau khổ của những hoàn cảnh vật chất tệ hại trong tiến trình thực hành. Chúng ta nên chịu đựng những buồn phiền gây nên bởi người khác khi họ nhục mạ ta hay nói năng chống báng ta. Chúng ta phải chịu đựng đau khổ của bệnh tật và sự già yếu của chính ta. Đừng để những thứ này áp đảo ta; ta phải có khả năng chịu đựng chúng. Chúng ta phải chuẩn bị để chịu đựng những gian khổ bao hàm trong tiến trình sống một cuộc đời mãnh liệt trong sự thực hành Pháp, hiến mình cho hạnh phúc tối thượng của tất cả chúng sinh. Ta đừng bao giờ mất đi sức mạnh của sự tinh tấn của ta và nên tiếp tục thực hành và không bao giờ oán giận hoàn cảnh. Trên nền tảng vững chắc của sự nhẫn nhục, chúng ta có thể xây dựng sự chứng ngộ về con đường trong tương lai của ta.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI PHẬT DẠY SÂU SẮC VỀ VIỆC NHẪN NHỊN TRONG CUỘC SỐNG
  2. GIỚI NGUYỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
  3. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN BẰNG TỪ BI VÀ NHẪN NHỤC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ