JIDDU KRISHNAMURTI
“Lý tưởng, quan niệm, và “cái đang là”. Cần hiểu khổ đau: đau đớn, cô đơn, sợ hãi, ghen tỵ. Trung tâm cái tôi. Không gian và thời gian của cái trung tâm. Có thể không có một trung tâm cái tôi nhưng vẫn sống trong thế giới này ? “Chúng ta sống trong nhà tù của sự suy nghĩ của chính chúng ta.” Thấy cơ cấu của cái trung tâm. Nhìn không có trung tâm.”
***_***
KRISHNAMURTI : Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét cái gì sáng nay ?
Những câu hỏi về vấn đề thời gian và không gian.
KRISHNAMURTI : Có lẽ nếu chúng ta thảo luận vấn đề quan niệm đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ gặp gỡ vấn đề thời gian, không gian và cái trung tâm. Tôi nghĩ mọi câu hỏi khác đều bao gồm trong đó. Cái gì là quan niệm đời sống ? Quan niệm là gì ? Hình dung, tưởng tượng, tạo ra. Một thế giới quan niệm là một thế giới của những ý tưởng, những công thức, một thế giới của những lý thuyết, một thế giới của sự hình thành những ý thức hệ tưởng tượng. Trước hết, đâu là chỗ của nó trong những tương quan của chúng ta với những người khác, trong bối cảnh sống ? Cái gì là tương quan giữa thế giới quan niệm vốn được miêu tả hay giải thích ít hay nhiều bằng lời nói, cái gì là sự tương quan giữa cái đó và cuộc sống hàng ngày ? Có tương quan nào không ? Tôi đau răng ; đó là một việc rõ ràng. Và quan niệm không có đau răng là không thực. Sự kiện là, tôi có đau răng. Cái khác là một tưởng tượng, một ý niệm. Bây giờ có tương quan nào giữa cái thực, “cái đang là”, cuộc sống hiện thực hàng ngày, với công thức, với quan niệm ? Các bạn tin, ít nhất một số trong các bạn, có Atman (Ngã). Đó chỉ là một ý niệm, phải không ? Bây giờ nó không phải là một quan niệm không có thực tại nào cả sao ?
? Người hỏi : Bây giờ nó là một quan niệm, nhưng theo thời gian, chúng tôi hy vọng khám phá cái đó cho chính mình.
KRISHNAMURTI : Khi bạn giả thiết cái gì đó, bấy giờ bạn sẽ không tránh khỏi khám phá ra nó ! Về tâm lý, tiến trình là rất đơn giản.
? Người hỏi : Tôi yêu người đàn bà đẹp nhất thế giới nhưng tôi chưa từng thấy người ấy. Dù tôi không thấy, nhưng sự kiện là cô ấy đẹp.
KRISHNAMURTI : Ồ, thôi đi, thưa bạn. Chẳng giống tí nào cả. Điều này sẽ dẫn tới lộn xộn thôi. Chúng ta có những ý thức hệ, những quan niệm – lý tưởng về con người hoàn hảo, lý tưởng về cái nên là, người giải thoát cần hành động, suy nghĩ, cảm nhận, sống… như thế nào. Nhưng đấy đều là những quan niệm, phải thế không ?
? Người hỏi : Chắc chắn cái ngài gọi là “cái đang là” cũng là một quan niệm ?
KRISHNAMURTI : Thế ư ? Khi bạn đau răng, đó là một quan niệm ? Khi bạn thực sự khốn khổ vì thất nghiệp, không thức ăn, đó là một quan niệm sao ? Khi một người bạn yêu mến chết đi, bạn rất đau buồn, đó là một quan niệm sao ?
Chúng ta không muốn đối diện với những sự kiện và chúng ta xoay vòng với một số từ ngữ. Cái thực không phải là một quan niệm ; cái thực là đời sống hàng ngày của chúng ta. Cái thực là tôi đang bị khốn khổ, và đau khổ không phải là một lý thuyết, không phải là một quan niệm, nó là một tiến trình thực trong đời sống. Thế nên tôi tự hỏi – tại sao tôi có những quan niệm về đau đớn ? Có phải là một hao phí khi có những quan niệm về đau đớn. Thế nên tôi không muốn những quan niệm, tôi muốn hiểu đau đớn. Đúng chứ ?
Vấn đề bấy giờ là – đau đớn là gì ? Có đau đớn thể xác, như đau răng, đau đầu… và cũng có đau đớn ở một cấp độ khác, cấp độ tâm lý. Bây giờ tôi làm sao giải thoát khỏi cái đó ? Thoát khỏi đau đớn bên trong. Có đau đớn tâm lý theo nghĩa đau khổ. Tôi đau khổ cái gì ? Tôi đau đớn về cái gì ?
? Người hỏi : Cô đơn và sợ hãi.
KRISHNAMURTI : Đúng ! Cô đơn và sợ hãi. Và tôi muốn thoát khỏi nó, bởi vì chúng luôn luôn là một gánh nặng, chúng làm u tối sự suy nghĩ, cái nhìn, cách hành động của tôi. Thế thì, làm thế nào tôi thoát khỏi sợ hãi ? Một quan niệm có giúp tôi thoát khỏi sợ hãi không ? Đó là điều bạn đã nói trước đây, thưa bạn ; nhưng có một quan niệm về sợ hãi nó sẽ giúp tôi thoát khỏi nỗi sợ ấy không ? Bạn nói “Có”, bạn nói “nó là một tư tưởng khoa học”, “nó là một căn cứ cho thực tại”, nó là một “kết luận hợp luận lý”. Hãy lấy một thí dụ đơn giản, và giải đáp cho chính bạn. Chớ đưa vào những sự kiện khoa học, luận lý và sinh học. Có sợ hãi ; liệu một quan niệm về không sợ hãi sẽ giúp bạn thoát khỏi sợ hãi không ? Chớ lý thuyết hóa nó. Bạn có một nỗi sợ không ? Không ư ? Chớ tung rải ngôn từ vào nó. Bạn có sợ, phải không ? Liệu một quan niệm sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ ấy ? Hãy nghĩ cho ra, thưa bạn ; hãy thâm nhập nó. Chớ trở lại một lý thuyết nào đó. Có sợ hãi. Bạn sợ hãi vợ bạn ; bạn sợ hãi cái chết, sợ hãi mất việc. Có lý thuyết nào, quan niệm nào, giúp bạn thoát khỏi những nỗi sợ ấy ? Bạn có thể trốn chạy chúng. Nếu bạn sợ chết, bạn có thể trốn nỗi sợ ấy bằng cách tin có tái sanh, nhưng sợ hãi vẫn còn đó. Bạn không muốn chết, dù bạn tin vào mọi loại ngón nghề, sự kiện là cái sợ vẫn còn đó. Những quan niệm không giúp thoát khỏi sợ hãi.
? Người hỏi : Chúng dần dần giúp chúng ta giải thoát.
KRISHNAMURTI : Dần dần ? Với thời gian ấy bạn sẽ chết.
Thưa các bạn, chớ có lý thuyết hóa, trời ạ. Chính những trí óc vô dụng này lý thuyết hóa !
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Đó là điều chúng ta đang nói. Hãy đối mặt với bản thân sự kiện. Và bạn chỉ có thể đối mặt với sự kiện nếu bạn không có những lý thuyết về nó. Đúng không ? Và rõ ràng quý vị của thế hệ lớn tuổi không muốn đối mặt với sự kiện. Bạn muốn sống trong mộït thế giới của những quan niệm. Xin hãy sống ở đó, các bạn. Bây giờ chúng ta tiếp tục đi. Câu hỏi là tâm thức có thể thoát khỏi sợ hãi không ? Bây giờ cái gì là sợ hãi ? Chúng ta cảm thấy sợ hãi. (Chúng ta trở lại với câu hỏi của bạn.) (Không phải câu hỏi của bạn, thưa bạn. Bạn muốn sống trong một thế giới của những lý thuyết ; hãy sống ở đó. Tôi đang hỏi người đáng kính khác.) Bạn hỏi ai là thực thể hay cái người nói, “Tôi sợ hãi” ? Bạn ghen tỵ, vậy ai là người nói “Tôi ghen tỵ” ?
? Người hỏi : Cái ta. Có một cảm thức về cái ta.
KRISHNAMURTI : Bây giờ ai là cái ta ? Thưa bạn, chớ phân tích nó. Bạn biết phân tích là gì chứ ? Hãy thâm nhập nó, từng bước. Nó là ai ? Xin hãy suy nghĩ cho ra, và chớ trích dẫn Shankara, Phật hay X Y Z ! Khi bạn nói “Tôi sợ hãi”, “tôi” là ai ?
? Người hỏi : (Vài gợi ý không nghe được)
KRISHNAMURTI : Chớ trích dẫn. Hãy suy nghĩ cho ra, các bạn.
? Người hỏi : Không phải tư tưởng quan niệm về chính nó như là thường hằng vào khoảnh khắc nó ghen tỵ ?
KRISHNAMURTI : Bây giờ, đâu là khoảnh khắc khi tư tưởng xem chính nó là thường hằng ? Tôi ghen tỵ. Tôi ý thức tôi ghen tỵ. Bây giờ ai là thực thể ấy, tư tưởng ấy nói rằng “tôi ghen tỵ” ?
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Ồ xin lỗi, thưa bạn ! Bạn không phân tích nó ; bạn chỉ có một tuyên bố ! Hãy thâm nhập nó, thưa bạn. Bạn nói rằng vào khoảnh khắc ấy, khi tư tưởng tuyên bố “Tôi ghen tỵ”, tư tưởng ấy ngay lúc ấy nghĩ rằng nó thường hằng. Đúng không ? Bây giờ, tại sao tư tưởng ấy nghĩ là nó thường hằng ? Không phải tư tưởng đã nhận biết một cảm nhận tương tự mà nó đã có trước kia ? Hãy đi từ từ, từng bước. Tôi ghen tỵ. Rồi tôi biết rằng tôi đang ghen tỵ, bây giờ tôi hỏi – “Ai là thực thể biết điều đó ? Và làm thế nào thực thể ấy hay tư tưởng ấy biết rằng nó là ‘ghen tỵ’ ?” Tư tưởng ấy biết rằng nó là ghen tỵ bởi vì nó cảm thấy sự ghen tỵ. Trí nhớ về sự ghen tỵ trước kia xảy đến và người cảm thấy nó nói, “Đây rồi, nó lại có đây rồi.” Đúng chứ ? Đây là sự ghen tỵ tôi đã có trước kia. Nếu khác đi bạn sẽ nghĩ về nó hoàn toàn khác. Bởi vì tư tưởng có thể nhận biết sự cảm nhận, nó mới có thể gọi nó là “ghen tỵ”. Nó đã kinh nghiệm cùng một cảm nhận trước kia… Các bạn, tôi biết rất phức tạp nên chúng ta phải đi từ từ từng bước. Chúng ta nói – trước hết có ghen tỵ ; người ta trở nên ý thức về ghen tỵ ấy, rồi tư tưởng nói, “Tôi đã có cảm nhận này lúc trước.” Nếu khác đi, bạn sẽ không thể nhận biết cảm nhận được bạn gọi là “ghen tỵ” này. Sự thường hằng, tương tục được cho vào cái kinh nghiệm người ta đã có trước kia qua nhận biết cái đang xảy ra bây giờ. Như vậy tư tưởng có sự tương tục bởi vì tư tưởng là sự đáp ứng của trí nhớ. Đúng không ? Tư tưởng ấy là kết quả của trí nhớ hôm qua và nói, “Nó lại có đây ; nó là ghen tỵ.” Do gọi nó là ghen tỵ và nhận biết nó, tư tưởng cho nó có sức sống lớn hơn. Tư tưởng là sự đáp trả của mớ trí nhớ gồm truyền thống, kiến thức, kinh nghiệm… và tư tưởng ấy nhận biết cảm nhận nó đang có bây giờ là “ghen tỵ”. Thế thì tư tưởng là trung tâm, hay trí nhớ là trung tâm ! Đúng chứ (Nghỉ) Các bạn, trung tâm của các bạn nói, “Đây là nhà của tôi, tôi sống ở đó, nó chính thức thuộc về tôi” và vân vân. Bạn có một số trí nhớ, những kỷ niệm vui và buồn. Toàn thể mớ ấy là trung tâm, phải không ? Cái trung tâm là bạo lực, vô minh, tham vọng và khao khát – nó có đau đớn, thất vọng và vân vân. Trung tâm ấy tạo ra không gian quanh chính nó. Phải không ? Không ư ? (Ngắt một quãng) (Hãy đi từ từ, các bạn… Một khoảng hở ?… A, vị kia muốn tôi lập lại điều tôi đã nói. Xin lỗi, thưa bạn, tôi không thể lập lại nó, tôi không thể nhớ điều tôi đã nói.)
Chúng ta sẽ nêu nó lên một cách khác. Có một cái mi-crô-phôn này. Xung quanh nó có không gian. Đó là cái trung tâm, và nó có không gian quanh nó, và nó hiện hữu trong không gian ; như căn phòng này có không gian bên trong nó. Nhưng phòng này cũng có không gian ngoài nó. Thế thì trung tâm có một không gian nhỏ trong nó và cũng có không gian ngoài nó. Ở đây có cái trung tâm, và trung tâm là một mớ những trí nhớ. Trung tâm là một mớ trí nhớ, một mớ truyền thống, và trung tâm đã được có ra bởi căng thẳng, bởi áp lực, bởi ảnh hưởng. Cái trung tâm là kết quả của thời gian, nằm trong một môi trường văn hóa. Bây giờ trung tâm đó, bởi vì nó là một trung tâm, hiển nhiên phải có không gian bên ngoài nó. Và bởi vì sự chuyển động, nó có không gian trong bản thân nó. Nếu nó không có chuyển động, nó không có không gian. Thế nên có không gian, ngoài trung tâm và trong trung tâm. Và trung tâm luôn luôn tìm không gian rộng hơn để chuyển động rộng hơn. Nói cách khác, trung tâm là ý thức. Đó là cái trung tâm có những biên giới được nhận biết là cái tôi. Bao giờ còn có một trung tâm, phải có một chu vi. Và nó nỗ lực mở rộng lãnh địa của chu vi, bằng ma túy, bằng thiền định, bằng những hình thức ý chí khác nhau… Nó cố gắng mở rộng không gian mà nó biết như là ý thức, làm cho nó lớn hơn, lớn hơn mãi. Nhưng, bao giờ nó là một trung tâm thì không gian của nó bị giới hạn. Đúng không ? Thế nên, bao giờ có một trung tâm, không gian luôn luôn bị rào ngăn – như một người tù sống trong nhà tù. Anh ta có tự do đi dạo trong sân nhưng luôn luôn là một người tù. Anh ta có thể có sân rộng hơn, có buyn đinh tốt hơn, nhiều phòng tiện nghi hơn, nhưng vẫn nằm trong giới hạn. Bao giờ có một trung tâm, phải có giới hạn của không gian, và bởi thế trung tâm không bao giờ tự do ! Giống như một người tù nói “Tôi tự do”, trong bốn bức tường giam. Nhiều người hiểu một cách vô thức rằng không thể có cái gì là tự do trong trường của ý thức, với một trung tâm, và do đó họ hỏi có thể mở rộng ý thức, trải rộng ý thức – bằng văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, bằng chất kích thích, bằng nhiều tiến trình. Nhưng bao giờ có một trung tâm, người quan sát, người tư tưởng, người trông chừng, thì bất cứ điều gì nó làm đều ở trong bức vách tù ngục. Bởi vì có khoảng chách giữa vành đai và trung tâm, thời gian bèn thâm nhập, bởi vì anh ta muốn vượt khỏi nó, thăng hoa nó, đẩy nó càng xa. Thưa bạn, chúng ta không liên can đến những lý thuyết, nhưng nếu bạn thực sự làm điều này bên trong bạn, bạn sẽ thấy cái đẹp của điều này.
? Người hỏi : Xin ngài đi vào khuynh hướng mở rộng này.
KRISHNAMURTI : Tôi cảm thấy, sống ở Madras trong một căn nhà nhỏ, thì không có không gian ở đó. Với gia đình tôi, những lo toan của tôi, sở làm của tôi, những truyền thống của tôi – chúng quá vụn vặt, và tôi muốn phá xuyên qua. Lại có ham muốn mở rộng. Thế nên, mọi sự đòi hỏi sự mở rộng – thương mại, côn trùng, thú vật và con người, chúng đều phải có không gian. Không chỉ bên ngoài, mà bên trong nữa. Và cái trung tâm nói, “Tôi có thể mở rộng bằng việc dùng một chất ma túy.” Nhưng bạn không phải dùng một chất gì để có một kinh nghiệm về loại mở rộng này. Tôi không phải uống rượu để biết nghiện rượu là gì ! Tôi biết nghiện rượu là gì, tôi thấy nó ! Tôi không phải uống !
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Nếu bạn đi vào chậm chậm, bạn sẽ hiểu nó. Trung tâm, tù nhân của chính sự giới hạn của nó, muốn mở rộng, triển nở. Nó tìm kiếm sự mở rộng bằng đồng hóa – với Thượng Đế, với một ý tưởng, lý tưởng, công thức, quan niệm. Xin hãy theo dõi. Và nó nghĩ nó có thể sống khác, ở một cấp độ khác, dù nó đang sống trong một nhà tù đáng thương. Thế nên những quan niệm trở nên cực kỳ quan trọng cho người tù, bởi vì nó biết nó không thể trốn thoát. Và cái trung tâm là tư tưởng, bấy giờ tư tưởng cố gắng triển nở bằng cách đồng hóa với cái gì đó – quốc gia, gia đình, đoàn thể, văn hóa – bạn biết đó, triển nở, triển nở. Nhưng nếu nó vẫn sống trong nhà tù ! Bao giờ có trung tâm thì không có tự do, đúng chứ ? (Chớ chấp nhận, thưa bạn. Với bạn mọi cái đều chỉ là một lý thuyết, và một lý thuyết thì cũng tốt như lý thuyết khác.) Thế thì, hãy nhìn nó làm gì ! Nó sáng chế ra thời gian như một phương cách để trốn thoát. Nó sẽ dần dần trốn thoát nhà tù này. Tôi sẽ thực hành, tôi sẽ thiền định, tôi sẽ làm điều này không làm điều kia. Dần dần, ngày mai, ngày mai, đời tới, tương lai. Nó không chỉ tạo ra không gian giới hạn, mà còn tạo ra thời gian ! Và nó trở nên một người nô lệ cho không gian và thời gian của chính nó. A ! Bạn thấy điều này chứ ?
? Người hỏi : Chúng ta ở đâu, sau những thảo luận và nói chuyện này ?
KRISHNAMURTI : Tôi e rằng tôi không thể nói cho bạn. Nếu bạn hiểu cái đang được nói và sống nó, bấy giờ bạn sẽ ở trong một thế giới hoàn toàn khác. Nhưng nếu bạn không sống nó, hàng ngày, bấy giờ bạn sẽ sống chỉ như bạn đang là. Thế thôi.
Thế nên trước hết vấn đề là bao giờ có một trung tâm, và chúng ta biết “trung tâm” nghĩa là gì, thì phải có thời gian và không gian giới hạn. Đó là một sự kiện, như bạn có thể quan sát nó trong đời sống hàng ngày của bạn. Bạn bị ràng buộc với căn nhà, gia đình, vợ bạn, và rồi với cộng đồng, xã hội và với văn hóa vân vân và vân vân. Thế nên toàn bộ cái này là trung tâm, nó tạo ra một biên giới, nó là ý thức, nó luôn luôn bị giới hạn. Và nó cố gắng mở rộng biên giới, làm rộng thêm những bức tường, nhưng toàn bộ vẫn ở trong nhà tù. Thế nên đó là cái trước nhất, đó là cái đang xảy ra hiện thực trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Rồi câu hỏi khởi lên, có thể nào không có một trung tâm và sống trong thế giới ? Đó là vấn đề đích thật. Có thể không có một trung tâm mà vẫn sống trọn vẹn tròn đầy, trong thế giới này ? Bạn nói gì ?
? Người hỏi : Người ta có thể chỉ là một điểm.
KRISHNAMURTI : Nhưng một điểm vẫn là một trung tâm ! Không, thưa bà, chớ trả lời câu hỏi này. Nếu bà trả lời ngay thì có nghĩa bà chưa đi vào nó.
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Thế đấy. Tôi biết bạn đã nói điều đó ; nhưng bạn còn ở trong chu vi. Chúng ta giống như những người ở trong nhà tù. Chúng ta sống trong nhà tù của sự suy nghĩ của chính chúng ta. Với sự khốn khổ của chúng ta, văn hóa của chúng ta, ta nói “Tôi là một Bà la môn, một người không phải Bà la môn, tôi ghét điều này, tôi thích điều này và tôi không thích điều kia, tôi thích cái này và không cái kia”, và vân vân. Chúng ta sống trong nhà tù này, tôi có thể mở rộng nó một chút nhưng nó vẫn là một nhà tù. Thế nên câu hỏi này khởi lên (xin chớ trả lời, bởi vì đây là một câu hỏi rất nền tảng, bạn không thể trả lời nó một cách trôi chảy mau mắn bằng vài lời) bạn phải tìm ra trong đời sống, trong sự sống hàng ngày. Thế nên chúng ta đang hỏi : “Có thể sống trong thế giới này, làm đầy đủ công việc, làm mọi sự với sức sống mãnh liệt, mà không có một trung tâm, mà vẫn biết cái trung tâm là gì, và biết rằng để sống trong thế giới này bạn cần trí nhớ ?” Bạn thấy điều này chứ ? Bạn cần trí nhớ để làm những chuyện hàng ngày, nhưng giải thoát khỏi trí nhớ tạo ra cái trung tâm. Thấy khó ư ?… Thế thì bạn sẽ làm gì ? (Ngưng một lúc) Thưa bạn, xin chớ trả lời, bạn đang trở lại với những lý thuyết. Và lý thuyết có làm được gì ?
Bây giờ, có chăng một phương pháp thoát khỏi cái trung tâm ? Bạn theo dõi chứ ? Một phương pháp ? Có không ? Phương pháp thuộc về thời gian, hiển nhiên, và bởi thế một phương pháp thì không tốt, dù đó là phương pháp của ai. Thời gian không có giá trị, tuy nhiên nếu bạn không thoát khỏi trung tâm ấy bạn không tự do. Thế nên bạn luôn luôn khổ đau. Thế thì một người nói, “Có một chấm dứt cho phiền não ?”, y phải tìm sự trả lời cho điều này – không trong một cuốn sách, không trong lý thuyết nào. Người ta phải tìm, thấy nó. Đúng không ? Thế nên không có phương pháp, không hệ thống, không lãnh đạo, không guru, không bậc cứu độ – tất cả đều đưa thời gian vào – bấy giờ cái gì sẽ xảy ra, bạn sẽ làm gì ? Đã đến điểm này, cái gì xảy ra cho tâm thức bạn ? Cái gì xảy ra cho tâm thức bạn đã truy cứu điều này, rất cẩn thận, không nhảy vào những kết luận, không những lý thuyết, không nói nó kỳ diệu ; nhưng khi đã làm điều này, thực sự, từng bước, đi đến điểm này, đặt câu hỏi này, cái gì đã xảy ra cho một tâm thức như vậy ?
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Ồ không, thưa bạn. Cái gì đã xảy ra cho tâm thức bạn, nếu bạn đã làm điều này ? Không, không. Có cái gì đã xảy ra cho nó. Không, bạn chỉ chờ đợi. Chớ chờ đợi. Đây không phải là một trò chơi chờ đợi. Tâm thức bạn đã trở nên linh hoạt cao độ, phải không ? Bởi vì phân tích rất cẩn thận, không hề sót một điểm nào, một cách có lý luận, từng bước một, bạn phải vận hành kỷ luật. Thế nên tâm thức trở nên nhạy cảm phi thường, phải không ? Tâm thức, khi quan sát cái đang xảy ra, cái nó đã làm, sự việc xây dựng lên cái trung tâm, chỉ bằng quan sát, tâm thức đã trở nên cảnh giác phi thường. Đúng chứ ? Bạn không làm gì để cho nó cảnh giác, mà chỉ xem sự chuyển động của tư tưởng, từng bước một, nó đã trở nên trong sáng phi thường. Thế thì, trong sự trong sáng ấy, nó đặt câu hỏi, “Làm thế nào trung tâm biến mất ?” Khi nó đã đặt câu hỏi này nó thấy toàn bộ cơ cấu của cái trung tâm. Thấy, thực sự thấy bằng mắt, như tôi thấy cái cây kia, tôi cũng thấy cái này.
? Người hỏi : Cái gì là thực thể thấy hành động ?
KRISHNAMURTI : Thưa bạn, tôi nói tâm thức… Bạn trở lại cái gì đó, tôi rất xin lỗi nhưng chúng ta không thể trở lại. Không tốt khi trở lại cái gì bạn chưa thực sự sống khi chúng ta đang đi, bạn không linh hoạt nhưng bạn nghĩ mình linh hoạt khi đặt một câu hỏi như “Ai là thực thể đang thấy ?” Nhưng bạn đã không thực sự hiểu, quan sát, cái trung tâm được tạo thành như thế nào – bằng trí nhớ, bằng truyền thống, văn hóa và mọi thứ như vậy. Cái trung tâm được thành lập bằng những áp lực kinh tế và vân vân. Trung tâm tạo ra không gian, ý thức và nỗ lực bành trướng. Trung tâm đó nói với chính nó (không ai khác hỏi cả), “Tôi hiểu tôi đang sống trong một nhà tù, và rõ ràng để thoát khỏi đau đớn, buồn phiền, phải không có trung tâm.” Nó thấy điều này. Chính trung tâm thấy nó – không có ai khác bên trên hay bên dưới nói cho trung tâm. Thế nên trung tâm nói, thấy chính nó, “Tôi có thể không hiện hữu chăng ?” (Nghỉ một lúc lâu) Điều đó nghĩa là chúng ta phải trở lại câu hỏi về thấy. Trừ phi bạn hiểu điều đó, còn không bạn không thể đến đó.
? Người hỏi : (Nêu ý kiến không nghe được)
KRISHNAMURTI : Ồ, không, không, không. Thấy, không có tính cách xúc động, tình cảm, thích và không thích. Cũng không phải là bạn thấy cái gì đó mà không có cảm nhận.
? Người hỏi : (Không nghe được)
KRISHNAMURTI : Ồ, không, không. “Bạn thấy đời sống rộng lớn hơn ?” – cái gì là “đời sống rộng lớn hơn ?” Bạn thấy bạn muốn bóp méo mọi sự thành một cái khác như thế nào ! Bạn không thể nhìn vào cái gì một cách trực tiếp, đơn giản, chân thật. Thế nên, trừ phi bạn như thế, chúng ta có thể ngồi đây và bàn luận đến ngày tận thế. Thấy là gì, nó là thế này, nó là thế kia chăng ? Nhưng nếu bạn thực sự thấy cái cây, không có không gian và thời gian, và bởi thế không có trung tâm, bấy giờ, khi không có trung tâm và bạn nhìn cái cây, khi ấy có không gian bao la, không gian vô lượng. Nhưng trước hết, người ta phải học, hay xem, hay nghe sự việc nhìn như thế nào. Nhưng bạn không chịu làm nó. Bạn vẫn không bắt đầu sự vật rất phức tạp gọi là đời sống, vốn rất giản dị. Sự giản dị của bạn là khoác một cái khố và đi hạng ba và làm cái gọi là thiền định, hay làm bất cứ điều gì. Nhưng đó không phải là giản dị. Giản dị là nhìn những sự vật như chúng là – nhìn. Nhìn cái cây, không có trung tâm.
MADRAS
9 tháng Giêng 1968