ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG VÀ CÕI TỊNH ĐỘ CỰC LẠC

TULKU THONDUP

Trích: Chết An Bình Tái Sinh Hỷ Lạc, Tulku Thondup, Gs. Nguyễn Văn Nghệ dịch, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Năm 2016

Tâm đầy niềm tin nơi Đức Phật Vô Lượng Quang 
Chắc chắn sẽ tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc cao cả của Ngài.
Tâm tỉnh giác với những phẩm chất Phật 
Hợp nhất với cõi Tịnh độ Cực lạc bất kì cõi đó ở đâu.

Đức Phật Vô Lượng Quang (nguồn: Internet)

Vũ trụ học Phật giáo bao gồm một số lớn vô cùng những hệ thống thế giới ở xa hơn trái đất của chúng ta. Bên ngoài thế giới trần tục, sáu cõi luân hồi, còn có vô số cõi tịnh độ trải dài theo mười phương của vũ trụ (tám phương của la bàn, phương trên và phương dưới). Những thiên đường thanh tịnh này là nơi cư ngụ của những chúng sinh bậc cao gồm chư Phật thiêng liêng và chư Đại Bồ Tát.

Trong số vô vàn cõi tịnh độ, có một số cõi đặc biệt quan trọng gồm có những cõi của Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), Đà La (Tara), Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Di Lặc (Maitriya), và Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava). Nổi tiếng nhất là Sukhavati, cõi Tịnh độ Cực lạc nằm về hướng Tây, ở phía bên kia của nhiều vũ trụ. Thế giới lý tưởng này là trú xứ của Đức Phật Vô Lượng Quang. Ngài điều khiển vô số những hành giả đi tìm giác ngộ, những người tu khổ hạnh và nhiều đệ tử khác. Bởi vì ánh sáng của thân Ngài tràn ngập khắp mọi cõi tịnh độ khác và không gặp chướng ngại, nên danh hiệu của Ngài trong tiếng Phạn là A Di Đà (Amitabha) có nghĩa là Vô Lượng Quang.

A Di Đà (Amitabha) là tâm điểm của một truyền thống tín ngưỡng gọi là Phật giáo Tịnh Độ Tông, rất phổ biến ở Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Ở Tây Tạng, cõi Tịnh độ Cực lạc là một đối tượng cầu nguyện và thiền định được ưa chuộng, đặc biệt là trong các nghi lễ dành cho người chết. Trong các Kinh, Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni xác quyết với các tín đồ rằng đây là cõi tịnh độ dễ tái sinh vào nhất để tiến đến giác ngộ. Bất kỳ ai tái sinh trong cõi Tịnh độ Cực lạc cũng sẽ được giác ngộ hoàn toàn, tối thiểu cũng được một đời, nhờ ở những phẩm tính của cõi tịnh độ này, những ơn phước của Đức Phật Vô Lượng Quang và những công đức của họ.

☀️ Nguồn Gốc Của Truyền Thống Tịnh Độ

Truyền thống các cõi tịnh độ Phật bắt nguồn từ nhiều Kinh điển Phật giáo. Các Kinh (giáo lý thông thường) và các bài chú (giáo lý Mật tông) đều có đề cập đến danh hiệu và miêu tả nhiều cõi tịnh độ, nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chú trọng nhiều nhất việc miêu tả cõi Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật A Di Đà với những chi tiết sinh động và đẹp đẽ.

Hai bộ Kinh Đại thừa có tầm quan trọng đặc biệt là Đại Kinh A Di Đà và Tiểu Kinh A Di Đà. Những giáo lý này là những bài giảng của Đức Phật cho những đệ tử thân cận. Ngài giảng Đại Kinh A Di Đà trên đỉnh núi Linh Thứu (Gridhakuta) gần thành phố Rajagriha (Ngày nay là thành phố Rajgir, tiểu bang Bihar, Ấn Độ) cho A-Nan-Đà (Phạn: Ananda) và A-Thị-Đa (Phạn: Ajita) và một hội chúng khổng lồ các đệ tử khác. Ngài giảng bộ Tiểu Kinh A Di Đà ở vườn Cấp Cô Độc (ở Shravasti, tiểu bang Uttar Pradech, Ấn Độ ngày nay) cho Ngài Xá Lợi Phất và một hội chúng đệ tử khác. Hai bộ Kinh này đã xuất hiện trong nhiều bản dịch, bao gồm tiếng Trung Hoa (từ thế kỷ thứ III sau Công nguyên), tiếng Triều Tiên và tiếng Nhật (từ thế kỷ thứ VII). Nhà đại dịch thuật Tây Tạng Yeshe De đã chuyển những bộ Kinh này từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng từ thế kỷ thứ IX. Chương này dựa phần lớn vào bản dịch tiếng Tây Tạng của hai bộ Kinh trên cùng một số bài văn và luận khác.

☀️ Ba Sắc Thái Của Cõi Tịnh Độ

Như chúng ta đã nhận định trước đây, Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài như được miêu tả trong sách này thuộc về “sắc tướng thị hiện”, một trong ba sắc thái hay ba thân của Phật tính.

– Thân thứ nhất là thân tối hậu (pháp thân), vốn là thân vô tướng, bản chất tinh túy của Phật tính, đồng nhất với chính thực tại. Nó là một trạng thái tuyệt đối của tính Không và tính khoáng đạt toàn diện, không có chiều kích, đặc điểm hay giới hạn.

– Thân thứ hai là thân thọ dụng (báo thân), vốn là trạng thái bất nhị và nhất như. Đây là cõi tịnh độ của sắc thân, thanh tịnh và không tách rời khỏi tính trí tuệ Phật . Nó lan tỏa khắp nơi, vĩnh cửu, bất biến và luôn đầy hỷ lạc. Chỉ những ai đã giác ngộ mới nhìn thấy được những cõi tịnh độ tối hậu và hỷ lạc.

– Sắc thái thứ ba của Phật tính là “Thân thị hiện” (hóa thân). Đây là cái thân vật lý, trong đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật khác đã thị hiện trong thế giới loài người của chúng ta. Cõi tịnh độ thể hiện là hình thái tương đối mà chúng sinh bình thường và trần tục như chúng ta có thể nhận biết được nếu chúng ta đã tích lũy được nhiều hành động thiện lành. Nếu chúng ta được tái sinh vào một trong những cõi tịnh độ thị hiện an lạc, chúng ta sẽ tiến lên trong nỗ lực chứng đạt tâm linh của chúng ta và đạt đến cõi tịnh độ tuyệt đối.

Như tôi đã có lần nhấn mạnh, những nhận thức và trải nghiệm của chúng ta ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, nhất là ở thời điểm chết, là kết quả của những thói quen tinh thần mà chúng ta đã tạo ra và đã ăn sâu vào dòng tâm thức của chúng ta trong quá khứ. Nếu tâm của chúng ta bị kích động mạnh và trở nên sân hận, thù ghét và những nhận thức tiêu cực thì những hiện tướng, những trải nghiệm của đời sống này và nhất là của những đời sống tương lai của chúng ta sẽ hiện ra với chúng ta trong sắc tướng của cõi địa ngục. Nếu tâm chúng ta luôn bận rộn với những ý nghĩ và hành động an bình, hỷ lạc, quan tâm đến những người khác và nếu chúng ta đã có những nhận thức tích cực chẳng hạn như những cảm nhận của cõi Tịnh độ Cực lạc thì thế giới chúng ta tái sinh vào sẽ là một thế giới tích cực đầy an lạc như cõi Tịnh độ Cực lạc.

Trọng tâm của những việc rèn luyện được miêu tả trong cuốn sách này là để được tái sinh vào thân thị hiện của cõi Tịnh độ Cực lạc. Tái sinh vào đó sẽ dễ dàng hơn vào bất kỳ một cõi tịnh độ nào khác vì những lời nguyện đầy uy lực của Đức Phật Vô Lượng Quang sẽ đưa mọi chúng sinh đến cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài và sẽ giúp họ đạt được giác ngộ.

☀️ Uy Lực Những Lời Nguyện Của Đức Phật

Bộ Đại Kinh A Di Đà kể lại câu chuyện cõi Tịnh độ Cực lạc đã được hình thành như thế nào. Cách đây vô số kỷ nguyên, một vị tăng tên là Dharmakara – người mà theo định nghiệp sẽ trở thành Đức Phật A Di Đà – đã phát bồ đề tâm (Phạn: Bodhichitta) và lập một lời nguyện trước mặt vị thầy của Ngài là Lokeshvara rằng Ngài sẽ phục vụ mọi chúng sinh. Vào lúc đó, Ngài Dharmakara cũng ra nhiều lời nguyện đặc biệt để tạo ra cõi tịnh độ độc nhất vô nhị của mình với một số phẩm tính khác thường. Khi Ngài đạt được quả vị Phật , những lời nguyện của Ngài dẫn đến kết quả là sự hình thành cõi Tịnh độ Cực lạc.

Theo bản dịch tiếng Tây Tạng của Đại Kinh A Di Đà , Dharmakara đã lập 48 lời nguyện để đưa chúng sinh đến cõi tịnh độ mới của Ngài. Năm lời nguyện sau đây cho chúng ta một khái niệm về tính chất của lời nguyện và cõi tịnh độ của Ngài.

– Trong lời nguyện thứ nhất, Dharmakara nguyện sẽ không thành Phật nếu có chúng sinh nào tái sinh vào cõi tịnh độ của Ngài mà phải chịu những đau khổ của những cõi A Tu La, Súc Sinh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. Vì vậy, chẳng hạn như từ giây phút một chúng sinh ở cõi Địa Ngục được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc, tất cả những sự khổ đau của người đó như là một chúng sinh của cõi Địa Ngục sẽ chấm dứt và người đó sẽ trở thành một chúng sinh hạnh phúc của cõi tịnh độ. (Chúng ta hãy nhớ rằng sự khác nhau giữa một chúng sinh ở các cõi thấp và một chúng sinh ở cõi tịnh độ là ở chỗ họ nhìn thấy và cảm nhận như thế nào, những đối tượng khởi sinh trong tâm thức của họ.)

– Trong lời nguyện thứ hai, Ngài nguyện sẽ không thành Phật trừ khi mọi chúng sinh sinh ra trong cõi tịnh độ của Ngài sẽ không bao giờ phải tái sinh trở lại trong một cõi thấp.

– Trong lời nguyện thứ tư, Ngài nguyện sẽ không thành Phật nếu chúng sinh sinh ra trong cõi tịnh độ của Ngài có những tính cách khác với những tính cách trong cõi Người và cõi chư Thiên. Ngài muốn cõi tịnh độ của Ngài hoàn toàn thanh tịnh nhưng cũng có những phẩm tính tương tự như những phẩm tính của cõi Người và cõi chư Thiên.

– Trong lời nguyện thứ 19 của Ngài, Ngài nguyện sẽ không thành Phật cho đến khi nào mọi người có mong ước được tái sinh trong cõi tịnh độ của Ngài, đã thực hành việc niệm danh hiệu Ngài và hồi hướng công đức cho việc đó đều được tái sinh vào cõi tịnh độ. “Cầu cho mọi chúng sinh được như vậy. Cho dù một người nào đó chỉ lặp đi lặp lại 10 ý tưởng muốn tái sinh trong cõi tịnh độ của ta, miễn là người đó không phạm tội vào trong “năm đại tội” (ngũ nghịch) Hoặc là chối bỏ Chánh pháp”. Những điều kiện này không phải do Đức Phật đặt ra; nếu chúng sinh không sẵn sàng để giải thoát thì Đức Phật không thể ép buộc họ giải thoát được.

– Trong lời nguyện thứ 30, Ngài nguyện sẽ không thành Phật cho đến khi nào chúng sinh trong cõi tịnh độ tương lai của Ngài không những không còn chịu đau khổ nữa mà còn có được những phẩm chất như trí tuệ và lòng tin vô biên.

Những lời nguyện đầy lòng từ bi của Đức Phật A Di Đà quả thật rất mạnh mẽ. Nhưng chỉ những lời nguyện không mà thôi thì cũng không giúp chúng ta tái sinh vào cõi tịnh độ được. Về phía mình, chúng ta cũng phải có nỗ lực của chính mình. Chúng ta phải chắc chắn là không làm gì để chặn mất cơ may của chúng ta, thí dụ như phạm phải một trong năm “đại tội” hay chối bỏ Chánh pháp và chúng ta phải mở ra con đường để đi đến cõi tịnh độ với “bốn nguyên nhân” để được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc.

☀️ Sức Mạnh Của Danh Hiệu Đức Phật

Đức Phật A Di Đà đã nguyện dẫn dắt bất kỳ ai niệm danh hiệu Ngài đến cõi tịnh độ của Ngài. Danh hiệu của Ngài trở thành cái cửa sổ, qua đó chúng ta có thể nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài.

Phật giáo Đại thừa dạy chúng ta nhận thức mọi sự như là sắc tướng, âm thanh và trải nghiệm của giác ngộ. Nhưng để đạt được mục đích này, chúng ta phải tiến nhập qua một cửa ngõ cụ thể nào đó – có thể là một hình ảnh Phật, một cảm giác an bình, hay là một âm thanh với phẩm tính tích cực. Một trong những cửa ngõ như thế là danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, vốn đã được Ngài ban phước để giúp chúng ta đến được với Ngài và để Ngài đến được với chúng ta.

Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà chính là sự hiện diện trí tuệ, tình thương và quyền năng của Ngài. Ngay giây phút chúng ta có ý thức về danh hiệu của Ngài thì Ngài liền ở trong chúng ta và ở cùng chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta tập trung và hợp nhất với danh hiệu của Ngài một cách sâu sắc và với lòng sùng kính, thì chúng ta họ hưởng được vô vàn những phẩm tính làm cho con người giác ngộ. Lòng sùng kính và tin tưởng nơi Đức Phật sẽ tự nhiên nở rộ. Ngay sau đó, chúng ta sẽ thấy không có chỗ cho những trạng thái tâm lý tiêu cực hay những cảm xúc phiền não như tham, sân, si và ganh ghét. Khi con người chúng ta chứa đầy năng lực ban ơn phước của Đức Phật, chúng ta sẽ phục vụ tha nhân một cách tự nhiên. Những gì chúng ta thấy, nghe và cảm nhận khởi sinh như sự hiện diện của Ngài. Tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài là bước kế tiếp tự nhiên, và việc đạt được quả vị Phật, mục đích cuối cùng của chúng ta, sẽ ở trong tầm tay.

Nếu danh hiệu đã được ban ơn phước đó trở thành tư tưởng và hơi thở của chúng ta với lòng sùng kính và tán dương thì ngay cả trong lúc chúng ta đang nhận thức những hình ảnh, âm thanh hay tình cảm bình thường – cho dù chúng ta đang sống, sắp chết hay đang ở trong thân trung ấm – chúng ta cũng sẽ được liên hệ với Đức Phật qua danh hiệu của Ngài.

Hiệu quả sẽ đặc biệt mạnh mẽ nếu chúng ta có thể niệm danh hiệu và cầu nguyện Đức Phật bằng ngôn ngữ gốc (Phạn ngữ) Hoặc bằng một ngôn ngữ đã được ban phước lành. Nhưng nếu cầu nguyện bằng ngôn ngữ của chính bạn mang lại cảm hứng cho bạn nhiều hơn thì nên dùng ngôn ngữ của bạn, bởi vì điều quan trọng là mở tâm của mình ra với lòng sùng kính và phát triển lòng tin.

Chúng ta nên niệm danh hiệu đã được ban phước của Đức Phật Vô Lượng Quang càng nhiều lần càng tốt.

☀️ Cõi Tịnh Độ Như Thế Nào?

Thân thị hiện của cõi Tịnh độ Cực lạc về nhiều mặt tương tự như những phẩm tính cao quý nhất của cõi Người và cõi chư Thiên. Do đó, chúng sinh sinh ra trong cõi tịnh độ này mang thân tướng giống như thân tướng Người và chư Thiên chẳng hạn. Dù cõi Tịnh độ thị hiện có vẻ như là đối tượng của những quan niệm và cảm xúc nhị nguyên, nó tràn đầy sự quảng đại và những phẩm tính tích cực. Nó là miền thiên giới, ở trên trời (không phải ở ngoài đại dương hay trên mặt đất) và đầy những chất liệu quý báu. Nó vận hành trong một trật tự có thứ bậc tôn ti gồm các vị thầy và đệ tử. Mọi chúng sinh sinh ra trong cõi tịnh độ này đều là đệ tử và trong số những đệ tử này có những vị Bồ Tát. Những vị Bồ Tát này đến lượt mình sẽ trở thành thầy của những người khác.

Cõi Tịnh độ Cực lạc giống cõi Người và cõi chư Thiên ở chỗ nó có những cấu trúc có chiều kích, có sự phân biệt kích cỡ, khoảng cách, có thời gian tương đối. Nhưng nó không phải chịu những sự đau khổ của con người như sinh, lão, bệnh, tử. Nó cũng không phải chịu những đau khổ của chư thiên như phải chết hay phải xuống những cõi thấp. Giải thích tại sao cõi tịnh độ này được gọi là cõi Tịnh độ Cực lạc, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Trong cõi Tịnh độ Cực lạc không có sự đau khổ trong thân của chúng sinh. Không có sự đau khổ trong tâm của họ. Có vô lượng nguyên nhân tạo ra hạnh phúc. Vì thế, nó được gọi là cõi Tịnh độ Cực lạc.”

Đất đai trên cõi Tịnh độ Cực lạc mềm mại và bằng phẳng giống như lòng bàn tay của một người trẻ tuổi. Nó bao la, trẻ trung, tươi mát, dịu dàng và êm ái, không có gai, sỏi đá hay đường dốc. Nó tĩnh lặng, yên bình, hỷ lạc và thanh khiết. Nó được làm bằng bảy loại chất liệu quý báu và được tô điểm với những thiết kế bằng vàng, không có một dấu vết gì của sự thô thiển, xù xì, dơ bẩn, tối tăm hoặc hư thối. Nó rực rỡ, nhiều màu sắc và phát ra những tia sáng. Trong cõi tịnh độ này, vô số những cõi tịnh độ Phật khác hiện ra như những hình phản chiếu trên mặt một tấm gương soi trong trẻo. Người ta có thể nhìn thấy những cõi tịnh độ được phản chiếu này giống như người ta đang xem các lục địa khác trên một cái tivi trong phòng khách.

Cõi tịnh độ này không có những ngọn núi bình thường, tối tăm, nhưng nó được tô điểm bằng nhiều loại núi ngọc quý báu, bằng phẳng, có đỉnh cao đến thấp. Ở nơi này nơi kia, có những ngọn núi được tô điểm bằng những đống ngọc quý, những mỏ châu báu, những hang động chứa đồ kim hoàn quý giá và những ngôi nhà có những dây leo trang nhã.

Cây cối vô cùng đẹp đẽ với nhiều màu sắc tô điểm thêm cho cảnh trí của cõi tịnh độ. Có những cây được làm bằng một, hay hoặc ba chất liệu quý. Một số cây khác được làm bằng bảy chất liệu quý: rễ bằng vàng, thân bằng bạc, cành bằng lam ngọc, lá bằng pha lê, cánh hoa bằng cac-nê-li-an, hoa bằng ngọc trai và lá quả bằng hồng ngọc. Những cây này mềm mại, sờ vào thấy rất êm ái, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp mọi nơi. Trong những làn gió nhẹ thổi qua, người ta có thể nghe được những âm thanh êm dịu.

Cõi tịnh độ này đẹp đẽ còn nhờ những chuỗi ao, hồ và sông sâu và rộng. Chúng sinh vui chơi thoải mái ở những nơi đó. Có những bậc thềm bằng đá quý dẫn xuống ao hồ trong xanh tinh khiết. Mặt đất được làm bằng ngọc ngà châu báu và có lớp cát bằng vàng phủ lên trên. Những hồ chứa đầy nước với tám phẩm tính lành mạnh: trong trẻo, mát mẻ, nhẹ nhàng, xinh đẹp, mềm mại, tinh khiết, tốt cho cổ họng và bao tử. Những hoa sen vô cùng xinh đẹp trôi bồng bềnh trên mặt nước tỏa hương thơm ngát tuyệt vời.

Nhiệt độ của nước thay đổi theo ý bạn muốn. Tiếng nước sông chảy nghe như âm thanh của hàng trăm ngàn bản hòa tấu mà ngay cả nhạc trên thiên đàng cũng không sánh kịp. Trên những bờ sông và bờ hồ là những vườn cây thơm ngát. Những dòng sông ngân vang những lời giảng pháp theo yêu cầu của bạn.

Vô vàn chim chóc cho Đức Phật hóa hiện sống trong cõi tịnh độ này. Giống như những ngọn núi, những bông hoa và những nét đặc trưng khác của cõi tịnh độ, chim chóc đều là sắc tướng hóa hiện của Đức Phật và chính là Đức Phật . Vì vậy, chúng là một nguồn an bình, hỷ lạc, trí tuệ và giác ngộ, không phải là những nguồn tham, sân, si và bám chấp. Giống như một người trong một cõi bình thường nghe tiếng chim hót bình thường, ở cõi tịnh độ này bạn sẽ được nghe tiếng chim hót những âm thanh cực lạc và Giáo pháp. Tuy nhiên, nếu bạn thích sự im lặng thì bạn sẽ chỉ nghe âm thanh của im lặng.

Tất cả những bông hoa đều được làm bằng những chất liệu quý với màu sắc khác nhau. Chúng lớn bằng nửa, một, hoặc mười do tuần. Có vô số tia sáng vàng phát ra từ mỗi đóa hoa. Trên mọi tia sáng đó có vô số chư Phật hiện ra. Sự xuất hiện của chư Phật tràn ngập vô lượng hệ thống thế giới, tuyên thuyết tiếng rền vang của giáo lý đến tay của mọi chúng sinh đang đón nghe.

Các đệ tử trong cõi tịnh độ không sống bằng những thức ăn thô thiển. Nhưng nếu họ muốn, bất cứ cao lương mỹ vị gì mà họ thích đều sẽ hiện ra trước mắt họ và làm họ thỏa mãn mà không cần phải ăn. Tương tự như thế, bất kỳ thứ gì mà họ muốn – trầm hương, dầu thơm, lọng, phướn, nhạc cụ, quần áo hay đồ trang sức – sẽ hiện ra trước mắt họ như họ mong muốn. Nhưng những thứ này sẽ không xuất hiện trước mặt những người không muốn có chúng.

Đối với những người muốn có lâu đài, sẽ có những lâu đài nhiều tầng, nhiều vòm xây bằng những vật liệu quý báo hiện ra trước mặt họ: đầy cả ghế, giường quý vô giá, những vật trang hoàn tuyệt mĩ và những kiểu trang trí lạ lùng. Mỗi lâu đài như vậy có hàng ngàn chúng sinh cõi trời phục vụ âm nhạc và những thú tiêu khiển vô giới hạn. Các đệ tử cùng nhau đi qua bầu trời với những lâu đài, vườn, rừng, sông, hồ tuyệt diệu của họ. Mỗi sáng, trưa, chiều, tối, nửa đêm và rạng sáng, những làn gió nhẹ từ bốn phương thổi đến với mọi người. Gió làm hoa thơm trên cây rụng xuống như mưa và phủ đầy mặt đất với những bông hoa mềm như lụa. Khi những cơn gió nhẹ thơm tho chạm vào bạn, bạn cảm thấy hỷ lạc giống như bạn đang nhập thiền. Chẳng bao lâu những đóa hoa cũ trên mặt đất biến mất và thay vào đó là những đóa hoa mới. Thỉnh thoảng những cơn mưa rào thơm tho rải xuống hoa và đồ trang trí từ trên trời xuống, kèm theo là âm nhạc và những vũ điệu do chúng sinh trên thiên giới biểu diễn.

Trong cõi tịnh độ, mọi sắc tướng, âm thanh và cảm giác đều là hình ảnh, âm thanh và trải nghiệm của Giáo pháp. Điều này không có nghĩa là những sắc tướng trở thành hình ảnh Phật hoặc âm thanh trở thành những lời trong Kinh văn của Phật , nhưng nói đúng hơn, mọi thứ đều là nguồn hay và sự hiện diện của an bình, hỷ lạc và giác ngộ.

Ngay ở trung tâm của cõi tịnh độ phong phú này có Cây Giác Ngộ. Cây này cao đến 600.000 do tuần. Cây được tô điểm bằng những lá, hoa, trái đẹp tuyệt vời, những viên đá quý và những vòng hoa bằng vàng. Khi gió chạm vào, chúng phát ra những âm thanh mê hồn có thể nghe thấy được trong nhiều hệ thống thế giới. Những ai nghe, thấy hay ngửi được Cây Giác Ngộ – hoặc là những ai nếm được trái, chạm vào được ánh sáng của nó hoặc là nghĩ tưởng về nó trong tâm – sẽ không bị những quan niệm dao động và những cảm xúc phiền não.

Kích cỡ và hình dáng của Cây Giác Ngộ được miêu tả ở đây theo cách người bình thường có thể nhìn thấy nó, nhưng trên thực tế các cây này không thể tưởng tượng được. Dưới gốc cây có một đài sen khổng lồ. Đây là nơi Đức Phật Vô Lượng Quang ngồi và từ đây Ngài thuyết giảng và giải thoát cho mọi chúng sinh.

☀️ Đức Phật Vô Lượng Quang Và Các Đệ Tử Của Ngài.

Cũng giống như Ngọn núi Vua vượt lên cao hơn hẳn các đỉnh núi khác, Đức Phật A Di Đà cũng vậy, với sự hiện diện hùng vĩ của Ngài, Ngài vượt lên trên tất cả. Thân của Ngài thanh tịnh và không uế nhiễm, tô điểm bởi 32 tướng tốt và 80 nét đẹp của một bậc siêu phàm. Thân Ngài thanh tịnh và bao la như bầu trời. Nó sáng rực rỡ với thứ ánh sáng không thể nghĩ tưởng, soi sáng vô lượng cõi tịnh độ trong mười phương. Ánh sáng của Ngài là đức hạnh, chứng ngộ và trí tuệ. Ánh sáng rực rỡ này, đẹp đẽ, tinh khôi, và trong như pha lê kích thích thân và tâm của bất kỳ ai chạm đến nó với hạnh phúc, trí tuệ và niềm hỷ lạc tột cùng. Do vậy, Ngài được gọi là Đức Phật Vô Lượng Quang. Vì tuổi thọ của Ngài là vô lượng nên Ngài cũng được gọi là Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Lời nói của Ngài không ngừng mang đến những giai điệu của Giáo pháp. Tâm giác ngộ của Ngài là một đại dương của an bình bao la và trí tuệ sâu sắc. Ngài thông hiểu mọi vấn đề nhớ trí tuệ toàn năng vô hạn của Ngài. Tâm của Ngài tràn ngập tình yêu thương và lòng từ bi đối với mọi người đau khổ, giống như tâm của một bà mẹ đối với đứa con duy nhất của mình. Với lòng tin cao quý, Ngài làm cho tâm mọi người hoan hỉ và thỏa mãn mọi nhu cầu của họ với dòng chảy liên tục của giáo lý giống như thức ăn của thần thánh không bao giờ cạn kiệt. Với lòng tận hiến mãnh liệt, Ngài chia sẻ với mọi người sự chứng đạt cao siêu giống như nước cam lồ của Ngài. Giống như người chăn đàn gia súc, Ngài bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn dẫn đường cho một hội chúng đệ tử bao la như biển cả.

Trong cõi tịnh độ của Ngài, Đức Phật Vô Lượng Quang điều khiển vô lượng đệ tử. Họ bao gồm những người đi tìm giác ngộ cho chính mình (Phạn: Shravaka Và Pratyeka – Buddha: Thanh Văn Và Duyên Giác) và những người đi tìm giác ngộ cho người khác (Phạn: Bodhisattva, nghĩa là Bồ Tát). Trong số các vị Bồ Tát, trước hết phải kể đến tám vị sau đây: Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta), Văn Thù (Manjushr), Địa Tạng (Kshitigarbha), Trừ Cái Chướng (Sarvanivaranaviskambini), Hư Không Tạng (Akashagarbha), Di Lặc (Maitreya), và Phổ Hiền (Samantabhadra). Tất cả các vị này đều có năm loại khả năng phi thường như sau: (1) Họ có thể đi trong phút chốc qua nhiều hệ thống thế giới để dạy cho những người khác. Mỗi buổi sáng, những đệ tử này đi đến vô số những cõi tịnh độ khác, đánh lễ chư Phật ở những nơi đó và nghe giảng giáo lý trước khi họ trở lại cõi Tịnh độ Cực lạc. (2) Họ có khả năng nhớ lại những sự kiện xảy ra từ những kỷ nguyên trước với mục đích học hỏi và giảng dạy. (3) Thiên nhãn của họ cho phép nhìn vào nhiều hệ thống thế giới để có thể nhận ra những chúng sinh mà Bồ Tát có thể giúp đỡ. (4) Những đôi tai tuyệt diệu của họ có thể nghe giáo lý của nhiều vị Phật cũng như lời cầu nguyện của nhiều chúng sinh. (5) Hiểu trạng thái tâm thức của chúng sinh trong nhiều cõi để có thể phục vụ những chúng sinh này thích hợp. Bằng những năng lực diệu kỳ này, các vị Bồ Tát đem đến niềm vui và nhiều lợi lạc cho vô lượng chúng sinh trong nhiều hệ thống thế giới.

Không phải mọi chúng sinh sinh trong cõi Tịnh độ Cực lạc đều có được những năng lực như thế này. Đó là bởi vì họ còn hoài nghi về việc tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc hay là còn thiếu niềm tin hoàn toàn vào quyền năng của Đức Phật Vô Lượng Quang và những lời nguyện của Ngài.

Những chúng sinh khác tái sinh vào cõi tịnh độ này có thể nằm trong lòng của một đóa sen trong 500 năm và trong suốt thời gian đó không nhìn thấy ngay cả Đức Phật. Họ sẽ thọ hưởng được an bình và hạnh phúc trong đóa hoa tinh khiết, nhưng vì họ còn có những điều hoài nghi nên đóa hoa vẫn khép kín và họ không nhìn thấy cõi tịnh độ và Đức Phật.

Không phải mọi đệ tử trong cõi tịnh độ này đều là những vị Bồ Tát của giai đoạn thứ mười (thập địa Bồ Tát) hay giai đoạn cao nhất của những người đi tìm giác ngộ vì người khác, nhưng đối với mọi đệ tử, đây sẽ là đời cuối cùng của họ trước khi đạt được Phật quả bởi vì mọi người ở đây đều sẽ được giác ngộ nhờ vào nguyện lực của Đức Phật – trừ khi họ không muốn.

Không có đệ tử nào sống cuộc sống của người có gia đình với vợ chồng con cái, vì tất cả đều không bị ràng buộc vào những đối tượng nhục dục. Không có ai đi chệch khỏi những giới luật về tinh thần, cảm xúc và vật chất, vì một đời sống như vậy là tất yếu của cõi tịnh độ. Chúng sinh trong cõi Tịnh độ Cực lạc đều tinh tế hơn những chúng sinh trong cõi trần tục về mặt tinh thần, cảm xúc và vật chất. Thậm chí đối với họ không còn có sự phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, theo một số Kinh văn và những giáo lý về cõi Tịnh độ Cực lạc, mặc dù không có đàn ông và phụ nữ bình thường trong số những chúng sinh đã tái sinh vào cõi tịnh độ nhưng vẫn có những vị thần thánh nam và nữ do Đức Phật Vô Lượng Quang biến hóa để phục vụ chúng sinh.

Không có chuyện sinh bằng tử cung vì mọi người đều được sinh ra bằng sự sinh kỳ diệu trong những đóa hoa to lớn, rực rỡ, thơm tho, quý báu. Không có ai thải ra nước tiểu, phân đờm nhớt vì chúng sinh ở đây không có thân thô thiển và không ăn thức ăn phàm tục.
Đức Phật đã dạy:

Trong cõi tịnh độ của Đức Phật Vô Lượng Quang,
Vì mọi người đều thưởng thức ăn của thiền định
Nên thậm chí tên của thức ăn [ bình thường] cũng không có.

Mọi người đều có một nước da thanh khiết giống như vàng rồng. Thân của mọi đệ tử trong cõi tịnh độ đều mạnh mẽ và đầy uy lực, phô bày 32 tướng của những chúng sanh xuất chúng. Ánh sáng trí tuệ của thân họ thắp sáng toàn bộ không gian.
Đức Phật dạy:

Trong cõi tịnh độ của Đức Phật Vô Lượng Quang
Ánh sáng trí tuệ của các bậc cao quý luôn tỏa sang.
Không có bóng tối,
Và không có khác biệt giữa ngày và đêm.

Tâm của họ an bình và họ có đầy niềm tin và trí tuệ. Họ được hỷ lạc vì những gì họ thọ hưởng thì họ được họ hưởng một cách tự nhiên, không bán chấp, không thèm khát và không phiền não. Ngay cả những người chưa vượt được lên trên sự đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ vẫn thường xuyên được hỷ lạc nhờ vào sức mạnh của cõi tịnh độ. Không ai phải chịu bệnh tật và tuổi già. Tuổi thọ là vô tận nhờ vào sức mạnh của công đức. Ngay khi họ được tái sinh vào cõi tịnh độ, tất cả những trải nghiệm đau khổ sẽ chấm dứt vì trong cõi tịnh độ không có cảm giác đau khổ.

☀️ Tái Sinh Vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc

Những sự miêu tả này về cõi Tịnh độ Cực lạc chỉ là một cái nhìn phiến diện về những phẩm tính phong phú không thể tưởng tượng được của cõi tịnh độ. Trên thực tế, ngay cả thiên nhãn cũng không thể nhìn thấy hết những phẩm tính vốn vô tận này, và ngay cả chư Phật cũng không thể giải thích tất cả được vì sự bất lực của ngôn từ.

Theo Kinh Phật, lời nguyện của Đức Phật Vô Lượng Quang có uy lực đến nỗi nếu bạn nhớ đến Ngài, bạn sẽ không những chỉ được tái sinh vào cõi tịnh độ của Ngài mà thôi, mà còn nhìn thấy được bản thân Ngài trong đời sống cũng như trong những giấc mơ và trong những ảo cảnh. Vào lúc bạn chết, Đức Phật Vô Lượng Quang sẽ hiện ra trước mặt bạn giữa vô số đệ tử. Đặc biệt là nếu bạn nhớ đến Đức Phật và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài khi bạn ở trong trung ấm, kí ức đó sẽ khiến bạn được tái sinh trong cõi tịnh độ của Ngài. Đó là bởi vì trong trung ấm, việc thay đổi hoàn cảnh được dễ dàng hơn.

Để được tái sinh vào cõi tịnh độ, bạn không cần phải đạt chứng ngộ cao trong thiền định. Nhờ ở nguyện lực của Đức Phật, điều bạn cần làm là phải thực hành “bốn nguyên nhân” để mở tâm mình làm cho nó dễ đón nhận một khả năng như thế. Điều kiện duy nhất là bạn không được phạm tội nào trong năm đại tội hoặc là chối bỏ Giáo pháp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy về bốn nguyên nhân như sau:

“Này A Nan Đà. Có những người (1) liên tục nghĩ về Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài. (2) Họ tạo ra vô lượng công đức. (3) Họ phát triển tâm giác ngộ (bồ đề tâm). (4) Họ hồi hướng công đức của họ và lập ước nguyện được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc. Khi họ chết… Họ sẽ tái sinh vào vũ trụ của cõi Tịnh độ Cực lạc”.

Bằng cách nuôi dưỡng lòng sùng mộ và nghĩ tưởng đến Đức Phật Vô Lượng Quang, chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc kỳ diệu của Ngài, một vũ trụ an bình, vĩnh cửu, hỷ lạc tuyệt vời, và trở thành một nguồn thanh thản và mãn nguyện cho người khác. Cơ hội kỳ diệu này là lời hứa hẹn của Đức Phật Vô Lượng Quang dành cho mỗi chúng ta. Sự chân thật của lời hứa này đã được chính Đức Phật lịch sử nói rõ. Đó là con đường đã được thử thách mà các nhà hiền triết và tín đồ Phật giáo xưa nay đã đi qua.

Một số Phật tử tự xem mình là “phi hữu thần” có thể cho rằng cõi Tịnh độ Cực lạc chỉ để dành cho những người mộ đạo có một cách tiếp cận có tính hữu thần hơn. Tuy nhiên, chúng ta hãy lấy Long Thọ (Nargajuna) làm thí dụ. Ngài là người đề xướng quan trọng nhất của chủ thuyết tính Không của Phật giáo Đại thừa, một trường phái phi hữu thần vốn bác bỏ những cực đoan hiện hữu, phi hiện hữu. Nhưng chính Đức Phật lịch sử đã có lời tiên tri rằng “một vị tăng tên là Naga[rjiuna]…sẽ tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc khi rời khỏi thân xác mình”. Vì vậy, nếu bị thầy quan trọng bậc nhất của trường phái phi hữu thần lớn nhất của Phật giáo sẽ thọ tái sinh vào cõi tịnh độ thì bất kỳ tín đồ nào của Phật giáo, hữu thần hay không, đều có thể ước nguyện sinh vào cõi đó.

Để có thể làm cho việc tái sinh vào cõi tịnh độ được thuận lợi hơn, điều quan trọng đối với người sắp chết là phải có một hệ thống hỗ trợ ở trong và chung quanh họ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIÊN ĐƯỜNG LÀ MỘT TOÀN ẢNH
  2. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH: TRẬT TỰ CUỘN LẠI VÀ CÁC THỰC TẠI MỞ RA
  3. NHẬT KÝ KRISHNAMURTI _ SỐNG, CHẾT VÀ TÌNH YÊU

Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT
  3. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP