THIÊN ĐƯỜNG LÀ MỘT TOÀN ẢNH

MICHAEL TALBOT

Trích: Vũ Trụ Toàn Ảnh,
Michael Talbot, Phạm Văn Thiều – Nguyễn Đình Điện dịch

Thiên đường là một toàn ảnh (ảnh: internet)

Những tình cảm và ước muốn sâu xa nhất của chúng ta chính là nguyên nhân tạo ra hình dạng mà chúng ta có được trong chiều kích của kiếp sau, điều này được chứng tỏ trong trải nghiệm của nhiều người khác đã qua trải nghiệm cận tử. Những người vốn bị giam hãm trong chiếc xe lăn bỗng thấy mình ở trong một cơ thể khỏe mạnh, có thể chạy và nhảy múa. Những người cụt chân, cụt tay đều thấy có lại các chi bị mất của mình. Những người già được sống lại trong cơ thể thanh xuân và lạ lùng hơn, trẻ em lại thường thấy mình như những người lớn, một thực tế phản ánh khát khao mau chóng trở thành người lớn của mọi đứa trẻ, hoặc sâu xa hơn có thể là dấu chỉ tượng trưng cho thấy, trong tâm hồn chúng ta, một số người thực ra già hơn nhiều so với chúng ta tưởng.

Những cơ thể tựa như toàn cảnh đó có thể được mô tả khá chi tiết. Chẳng hạn, trong câu chuyện về người đàn ông trở nên ngượng ngùng vì cơ thể trần trụi của mình, quần áo mà người đó vật chất hóa cho mình được làm kỹ càng đến mức có thể nhìn thấy những đường may nổi của vật liệu. Tương tự một người đàn ông khác, khi trong trạng thái cận tử đã xem xét hai bàn tay mình và nói rằng, chúng “được tạo thành từ ánh sáng với những cấu trúc tinh vi”, và khi nhìn sát hơn, thậm chí anh ta có thể nhìn thấy “những vòng xoắn ốc tinh vi của vân tay và những ống ánh sáng đi lên các cánh tay của mình”.

Một số nghiên cứu của Whitton cũng liên quan tới vấn đề này. Thật ngạc nhiên, khi Whitton thôi miên các bệnh nhân và đưa họ hồi quy về khoảng thời gian giữa các lần đầu thai, họ đều kể lại tất cả những đặc trưng kinh điển của trải nghiệm cận tử, đi xuyên qua một đường hầm, gặp gỡ những người thân đã mất, và/hoặc “dẫn tới” lối vào một cõi giới tràn đầy ánh sáng rực rỡ, trong đó không gian và thời gian không còn tồn tại nữa, hay gặp gỡ những sinh linh ánh sáng và được xem lại cuộc đời của mình. Thực tế, theo các đối tượng nghiên cứu của Whitton, mục đích chủ yếu của việc hồi tưởng cuộc đời là để làm mới những ký ức của họ, để họ có thể lập kế hoạch một cách có ý thức hơn cho cuộc đời sắp tới của mình, một quá trình trong đó những sinh linh ánh sáng tham dự nhẹ nhàng và không ép buộc.

Cũng như Ring, sau khi nghiên cứu những lời chứng của các đối tượng, Whitton kết luận rằng những hình dạng và cấu trúc mà một người nào đó cảm nhận trong chiều kích kiếp sau là những dạng tư duy do tâm trí tạo ra. “Câu nói nổi tiếng của René Descarter, ‘Tôi tư duy do đó tôi tồn tại’, không lúc nào thích hợp hơn là trong khoảng trung gian giữa các lần đầu thai”, Whitton nói: “Không có trải nghiệm nào về tồn tại mà không có tư duy”.

Điều này đặc biệt đúng với dạng mà các bệnh nhân của Whitton đã khoác lấy trong khoảng trung gian giữa các lần đầu thai. Một số người nói rằng, thậm chí họ không có cơ thể trừ phi họ đang suy nghĩ. “Một người đàn ông mô tả nó bằng cách nói rằng, nếu anh ta ngừng suy nghĩ, anh ta chỉ là một đám mây trong một dải mây vô tận, không có sự khác biệt nào hết”, Whitton thuật lại. “Nhưng ngay khi anh ta bắt đầu suy nghĩ, anh ta lại trở thành chính mình” (điều này nhắc nhở đến trạng thái kỳ quặc của những đối tượng trong thí nghiệm thôi miên lẫn nhau của Tart, những người này phát hiện họ không có tay trừ khi họ nghĩ là chúng tồn tại. Ban đầu, các đối tượng nghiên cứu của Whitton mang những cơ thể giống như bản thân họ trong cuộc đời vừa qua. Nhưng khi trải nghiệm trong khoảng trung gian giữa các lần đầu thai vẫn tiếp tục, họ dần dần trở thành một loại composite toàn ảnh của tất cả các cuộc đời đã trải qua trong quá khứ. Bản chất composite này thậm chí còn có một tên gọi riêng tách khỏi tất cả những cái tên mà họ đã dùng những lần đầu thai trong quá khứ, mặc dù chẳng có ai trong số các đối tượng của ông có thể phát âm nó bằng giọng nói vật lý của họ.

Vậy những người trải nghiệm cận tử có dạng như thế nào nếu như họ không tạo dựng được cơ thể toàn ảnh cho chính mình? Nhiều người nói rằng, họ không hề nghĩ về dạng thức nào cả, mà đơn giản họ là “chính họ”, hay “ý thức của họ”. Những người khác có những ấn tượng đặc biệt hơn và mô tả mình như “một đám mây rực rỡ sắc màu”, “một đám sương mù”, “một mẫu hình năng lượng” hay “một trường năng lượng”, những thuật ngữ này một lần nữa lại gợi ý rằng, xét cho cùng, tất cả chúng ta chẳng qua cũng chỉ là những hiện tượng tần số, những hình mẫu của một thứ năng lượng dao động chưa biết nào đó, được cuộn lại trong một ma trận lớn hơn của miền tần số. Một số người trải nghiệm cận tử khẳng định rằng, ngoài việc được tạo thành từ các tần số màu sắc của ánh sáng, chúng ta còn được tạo thành từ các tần số âm thanh nữa. “Tôi nhận ra rằng, mỗi người và mỗi vật đều có một vùng nhạc điệu cũng như vùng màu sắc riêng”, một bà nội trợ ở Arizona, người đã chết lâm sàng trong lúc sinh con nói: “Nếu bạn có thể hình dung mình dễ dàng di chuyển giữa các tia sáng giàu màu sắc của quang phổ, và nghe các nốt nhạc của mỗi người hòa hợp với các nốt nhạc của riêng bạn khi bạn chạm vào hoặc đi ngang qua chúng, bạn sẽ có được đôi chút ý niệm về cái thế giới không nhìn thấy được đó”. Người phụ nữ này đã từng gặp nhiều người ở cõi giới sau cuộc sống đó, những người chỉ biểu hiện ra là những đám mây của màu sắc và âm thanh, bà tin rằng những nốt nhạc dịu dàng mà mỗi linh hồn phát ra chính là những gì mà người ta mô tả khi họ nói mình đã nghe thấy tiếng nhạc du dương trong chiều kích cận tử.

Cũng như Monroe, một số người trải nghiệm cận tử kể lại, trong trạng thái thoát xác, họ có khả năng nhìn thấy theo tất cả mọi hướng cùng một lúc. Sau khi băn khoăn mình trông như thế nào, một người đàn ông kể rằng anh ta bất chợt nhận ra mình đang nhìn chằm chằm về phía sau. Robert Sullivan, một nhà nghiên cứu trải nghiệm cận tử nghiệp dư ở Pennsylvania, người chuyên khảo cứu các trải nghiệm cận tử của quân nhân trong chiến đấu, đã phỏng vấn một cựu chiến binh thế chiến II vẫn tạm thời duy trì được khả năng trải nghiệm cận tử ngay cả sau khi đã trở lại thể xác vật chất của mình. “Người chiến binh đã từng trải nghiệm tầm nhìn 360 độ trong lúc bỏ chạy khỏi một ổ súng máy của quân Đức”, Sullivan nói: “Anh ta không chỉ nhìn về phía trước trong lúc bỏ chạy, mà cùng lúc có thể nhìn thấy những tay súng Đức đang nhắm bắn vào anh ta ở phía sau”.

⚛️Tri Thức Tức Thời

Một phần khác của trải nghiệm cận tử có nhiều đặc trưng toàn ảnh là việc xem lại cuộc đời đã qua. Ring gọi đặc điểm này là “hiện tượng toàn ảnh rất đặc sắc”. Grof và Joan Halifax, một nhà nhân loại học y học của Harvard và là đồng tác giả (với Grof) của cuốn sách Cuộc Gặp Gỡ Của Con Người Với Cái Chết, cũng đã bình luận về những khía cạnh toàn ảnh của việc xem lại này. Theo một số nhà nghiên cứu trải nghiệm cận tử bao gồm cả Moody, thì thậm chí nhiều người trải nghiệm cận tử đều dùng thuật ngữ “toàn ảnh” khi mô tả các trải nghiệm này.

Lý do của các mô tả đặc biệt này sẽ trở nên rõ ràng ngay khi người ta bắt đầu đọc những tường thuật về việc xem lại cuộc đời. Kết lần này đến lần khác, những người trải nghiệm cận tử đều dùng cùng các tính từ để mô tả nó, họ coi nó như sự trình diễn một cách sống động, ba chiều bao quát toàn bộ cuộc đời họ. Một người trải nghiệm cận tử nhận xét, “Cứ như thể bạn đang xem một bộ phim về chính cuộc đời mình. Không đơn giản là mỗi năm của cuộc đời, mà là mỗi thời điểm trong đó đều được tái diễn với mọi cung bậc xúc cảm đến từ chi tiết nhỏ nhất. Và tất cả chỉ diễn ra trong khoảnh khắc”. Một người khác nói, “Toàn bộ truyện này quả thật là kỳ lạ. Tôi đã ở đó. Tôi đã thực sự nhìn thấy những cảnh tái hiện này; tôi thật sự nhìn thấy quá khứ của mình, và nó lướt qua rất nhanh. Nhưng cũng đủ chậm để thấy được mọi chi tiết”.

Trong suốt ký ức tức thời và toàn cảnh này, những người trải nghiệm cận tử đã trải nghiệm lại mọi xúc cảm, những niềm vui nỗi buồn gắn với tất cả những biến cố của cuộc đời họ. Hơn thế nữa, họ còn cảm thấy mọi tình cảm của những người mà họ đã từng tiếp xúc. Họ cảm thấy niềm hạnh phúc của những người mà họ đã đối xử tử tế. Nếu đã từng phạm phải một hành động làm tổn thương ai đó, họ trở nên ý thức được một cách nhức nhối về nỗi đau mà nạn nhân của họ cảm thấy do hành động thiếu suy nghĩ của họ. Và không sự việc nào là tầm thường để được miễn thứ cả. Trong lúc sống lại một thời điểm của tuổi niên thiếu, một phụ nữ bất chợt trải nghiệm lại toàn bộ sự mất mát và bất lực mà em gái bà đã cảm thấy sau khi bị bà (lúc đó là một đứa trẻ) giật mất một món đồ chơi.

Whitton khám phá ra bằng chứng cho thấy những hành động thiếu suy nghĩ không phải là thứ duy nhất khiến con người cảm thấy hối tiếc trong lúc xem lại cuộc đời mình. Dưới tác động của thôi miên, các đối tượng nghiên cứu của ông đã kể lại rằng, những mơ ước và khát vọng không thành – những thứ mà họ kỳ vọng hoàn thành trong cuộc đời, nhưng đã không thực hiện được – cũng gây cho họ nỗi buồn dằn vặt.

Cũng vậy, ngay cả suy nghĩ cũng được ghi lại một cách trung thực, chính xác trong khi xem lại cuộc đời. Những mơ mộng, những gương mặt nhìn thoáng qua một lần nhưng được ghi nhớ trong nhiều năm, những thứ làm người ta cười, niềm vui cảm thấy khi xem một bức tranh đặc biệt, những lo lắng thuở thiếu thời và những mơ mộng hão huyền đã bị quên lãng từ lâu – tất cả đều nhẹ nhàng lướt qua tâm trí chỉ trong giây lát. Như một người trải nghiệm cận tử tóm tắt: “Những suy nghĩ của bạn không mất đi… Tất cả vẫn còn nguyên đó”.

Và như vậy, việc duyệt lại cuộc đời là toàn ảnh không chỉ trong tính ba chiều của nó, mà còn trong dung lượng lưu trữ thông tin đáng kinh ngạc mà quá trình đó biểu lộ. Nó cũng là toàn ảnh còn do nguyên nhân thứ ba nữa. Giống như chữ cái “aleph” trong Kabbala, một điểm thần bí trong không gian và thời gian chứa mọi điểm khác trong không gian và thời gian, việc xem lại cuộc đời là thời điểm chứa mọi thời điểm khác. Thậm chí, chính khả năng cảm nhận sự duyệt lại cuộc đời dường như cũng là toàn ảnh bởi vì, đó là năng lực cho phép trải nghiệm một cách khá nghịch lý những cái vừa lướt qua nhanh không tưởng tượng nổi, nhưng lại vừa đủ chậm để chứng kiến đến từng chi tiết. Như một người từng trải nghiệm cận tử diễn tả vào năm 1821, đó là khả năng “nhận thức thấu đáo đồng thời cả cái toàn thể và từng bộ phận”.

Thực tế, việc xem lại cuộc đời bộc lộ sự tương tự rõ rệt với những cảnh phán xử ở thế giới bên kia được mô tả trong kinh sách của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, từ những tôn giáo Ai Cập, đến Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo, nhưng với một sự khác biệt rất quan trọng. Tương tự các đối tượng nghiên cứu của Whitton, những người trải nghiệm cận tử thường thuật lại rằng, họ chẳng bao giờ bị phán xét bởi những sinh linh ánh sáng, chỉ cảm thấy yêu mến và chấp nhận sự có mặt của họ. Sự phán xét duy nhất là tự phán xét, xuất phát triển từ những cảm giác tội lỗi và ăn năn của chính những người trải nghiệm cận tử. Đôi khi những sinh linh ánh sáng cũng bày tỏ chính kiến, nhưng thay vì đối xử một cách độc đoán, họ hành động như những người dẫn dắt, và khuyên răn với mục đích là dạy bảo.

Việc hoàn toàn thiếu vắng sự phán xét ở tầm vũ trụ và/hoặc một hệ thống trừng phạt và ban thưởng mang tính thần thánh nào đó đã và tiếp tục là một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhiều nhất của trải nghiệm cận tử giữa các nhóm tôn giáo, nhưng nó lại là một trong những đặc điểm thường được thuật lại nhất của trải nghiệm này. Giải thích thế nào về điều đó? Moody tin rằng, nó vừa đơn giản mà cũng vừa dễ gây tranh cãi: cụ thể là chúng ta sống trong một vũ trụ nhân hậu và rộng lượng hơn nhiều so với chúng ta tưởng.

Điều này không có nghĩa là trong lúc duyệt lại cuộc đời mọi chuyện đều trót lọt. Giống như các đối tượng được Whitton thôi miên, sau khi đi vào cõi giới ánh sáng, những người trải nghiệm cận tử dường như nhập vào một trạng thái tự đánh giá cao hơn (siêu ý thức), và trở nên cực kỳ trung thực trong sự tự phản tỉnh của mình.

Cách xử sự của những sinh linh ánh sáng không có nghĩa là họ không có các phạm trù giá trị. Trong hết trải nghiệm cận tử này đến trải nghiệm cận tử khác, họ luôn nhấn mạnh hai điều. Một là tầm quan trọng của tình yêu thương. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần thông điệp này, rằng chúng ta phải học thay thế giận dữ bằng yêu thương, học yêu thương hơn nữa, học tha thứ và yêu thương mọi người vô điều kiện, và học để biết chúng ta được yêu thương. Điều này rõ ràng là tiêu chuẩn đạo đức duy nhất dẫn dắt họ. Ngay cả hoạt động tình dục cũng không còn mang vết nhơ đạo đức mà con người thường gắn cho nó nữa. Một đối tượng nghiên cứu của Whitton thuật lại rằng, sau khi sống vài kiếp người khép kín và chán nản, anh ta được thôi thúc lập kế hoạch cho cuộc đời tiếp sau sẽ là một phụ nữ lẳng lơ và ham muốn tình dục để thêm cân bằng cho sự phát triển tổng thể tâm hồn của mình. Rõ làng là trong tâm trí của những sinh linh ánh sáng, lòng trắc ẩn là cái phong vũ biểu của sự khoan dung, và mỗi khi những người trải nghiệm cận tử còn phân vân chưa rõ một hành động nào đó là đúng hay sai, thì những sinh linh ánh sáng chỉ đặt cho họ một câu hỏi duy nhất: Bạn làm việc đó có theo sự chỉ bảo của con tim không? Động cơ của nó có phải là tình yêu thương không?

Những sinh linh này khẳng định đó là lý do tại sao chúng ta có mặt trên trái đất này, để chúng ta hiểu được rằng tình yêu thương là chìa khóa cho mọi vấn đề. Họ thừa nhận đó là một trách nhiệm khó khăn, nhưng gợi ý rằng, nó cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại cả về thể xác lẫn tinh thần của chúng ta theo những cách thức mà chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu tìm hiểu. Ngay cả trẻ em khi quay trở về từ cõi giới cận tử, thông điệp này cũng đã được in đậm trong tâm trí các em. Một bé trai bị xe ôtô va phải và sau khi sống lại đã kể rằng cậu được hai người mặc áo choàng “trắng lóa” dẫn vào thế giới bên kia, và em nói thêm: “Điều em học được ở đó là, chừng nào còn sống thì tình yêu thương là điều quan trọng nhất”.

Điều thứ hai mà những sinh linh ánh sáng nhấn mạnh là tri thức. Những người trải nghiệm cận tử thường nhận xét rằng, những sinh linh ánh sáng có vẻ rất hài lòng nếu khi họ duyệt lại cuộc đời có xuất hiện những sự kiện liên quan đến tri thức hoặc giáo dục. Vài người được họ khuyên nhủ một cách cởi mở rằng, sau khi trở lại thể xác vật chất hãy tự học thêm nữa, trước hết là tự hoàn thiện bản thân, hoặc giúp đỡ người khác. Một số khác được khuyến khích với những lời như “học tập là một quá trình liên tục và thậm chí còn tiếp tục sau khi chết”, và “tri thức là một trong vài thứ ít ỏi mà bạn có thể mang theo sau khi chết”.

Sự ưu tiên của tri thức trong chiều kích sau cái chết rất rõ ràng vì lý do sau. Một số người trải nghiệm cận tử phát hiện ra rằng, trong sự hiện diện của ánh sáng, họ đột nhiên có khả năng tiếp cận một cách trực tiếp mọi tri thức. Sự tiếp cận này được thể hiện theo vài cách. Đôi khi để trả lời cho câu hỏi. Một người kể rằng, anh ta chỉ cần đặt câu hỏi, chẳng hạn là một con côn trùng sẽ như thế nào, và ngay tức khắc anh ta được trải nghiệm cuộc đời một con côn trùng. Một người trải nghiệm cận tử khác nói: “Bạn có thể nghĩ ra một câu hỏi…Và ngay lập tức biết câu trả lời. Đơn giản vậy thôi. Và đó có thể là bất cứ câu hỏi nào. Có thể là một câu hỏi thuộc chủ đề mà bạn không biết gì cả, thậm chí còn không có khả năng hiểu được nó, nhưng ánh sáng ấy sẽ cho bạn câu trả lời chính xác tức khắc và làm cho bạn hiểu được ngay câu trả lời đó”.

Một vài người trải nghiệm cận tử thuật lại rằng, thậm chí họ không cần phải hỏi để truy cập vào cái thư viện tri thức vô hạn này. Khi xem lại cuộc đời của mình, họ đột nhiên biết hết mọi thứ, mọi tri thức mà người ta cần phải biết từ khi bắt đầu thời gian cho đến lúc kết thúc. Những người khác tiếp cận với tri thức này sau khi sinh linh ánh sáng làm vài cử chỉ đặc biệt, như vẫy tay chẳng hạn. Còn những người khác nói rằng, thay vì thu những tri thức, họ ghi nhớ tất cả, nhưng sẽ quên hầu hết ngay khi quay trở lại thể xác vật chất (chứng quên dường như là một hiện tượng phổ biến của những người trải nghiệm cận tử). Trong một trường hợp, có vẻ như một khi chúng ta đã rơi vào thế giới bên kia, thì không cần phải chuyển sang một trạng thái ý thức khác mới truy cập được vào cõi giới thông tin siêu cá nhân và liên thông vô hạn mà các bệnh nhân của Grof đã trải nghiệm.

Ngoài tính chất toàn ảnh trong mọi phương diện đã được đề cập đến, quan niệm về tri thức toàn bộ này còn có một đặc tính toàn ảnh khác. Những người trải nghiệm cận tử thường nói rằng, thông tin đến với họ dưới dạng “các cuộn”, được ý thức ghi lại một cách tức thì. Nói cách khác, nó không được xâu chuỗi một cách tuyến tính như các từ trong một câu hay những khuôn hình trong một bộ phim, mà mọi sự kiện, mọi chi tiết, mọi hình ảnh và các mảng thông tin bùng nổ vào ý thức một cách tức thời. Một người trải nghiệm cận tử gọi những bùng nổ thông tin ấy là “các bó ý nghĩ”. Monroe, người đã từng trải nghiệm những bùng nổ thông tin tức thời này khi đang ở trạng thái thoát xác, đã gọi chúng là các “cuộn ý nghĩ”.

Thực tế, bất cứ ai có khả năng ngoại cảm nhất định đều quen với trải nghiệm ấy, bởi vì nhà ngoại cảm nhận được thông tin chính là ở dạng này. Chẳng hạn, đôi lúc khi tôi gặp một người lạ (và thậm chí đôi khi chỉ nghe tên một người), một cuộn ý nhỉ mang thông tin về người đó tức khắc lóe lên trong ý thức của tôi. Cuộn ý nghĩ này có thể bao gồm những sự kiện quan trọng về bản chất tâm lý và cảm xúc, sức khỏe và thậm chí cả về những cảnh trong quá khứ của người đó. Tôi nhận ra mình có thiên hướng đặc biệt để nhận được những cuộn ý nghĩ về những người đang rơi vào một loại khủng hoảng nào đó. Ví dụ, mới đây tôi gặp một phụ nữ và ngay lập tức biết rằng người đó đang dự định tự sát. Tôi cũng hiểu được một vài lý do tại sao. Như vẫn thường làm trong những tình huống như vậy, tôi bắt đầu nói chuyện với cô ấy và thận trọng lái câu chuyện về đề tài tâm lý học. Sau khi nhận ra cô gái tiếp thu chủ đề trao đổi, tôi đã dẫn dắt cô nói ra những vấn đề của mình. Tôi đã buộc cô ấy phải hứa sẽ tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia thay vì lựa chọn dại dột mà cô đang cân nhắc.

Tiếp nhận thông tin theo cách này cũng chẳng khác gì nhận được thông tin trong giấc mơ. Thực tế tất cả mọi người đều đã từng có một giấc mơ trong đó phát hiện ra mình rơi vào một tình huống và đột nhiên biết hết mọi thứ về tình huống đó mà không biết tại sao. Chẳng hạn, bạn có thể mơ thấy mình đến dự một buổi liên hoan, và ngay khi ở đó bạn biết ngay ai là người tổ chức và nhân dịp gì. Tương tự, mỗi chúng ta đều đã từng nảy ra một ý tưởng khá chi tiết, hoặc một cảm hứng đôi lúc lóe lên trong tâm trí. Nhưng những trải nghiệm như thế chỉ là một phiên bản xa xôi của cuộn ý nghĩ.

Thật thú vị là, sự bùng nổ thông tin tinh thần này thường tới dưới dạng các cuộn phi tuyến, và đôi khi nó làm tôi phải tốn ít phút để phiên dịch thành lời. Giống như những tổng thể tâm lý mà các cá nhân cảm nhận được trong các trải nghiệm siêu nhân cách, những bùng nổ thông tin tinh thần này là toàn ảnh theo nghĩa chúng là những “tổng thể” (wholes) tức thời mà tâm trí định hướng theo thời gian của chúng ta phải tức khắc đấu tranh với nó để mở ra và biến đổi chúng thành một chuỗi sắp xếp các phần một cách có trình tự.

Vậy tri thức chứa trong những cuộn ý nghĩ đó có dạng như thế nào trong trải nghiệm cận tử? Theo những người từng có trải nghiệm cận tử, mọi dạng truyền thông đều được sử dụng, âm thanh, hình ảnh tương tự toàn ảnh chuyển động và cả thần giao cách cảm nữa – một thực tế mà Ring tin nó chứng minh một lần nữa rằng, kiếp sau là “một thế giới tồn tại mà ở đó suy nghĩ là chúa tể”.

Bạn đọc thận trọng ngay lập tức có thể phân vân tự hỏi, tại sao việc tìm tòi học hỏi lại quan trọng đến thế trong cuộc sống nếu như sau khi chết, chúng ta có thể truy cập dễ dàng vào toàn bộ tri thức? Khi được hỏi câu này, những người từng trải nghiệm cận tử đã trả lời rằng họ không chắc chắn lắm, nhưng cảm thấy một cách rõ ràng rằng ở đây có điều gì đó liên quan với mục đích của cuộc đời và khả năng đạt được của mỗi cá nhân và giúp đỡ những người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHUYỂN HÓA VỀ TỊNH ĐỘ
  2. ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG VÀ CÕI TỊNH ĐỘ CỰC LẠC
  3. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH: TRẬT TỰ CUỘN LẠI VÀ CÁC THỰC TẠI MỞ RA

Bài viết khác của tác giả

  1. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH: TRẬT TỰ CUỘN LẠI VÀ CÁC THỰC TẠI MỞ RA
  2. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH – Một lý thuyết cách mạng về thực tại giải thích được

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP